Câu chuyện về sáng tác “Bến Xuân” của nhạc sĩ Văn Cao và chuyện tình đầy cảm động 80 năm trước

0
34

“Bến Xuân” do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1945, kể về khát khao tự do của dân tộc. 80 năm trước, cuộc tình giữa Văn Cao và Quỳnh Mai đã truyền cảm hứng cho bài hát, đánh dấu tình yêu đẹp và đậm chất lãng mạn.

Mùa xuân về, lắng nghe ca khúc Bến Xuân được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác từ 80 năm trước, nghe lại một ca khúc đẹp trác tuyệt, cả về ca từ lẫn giai điệu đã quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả. Tuy nhiên không nhiều người biết câu chuyện tình đặc biệt đã khởi nguồn cho sự ra đời của bài hát này.

Nhạc sĩ Văn Cao đã soạn ca khúc Bến Xuân từ đầu thập niên 1940, là thời kỳ được xem là bình minh của tân nhạc. Thủa ấy chàng nhạc sĩ tài hoa nhưng bản tính nhút nhát đã đem lòng thầm thương trộm nhớ nhưng không dám ngỏ lời với một nàng thiếu nữ xinh đẹp. Văn Cao từng tâm sự: “Ngày xưa tôi có thầm yêu một người con gái mà không dám nói ra. Nhưng người ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi. Vì thế nên mới có câu hát “Em đến tôi một lần” và có bài hát này”.

Người con gái ấy chính là nữ ca sĩ Hoàng Oanh, hoa khôi đất cảng Hải Phòng những năm đầu thập niên 1940. Trái ngược với hoàn cảnh nghèo khó, lay lắt của gia đình Văn Cao, cô tiểu thư Hoàng Oanh sinh ra một trong gia đình quyền quý, giàu có; vừa xinh đẹp lại vừa có giọng hát ngọt ngào khiến bao chàng trai si mê, đeo đuổi. Trong những người theo đuổi, si mê Hoàng Oanh thời điểm bấy giờ có cả hai người bạn âm nhạc thân thiết của Văn Cao khi đó là nhạc sĩ Hoàng Quý và ca sĩ Kim Tiêu. Vốn tính cách nhút nhát, lại bị kẹt trong thế là cố vấn tình yêu cho hai người bạn thân, vốn đã nhiều lần nhờ Văn Cao làm thơ để tặng cho Hoàng Oanh, chàng nhạc sĩ Văn Cao dù cũng đã trúng phải tình yêu sét đánh với người đẹp ngay từ lần đầu gặp gỡ đầu tiên, vẫn chưa một lần dám hé lộ lòng mình. Tuy nhiên, là một người yêu âm nhạc, Hoàng Oanh từ chỗ yêu thích, say sưa với các sáng tác của chàng nhạc sĩ trẻ đã dần trở nên cảm mến và dành cho Văn Cao một tình cảm đặc biệt.

Một lần nọ, người bạn của Văn Cao ngỏ ý tính chuyện lâu dài với Hoàng Oanh. Vốn sẵn có tình cảm với Văn Cao, lại biết Văn Cao cũng thầm để ý mình nhưng nhút nhát không dám tỏ ý, Hoàng Oanh trốn gia đình, một mình tìm đến nhà Văn Cao để xác nhận tình cảm của chàng nhạc sĩ.

Khi Hoàng Oanh tìm đến nhà, Văn Cao đang mặc quần đùi áo cụt ngồi múc nước. Vừa thấy bóng dáng người đẹp, chàng nhạc sĩ đã vô cùng lúng túng, cuống quít chạy vào nhà thay đồ dài tử tế rồi mới dám ra tiếp chuyện. Vào thời đó, chuyện một nàng thiếu nữ dám đường đột tìm đến nhà một người con trai là một chuyện khá “tày đình”. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không khí ngượng ngùng, bẽn lẽn, cô gái xấu hổ không dám đề cập gì, chỉ trông chờ chàng nhạc sĩ ngỏ ý nhưng chàng nhạc sĩ cũng chỉ dám đáp lại bằng vẻ thẹn thùng, rụt rè vốn có. Con trai trưởng nhạc sĩ Văn Cao sau này tiết lộ: “Bên cạnh sự nhút nhát. Lúc đó gia đình ông bà nội đang nghèo, bố tôi lại chưa có điều kiện kinh tế để lấy vợ, lại là đến với con gái một nhà giàu có nên có thể ông sợ”.

Chắc hẳn khi đó, việc cô gái tìm đến nhà đã là một cú sốc quá lớn với chàng nhạc sĩ. Một chuyện mà dù có mơ tưởng bao nhiêu lần chắc chàng cũng chẳng dám nghĩ đến sẽ thành sự thật. Dù mối tình ấy đã chẳng thể đi đến đâu nhưng lần đến thăm duy nhất ấy của người đẹp đã để lại trong lòng chàng nhạc sĩ những cảm xúc lâng lâng, ngây ngất, khó quên. Những cảm xúc tơ vương đẹp đẽ ấy ùa vào âm nhạc, tạo nên những giai điệu tình tự, nhẹ nhàng, lãng mạn, mỹ miều bậc nhất trong âm nhạc Việt – ca khúc Bến Xuân:

Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hoà! 

Chim ca thương nhớ,
Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất trầm vương, 

Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
Tới đây chân bước cùng ngập ngừng 

Nhạc sĩ Văn Cao từng kể, vào những năm 1940, gia đình ông còn rất nghèo, sống trong một căn nhà xiêu vẹo tại một xóm lao động nghèo bên bờ sông Cấm ở Hải Phòng. Vậy đó mà, chỉ “em đến tôi một lần” nhạc sĩ đã mơ màng như thể lạc vào cõi tiên. Cũng vẫn cảnh sắc đó, ngôi nhà thân thuộc đó của nhạc sĩ nhưng được phủ lên một thứ sắc màu huyền hoặc, mơ hồ, lóng lánh, thơ mộng.

Những bước chân yêu kiều của nàng thiếu nữ tựa như bước chân của nàng chúa xuân, đi đến đâu là không gian bừng sáng đến đó, lung linh rạng rỡ với chim ca ríu rít hợp đàn, ánh nắng chan hoà, muôn hoa khoe sắc thắm,… Giữa cảnh sắc mùa xuân thắm thiết, chan hoà ấy, chàng nhạc sĩ ngây ngất trong hương thơm “trầm vương” của nàng chúa xuân, ngỡ mình được sánh bước cùng nàng như đôi giai nhân – tài tử, cùng “dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi”, cùng mỉm cười nhìn lũ chim ghen lời âu yếm”, cùng ngập ngừng, thẹn thùng khi tình xuân chớm nở.

Trong bức tranh xuân tình tuyệt đẹp đó, chàng len lén nhìn nàng thật kỹ:

Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân

Câu hát “mắt em như dáng thuyền soi nước” là một sự so sánh thật tinh tế, khéo léo của nhạc sĩ Văn Cao. Đó hẳn là một đôi mắt đen láy, với bờ mi tuyệt đẹp cong như dáng thuyền và lóng lánh như sóng nước khiến chàng nhạc sĩ si mê. Hình ảnh nàng thiếu nữ với “tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân” như là một bức tranh mùa xuân tuyệt mỹ. Và cái sự “rung” của tà áo em ấy phải chăng cũng chính là trái tim của đôi người đang rung lên những xúc cảm tình yêu thẹn thùng, non tơ vừa chớm nở trên “bến xuân” tình thơ mộng.


Click để nghe Hà Thanh hát Bến Xuân

Đoạn điệp khúc là những lời ca dìu dặt, dịu dàng mà da diết, nao nao buồn vắng:

Sương mênh mông che lấp kín non xanh
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha lưu luyến tình vừa qua 

Trong câu hát “Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca”, nhạc sĩ dường như đã có chút ẩn ý bởi “oanh ca” ở đây chắc hẳn là ám chỉ người đẹp Hoàng Oanh và tiếng hát của cô. Tiếng hát đã khiến chàng nhạc sĩ si mê.

Bức tranh chia ly được khắc hoạ rõ nét bằng những nét vẽ tài hoa, buồn mà đẹp. Trong bức tranh đó, hiện lên bóng dáng một chàng trai đang đứng trên bến sông, dõi mắt nhìn về phía xa xăm, nơi có bóng dáng nàng thiếu nữ đang dần xa khuất, mờ mịt trong làn sương mênh mông, xa xôi dần theo từng lớp sóng. Chàng đứng đó nhìn mãi nhìn mãi như khắc ghi khoảnh khắc đó, bóng hình đó vào sâu trong tim chàng cho đến khi chỉ còn thấy thấp thoáng “cánh buồn nâu” đưa nàng đi. Và từ đó, trên những cung đường “tha hương”, chàng vẫn mang theo bên mình bóng dáng của nàng, tiếng hát “ríu rít oanh ca” của nàng. Nàng đến với chàng tựa như “cánh nhạn vào mây” cao xa vời vợi, ẩn mật, thoáng đến rồi đi, không ngày tái ngộ nhưng vẫn “thiết tha lưu luyến” hoài mãi.

Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em vắng tôi một chiều
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu
Từng đôi chim trong nắng khẽ ru u ú ù u ú
Lệ mùa rơi lá chan hoà! 

Chim reo thương nhớ,
Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất về đâu 

Bến Xuân có lẽ là bức tranh mùa xuân đẹp nhất, “tiên cảnh” nhất, dịu dàng, lãng mạn nhất trong âm nhạc Việt, dù là trong cảnh sắc reo vui, tươi thắm khi nàng xuân tới hay trong cảnh sắc tiêu điều, sầu muộn, nhớ thương thì vẫn đẹp, vẫn cuốn hút một cách lạ lùng.

Người đã đi xa, chàng nhạc sĩ vẫn đứng đó, đã bớt mơ màng, nhưng vẫn không thể tin những điều vừa xảy ra là sự thực, vẫn ngơ ngác như vừa trải qua một giấc mơ: “Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác”. Nhưng “bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu”, là dấu vết của nàng vẫn còn thoảng hoặc quanh chàng. Và chàng bàng hoàng nhận ra, nàng đã đến và đã đi xa thật rồi. Căn nhà, bến nước, cây lá, đàn chim đều ngẩn ngơ, thương nhớ, nhỏ lệ sầu buồn bởi biết rằng nàng sẽ chẳng bao giờ trở lại.


Click để nghe Thái Thanh hát Bến Xuân trước 1975

Câu chuyện giữa chàng Văn Cao và nàng Oanh chưa thành một mối tính, hoặc nếu có thì chỉ là tình trong ước mơ, trong mộng tưởng. Một tình yêu đẹp nhưng vời vợi xa, tình vừa mới nhen đã tắt…

Văn Cao không chỉ là một nhạc sĩ tài ba, mà ông còn là một họa sĩ và là nhà thơ. Để minh họa cho bài hát Bến Xuân, ông có viết 2 câu thơ rất ngắn, nhưng diễn tả được tâm trạng mình khi bước chân giai nhân vừa rời khỏi:

Chiều nay rung-rẩy tha đôi cánh
Một bóng sơn-ca đến lạc loài…

Đoạn cuối bài hát là nói về một thời gian nữa đã trôi qua:

Người đi theo mưa gió xa muôn trùng
Lần bước phiêu du về bến cũ
Tới đây mây núi đồi chập chùng
Liễu dương tơ tóc vàng trong nắng
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân

Người nghệ sĩ kia rồi cũng rời đi theo mưa gió xa muôn trùng, có một lần bước phiêu du về ngang chốn cũ. Nơi đây vẫn còn mây, núi và đồi chập chùng, vẫn còn rặng liễu đang hong giòng tóc tơ vàng trong nắng ở bên hồ vắng lặng, và vẫn còn đó dư hương của một buổi chiều huy hoàng năm xưa, còn âm vang trong làn gió thoảng qua bước chân người về trên bến cũ.

Nhạc sĩ Văn Cao sau này từng thổ lộ: “Tôi là một cái người luôn luôn thất bại về tình yêu, cái thất bại này là bởi vì tôi là người không giỏi về cách tôi giao lưu với những người đàn bà, mà lại đối với những người đẹp tôi lại càng bối rối, tôi không bao giờ nói được với người ta, thì tôi bèn nói trong thơ thôi”. Nhưng có một điều mà nhạc sĩ Văn Cao có lẽ đã không nghĩ tới. Bởi nếu chỉ giỏi tán tỉnh, giỏi yêu thì thế giới này đã có muôn vạn đàn ông giỏi rồi, nhưng nói được điều đó trong thơ, trong nhạc đẹp tuyệt mỹ được như Văn Cao để rồi chiếm trọn bao trái tim phụ nữ suốt 80 năm qua thì có lẽ duy nhất chỉ có Văn Cao mới làm được.

Vài năm sau khi Bến Xuân ra đời, nhạc sĩ Văn Cao tham gia Việt Minh và ông đã đổi lại lời khác hoàn toàn cho bài hát này để trở thành ca khúc mang tên Đàn Chim Việt, ca ngợi những người tung hoành trên khắp chiến khu chống Pháp:

Về đây khi gió mùa thơm ngát
Ôi lũ chim giang hồ
Bao cánh đang cùng dật dờ trên khắp cố đô

Từng đôi trên đất Bắc ríu rít ca 
Mờ mờ trong nắng ven trời
Chim reo thương nhớ chim ngân xa 
Hồn còn vương vấn về xưa

Về nơi hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành
Từ Bắc Sơn kia thời tung cánh
Tới đây chim thấy lòng ngập ngừng
Nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế
Kìa nước xa xa sông Gấm còn mịt mùng ngoài bến xuân

Chim đang bay qua Bắc sang Trung
Người Nam còn nghe lời chim nhắn lúc xa
Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha
Lưu luyến một trời xa…


Click để nghe Cao Minh hát Đàn Chim Việt

Ngoài ra, sau khi di cư vào Nam năm 1952, nhạc sĩ Phạm Duy cho xuất bản ca khúc Bến Xuân, có thể ông đã sửa một vài chữ nào đó cho phù hợp để dễ xin phép xuất bản ở Sài Gòn, rồi điền tên tác giả là Văn Cao – Phạm Duy. Theo gia đình nhạc sĩ Văn Cao, ban đầu ca khúc này nhạc sĩ Văn Cao chỉ sáng tác một mình, chứ không có sự tham gia nào của Phạm Duy. Về phần nhạc sĩ Phạm Duy, đã có nhiều lần ông phân tích ca khúc Bến Xuân, nhưng chưa lần nào ông tự nhận là có tham gia sáng tác chung ca khúc này.

Cảm ơn bạn đã quan tâm và đọc bài viết này. Hi vọng sẽ mang lại thông tin hữu ích và những trải nghiệm đáng nhớ. Chúc bạn một ngày tốt lành!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận