Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sinh năm 1915, là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho tân nhạc Việt từ thập niên 1930, và danh ca Minh Trang, người bạn đời của ông trong gần 30 năm cũng là một trong những ca sĩ tiên phong hát tân nhạc. Họ trở thành cặp đôi nghệ sĩ nổi tiếng của làng văn nghệ ở Sài Gòn trước năm 1975.
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và danh ca Minh Trang, một người Hà Nội, một người sinh trưởng ở Huế, nhưng đều xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc chốn quan quyền và xây lập được hạnh phúc trên đất Sài Gòn.
Dương Thiệu Tước sinh quán ở Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), được xuất thân trong gia đình Nho học truyền thống. Ông là cháu nội của cụ nghè Vân Đình Dương Khuê, nguyên Đốc học Nam Định, là bạn đồng khoa thân thiết với Nguyễn Khuyến. Khi ông Dương Khuê mất, cụ Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến đã viết bài Khóc Dương Khuê để thương tiếc.
Thân sinh Dương Thiệu Tước là ông Dương Tự Nhu làm bố chính tỉnh Hưng Yên.
Danh ca Minh Trang tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1921 tại Bến Ngự, là con gái của quan Tổng đốc Bình Định Nguyễn Hy (sau này ông còn làm Tổng đốc Thanh Hóa, rồi Thượng thư Bộ Hình). Minh Trang còn là cháu ngoại của công chúa Mỹ Lương (còn gọi là Bà Chúa Nhứt) – chị ruột vua Thành Thái.
Tuy là công chúa nhưng Bà Chúa Nhứt có tính rất nghệ sĩ, trong nhà có hẳn một ban hát tới mấy chục người và có riêng một ban ca Huế. Ca sĩ Minh Trang – cháu ngoại của công chúa, từ nhỏ ít gần gũi cha vì ông phải đáo nhậm những nhiệm sở xa, nên Minh Trang có dịp được gần gũi với bên ngoại. Nhờ những âm thanh ca Huế thấm nhuần vào tâm hồn trong tuổi ấu thơ, mới bảy tám tuổi, bà đã thuộc những bài cổ nhạc, ca Huế như những khúc Nam Ai, Nam Bình, Kim Tiền, Lưu Thủy…
Năm 21 tuổi Minh Trang tốt nghiệp Tú Tài toàn phần của Pháp vào thời điểm hiếm có phụ nữ nào đỗ đạt được như vậy.
Người chồng đầu của Minh Trang là cụ Ưng Quả, là cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh em của vua Thiệu Trị. Nhà giáo Ưng Quả là học giả uyên bác được giới khảo cứu Việt học của Pháp kính trọng và là bậc thầy của một thế hệ giáo sư, sau này có nhiều khoa trưởng của các đại học thời độc lập. Ưng Quả từng là Thái Tử Thiếu Bảo khi dạy học Thái Tử Bảo Long, là Hiệu trưởng trường Quốc Học tại Huế, giám đốc Nha Học Chánh Trung Phần thuộc Bộ Học của nước Việt Nam thời Pháp và tác giả của nhiều công trình biên khảo về văn hóa và mỹ thuật Việt Nam, từng phiên dịch văn chương Pháp qua Việt ngữ và văn học Việt Nam Pháp ngữ… Ngoài ra, cụ còn là người thẩm âm sành nhạc và gẩy đàn nguyệt khi tiêu khiển.
Cưới nhau được 3 năm, Minh Trang và Ưng Quả có 2 người con là Bửu Minh và Đoan Trang (tức ca sĩ Quỳnh Giao). Khi hát cho đài Pháp Á, Danh ca Minh Trang đã ghép 2 tên người con để làm nghệ danh cho mình.
Vì tình hình đất nước loạn lạc từ năm 1946, những giáo chức như cụ Ưng Quả phải chạy ra vùng Việt Minh, họ xa nhau từ đó, ban đầu là tạm thời, về sau là mãi mãi, khi cụ Ưng Quả qua đời vì bệnh tật.
Minh Trang mang 2 con vào Sài Gòn, quyết tâm tự lập và xin được vào làm xướng ngôn viên và biên tập cho đài phát thanh Pháp Á, rồi sau đó trở thành ca sĩ của đài, nổi tiếng khắp 3 miền từ làn sóng phát thanh và có hát nhiều bài của Dương Thiệu Tước, đặc biệt là Đêm Tàn Bến Ngự.
Từ Hà Nội, Dương Thiệu Tước rất thích giọng hát Minh Trang nên sáng tác được bài nào đều gửi cho Minh Trang ở Sài Gòn.
Ca khúc Đêm Tàn Bến Ngự như là một mối duyên đầu tiên của chuyện tình Dương Thiệu Tước và Minh Trang.
Khi sáng tác bài hát này, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đang lênh đênh sông Hương và Bến Ngự, để rồi tức cảnh sinh tình mà viết thành ca khúc, nhưng mở đầu bài hát lại là nỗi lòng của một người đang ở cách xa Huế với tình lưu luyến trào dâng, chỉ có thể gửi gắm niềm thương nhớ non nước Hương Bình thông qua “Ai về bến Ngự”.
Hàng cây soi bóng nước Hương,
Thuyền xa đậu bến Tiêu Tương
Lưu luyến thay phút say hương dịu buồn.
Nhưng thoảng nghe khúc ca Nam Bình sầu than
Như nức nở khóc duyên bẽ bàng…
Thấp thoáng trăng mờ
Ai than ai thở đời vui chi trong sương gió.
Ai nhớ thương ai
Đây lúc đêm tàn tình đã lạt phai…
Thuyền ơi đưa ta tới đâu
Tìm trăng, trăng khuất đã lâu,
Sương xuống trên bến cô liêu, thêm sầu.
Bèo nước gió mây đêm ngắn tình dài.
Có ai nhớ, ai nơi giang đầu…
Click để nghe Minh Trang hát Đêm Tàn Bến Ngự
Bài hát đã gần như mượn hết những cặp hình ảnh mô tả tình yêu đôi lứa trong ca dao Việt Nam : thuyền – bến, gió – trăng, bèo – nước… Mượn hình bóng để viết thành lời ca ai oán, nức nở và than thở cho một mối tình bẽ bàng.
Khi sáng tác Đêm Tàn Bến Ngự, nhạc sĩ chưa quen biết với Minh Trang, nhưng thật trùng hợp, Minh Trang được sinh ra ở ngay trên Bến Ngự, và sau này là người đầu tiên trình bày thành công ca khúc này.
Lúc sinh thời, Minh Trang kể lại:
“Anh Tước viết bài đó sau hai tháng trời sống dưới đò trên sông Hương, nghe ca Huế. Viết xong anh gửi cho Minh Đỗ, nhưng nhạc miền Trung có một cái nét đặc thù của nó mà Minh Đỗ không quen hát, nên không hát. Sau đó anh gửi cho tôi.
Mỗi ca sĩ có một cách hát, nhưng riêng bài Đêm Tàn Bến Ngự, có thể nói là tôi hát một cách tự nhiên, vì từ nhỏ tôi đã đàn tranh, đã hát Kim Tiền – Lưu Thủy rồi, nên khi cầm bản Đêm Tàn Bến Ngự lên đọc qua đã thấy quen thuộc. Những chỗ láy cho ra Huế, nó đến với tôi một cách tự nhiên, không một chút cố gắng nào cả. Tuy tôi nói giọng Quảng nhưng vì ca Huế nó nằm sẵn trong huyết quản mình…”
Năm 1949, Dương Thiệu Tước mới lần đầu được gặp mặt nữ danh ca Minh Trang. Khi đó Thủ hiến Bắc kỳ là Nguyễn Hữu Trí vì mến mộ giọng hát Minh Trang nên đã mời bà từ Sài Gòn ra Hà Nội dự Hội chợ đấu xảo. Đây là dịp để các nhạc sĩ hào hoa xứ Bắc được chiêm ngưỡng nhan sắc của một giai nhân ở trời Nam. Tuy đã có hai con nhưng Minh Trang lúc ấy vẫn giữ được một vẻ đẹp quý phái làm say đắm nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.
Sau này Minh Trang kể lại: “Mặc cho các bạn Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ, Dzoãn Mẫn… rối rít, ông ấy (Dương Thiệu Tước) im lặng từ đầu đến cuối. Chỉ nhìn thôi. Lâu lâu mới mỉm cười. Sự xa cách, lặng lẽ này khiến tôi càng thêm chú ý. Trước khi gặp gỡ, tôi đã từng hát nhạc của ông ấy nên tôi cũng rất ao ước được gặp mặt con người tài hoa này.
Sau đó tôi về Sài Gòn, chúng tôi thư từ cho nhau, thấy hợp, rồi thành.
Khi tôi mới vào lại Sài Gòn, vì nhớ tôi mà anh Tước viết bài Sóng Lòng. Dạo ấy anh còn sáng tác Ngọc Lan là để tặng riêng cho tôi. Tuy đó là tên một loài hoa, nhưng người ta có thể thấy được trong lời ca là mô tả người thiếu nữ…”
Nếu nhìn lại tờ nhạc bản gốc của Nhà xuất bản Tinh Hoa (1953) sẽ thấy tất cả những chữ Ngọc Lan trong bài hát đều được viết hoa:
Ngọc Lan
giòng suối tơ vương
mắt thu hồ dịu ánh vàng…
Theo ca sĩ Quỳnh Giao (con gái của Minh Trang), thì Dương thiệu Tước viết bài Ngọc Lan tại đất thần kinh năm 1953, khi cùng Minh Trang về Huế thăm đại gia đình đã xa cách lâu ngày.
Bài hát tả đóa hoa để nói về tình yêu thanh khiết. Chỉ cần nghe phần nhạc có hòa âm công phu của bài này, người nghe đã cảm nhận được nét đẹp lả lướt mà không lả lơi, phóng khoáng mà không phóng túng, giai điệu cũng rất trang trọng, quý phái. Trước vẻ đẹp của hoa, người nghệ sĩ chỉ có thể trầm trồ:
Ngọc Lan
nhành liễu nghiêng nghiêng
tà mấy cánh phong
nắng thơm ngoài song.
Nét thắm tô bóng chiều,
giấc xuân yêu kiều,
nền gấm cô liêu.
Gió rung mờ suối biếc,
ý thơ phiêu diêu!
Click để nghe Lệ Thu hát Ngọc Lan trước 1975
Phần đầu tha thiết dịu dàng mở ra như một đóa hoa ngọc lan mới nở và phả ra hương thơm ngoài hiên nắng. Từ cánh hoa trắng muốt như bạch ngọc, nhạc sĩ chuyển qua phần hai, ngợi ca cả thanh lẫn sắc. Hóa ra hoa đó là người, và là người rất đẹp. Hình dáng người được mô tả là “ngón tơ mềm”, “dáng tiên nga”, và thanh âm của người tiên nga đó được mô tả là “giọng ướp men thơ” và “trầm ngát thu hương”… toàn là những mỹ từ ngây ngất thường chỉ được thấy trong văn thơ hoặc một số bài nhạc tiền chiến.
Ngón tơ mềm chờ phím ngân trùng,
mạch tương lai láng.
Dáng tiên nga giấc mơ nghê thường lỡ làng.
Ngọc Lan giọng ướp men thơ,
mát êm làng lụa bóng là.
Ngọc Lan trầm ngát thu hương.
Bờ xanh bóng dương phút giây chìm sương.
Bông hoa đời ngàn xưa tới nay.
Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây…
Sau năm 1975, cuộc sống của gia đình Dương Thiệu Tước, Minh Trang gặp rất nhiều khó khăn. Nhạc của ông bị cấm hoàn toàn, ông cũng không còn được cho đi dạy nhạc ở trường Quốc Gia Âm Nhạc nữa, cuộc sống trở nên túng quẫn. Năm 1978, Minh Trang dẫn các con sang Thái Lan rồi qua Mỹ, Dương Thiệu Tước ở lại cho đến khi qua đời năm 1995.
Sau này Minh Trang kể lại:
Anh Tước và tôi rất hợp, sống với nhau gần 30 năm trời, không có sóng gió gì cả. Anh Dương Thiệu Tước hiền lành lắm, timide (nhát) nữa là khác. Đương nhiên, anh có một tâm hồn rất nghệ sĩ, do đó anh cũng có bay bướm, nhưng mà tôi chấp nhận…
Trong bài báo được đăng tải vào khoảng đầu thập niên 1960 sau đây, chúng ta sẽ được nghe kể lại câu chuyện tình nổi tiếng của Dương Thiệu Tước và Minh Trang qua bài viết của nhà văn Mai Thảo sau đây:
[…]
Đó là một mối tình cực kỳ thơ mộng. Nó phảng phất cái cốt cách Tố Tâm, thấp thoáng cái không khí Tuyết Hồng Lệ Sử. Đó là sự chắp nối kỳ diệu của hai “lỡ một đường tơ” thành một chuyện điệu đàn. Đó là những nắng nắng mưa mưa, những gió gió bão bão, những chìm chìm nổi nổi của hai cuộc đời, nếu riêng biệt, có thể sẽ cô đơn và buồn thảm ngần nào, nhưng hợp lại, nắng đã lên, mùa xuân đã về, và hạnh phúc đã lại.
Mối tình đó, mối tình Minh Trang – Dương Thiệu Tước xứng đáng được mệnh danh là mối tình của Âm Nhạc và Làn Sóng Điện. Một Âm Nhạc làm bà mai. Và một Làn Sóng Điện làm gã đưa thư.
Bởi vì họ gặp nhau bằng tiếng hát
Bởi vì họ yêu nhau qua không gian.
Nàng ra đời trên bến Ngự. Tuổi nhỏ nghiêng khuôn mặt hiền từ xuống con sông Hương nghìn đời êm ả. Một tuổi nhỏ được ru trong những điệu hát cổ truyền. Chính tuổi nhỏ này làm nên Minh Trang ca sĩ. Bà ngoại nàng là bà Chúa Nhất, cô ruột của Cựu Hoàng ăn chơi. Cháu hoàng đế nào, cô Chúa Nhất thế. Cũng ăn chơi đến điều. Tóc đã bạc, da đã mồi, mà tâm hôn thật trẻ, nên bà Chúa Nhất ăn chơi đã chọn cho cái tuổi xế chiều được tắm đẫm trong âm thanh, trong đàn địch. Trong nhà bà, lúc nào cũng có mấy chục “con ca” suốt ngày múa hát, tập dượt. Minh Trang được bà chiều cho ngồi trên đùi gối, rồi bà già dậm chân gõ nhịp và cháu cũng nghiêng đầu ca hát theo. Thế cho nên người ta không ngạc nhiên khi thấy Minh Trang mới 6 tuổi, còn nhảy nhót đùa nghịch như một đứa con trai, mà đã am tường thấu đáo thế nào là hát Bội, ca Huế, thế nào là múa bài bông, Lưu Thủy, Kim Tiền. Những điệu múa, những ca khúc cổ vũ làm nên cái linh hồn xứ Huế ấy đi theo Minh Trang khi lớn lên, nàng theo cha qua hầu hết các thị trấn miền Trung, người thiếu nữ dòng dõi quyền quý này thời kỳ đến sống trong dinh Tổng Đốc Thanh Hoa đã vừa tròn mười tám tuổi. Bấy giờ Minh Trang đã hát, hát thật giỏi, thật vững. Từ Huế, nàng bay thẳng vào Sài Gòn, biến thành người nữ ca sĩ trụ cột của Đài phát thanh Pháp Á.
Tiếng hát truyền đi trên Làn Sóng Điện, qua núi sông, qua không gian, vượt Hải Vân, qua Lăng Tẩm, tới địa đầu đất Bắc, nó xuống thấp như một cánh bướm, tìm đường, nó từ miền Trong bay tới miền Ngoài, nó từ Sài Gòn bay tới Hà Nội. Và lọt đến tai chàng. Thế là sự gặp gỡ định mệnh. Sự gặp gỡ tình cờ chỉ từ một dư âm tiếng hát mong manh mà bền vững đời đời đời kiếp kiếp: Con sống Hương Minh Trang gặp con sông Đáy Dương Thiệu Tước.
Có điều là nàng hát rồi, tiếng hát của nàng đã được mến yêu, nhưng chàng còn là một soạn giả trẻ tuổi, chưa có một vốn liếng nào hơn là một tâm hồn nghệ sĩ chứa đầy tham vọng. Hà Nội bấy giờ là một Hà Nội chưa có soạn giả, chưa có âm nhạc. Một Hà Nội lãng mạn kiểu Lamarline, như một hiện tượng quá mùa. Một Hà Nội lố lố lăng lăng chạy theo phong trào vui vẻ trẻ trung, tôn thờ Tino Rossi như thần tượng, mê Greta Garbo như tuổi trẻ mê Liz Taylor bây giờ. Thanh niên Hà Nội hát Tây ông ổng, và chàng Dương Thiệu Tước bực mình lắm. Một đêm, đứng ngắm cái tháp Rùa trầm tư mặc tưởng giữa Hồ Gươm, một câu hỏi bỗng vang lên: Tại sao không có nhạc mới Việt Nam, những bản nhạc của những soạn giả Việt Nam? Nghĩ và làm. Bực mình và thực hiện. Cùng với mấy bạn Văn Chung, Lê Thương… Dương Thiệu Tước dùng tất cả sức say mê của mình, ném vào vùng nhạc Việt im lìm hoang vu như một mảnh đất chưa khai thác những âm thanh mở đường thứ nhất. Ban nhạc Myosotis như một hoạt động khai sinh cho loại nhạc cải cách, mang trong nó tham vọng lớn lao đổi thay thị hiếu một thời, ra chào đời giữa phố phường Hà Nội. Nó bị công kích dữ dội. Nhưng giá có bị công kích dữ dội gấp nghìn lần như thế, Tước cũng tiếp tục. Bởi vì lúc đó chàng sống say mê với lý tưởng. Bởi vì lúc đó chàng sống say mê với tình yêu.
Tình yêu mang hình trừu tượng của một âm thanh. Tiếng hát nghìn trùng xa cách ở đầu bên này Làn Sóng Điện, lọt đến tai chàng. Chàng ôm mối tình âm thanh trong lòng, mang chung cái tâm trạng Mỵ Nương chỉ thấy tiếng mà chưa thấy hình Trương Chi, nhưng chàng sống, sống hết mình với nó. Những bài hát hay nhất của Dương Thiệu Tước được hoàn thành trong thời kỳ này. Ngợi ca quê hương nàng, chàng làm Đêm Tàn Bến Ngự. Bản Sóng Lòng để nói lên cái biển tình đêm ngày dào dạt. Bản Ngọc Lan vì nhớ người xa như nhớ một mùi hương. Rồi là Buồn Xa Vắng, Bóng Chiều Xưa, Một Chiều Xuân… Đến bản Ước Hẹn Chiều Thu, thì đúng là một chiều Thu heo may mưa phùn Trang ra Hà Nội.
Thì ra âm nhạc có hồn. Thì ra âm nhạc thần giao cách cảm. Hai con thuyền cùng gió bão lênh đênh tự đó cắm neo trong cái bến nhạc, cột chặt số kiếp, lật ngược thời gian, biến mối tình cuối cùng thành mối tình thứ nhất. Sau lần hội ngộ ở nhà riêng của Tước trong Ngõ Hàng Kèn, Minh Trang vì bấy giờ đã vừa là ca sĩ vừa là nhân viên của đài phái đi công cán, phải trở lại Sài Gòn.
Tới 1951, Dương Thiệu Tước vào Nam. Một hôn lễ được cử hành ở Tòa Thị Chính. Một tiệc cưới được tổ chức ở nhà hàng Nguyễn Văn Đắc. Thời đại đổi khác. Thần thoại cũ không trở lại làm thảm kịch của người. Không có chuyện mối tình mang xuống tuyền đài chưa tan, mà chỉ có cái chuyện Dương Thiệu Tước yêu mà chưa gặp, giờ gặp mà vẫn yêu. Còn có triền núi Hoành Sơn nào, con sông Cửu Long nào cản được? Thế là con sống Hương lấy con sông Đáy. Cháu bà Chúa Nhất lấy cháu cụ nghè Dương Khuê. Thế là hai đơn âm lẻ loi hợp thành một bản hòa tầu. Dương Thiệu Tước và Minh Trang lấy nhau. Bà mai Làn Sóng Điện xoa tay mỉm cười. Cái duyên âm nhạc đã thành cái duyên cầm sắt.
Bao nhiêu năm qua, khuôn mặt hạnh phúc vẫn trẻ. Nhưng họ đã già. Chàng: mái đầu đã điểm những sợi bạc. Nàng: đã là mẹ của bảy đứa con. Những nhu cầu sinh kế càng ngày càng tăng, đòi hỏi cả hai phải làm việc cật lực. Tác giả của 200 bản nhạc trong số đã có trên 100 bản được phổ biến. Dương Thiệu Tước vẫn chưa có quyền “dưỡng lão”. Hiện làm giáo sư tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Hiện làm trường ban hai ban nhạc trên Đài Quốc Gia. Hiện đã 50 tuổi. Không lãng mạn không sôi nổi như thuở nào nữa. Mà hiền, chậm chạp, lặng lẽ và ít nói vô cùng. Đôi khi, hồi tưởng lại dĩ vãng cùng tuổi trẻ, chàng lại bảo với nàng là chàng nhớ những đêm trăng sáng trên Hồ Lãng Bạc bơi thuyền, đánh đàn. Nhớ hàng triệu con sóng vàng óng ánh trên mặt hồ tuổi cũ. Nhớ cái hình ảnh của dòng sông Đáy quê hương xanh mướt dưới bóng núi Hương Tích, mà chàng đã gửi vào bản Thuyền Mơ, là bản chàng yêu thích nhất ngoài những bản sáng tác vì nàng.
Còn nàng? Hiện là một người mẹ bốn mươi, không buồn bao giờ, xưa thích ngắm trời thật xanh, giờ thích nghe chiều mưa rơi, hiện làm kiểm duyệt viên Pháp Ngữ của Đài, hát trong hai ban của chồng, ban Hoàng Lan nữa, một hồi còn làm xướng ngôn viên cho rạp Eden, và xuất hiện rất nhiều lần trên sân khấu, được giải thưởng với Chiếc Tàu Thuốc Lá, được ngợi khen với Ngày Mai Trời Lại Sáng, Chúng Nó Ba Thằng…
Từ cuộc tình duyên lãng mạn ngày nào, bảy đứa con đã là bảy chiếc thuyền nhỏ vây quanh thuyền cha thuyền mẹ. Tron số ấy, đứa con trai đầu lòng đã xuất dương sang du học bên Đức. Và đứa thứ nhì, cô nữ ca sĩ Quỳnh Dao mười bảy tuổi, đã có một tiếng hát giống mẹ ở khía cạnh căn bản vững vàng, nhạc lý chắc chắn, là hai yếu tố đắc lực tạo thành một âm thanh điêu luyện.
Ở một bài viết trước tôi đã ghi nhận lại sự khen ngợi của ca sĩ Kim Tước về tiếng hát Quỳnh Dao. Đang ở tuổi vị thành niên mà đã có được chỗ đứng trong các ban Hoàng Trọng, Nguyễn Quý Lãm, ban Hợp Xướng ngoài hai ban của cha Tước không cần nói đến, là vì Quỳnh Dao đã hát từ năm lên tám tuổi. Vừa hát vừa tập đàn, nên tiếng hát chỉ cần nuôi dưỡng cho ấm, cho khỏe, cho lớn, những cái đó chắc chắn sẽ đến với tuổi, với đời, Quỳnh Dao khỏi lo nên ngày ngày đi học chữ về, đi học nhạc xong, là cô nhỏ tâm tính nghịch ngợm như mẹ ấy lại chạy phăng ra đầu ngõ đánh đáo, nhảy dây, cướp cờ, nhất định không chịu để âm nhạc cướp mất cái phần hồn nhiên tuổi trẻ.
Đó, mối tình của Minh Trang Dương Thiệu Tước. Đó, hạnh phúc, gia đình và đời sống của họ. Đó, một Minh Trang đã một nửa đời người, một Dương Thiệu Tước đã đời người một nửa, một Quỳnh Dao mà khuôn mặt, tiếng hát mới đời người có một phần tư, là ba hình ảnh nối kết đằm thắm dưới một mái nhà âm nhạc. Phần đời sôi nổi bỏ lại xa tít trong quá khứ, cặp tài từ thuở xưa đã dệt cho nhau một trong những chiếc áo tình yêu lãng mạn nhất, lãng mạn đến có thể làm thành thơ, phổ thành nhạc, viết thành truyện giờ chỉ còn là một cặp vợ chồng hòa thuận rủ nhau chạy trốn vào bóng mát của một hạnh phúc nghỉ ngơi.
Nửa tháng trước đây, đi qua một ngõ nhỏ yêu tĩnh như một con đường làng ở vùng Tân Sơn Nhất, họ đã dừng lại một căn nhà cổ, nằm nép mình dưới một bụi tre ngà. Lá tre phất nghìn ngón tay. Tiếng dương cầm của một giờ luyện nhạc thánh thót Minh Trang chợt nhớ đến cái Bến Ngự của nàng ở Huế. Dương Thiệu Tước chợt mong một ngày về Hà Nội. Nhưng họ cùng mỉm cười khi nhìn ra đầu ngõ để thấy một Quỳnh Dao đang vun vút nhảy dây trong nắng. Hiện tại ở đó, con cái đã lớn, Làn Sóng Điện làm cho Sông Hương Sông Đáy gặp nhau. Hai con sông lòng bây giờ chảy thành nhiều nhánh nhỏ. Và tiếng sóng còn hát, còn đàn, vẫn trên cái luồng âm thanh tạo thành cuộc tình của họ là Làn Sóng Điện, một làn sóng điện ngày nào đã đóng vai trò của một bà mai, một gã đưa thư cho nàng Minh Trang và chàng Dương Thiệu Tước. (Mai Thảo – Báo Kịch Ảnh) […]