Các trường học danh tiếng ở Sài Gòn xưa: Trường trung học Nguyễn Bá Tòng

0
18

Phần tiếp theo của loạt bài viết về những ngôi trường trung học nổi tiếng của Sài Gòn xưa, lần này xin nói về trường Nguyễn Bá Tòng, được thành lập từ năm 1955 với sự hỗ trợ của cơ quan Caritas Germanica (Đức) và cơ quan NCWC của hội Công giáo Hoa Kỳ.

Trường Nguyễn Bá Tòng xưa nay là trường THPT Bùi Thị Xuân

Ngôi trường này được đặt theo tên của Đức Giám Mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949), là linh mục người Việt đầu tiên được tấn phong giám mục vào năm 1933, và chính thức làm giám mục giáo phận Phát Diệm từ năm 1935. Ngôi trường nằm tại địa chỉ số 73-75 đường Bùi Thị Xuân, ngay giao lộ với đường Bùi Chu (nay là Tôn Thất Tùng).

Dãy nhà đầu tiên của trường là nhà 3 tầng dài 80m, rộng 10m, gồm 25 phòng học, 2 phòng giáo sư, 1 thư viện và 1 số phòng nhỏ dành cho Ban Giám Thị.

Năm 1966 và năm 1968, để đáp ứng số lượng ghi danh học càng ngày càng tăng và cũng để tăng chất lượng giảng dạy, trường Nguyễn Bá Tòng đã xây thêm 2 dãy nhà 4 tầng dài 50m, rộng 10m như trong hình bên dưới

Trường có nhiều cấp lớp, từ đệ Thất đến đệ Nhất đủ các ban A, B, C. Thông tin được ghi nhận trong Kỷ Yếu năm 1963 thì năm này trường do 8 vị Linh mục cùng quản lý, cùng với 160 vị giáo sư, 30 nhân viên văn phòng.

Là một Trường Trung học Tư thục, nhưng trường được đánh gíá cao trong việc giáo dục, uy tín nhất Sài Gòn.

Nhiều nữ ca sĩ nổi tiếng đã từng theo học ở trường Nguyễn Bá Tòng là Mai Hương, Khánh Ly, Ý Lan. Nhạc sĩ Thu Hồ (cha của ca sĩ Mỹ Huyền) cũng từng dạy nhạc ở trường này.

Mặc dù là trường của giáo hội công giáo thành lập, được linh mục quản lý, nhưng trường cũng nhận học sinh ngoài công giáo. Cũng theo Kỷ Yếu Nguyễn Bá Tòng vào năm 1963, trường có 6000 học sinh, trong đó có khoảng 2000 học sinh là con em gia đình công giáo.

Những cột mốc chính của trường Nguyễn Bá Tòng:

– Từ năm 1956-1971, trường Nguyễn Bá Tòng cơ sở Bùi Thị Xuân chia làm 2, một nửa là nam sinh, một nửa là nữ sinh, chung trường nhưng lớp chia riêng nam, nữ.

– Từ năm 1971, trường mở thêm một phân nhánh ở số 4 Hoàng Hoa Thám – Gia Định dành cho cả nam và nữ sinh (thường đọc gọi là Nguyễn Bá Tòng – Gia Định), còn trường Nguyễn Bá Tòng ở Bùi Thị Xuân trở thành trường dành riêng cho nữ sinh.

– Từ năm 1975: trường trở thành trường THPT công lập và mang tên Bùi Thị Xuân (kể từ niên khóa 1977 – 1978) do nhà nước quản lý, được đặt theo tên đường Bùi Thị Xuân, thu nhận cả học sinh nam và nữ.

Những năm sau đó, khuôn viên của trường Nguyễn Bá Tòng bị cắt một phần để làm trụ sở Vietcombank, và cả bệnh viện phụ sản. Trụ sở trường Nguyễn Bá Tòng ở Hoàng Hoa Thám – Gia Định được sáp nhập với trường trung học Hồ Ngọc Cẩn để trở thành trường trung học Hoàng Hoa Thám.

Trường Nguyễn Bá Tòng chi nhánh ở Gia Định

Huy hiệu của trường là hình lá phong đỏ:

Mời các bạn xem một số hình ảnh của trường Nguyễn Bá Tòng xưa:

Một phần của trường Nguyễn Bá Tòng sau năm 1975 trở thành trung tâm Anh Ngữ
Trường Bùi Thị Xuân góc đường Bùi Thị Xuân – Tôn Thất Tùng ngày nay

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến thông tin về các trường trung học danh tiếng ở Sài Gòn xưa. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về Nguyễn Bá Tòng và sự nổi tiếng của các trường trung học tại Sài Gòn thời xưa. Chúc bạn tìm thấy thêm nhiều thông tin bổ ích khác!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận