Đây là hình ảnh quen thuộc trong số các tấm ảnh chụp Sài Gòn trước 1975: Thương xá Eden. Có lẽ đã có không ít người thắc mắc về cái chữ lớn màu đỏ gắn nổi bật trên tòa nhà này từ thập niên 1960 cho tới năm 1975, đó là: Kỹ nghệ bông vải Việt Nam. Nó có ý nghĩa gì?
Thương xá Eden, số 4 Lê Lợi, chính là trụ sở chính của Công ty Kỹ Nghệ Bông vải Việt Nam – Sacovina.
Sau năm 1955, với chính sách khuyến khích các ngành kỹ nghệ, lĩnh vực dệt vải được nhiều tư nhân Việt Nam tham gia đầu tư. Ban đầu chỉ gồm những kỹ nghệ gia di cư từ miền Bắc, về sau có thêm tư nhân miền Trung và miền Nam. Công ty kỹ nghệ dệt đầu tiên có tầm vóc của người Việt chính là công ty Kỹ nghệ bông vải Việt Nam – Sicovina (từ chữ tiếng Pháp là Société d’Industrie Cotonnière du Vietnam). Tổng số vốn ban đầu của Sacovina là 16 triệu đồng (50% tư nhân, 50% chính phủ), giám đốc ban đầu là ông Đinh Xáng. Về sau (năm 1974) số vốn được tăng lên đến 1,5 tỷ (chính phủ 96%, tư nhân 4%) để cạnh tranh với các cơ sở của người gốc Hoa.
Sau một thời gian chuẩn bị, Đại hội thành lập Công ty Kỹ nghệ bông vải Việt Nam – Sicovina chính thức diễn ra vào ngày 31/01/1956, sau đó tiến hành xây dựng, lắp ráp Nhà máy chỉ sợi đầu tiên của Sicovina ở Khánh Hội, với hơn 10.000 suốt kéo sợi. Ban đầu, người trợ giúp đắc lực cho giám đốc Đinh Xáng là kỹ sư tốt nghiệp bên Pháp – ông Lâm Tô Bông, người gốc Hoa quê Quảng Ngãi. Ông Bông đã đứng ra lắp ráp lại các máy móc mua lại từ các nhà máy cũ của Pháp ở Hà Nội đem vào Nam đề hình thành nên nhà máy Sicovina Khánh Hội, là nhà máy kéo sợi bông vải đầu tiên tại miền Nam. Ngày khánh thành (năm 1957), tổng thống Ngô Đình Diệm có tới tham dự. Tuy nhiên vì là máy móc cũ nên công nghệ của Nhà máy Sacovina Khánh Hội còn lạc hậu, công suất thấp.
Từ năm 1959, kỹ sư Lâm Tô Bông và tiến sĩ Phạm Văn Hai (người Việt Nam đầu tiên đậu bằng kỹ sư về hóa học công nghiệp bên Pháp) đã trực tiếp đứng ra huấn luyện cho chuyên viên người Việt về ngành tơ sợi, cơ khí và điện vì Việt Nam lúc đó rất thiếu. Chỉ hai năm sau (1961), các loại vải sản xuất tại các xưởng Sicovina có chất lượng tốt tương đương với vải của Nhật Bản và Đài Loan. Riêng về loại vải màu đen, Sicovina tỏ ra hơn hẳn (không bị phai màu khi ngâm trong nước).
Năm 1961, Nhà máy hồ nhuộm An Nhơn (Gò Vấp) và Nhà máy sản xuất chỉ may Vinafil của Sacovina cũng đi vào hoạt động, với trang thiết bị tối tân được nhập mới từ Pháp. Người phụ trách Nhà máy mới này chính là tiến sĩ Phạm Văn Hai. Sicovina An Nhơn là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam nhuộm vải theo phương pháp khoa học tân tiến.
Cũng trong năm 1961, Tổng công ty Sicovina cho khởi công xây dựng Nhà máy Sicovina ở Đà Nẵng và khánh thành vào ngày 12/5/1963, do ông Hà Dương Bưu phụ trách. Nhà máy được trang bị đầy đủ với thiết bị cơ giới tự động nhập từ các nước Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật. Đây là nhà máy sợi có 20.000 suốt, 420 máy dệt vải tự động và phân bộ nhuộm hàng vải đủ loại. Theo công suất thiết kế nhà máy Sicovina Đà Nẵng sản xuất được sản lượng hàng năm 9.000.000 mét vải, nhân viên và công nhân lên đến 1.229 người; nguyên liệu cần cho nhà máy trên 2.000 tấn bông. Có thể nói rằng đây là nhà máy dệt lớn và hiện đại nhất miền Trung thời bấy giờ.
Trong cùng năm 1963, Sicovina cũng hoàn tất thủ tục mua đất để xây dựng nhà máy thứ 5 ở Thủ Đức. Ngày 14/10/1964, Sicovina long trọng diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên cho việc xây dựng nhà mày được gọi là “Khu kỹ nghệ Phong Phú” ở Tăng Nhơn Phú – Thủ Đức, đây chính là nhà máy của công ty Dệt Phong Phú ngày nay, sau khi Sicovina bị quốc hữu hóa sau 1975.
Việc xây dựng Khu kỹ nghệ Phong Phú năm 1964 xuất phát từ nhu cầu cấp bách về nhiều loại hàng vải, sợi, chỉ may, mà trước đó đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Chính phủ đã yêu cầu hạn chế nhập khẩu các loại vải để phát triển kỹ nghệ dệt ở trong nước, và đó cũng là cơ hội mở rộng sản xuất cho Sicovina.
Kỷ yếu kỷ niệm 10 năm thành lập Sacovina năm 1966 cho biết: “Việc xây cất Khu kỹ nghệ này là một công trình kỹ thuật kiến trúc khá quan trọng, với 40.000m2 cơ xưởng (do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế) trên một thửa đất rộng 17 mẫu tại làng Tăng Nhơn Phú thuộc Quận Thủ Đức bên cạnh Xa Lộ” .
Sicovina Phong Phú ở Thủ Đức được xây dựng với sự kết hợp làm việc của 2 kỹ sư hàng đầu của Sacovina là Kỹ sư Lâm Tô Bông và tiến sĩ Phạm Văn Hai: Từ mua đất, thiết kế, tới lắp ráp máy móc, huấn luyện nhân viên, sản xuất thử…
Buổi lễ động thổ xây dựng có sự tham dự của ông Tổng trưởng Kinh tế là tiến sĩ Âu Trường Thanh, ông Đinh Xáng – sáng lập viên kiêm chủ tịch Tổng đoàn Công kỹ nghệ, Tổng giám đốc Công ty kỹ nghệ bông vải Việt Nam, ông Phạm Văn Hai (sau này là Giám đốc Xưởng nhuộm), ông Lâm Tô Bông (sau là Giám đốc Xưởng sợi, dệt), ông Cổ Tấn Long cùng các cán bộ phòng thí nghiệm của các nhà máy An Nhơn, Khánh Hội. Vị trí diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên là khu vực nhà đèn (nay là Nhà ăn 2 trong khuôn viên Tổng Công ty Phong Phú).
Theo thông tin còn lưu lại trên viên đá với nội dung: “Nhà máy sợi – dệt – nhuộm Phong Phú, viên đá đầu tiên đặt ngày 14/10/1964 do ông Tổng trưởng Âu Trường Thanh”. Công trình khởi công xây dựng đầu tiên là nhà đèn, tiếp đến là các phân xưởng sợi, dệt, nhuộm, lò hơi, khu văn phòng… Một thời gian sau, viên đá đầu tiên được đưa về đặt trịnh trọng trong vườn hoa trước tòa nhà văn phòng của Tổng Công ty, nơi chứng kiến cảnh tấp nập của nhân viên công ty ra vào ca, đối tác khách hàng đến thăm và làm việc với Phong Phú mỗi ngày.
Trong các nhà máy này, nếu như Sicovina An Nhơn ở Gò Vấp chuyên về nhuộm, Sicovina Hòa Thọ tại Đà Nẵng chuyên về dệt và kéo sợi, thì Sicovina Phong Phú tại Thủ Đức với quy mô lớn nhất, có thể vừa kéo sợi, vừa dệt và nhuộm.
Theo tờ quảng cáo trên tạp chí Bách Khoa số Xuân năm 1967, cho biết Khu Kỹ nghệ Bông vải Phong Phú (Sicovina Phong Phú) bắt đầu khai thác từ ngày 1/1/1967, sử dụng công nghệ nhuộm tối tân nhất thế giới, vải không bị nhăn, không co rút, đốt không cháy, không thấm nước…
Nhà máy này có thể sản xuất các loại, ngoài may gia công quần áo Âu Mỹ thì còn sản xuất áo mưa, may nệm, mui xe hơi, lều cắm trại, màn treo…. Văn phòng liên lạc đặt tạm ở Nhà máy nhuôm Sicovina An Nhơn (Gò Vấp).
Tuy nhiên, cũng trong năm 1967, có một sự kiện gây xôn xao công luận Sài Gòn, đó là ông Đinh Xáng bị bắt. Lúc đó ông đang là chủ tịch “Tổng đoàn Công nghệ Việt Nam”, kiêm Tổng giám đốc Công ty kỹ nghệ bông vải (Sicovina). Ông dẫn đầu phái đoàn VNCH tham dự hội nghị các Tổng Giám đốc xí nghiệp thế giới tại Montréal (Canada), vừa về Việt Nam 11 giờ trưa ngày 22-6-1967 thì 8 giờ tối ngày hôm đó ông bị bắt, với lời buộc tội “giúp đỡ cho VC” và ký tên vào kiến nghị hòa bình.
Thời điểm đó tờ Le Monde đã đưa tin giật gân là ông Đinh Xáng đã chuẩn bị “thoát ly” ra mật khu D của MTGPMNVN, nhưng vì bị mật vụ Mã Thành Tâm chặn bắt ngay đường Công Lý nên việc thoát ly đã tạm gác lại (sau 1975 ông Đinh Xáng được giao làm giám đốc công ty quốc doanh FICONIMEX). Sau khi ông Xáng bị bắt, có tin nói rằng nhờ sự can thiệp của CIA nên tướng Nguyễn Ngọc Loan tha bổng cho Đinh Xáng. Ông trở lại làm giám đốc Sicovina tới năm 1971 thì bị thay thế bởi Nguyễn Tấn Phát.
Ngoài ra, có một thông tin đã được khẳng định chắc chăn, đó là một thành viên chủ chốt của ban lãnh đạo Sicovina – như đã nhắc tới, kỹ sư Lâm Tô Bông – đã tài trợ nhiều tiền cho Tổng hội sinh viên Sài Gòn để tổ chức “Đêm hội Quang Trung” đầu năm 1968, là hoạt động với mục đích ngụy trang che giấu nhiệm vụ tuyệt mật về cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Chi tiết này được nhắc tới trong tập sách của tác giả Trần Đình Chánh về các sự kiện năm 1968, càng củng cố thêm nghi vấn về việc các lãnh đạo Sicovina có liên quan mật thiết tới MTGPMNVN lúc đó.
Cũng như tất cả các công ty, xí nghiệp khác của Sài Gòn, sau 1975 Công ty Kỹ nghệ bông vải (Sicovina) bị quốc hữu hóa.
Ngày nay, công ty Sicovina Phong Phú tiếp tục hoạt động với tên gọi là Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú, còn công ty Sicovina Hòa Thọ ở Đà Nẵng trở thành công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ.