Vào năm 1958, nghệ sĩ Phùng Há quyên tiền từ các mạnh thường quân, chủ yếu từ quyên góp của trường đua Phú Thọ, rồi cùng với Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế tìm mua một miếng đất ở Gò Vấp dự định xây chùa và làm nơi an nghỉ của những nghệ sĩ cải lương. Tuy nhiên khi mua được mảnh đất 6.080 m² thì lại để bỏ không gần 10 năm vì không có tiền xây chùa.
Năm 1969, bầu Năm Công (Lê Minh Công) thấy đất bỏ không nên quyết định xin Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế cho dựng am để tu hành. 1970, am hoàn thành, lúc đó bầu Năm Công quyết định bán vì không còn tiền trả nợ. Bầu Xuân đồng ý mua lại am với giá tương đương gần 100 cây vàng. Từ đó, am được xây thành chùa và trở thành nơi mai táng của nhiều nghệ sĩ, sau này được gọi là Chùa Nghệ Sĩ (Tên khác là Nhựt Quang Tự, Phật Quang Tự).
Trong khuôn viên chùa có nghĩa trang nghệ sĩ. Nhiều nghệ sĩ có danh tiếng được an táng tại chùa sau khi qua đời, đó là Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Út Trà Ôn, Thanh Nga, Thanh Thanh Hoa, Tấn Tài, Minh Phụng, Lê Công Tuấn Anh… và những soạn giả như: Hoa Phượng, Hà Triều, Thu An
Như vậy, người đầu tiên có sáng kiến xây Chùa Nghệ Sĩ làm nơi yên nghỉ cho các nghệ sĩ là nghệ sĩ Phùng Há cùng với Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế.
Hội này được thành lập từ năm 1948 dưới thời Pháp thuộc, với vai trò là một tổ chức giúp đỡ những nghệ sĩ (thời điểm đó đa phần là nghệ sĩ cải lương) có hoàn cảnh khó khăn. Người đầu tiên có ý định, rồi sau đó đứng ra xin chính quyền thuộc địa để thành lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế là nghệ sĩ Nguyễn Văn Phát, cũng là anh ruột của nhạc sư Vĩnh Bảo.
Theo bài viết của tác giả Lê Đại Anh Kiệt đăng trên báo Người Đô Thị, nhạc sư Vĩnh Bảo cho biết: “Anh trai tôi Nguyễn-văn-Phát là bạn chí thân của ông Arondelle Đô Trưởng thành phố Sài gòn-Chợ lớn (Préfet de la Région Saigon-Cholon) nên khoảng năm 1948 đứng ra xin mảnh đất số 133 đường Mon Seigneur Dumortier (nay là Nhà Truyền Thống Sân Khấu ở số 133 đường Cô Bắc) để lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế.
Ông Võ-đình-Ban (sui gia của ông Nguyễn-văn-Lượng Nhà thuốc Hành Mai) là mạnh thường quân bỏ tiền ra xây cất nhà Hội. Như vậy anh hai tôi Nguyễn-văn-Phát là người sáng lập Hội Nghệ sĩ ái hữu và kiêm luôn chức Hội trưởng, Tổng Thơ ký là nghệ sĩ Nguyễn-thành-Châu thời bấy giờ.
Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế 133 đường Cô Bắc là nơi gặp mặt của nghệ sĩ. Khi nghệ sĩ nào gặp khó khăn thì Hội đứng ra kêu gọi hảo tâm của mạnh thường quân giúp đỡ…
Ngoài đời, người ta gọi ông là Hội đồng Phát bởi ông là Hội đồng lãnh thổ (Conseiller Territoiriale), các nghệ sĩ Hội Nghệ sĩ ái hữu gọi ông là Hội trưởng”.
Sau đây là hình ảnh thẻ hội viên của Hội nghệ sĩ ái hữu tương tế, ký tên Hội trưởng là Nguyễn Văn Phát, Tổng thơ ký là Nguyễn Thành Châu (nghệ sĩ Năm Châu).
Căn nhà số 133 Cô Bắc ngày nay vẫn còn, là nơi đặt bàn thờ tổ của nghệ sĩ, được gọi là Nhà Truyền Thống Sân Khấu. Theo hợp đồng mua bán còn lưu lại, người đứng tên trong sổ sách nhà đất này chính là nghệ sĩ đờn kìm Nguyễn Văn Phát, một người rất đam mê về đờn ca tài tử và có ảnh hưởng đến người em trai thứ 9 của mình là nhạc sĩ Vĩnh Bảo, 1 trong 2 tên tuổi lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực cổ nhạc.
Nói thêm về Chùa Nghệ Sĩ, vào ngày 18/6/2022, bảng tên Chùa Nghệ Sĩ ở đây được thay bằng tấm biển mới với tên Nghĩa trang nghệ sĩ, do Hội sân khấu quản lý. Đại diện Hội lúc đó cho biết lý do là vì đơn vị của họ không có chức năng quản lý chùa.
Sự việc gây xôn xao trong giới sân khấu miền Nam lẫn khán giả. Bởi, ngoài việc Chùa Nghệ sĩ bị đổi tên, thời gian qua, Ban Ái hữu Nghệ sĩ (trực thuộc Hội sân khấu) còn mời các sư dọn ra ngoài. Nghi lễ ở chùa như tụng kinh, thắp hương, mở đèn ở chánh điện… bị ngừng lại.
Dù Hội cho biết phần nghĩa trang dành cho nghệ sĩ vẫn được giữ nguyên, nhiều người lo ngại việc xóa bỏ ngôi chùa trong khuôn viên có thể khiến di tích dần biến mất trong tâm tưởng nhiều thế hệ. Với sự phản đối của công luận, ngày 20/6/2022, Hội sân khấu đã phục hồi lại cái tên Chùa Nghệ Sĩ.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đã dành thời gian đọc bài viết này. Cảm ơn quý vị một lần nữa và hy vọng quý vị sẽ tiếp tục ủng hộ chúng tôi.