Chuyện về những tượng đài ở Sài Gòn thời Pháp thuộc: Tượng đài Một Hình, Hai Hình và Ba Hình

0
17

Tượng đài không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc để nhằm ngợi ca, tôn vinh danh nhân, mà đôi khi nó còn là biểu hiện cho quyền lực của chính quyền. Thời Pháp thuộc, để ghi công những nhân vật chính trị đã xâm chiếm và khai phá thuộc địa, chính quyền các thành phố, đặc biệt là ở Sài Gòn và Hà Nội, đã xây dựng nhiều tượng đài đặt giữa các đại lộ hoặc các quảng trường lớn ở trung tâm thành phố.

Số phận chung của những tượng đài thời Pháp này là đều bị giật đổ trong cách mạng tháng 8 năm 1945. Đó là chủ trương của ông Trần Văn Giàu, chủ tịch ủy ban kháng chiến Nam Bộ, ra lệnh cho lực lượng Việt Minh giật đổ các tượng Pháp vào thời điểm chính phủ thân Nhật ở Việt Nam bị sụp đổ bởi đế quốc Nhật thất bại trong thế chiến 2.

Lúc đó, tất cả các tượng người Pháp đều bị kéo đổ, ngoại trừ 2 bức tượng người Việt được dựng thời Pháp thuộc là Petrus Trương Vĩnh Ký ở gần Nhà thờ và tượng thương gia Quách Đàm ở chợ Bình Tây. (Tuy nhiên sau năm 1975, 2 bức tượng này cũng bị gỡ bỏ, hiện đang dựng ở sân sau Bảo tàng Mỹ Thuật – nhà cũ của Hui Bon Hoa).

Chủ trương đó của ông Trần Văn Giàu được ông đích thân xác nhận trong một bức thư có nội dung như sau:

Hôm đó là ngày 24 tháng 8 năm 1945. Tại nhà số 6 đường Colombert, trời sẩm tối, chúng tôi có một hội nghị quan trọng để truyền lệnh giờ tổng khởi nghĩa, nhắc lại cách thức làm khởi nghĩa ở thành phố Sài Gòn. Cán bộ lãnh đạo đông đủ. Trong cuộc họp đó, tôi nhớ mình có căn dặn riêng anh Tư Carê (gọi là anh Tư Carê vì anh ấy cúp tóc kiểu carê) rằng: “Mai mốt các anh kéo đổ các tượng đồng thì các anh có thể gởi tượng Rigault de Genouilly (ở đầu đường Paul Blanchy), tượng Gambetta (ở vườn Ông Thượng), tượng Cha Cả-Hoàng tử Cảnh (ở đầu đường Catinat) xuống sông Thị Nghè, nhờ bà Thủy giữ giùm, còn pho tượng này (tôi chỉ ra tượng Trương Vĩnh Ký ở ngay trước cửa 6 Colombert, trong vườn của dinh Toàn quyền) thì các anh hãy đưa vào gara Zancông Dênsinh”.

Sau đây là hình ảnh xưa và sơ lược về những tượng đài được dựng ở Sài Gòn thời Pháp thuộc, phần đầu tiên là nói về 3 cụm tượng đài được người dân gọi là Một Hình, Hai Hình và Ba Hình.

Tượng đài Rigault de Genouilly

Thời gian tồn tại: 1877-1945
Vị trí: Công trường Mê Linh ngày nay

Tượng đài Rigault de Genouilly, được người dân gọi là Tượng Một Hình, được xây dựng ở công trường Rigault de Genouilly, nay là công trường Mê Linh. Đây là địa điểm nổi tiếng của Sài Gòn đã được hình thành ngay từ những năm đầu Pháp quy hoạch Sài Gòn, và nơi đây từng được xây dựng những công trình tượng đài, tháp kỷ niệm khác nhau.

Gọi là Tượng Một Hình, là vì tượng đài chỉ có một hình duy nhất, đó là sĩ quan hải quân Pháp là Rigault de Genouilly, người đã chiến đấu trong lực lượng đồng minh Châu Âu chống đế quốc Nga, sau đó tham gia chiến tranh nha phiến lần 2 ở Trung Hoa, trước khi lãnh nhiệm vụ chỉ huy liên minh quân sự Pháp và Tây Ban Nha trong giai đoạn đầu xâm chiếm Đại Nam năm 1858-1859, chỉ huy nổ súng vào Đà Nẵng và phá thành Gia Định, mở đầu cuộc chinh phục Việt Nam của Pháp.

Tượng Rigault de Genouilly được xây dựng ở vị trí này từ năm 1877, và quảng trường nơi đặt tượng cũng được đặt tên là Place (quảng trường) Rigault de Genouilly.

Tượng đài Rigault de Genouilly ở Công trường Rigault de Genouilly (nay là Công trường Mê Linh)

Trước đó không lâu, từ năm 1875, ở vị trí này còn có một đài kỷ niệm khác, đó là tháp nhọn hình chóp Lamaille, để vinh danh một người Pháp tên là Jules Lamaille (còn có tên khác là Navaillé), là một đại úy Hải quân Pháp đã có đóng góp nhiều trong việc phát triển thương mại tại Saigon và thuộc địa. Trước đó tháp Lamaille được dựng ở vị trí bờ sông đầu đường Catinat vào năm 1865.

Tháp Lamaille sau khi đã di dời

Tháp Lamaille và tượng đài Rigault de Genouilly được đặt cạnh nhau và tồn tại song song trong khoảng 20 năm, như trong các hình sau:

Tháp Lamaille và “tượng một hình” Rigault de Genouilly.

Khoảng cuối thập niên 1890, người Pháp thay tháp Lamaille bằng ngọn tháp nổi tiếng Doudart de Lagrée, được dời về từ vị trí Nhà hát (municipal theatre), nhường chỗ để xây nhà hát.

Tháp Doudart de Lagrée và “tượng một hình” Rigault de Genouilly

Tháp Doudart de Lagrée ban đầu nằm ở vị trí Dinh Xã Tây, rồi dời về chỗ nhà hát, sau dời về công trường Rigault de Genouilly trước khi bị phá hủy trong những năm thập niên 1960.

Còn số phận của tượng đài Rigault de Genouilly thì không được lâu như vậy mà nó đã bị lực lượng kháng chiến kéo đổ vào tháng 8 năm 1945.

Tượng đài Bá Đa Lộc và Hoàng Tử Cảnh

Thời gian tồn tại: 1903-1945
Vị trí: Công trường Công xã Paris ngày nay, phía trước Nhà thờ Đức Bà

Đây là bức tượng đồng của 2 người là giáo sĩ Bá Đa Lộc dắt tay Hoàng tử Cảnh, nên được người dân gọi là Tượng Hai Hình.

Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine), thường được gọi là Cha Cả, là giáo sĩ Công giáo người Pháp được chúa Nguyễn Phúc Ánh trọng dụng. Còn Hoàng Tử Cảnh chính là con trai trưởng của chúa Nguyễn Ánh.

Tượng Bá Đa Lộc và Hoàng Tử Cảnh, phía bên kia là Bưu điện thành phố

Bức tượng này thể hiện một sự kiện lịch sử, đó là Bá Đa Lộc dẫn Hoàng Tử Cảnh sang Pháp cầu viện vào năm 1784. Mất hơn 2 năm thì chiếc tàu chở Bá Đa Lộc – Hoàng Tử Cảnh mới vào cửa Lorient ở phía tây nước Pháp. Cha Cả đưa Hoàng Tử Cảnh vào yết kiến Pháp Hoàng Louis XVI, sau đó ký giao ước hỗ trợ chúa Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Tuy sau đó vua Pháp đổi ý không gửi quân sang giúp nữa, những thế lực của Nguyễn Ánh vẫn ngày một mạnh, đánh thắng Tây Sơn để thống nhất đất nước và lên ngôi, thành vua Gia Long.

Tượng này tồn tại từ năm 1903 đến tháng 10 năm 1945 thì bị phá đi, để lại bệ tượng bỏ trống. Trong suốt 14 năm, từ 1945 tới 1959, vị trí này chỉ còn bệ tượng.

Đến năm 1959, tín đồ Công giáo Rôma dựng tượng Đức Bà Hòa Bình tại đây, từ đó khu đất này còn được gọi Công trường Hòa Bình.

Tượng Gambetta và hai người lính

Thời gian tồn tại: 1883-1945
Vị trí: Được đặt và di dời ở 3 vị trí khác nhau

Cụm tượng đài này bao gồm tượng chính là Gambetta và 2 tượng người lính ở phía dưới, nên người dân gọi là Tượng Ba Hình.

Léon Gambetta (1838-1882) là thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao cộng hòa Pháp trong hai năm 1881-1882. Ông thuộc phái các nhà chính trị Pháp lúc ấy ủng hộ việc xâm chiếm mở rộng thuộc địa Pháp. Gambetta qua đời lúc còn đang đương nhiệm năm 1882, và chỉ 1 năm sau đó, chính quyền thuộc địa ở Sài Gòn đã cho dựng một bức tượng của ông ở vị trí ngã tư đường Norodom – Pellerin (nay là Lê Duẩn – Pasteur), như trong hình dưới đây:

Tượng Gambetta giữa đại lộ Norodom

Một số hình ảnh khác của bức tượng Gambetta ở vị trí ngã tư đường này:

Tượng Gambetta, phía sau là Dinh Norodom
Hình vẽ tượng Gambetta giữa ngã tư trong tấm bản đồ năm 1898 (chính giữa hình)

Tượng đài gồm 3 khối tượng: Gambetta ở vị trí cao nhất, vai phải hướng về dinh Norodom; tay trái chỉ về hướng thành Gia Định (thành Phụng) đã bị Pháp chiếm trước đó 24 năm (ngày 17-2-1859).

Mặt tượng đài Gambetta nhìn về phía sông Sài Gòn; lưng quay về cuối đường Pasteur hiện nay. Hai khối tượng còn lại tạc hai người lính Pháp.

Tượng Gambetta ở vị trí ngã tư đường này được khoảng 20 năm thì dời về vị trí Chợ Cũ. Đó là khoảng đầu thập niên 1910, chợ Bến Thành mới được xây dựng thay cho chợ cũ bên kinh chợ Vải (đại lộ charner, tức Nguyễn Huệ ngày nay), vị trí ở chợ cũ được giải tỏa để làm quảng trường, được đặt tên là Quảng trường Gambetta, và tượng đài Gambetta từ ngã tư Norodom – Pellerin được dời về quảng trường này. Vị trí quảng trường Gambetta ngày nay chính là cao ốc Bitexco Financial Tower 68 cao nhất Sài Gòn.

Dưới đây là hình tượng đài Gambetta sau khi được dời:

Tượng đài Gambetta được dời về chợ cũ, vị trí ngày nay là cao ốc Bitexco 68 tầng. Dãy nhà bên trái là đường Adran (Võ Di Nguy cũ, nay là Hồ Tùng Mậu). Dãy nhà bên phải là đường Vannier, nay là Ngô Đức Kế. Phía bìa trái (nằm ngoài hình) là đường Phủ Kiệt, nay là Hải Triều.

Tuy nhiên, tượng đài Gambetta ở vị trí này không được bao lâu thì phải nhường chỗ lại để xây kho bạc, là tòa nhà ngày nay vẫn còn, nằm trên đường Nguyễn Huệ:

Thời pháp, tòa nhà này là Kho bạc Sài Gòn, sau 1955 là Tổng Nha Ngân Khố Sài Gòn, ngày nay là Kho Bạc Nhà Nước.

Để nhường chỗ cho Kho bạc, bức tượng Gambetta lại bị di chuyển qua vị trí của Vườn Ông Thượng (sau là Vườn Tao Đàn), như trong hình bên dưới:

Vị trí của bức tượng được đặt giữa công viên, đoạn sau này mở thành đường ngày nay là đường Trương Định đoạn qua Công viên Tao Đàn. Hiện nay xung quanh khu vực này vẫn còn một lối đi nhỏ vòng quanh khu đặt tượng đài.

Cùng với nhiều bức tượng khác, tượng Gambetta bị giật đổ tháng 8 năm 1945.

Mời các bạn đón đọc phần tiếp theo về những cụm tượng đài được xây dựng thời Pháp thuộc, đó là tượng đài ở Công trường chiến sĩ (Hồ Con Rùa ngày nay), tượng đài Francis Garnier ở trước Nhà hát, tượng đài người Việt là Trương Vĩnh Ký, Quách Đàm…

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận