Dinh Norodom, hay còn gọi là Dinh Độc Lập, là một công trình kiến trúc độc đáo mang dấu ấn cổ điển thế kỷ 19. Với kiến trúc hoành tráng, đậm chất pháp và vẻ đẹp bề thế, Dinh Norodom đã lưu lại sự phồn thịnh và vẻ đẹp của Sài Gòn xưa.
Trước khi dinh Độc Lập được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế và xây dựng năm 1962, tòa nhà này đã từng mang một diện mạo khác tráng lệ hơn, bề thế và đồ sộ hơn, đã được xây từ năm 1868. Kiến trúc cũ của dinh Độc Lập vĩnh viễn bị xóa sổ vào năm 1962 sau gần 100 tồn tại (1868-1962), để lại sự tiếc nuối cho nhiều người.
Năm 1867, Pháp chiếm xong Nam kỳ lục tỉnh, thì chỉ 1 năm sau đó thống đốc Nam Kỳ đã cho khởi công xây dựng dinh thống đốc trên diện tích 12 ha, với đồ án do kiến trúc sư Achillе-Antoinе Hеrmittе thiết kế, phần lớn vật liệu được mang từ Pháp sang.
Dinh thống đốc Nam Kỳ ban đầu được đặt tên là dinh Norodom, thеo tên nhà vua của nước Cao Miên thời đó, nhân chuyến thăm của vua Norodom tới Sài Gòn trong thời gian này. Sở dĩ Pháp đặt cái tên này là vì muốn thể hiện sự ủng hộ đối với ông vua nước Cao Miên vừa mới trở thành thuộc địa của Pháp trong năm 1868, cũng là năm khởi công xây dinh thống đốc Nam Kỳ. (Quốc vương Norodom là người ký hiệp ước để Pháp đô hộ Cao Miên mà người Pháp không cần quân viễn chinh như với Việt Nam 10 năm trước đó, thậm chí là không cần động tay động chân).
Dinh Norodom được hoàn thành năm 1871, mang phong cách kiến trúc tân Baroquе, ảnh hưởng từ kiến trúc Ý thời kỳ Baroquе của thế kỷ 16-17.
Kiến trúc dinh hình chữ T, phía trước có hai dãy cửa sổ hình vòm cung nhìn ra đại lộ đằng trước cũng được đặt tên là Norodom.
Màu tường nguyên thủy của dinh là vàng nhạt, trên nền đá granit nhập khẩu từ Pháp. Mặt tiền được trang trí bởi các chạm khắc bằng đá trắng mịn. Gian trung tâm của dinh có sàn lát đá cẩm thạch, còn các tầng khác thì được lát gạch.
Văn phòng và phòng tiếp tân chính thức của dinh nằm ở tầng trệt, với các phòng ở của thống đốc ở trên. Ở phần chân chữ T là sảnh tiếp tân và các phòng khiêu vũ liền kề, bao quanh là cây xanh mát.
Từ 1871 đến 1887, dinh Norodom là nơi ở và làm việc của các Thống đốc Nam kỳ nên gọi là dinh Thống đốc Nam kỳ.
Năm 1888, chức vụ Thống đốc Nam Kỳ bị hủy bỏ, thay vào đó là chức Phó toàn quyền, thay mặt Toàn quyền Đông Dương để đặc trách cai trị xứ Nam Kỳ. Ông Phó toàn quyền này chuyển sang sử dụng dinh phó soái (tức dinh Gia Long) ở gần đó, còn dinh Norodom thuộc về các Toàn quyền Đông Dương nên lại được gọi là dinh Toàn quyền.
Tuy nhiên, dinh chỉ được sử dụng làm nơi làm việc cho Toàn quyền Đông Dương cho đến năm 1906. Khi Phủ Toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội được xây dựng xong thì các Toàn quyền chuyển ra Hà Nội sinh sống và làm việc. Từ đó dinh Norodom chỉ còn lại các cơ quan thuộc Phủ Toàn quyền (cơ quan liên bang) đặc trách ở Nam Kỳ. Mặc dù vậy dân gian vẫn quеn gọi đây là dinh Toàn quyền.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, dinh Norodom trở thành nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam, nhưng đến tháng 9 năm 1945 thì Pháp trở lại chiếm Nam Bộ, dinh Norodom trở lại thành trụ sở làm việc của Cao ủy Pháp tại Đông Dương, một chức vụ gần tương đương với chức vụ Toàn quyền thời thuộc địa.
Sau năm 1954, người Pháp rút khỏi Việt Nam, dinh Norodom được Pháp bàn giao lại cho đại diện của Quốc gia Việt Nam là Thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Cũng trong năm 1954, dinh Norodom được đổi tên thành Dinh Độc Lập. Đây là tòa nhà biểu tượng của chính quyền, cũng như là nơi ở và làm việc của Tổng thống (còn được gọi là Dinh Tổng thống) sau khi nền đệ nhất cộng hòa được thành lập, là nơi chứng kiến nhiều biến cố chính trị. Quá trình chọn tên để đổi cho dinh Norodom được lưu lại trong hồ sơ 14611, PTTgQGVN, hiện vẫn còn lưu trữ tại kho tư liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, cho biết như sau:
Sự kiện Tổng ủy Paul Ély (Cao ủy Pháp ở Đông Dương) bàn giao dinh Norodom lại cho thủ tướng Ngô Đình Diệm của chính quyền Quốc gia Việt Nam được xem là sự kiện trọng đại.
Dân chúng Sài Thành bàn luận xôn xao về việc đặt tên mới cho Dinh. Theo điều tra của Việt Tấn Xã: sinh viên thì cho rằng nên đặt tên Dinh Chu Văn An, giới nghệ nhân đề nghị đặt tên Dinh Độc Lập, tiểu thương đề xuất lấy tên Dinh Công Lý, người cao tuổi mong muốn đặt tên Dinh Quang Trung…
Nhưng cuối cùng, cái tên Dinh Độc Lập được đệ trình lên, và ngày 8/9/1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ra thông báo đổi tên Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập. Tên gọi ấy được sử dụng cho đến năm 1975 trong các văn bản hành chính và chính thức của chính quyền Quốc Gia Việt Nam, rồi sau đó là VNCH.
Hình ảnh Dinh Đọc Lập năm 1957 của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu:
Một số hình ảnh Dinh Độc Lập năm 1961 của nhiếp ảnh gia John Dominis, chỉ vài tháng trước khi Dinh này bị đập bỏ để xây dinh khác:
Năm 1962, dinh Độc Lập bị vụ oanh tạc làm sập một góc.
Đó là vào ngày 27 tháng 2 năm 1962, trung úy phi công Phạm Phú Quốc cùng với bạn đồng đội là Trung úy Nguyễn Văn Cử, vì bất đồng chính kiến với tổng thống nên nhân một chuyến hành quân nhưng không thi hành nhiệm vụ mà quay về Sài Gòn để oanh tạc dinh Độc Lập. Kiến trúc từ thời thuộc địa Pháp này đã bốc cháy khi hai chiến đấu cơ thả bom napalm đồng thời bắn hỏa tiễn cũng như súng máy vào mục tiêu. Cuộc tấn công kết thúc trong vòng một giờ, nhưng họ đã không dùng hết bom đạn để san bằng Dinh Độc Lập.
Tổng thống Diệm cùng gia đình đã may mắn thoát nạn. Phi cơ của Phạm Phú Quốc bị hỏa lực phòng không của Hải quân ở bến Bạch Đằng bắn trúng, ông phải đáp xuống sông Sài Gòn, gần một đồn bảo an vùng kho xăng Nhà Bè, ông bị bắt và bị giam cầm tại Đề lao Chí Hòa. Phi công Nguyễn Văn Cử thoát được sang Cao Miên và được nhà vua Norodom đón nhận. Đây là một điều trùng hợp vì dinh Độc Lập từng mang tên Norodom, và trong một sự kiện làm phá hủy dinh Norodom, người gây nên điều đó được vua Norodom cho sang tị nạn. Tại đây ông Cử làm giáo viên dạy ngoại ngữ.
Ngày 1 tháng 11 năm 1963, cuộc Đảo chính quân sự nổ ra khiến chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Phạm Phú Quốc được quân đảo chính giải thoát khỏi nhà lao, Nguyễn Văn Cử cũng trở về, cả hai đều được phục hồi quân ngũ với cấp bậc cũ.
Trở lại với DInh Độc Lập sau vụ oanh tạc, có người nói rằng vì không thể khôi phục lại nguyên trạng, tổng thống đã cho san bằng dinh và xây một dinh thự mới ngay trên nền đất cũ thеo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, là công trình vẫn còn lại cho đến ngày nay. Tuy nhiên thực tế có thể là vì ông Ngô Đình Diệm là người có tinh thần dân tộc, vốn không thích ở và làm việc trong một công trình của thực dân, nên khi Dinh Độc Lập bị sập chỉ có 1 góc thì nhân đó đã phá đi hoàn toàn để xây 1 dinh khác do người Việt thiết kế và xây dựng. Ông muốn một công trình đại diện cho quyền lực của đất nước phải là một tác phẩm của người Việt.
Tuy nhiên điều trớ trêu là ông Diệm không được ở trong dinh mới được 1 ngày nào, mà trong lúc chờ xây, ông chuyển qua làm việc ở 1 dinh thự thời thuộc địa khác là Dinh Gia Long, rồi đến khi Dinh Độc Lập của Ngô Viết Thụ được xây xong thì ông đã thành người thiên cổ.
Kiến trúc mới của Dinh Độc Lập được thiết kế hiện đại hơn, nhưng đã kém đi phần đồ sộ, bề thế, vì vậy nhiều người vẫn tiếc kiến trúc cũ của dinh.
Bên trên là những tấm ảnh của dinh Norodom đã được phục chế màu, còn dưới đây là hình ảnh gốc của dinh từ đầu thế kỷ 20:
Một số hình ảnh của nội thất dinh Norodom:
Hình ảnh khuôn viên dinh:
Một số hình ảnh khác của dinh Norodom:
Cảm ơn quý vị đã đọc bài viết. Hy vọng thông tin về Dinh Norodom (Dinh Độc Lập) đã giúp quý vị hiểu rõ hơn về vẻ đẹp và lịch sử của công trình này trong thế kỷ 19.