Cách đây hơn 90 năm (1932), Tạp chí Khoa Học đầu tiên của Việt Nam được ra đời nhằm truyền bá kiến thức văn minh của nhân loại, góp phần đả phá dẹp bỏ những hủ lậu, mê tín dị đoan ở nước Đại Nam thuộc Pháp. Chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Khoa Học là ông Nguyễn Công Tiễu, thành viên viện Khảo cứu về Khoa học Đông Dương.
Sau đây là 1 trong những bài viết của tờ Khoa Học, đăng cách đây 90 năm (1934), bàn về vàng mã trong ngày Tết:
Hôm nay là mười tám tháng chạp rồi! Chỉ còn mười hai ngày nữa thì đã tết. Tết nhất đã đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo. Lo gì? – Lo tiền để may quần áo mới, để đóng góp họ hàng, làng nước, để sắm thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, để mua tranh, pháo và nhất là để thửa mũ Thổ công, vàng hoa, nón giấy, nói tóm lại là các đồ mã thờ Tết.
Thấy đồng bào lo về đồ mã tôi lại nghĩ đến một bài của bạn Hữu Sào, đăng ở Khoa Học số 53, ra ngày 1/9/1933. Trong bài ấy tôi chú ý nhất về đoạn này: “Hẳn những người đã biết rằng xe ô tô chạy bằng máy, máy chuyển nhờ dầu xăng, xy lanh, bít tông v.v.. không thể nào rin được việc dùng ô tô giấy. Những người dùng đèn điện cũng vậy, đã biết rằng cái bóng đèn phải hợp vào sức điện thì mới cháy, không thể tin anh thợ mã có tài gì mà làm cho giấy hóa pha lê. Đã không tin mà bị cưỡng bách phải dùng, thiết tưởng thật có hại cho việc thờ cúng tổ tiên, là một việc ta chẳng muốn cho hạng thiếu niên lãnh đạm. Hại vì rằng họ đã biết đồ mã là đồ giả, dùng đồ mã là một việc tin nhảm; thờ cúng tổ tiên là ở lòng thành thực muốn ghi ơn người trước; nếu đem đồ giả dùng vào việc thực, thì sao khỏi có hại”.
Dùng đồ mã đã hại về đường tinh thần lại tổn về đường vật chất; vì nó mà nhiều người phải chạy ngược chạy xuôi, cơm không có đủ ăn, áo không có đủ mặc, thế mà phải lo tiền sắm đồ giấy thì có ngược đời không? Nếu sắm đồ giả mà ông vải được dùng thật, thì cũng cam tâm, nhưng quả là không dùng được. Tôi nói cả quyết như vậy, rồi có người quá tin ở những sự hoang đường bẻ tôi rằng: lấy gì làm bằng cớ mà dám nói cả quyết đồ mã đốt xuống âm phủ không dùng được. Tôi xin trả lời trước và xin hỏi lại rằng: Lấy gì làm bằng cớ mà dám nói đồ mã đốt xuống âm phủ có dùng được. Kẻ nói đi người nói lại, khác nào như thế cưa rơm, âm, dương cách biệt, nào biết đâu là chân lý. Tuy chưa biết đâu là chân lý, nhưng ai cũng trông thấy cái thực sự ở trước mắt mọi người, là đang buổi đồng tiền khó kiếm, cách sinh nhai eo hẹp khắt khe, không có áo mặc rét, không có cơm ăn no, thế mà chẳng lo tiền mua vải, đong gạo, lại phí của sắm đồ mã, đồ giấy, của mồ hôi nước mắt, trong khoảnh khắc thành ra đám tro tàn! Trong cảnh thương tâm ấy, giá mà ông bà, ông vải ta có khôn thiêng chăng nữa, có dùng được đồ mã chăng nữa, cũng phải vì lòng thương con cháu mà về báo mộng cho ta biết rằng đến tết thấy con cháu nheo nhóc chạy tiền sắm mã như thế, các cụ cũng đau lòng lo thay cho con cháu, chứ chẳng mừng đâu. Dù âm, dù dương, lẽ phải vẫn là một, cớ sao ta không theo lẽ phải mà lại cứ thiên về thói dị đoan?
Bạn Hữu Sào có kết luận, ở trong bài “Đồ mã” nói trên rằng: “Người Tầu sinh ra đồ mã nay đã bỏ rồi; ta bắt chước người Tầu sao ta lại vẫn dùng”?
Nay Triều đình Huế đã cải lương việc tế lễ; Nào bỏ tam sinh, nào thôi vàng mã.
Theo gương sáng của Triều đình chúng tôi đã bỏ đồ mã rồi, tết này chỉ xin dùng hương hoa thay vàng mã.
Tác giả: Duy Việt, tạp chí Khoa Học, 2/1934
Xin chân thành cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết. Hy vọng rằng thông tin bạn nhận được sẽ hữu ích và giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc cần thêm thông tin, đừng ngần ngại để lại câu hỏi. Chúc bạn một ngày tốt lành!