Ca khúc “Nỗi Buồn Gác Trọ” của nhạc sĩ Mạnh Phát và cảm xúc sâu lắng trong lời bài hát.

0
36

“Nỗi Buồn Gác Trọ” là một ca khúc buồn và sâu lắng, do nhạc sĩ Mạnh Phát sáng tác, thể hiện câu chuyện buồn trong tình yêu. Bài hát mang đến cho người nghe cảm giác xúc động và nhớ mãi về nỗi đau trong tình yêu và sự chờ đợi không biết bao giờ mới kết thúc.

Nhạc sĩ Mạnh Phát là một trong những tên tuổi tiêu biểu của nhạc vàng trước 1975 với nhiều ca khúc nổi tiếng: Nỗi Buồn Gác Trọ, Dấu Chân Kỷ Niệm, Hoa Nở Về Đêm, Sương Lạnh Chiều Đông… Ngoài bút danh Mạnh Phát, ông còn sáng tác với bút danh Thúc Đăng và Tiến Đạt.

Trước khi là nhạc sĩ nổi tiếng, Mạnh Phát còn là một trong những ca sĩ thời kỳ tiên phong của tân nhạc, ông kết hợp cùng với vợ là Minh Diệu để trở thành đôi song ca Mạnh Phát – Minh Diệu nổi tiếng trên đài phát thanh Pháp Á từ cuối thập niên 1940. Ngoài ra ông cũng được biết đến với vai trò là thầy dạy hát cho danh ca Thanh Tuyền và dạy nhạc cho nhạc sĩ Thanh Phương.

Ông tên đầy đủ là Lê Mạnh Phát, sinh năm 1926 tại Nghệ An. Năm 1940, Mạnh Phát cùng gia đình vào Sài Gòn định cư. Sau khi học xong bậc trung học, ông được mời hát cho hai hãng đĩa Béka và Asia.

Từ cuối năm 1949 đến năm 1955, Mạnh Phát bắt đầu soạn nhạc với bút danh Tiến Đạt và Thúc Đăng. Một số sáng tác của ông giai đoạn này là Ai Về Quê Tôi, Anh Đã Về, Hồn Trai Việt, Mong Người Trở Lại, Trăng Sáng Trong Làng,…

Đầu thập niên 1960, nhạc sĩ Mạnh Phát cùng với một số nhạc sĩ cùng thời khác như Hoàng Thi Thơ, Châu Kỳ, Hoài Linh, Minh Kỳ, Lam Phương, Trúc Phương…, là những nhạc sĩ đầu tiên sáng tác thể loại nhạc vàng đại chúng với các thể điệu bolero, rhumba, habanera… Những ca khúc tiêu biểu nhất của ông trong thể loại này là Hoa Nở Về Đêm, Ngày Xưa Anh Nói, Sương Lạnh Chiều Đông, Phố Vắng Em Rồi, Vọng Gác Đêm Sương,… đặc biệt là Nỗi Buồn Gác Trọ.

Ca khúc Nỗi Buồn Gác Trọ của nhạc sĩ Mạnh Phát, lời của nhạc sĩ Hoài Linh được sáng tác khoảng đầu năm 1960, nổi tiếng qua tiếng hát Phương Dung cả trước và sau năm 1975. Phương Dung đã hát bài này khi cô mới 16 tuổi (năm 1961), sau đó bài hát được đưa vào phim Saigon By Night năm 1962 của hãng phim Alpha (giám đốc Thái Thúc Nha). Từ đó ca khúc này nổi tiếng vang dội khắp miền Nam và làm nên tên tuổi ca sĩ Phương Dung, lúc đó mới 17 tuổi.

Hoàn cảnh sáng tác ca khúc này được ca sĩ Phương Dung kể lại rằng thời đó nhạc sĩ Mạnh Phát có quen biết một anh sinh viên nghèo, ở trọ trong một căn gác nhỏ. Mỗi mùa trôi qua, chàng sinh viên lại thấy một người thiếu nữ trong xóm trọ đi lấy chồng. Dù anh có thầm thương trộm nhớ cô gái nào thì tình cảm đó cũng không thành hoặc chưa kịp thổ lộ thì họ đã lên xe hoa. Nhạc sĩ Mạnh Phát thấu hiểu tâm trạng của chàng thanh niên đó nên tức cảnh sáng tác nên ca khúc Nỗi Buồn Gác Trọ…

Gác lạnh về khuya cơn gió lùa
trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa
nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt
lá vàng nhè nhẹ đưa tưởng như bước lê hè phố


Click để nghe Phương Dung hát Nỗi Buồn Gác Trọ trước 1975

Căn gác là nơi của những người nghèo ở, và nhiều nhạc sĩ thường chọn nơi đây để lồng vào tác phẩm của mình. Trước đây gác xép thường che bằng ván gỗ đơn sơ, có khi gió len vào kẽ vách nhưng căn gác xép, khi đã đi vào văn chương, đã được tác giả thi vị hóa trở thành một nơi ở tuy nghèo mà lãng mạn nên thơ…

Những cơn gió mỗi khuya lùa về, trăng nghiêng bóng sau cửa sổ, hình ảnh “trăng gầy” rất hợp với tâm tư của một người đang lắng nghe tâm tư của chính mình trong đêm sầu lẻ bóng. Ánh đèn hắt hiu vàng vọt càng gợi thêm nỗi nhớ đơn phương, lạc loài như từng chiếc lá vàng khẽ khàng khua trên trên hè phố, tưởng như là bước chân người lữ thứ đang gõ nhịp ngoài xa vắng vọng về.

Có người con gái buông tóc thề.
Thu về e ấp chuyện vu quy.
Kết lên tà áo màu hoa cưới,
Gác trọ buồn đơn côi phố nhỏ vắng thêm một người.

Đó là câu chuyện về người con gái xóm trọ, đến tuổi mới lớn ai cũng thường mơ về chuyện tình yêu đẹp đẽ với người mình thương mến và bắt đầu nỗi niềm “e ấp chuyện vu quy”, về một màu hoa cưới trong ngày vui nhất của cuộc đời. Cô đâu biết rằng đó sẽ là ngày buồn đối với một anh chàng chung xóm trọ, đã bao mùa thu chứng kiến những nàng thiếu nữ lên xe hoa theo chồng. Phố nhỏ vốn đã buồn, mỗi mùa thu về lại càng buồn hơn vì lại vắng thêm một người….

Bâng khuâng gác vắng khêu tim đèn đêm,
Nhớ nhung đi vào quên.
Sông sâu cố nhân ơi đi về đâu?
Gửi hồn chìm vào đôi mắt.
Ái ân chưa tròn để ngàn đời nhớ nhau.

Phố nhỏ đường mưa trơn lối về.
Dâng sầu nhân thế đọng trên mi.
Có ai ngồi đếm mùa nhung nhớ,
Nỗi niềm đầy lại vơi.
Mỗi mùa tiễn đưa một người.

Có lẽ, nếu như ca sĩ Phương Dung không cho biết hoàn cảnh xuất xứ của tác bài này, thì người ta vẫn cứ nghĩ nhân vật nam trong ca khúc thật đào hoa vì có lắm người tình, “mỗi mùa tiễn đưa một người” lên xe hoa. Biết về hoàn cảnh sáng tác, cúng ta mới biết thật ra là tác giả đã viết hộ cho nỗi lòng của một sinh viên nghèo với thân phận là “yêu rất nhiều nhưng chằng nhận được bao nhiêu”. Yêu mà không dám nói nên “nỗi buồn đầy lại vơi” khi các cô nàng lần lượt “kết lên tà áo màu hoa cưới”, cho nỗi nhung nhớ của tình yêu đơn phương mỗi mùa càng chồng chất lên để trở thành Nỗi Buồn Gác Trọ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết này. Bài hát “Nỗi Buồn Gác Trọ” của nhạc sĩ Mạnh Phát thể hiện sự đau lòng và sóng gió trong tình yêu. Lời ca tình cảm, âm nhạc lắng đọng, tạo nên cảm xúc sâu sắc cho người nghe. Điều này đã giúp bài hát trở nên quen thuộc và gần gũi với đông đảo người yêu nhạc.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận