Nhạc sĩ Trúc Phương là tài năng tiêu biểu của làng nhạc Việt Nam, với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng. Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, ông đã vượt qua gian khó để trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ người hâm mộ âm nhạc.
Có thể xem Trúc Phương là nhạc sĩ nổi tiếng và tiêu biểu nhất của nhạc vàng Việt Nam kể từ thập niên 1960 đến nay, đặc biệt là với các ca khúc giai điệu bolero, Rhuma. Hầu hết các sáng tác của nhạc sĩ Trúc Phương đều trở thành bất tử, trong đó quen thuộc nhất là Nửa Đêm Ngoài Phố, Tàu Đêm Năm Cũ, Hai Lối Mộng, Buồn Trong Kỷ Niệm, Thói Đời, Mưa Nửa Đêm, Đêm Tâm Sự, Bông Cỏ May…
Trúc Phương là một nhạc sĩ tài hoa và tài năng, nhưng đi đôi với đó là những bất hạnh tột cùng khi ông đã phải trải qua quá nhiều đau thương và khốn khó cho đến tận giờ phút cuối cùng của cuộc đời.
Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Vĩnh Bình (nay là Trà Vinh) ở vùng hạ lưu sông Cửu Long. Cha của Trúc Phương là một nghệ sĩ hát bội, sau chuyển qua hát cải lương, nên Trúc Phương cũng yêu thích nghệ thuật từ nhỏ vì ảnh hướng từ cha.
Từ giữa thập niên 1950, ông sinh hoạt văn nghệ với các nghệ sĩ ở ty Thông Tin tỉnh Vĩnh Bình một thời gian ngắn, đến năm 1957 thì lên Sài Gòn tìm đến nhạc sĩ Trịnh Hưng để học về kỹ thuật sáng tác. Nhạc sĩ Trịnh Hưng là một người chuyên sáng tác những ca khúc về đồng quê, và khuynh hướng này đã ảnh hưởng phần nào đến những sáng tác của Trúc Phương trong những năm đầu của sự nghiệp.
Bài hát đầu tay của nhạc sĩ Trúc Phương là Chiều Làng Em, Tình Thương Mái Lá, mang niềm nhớ nhung của ông về hình ảnh thanh bình ở nơi quê xưa. Ngay sau đó, một bài hát khác viết về thôn quê cũng rất nổi tiếng với giai điệu mambo trong sáng, vui tươi là Tình Thắm Duyên Quê.
Ca khúc giai điệu bolero đầu tiên mà nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác là Đò Chiều năm 1959, và sau đó là ca khúc được xem là bài bolero kinh điển: Tàu Đêm Năm Cũ, được ông viết vào đầu thập niên 1960 để tặng cho những người lính/sĩ quan phải đi xa nhà vì chính sách hoán đổi công tác của chính quyền thời bấy giờ: Công chức ở miền nam ra miền Trung công tác, và ngược lại.
Nhạc của Trúc Phương có phong cách rất riêng biệt khó lẫn với các nhạc sĩ khác. Các bài hát đều có lời ca hoa mỹ, bay bướm nhưng không cao xa, càng nghe người ta càng thấy tràn đầy cảm xúc. Ngoài dòng nhạc tình tự quê hương trong thời gian đầu, thì sau đó hình như Trúc Phương chỉ viết duy nhất nhạc về tình yêu, với những nhớ thương, mong đợi, ưu tư, hy vọng, ly tán, đoàn viên. Đó là những cảm xúc rất thật, gần gũi với cuộc sống và dễ đi vào lòng người.
Nhạc sĩ Trúc Phương lập gia đình với một phụ nữ ở Bến Tre vào cuối thập niên 1950 và có tổng cộng 6 người con, người con gái đầu tên là Trúc Loan đã kể về cha mình như sau:
“Ba tôi viết nhạc và nổi tiếng từ rất sớm nhờ dòng nhạc boléro chậm, trữ tình của ông dễ nhớ, dễ nghe. Ngoài cây đàn guitar thường xuyên bên cạnh, ba tôi còn biết chơi thành thạo các nhạc cụ khác. Hồi còn nhỏ xíu, có lần theo ba đi Đại nhạc hội, ba tôi còn đàn contrabass trong dàn nhạc nữa, lúc đó tôi rất ngạc nhiên vì cây đàn quá to này, ba phải đứng mới cầm được nó… Khi chơi với các con, ba tôi thường lấy cây harmonica “khẩu cầm” ra thổi…
Ba gặp má tôi khi bà còn đang đi học. Ba cưới ngay khi má chỉ 16 tuổi. Tôi được sinh ra vào thời điểm ba tôi viết nhạc nhiều nhất. Dù sau đó, tôi còn có thêm 5 đứa em nữa, nhưng ba vẫn luôn cưng tôi nhất nhà.
Ba tôi là một người đàn ông rất yêu gia đình, thương vợ thương con. Ông cũng là 1 người con, người cháu rất có hiếu. Ngày xưa, dù nghèo, ở nhà thuê, nhưng ba tôi cũng nuôi bà cố tôi chu đáo. Khi làm có tiền, ba hay mua sắm đồ đạc mang về quê cho bà nội tôi. Ba tôi hiền lành, chân thật, rất lạc quan và tốt bụng. Có lẽ vì vậy nên ai cũng quý mến. Tính ba tôi lại rất nghệ sĩ, không vụ lợi, không tính toán nên không có dư dả. Gánh nặng cơm áo gạo tiền, má tôi phải gánh vác từ lúc ba tôi phải nhập ngũ”.
Tuy đã có gia đình từ rất sớm, nhưng với tính tình phóng khoáng của một nhạc sĩ tài hoa, nhạc sĩ Trúc Phương đã xiêu lòng trước nhiều người đẹp, trở thành nguồn cảm xúc bất tận để ông viết nhiều ca khúc nhạc vàng nổi tiếng, trong đó bài Hai Chuyến Tàu Đêm được ông sáng tác khi trên tàu về thăm ở yêu ở tỉnh Bình Tuy (nay là Bình Thuận).
Click để nghe nhạc Trúc Phương thu âm trước 1975
Có một điều đặc biệt, là hầu hết những ca khúc buồn nhất của nhạc sĩ Trúc Phương như là Thói Đời, Buồn Trong Kỷ Niệm… đều được ông sáng tác khi đang tràn ngập hạnh phúc, cũng như ở đỉnh cao của sự nghiệp cả về tiếng tăm lẫn tài chính. Những cảnh đời buồn bã đó trong bài hát chỉ đến với ông vào thời gian sau này, như là một lời tiên tri định mệnh của số phận. Sau này, trong lần ghi hình hiếm hoi trong những năm cuối đời, ông cho biết:
“Bài “Buồn Trong Kỷ Niệm” được tôi sáng tác trong lúc vô cùng hạnh phúc, bởi lúc đó mới lấy vợ có đứa con đầu tiên, lúc đó đứa con gái mới có 2 tháng mấy, 3 tháng. Tôi đang ngụp lặn trong hạnh phúc. Còn việc tôi viết bài đó thì không hiểu vì sao tôi viết.
Tôi nghĩ là sau này, cái bài đó tiên tri cho mối tình của tôi. Tức là nó báo cho tôi rằng sẽ có một cái ngày mà tôi nhìn về kỷ niệm, về cái nỗi buồn kia. Thật ra thì lúc đó tôi rất hạnh phúc. Tôi cảm ơn các tác phẩm, đã cho tôi những ngày biết trước cuộc đời tôi như thế, mà phần lớn tác phẩm đều có như thế, ngoài “Buồn Trong Kỷ Niệm” ra, còn một số tác phẩm khác”
Qua lời tâm sự này, nhạc sĩ Trúc Phương đã trực tiếp xác nhận rằng ca khúc Buồn Trong Kỷ Niệm như là một lời dự cảm cho cuộc hôn nhân buồn của ông sau đó. Phải chăng với sự nhạy cảm đặc biệt của một người nghệ sĩ, ông đã tiên đoán được vận mệnh trong tương lai của mình, hoặc là có thể là cái buồn trong nhạc đã vô tình vận vào chính cuộc đời của người sáng tác.
Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn
Đôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ
Có đau chỉ thế tiếc thương chỉ thế
Khi hai mơ ước không chung cùng vui lối về
Mình vào đời nhau lúc môi còn non tuổi mộng vừa tròn
Hương thơm làn tóc nước mắt chưa lần khóc
Đến nay thì đã đắng cay nhiều quá
Thơ ngây đi mất trong bước buồn giờ mới hay
Bao năm qua rồi còn gối chiếc
Nghe lòng nhiều nuối tiếc
Thương nhau rồi
Xa nhau rồi
Một lần dang dở ấy
Đêm lạnh vui với ai?
Nụ cười ngày xưa chết trên bờ môi héo mòn tuổi đời
Đi thêm một bước trót nhớ thêm một bước
Nếu ta còn nhớ mắt môi người cũ
Xin mang theo tiếng yêu khi gọi anh với em!
Ngoài ca khúc Buồn Trong Kỷ Niệm, một bài hát khác cũng đã vận vào cuộc đời nhạc sĩ Trúc Phương như là một định mệnh, đó là “Thói Đời”.
Đến nay, bài hát Thói Đời vẫn được rất nhiều người yêu thích, có lẽ ca khúc này chính là sự soi rọi trung thực nhất của tình đời và tình người trong xã hội cả xưa và nay. Thời nào thì cũng đều có: “giàu sang quên kẻ tâm giao…”
Click để nghe Chế Linh hát Thói Đời
Đường thương đau đày ải nhân gian
Ai chưa qua chưa phải là người
Trông thói đời cười ra nước mắt:
Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu
Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao,
còn gian dối cho nhau.
Tổng số lượng sáng tác được công chúng biết đến của nhạc sĩ Trúc Phương là gần 70 bài, nhiều bài phổ biến trong suốt thập niên 1960 và cho đến tận hiện nay. Bài hát cuối cùng của ông là Xin Cảm Ơn Đời, được viết vào tháng 3 năm 1995 khi ông được đón nhận những tình cảm thân ái mà đồng nghiệp trong và ngoài nước gửi đến vì biết được hoàn cảnh bi đát của ông vào những năm cuối đời. Bài hát này cũng như là lời tâm tình, uẩn khúc mà ông muốn gửi lại cho đời lần sau chót.
Cuối thập niên 1960, nhạc sĩ Trúc Phương từng mở lớp nhạc ở số 33/230, đường Gia Long, Gò Vấp gọi là “Trúc Phương Tự Lực”, đào tạo được một số ca sĩ như Thy Lệ Dung, Thy Lệ Huyền, Chinh Thông nhưng không có ca sĩ nào nổi tiếng.
Nhắc đến nhạc sĩ Trúc Phương, ai cũng nhớ đến giọng hát Thanh Thúy. Cho dù nữ ca sĩ này đã trở thành một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất Sài Gòn ngay từ lúc cuối thập niên 1950 khi chưa gặp Trúc Phương, sang đến đầu thập niên 1960, nhạc Trúc Phương và tiếng hát Thanh Thúy đã trở thành sự kết hợp có thể xem là thành công nhất của thể loại nhạc vàng. Trong một bài tưởng niệm nhạc sĩ Trúc Phương đăng trên báo Thế Giới Nghệ Sĩ, ca sĩ Thanh Thúy viết:
“Anh và tôi không hẹn, nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi anh và tôi như đã gắn liền với nhau: nhạc Trúc Phương, tiếng hát Thanh Thúy.
Như một định mệnh, tôi vào đời ca hát đúng vào thời điểm anh say mê sáng tác, và tình cờ trở thành vị sứ giả đem tâm sự anh đến mọi người, những người không nhiều thì ít cùng mang một tâm sự với anh. Tâm sự về tuổi thơ mộng, về tình yêu dịu dàng của đôi lứa (dù trong bối cảnh đau thương của đất nước), về chuyện tình dở dang, về cuộc đời…”
Sau năm 1975, nhạc sĩ Trúc Phương ở lại Sài Gòn. Năm 1976 ông cố gắng vượt biển bất thành và bị tịch thu căn nhà riêng ớ số 301 Lý Thường Kiệt, Quận 11 (tên cũ là đường Nguyễn Văn Thoại).
Đó cũng là thời điểm khởi đầu những bi kịch liên tục đến với vị nhạc sĩ tài hoa được xưng tụng là “ông hoàng bolero” này.
Sau khi bị tù vì vượt biển 2 lần nữa đều không thành công, nhạc sĩ Trúc Phương bị lâm vào hoàn cảnh gia đình ly tán và chia tay với vợ vào khoảng năm 1979.
Chịu cảnh sống không nhà cửa, không giấy tờ tuỳ thân. Hoàn cảnh lúc đó được chính nhạc sĩ Trúc Phương kể lại trong một cuộc phỏng vấn như sau:
“Sau những biến cố của cuộc đời, tôi phải sống một thời gian kiểu rày đây đây mai đó, bèo dạt mây trôi. Nếu đói thì không đói ngày nào, nhưng mà nói no thì chưa được ngày nào gọi là no. Tôi không có mái nhà, lúc đó thì chuyện vợ con cũng tan nát rồi.
Tôi sống nhờ nhà bạn bè. Nhưng mà khốn nỗi bạn bè cũng có hoàn cảnh bi đát, khổ sở. Không ai đùm bọc ai được. Thêm nữa, bạn bè không dám chứa tôi trong nhà, bởi vì tôi không có giấy tờ tùy thân, chẳng có thứ gì trong người cả…
Tôi nghĩ ra một cách, là tìm nơi nào có khách vãng lai để chui vào ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ. Ban ngày thì lê la trong thành phố, đến đêm phải ra xa cảng (Bến xe Miền Tây), thuê một chiếc chiếu, thế chân 1 đồng. Ngủ đến sáng, xếp chiếu trả cho người ta, lấy tiền thế chân về. Một năm tôi ngủ ở xa cảng đến 9 tháng như vậy.
Hôm nào có tiền đi xe lam, tôi ra sớm, chừng 5 giờ chiều có mặt ngoài đó thì còn có chỗ lịch sự, tương đối vệ sinh để trải chiếu nằm. Hôm nào ra trễ, chỗ tốt, sạch, vệ sinh… bị người ta giành hết rồi, tôi phải trải chiếu gần chỗ người ta đi tiểu, nhưng mà cũng đành chịu”.
Đó là thời gian mà nhạc sĩ Trúc Phương không có việc làm, không có bất kỳ nguồn thu nhập nào, lại chia tay vợ, 6 người con của ông cũng gặp khó khăn vì hoàn cảnh chung của cả xã hội lúc đó. Trúc Phương nói rằng ông phải sống nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, nhưng chỉ được một thời gian ngắn vì ông không thể sống nhờ tình thường của người khác mãi được.
Hơn một năm sau thì ông lưu lạc về Trà Vinh để sống với mẹ. Ông kể về thời gian đó như sau:
“Tôi nghĩ, phải tìm về mẹ, tìm bóng mát che chở của mẹ. Nhạc sĩ Y Vân nói tình mẹ bao la, rất đúng.
Mẹ tôi khổ quá. Một bà mẹ quê, mua bán nhỏ ngoài chợ. Mua con gà ở đầu chợ, xách xuống cuối chợ bán, lời chỉ được 1 đồng, 2 đồng. Mẹ tôi già yếu nhưng vẫn phải tần tảo nuôi thằng con đã 50 tuổi đầu”.
Không đành lòng để mẹ phải khổ tâm vì mình, nhạc sĩ Trúc Phương lại ra đi. Năm 1984, ông rời thị xã Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh để đi thị xã Vĩnh Long tìm sinh kế.
Thời gian đầu ông ở nhờ nhà bạn bè cũ trong khi chờ đợi vào làm việc tại hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Cửu Long (thời điểm đó Trà Vinh và Vĩnh Long sáp nhập thành tỉnh Cửu Long). Tại căn nhà ở hẻm 25 đường Tống Phước Hiệp (cũ) ở thị xã Vĩnh Long ngày ấy, những nghệ sĩ đàn em nổi tiếng trước 1975 như Duy Khánh, Trần Thiện Thanh đã đến thăm nhạc sĩ Trúc Phương trong những lần đi lưu diễn (chui) về miền Tây.
Giữa năm 1985, ông được nhận vào công tác tại Hội Văn nghệ Cửu Long và được cấp một căn phòng tại số 6 Hưng Ðạo Vương, thị xã Vĩnh Long để ở.
Tuy nhiên chỉ sau 1 vài năm, Trúc Phương lại trở về sống ở Sài Gòn nhờ sự giúp đỡ của bạn bè. Thời gian này căn bệnh suyễn nặng bắt đầu hành hạ và sức khoẻ của ông bị xuống đi nhanh chóng. Có thông tin nói rằng nhạc sĩ phải ở nhờ nhà của bạn bè, và không rõ ông mưu sinh bằng nghề gì, chỉ biết rằng thỉnh thoảng ông vẫn gặp gỡ văn nghệ với những đồng nghiệp là nhạc sĩ trước năm 1975 còn lại ở Sài Gòn, như là Thanh Sơn, Mặc Thế Nhân, Ngọc Sơn, Hồng Vân, Bảo Thu, Quốc Dũng, Hoàng Trang, Hàn Châu, Tô Thanh Tùng, Tâm Anh, Khánh Băng, Châu Kỳ…
Thời gian đó MC, nhà báo Trần Quốc Bảo ở hải ngoại về Việt Nam 3 lần, đều được gặp nhạc sĩ Trúc Phương, và mô tả ông trong 1 lần họp mặt văn nghệ như sau:
“Mọi người đang ngồi cùng cười nói thì có tiếng ho sù sụ từ dưới đi lên gác. Tiếng ho như những tràng liên thanh không dứt. Mọi người cùng im lặng hẳn lại để nhìn về phía cầu thang. Lúc đó nhạc sĩ Trúc Phương mặt mày xanh xao, thân hình gầy còm đang lững thững đi lên. Hôm đó anh mặc chiếc sơ mi trắng rộng mênh mông, khó lòng ai có thể nhận ra nếu không nhờ vào đôi mắt kiếng dầy cộm và nụ cười hiền hòa cố hữu. Anh ho như người bị suyễn lâu ngày, đã vậy còn phải bước lên gác cao, chân đi liêu xiêu chập choạng. Khi bước lên tới nơi, mặt anh không còn một chút máu, bạn bè phải dìu anh vào chỗ ngồi.”
Từ khoảng năm 1993-1994, nhà báo Trần Quốc Bảo, ca sĩ Thanh Thúy ở hải ngoại đã phối hợp cùng các nhạc sĩ trong nước đã vận động, quyên góp tiền từ hải ngoại để gửi về giúp đỡ cho nhạc sĩ Trúc Phương. Trong một bức thư gửi Trần Quốc Bảo sau khi nhận được tiền giúp đỡ, nhạc sĩ Trúc Phương ghi:
“Anh đã nhận được báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 32 ra tháng 9/94 và số tiền 200 USD gồm 100 của Sơn Tuyền, 50 của Phương Hồng Quế và 50 của em do em Trần Thái Học đưa tận tay. Cho anh gửi lời cảm ơn đến mọi người.
Còn hình ảnh thời trai trẻ anh không còn tấm nào, duy nhất tấm anh gởi kèm chụp cách nay hơn 10 năm. Hơn tháng nay anh yếu quá thường bị làm mệt luôn, tay run chữ viết chắc khó đọc, ráng xem nhé.
Anh mệt quá, không viết nỗi nữ, cho anh ngưng. Chúc khoẻ và may mắn cho mọi người và xin một lần nữa cho anh gửi lời cảm ơn trân trọng”.
Có một điều đáng nói, là trong khi người nhạc sĩ tài hoa Trúc Phương phải trải qua cơn bỉ cực vì thiếu thốn, thì ở hải ngoại, hầu hết các trung tâm sử dụng nhạc của ông một cách thoải mái mà không trả tiền bản quyền. Đó cũng là thời điểm mà các hãng băng đĩa mọc lên như nấm với doanh thu rất lớn, nhưng chỉ có một số ít ca sĩ chủ động gửi tiền về cho Trúc Phương, nhiều nhất là Thanh Thuý, sau đó là Giao Linh, Sơn Tuyền, Phương Hồng Quế…
Một trong những người bạn thân cận với nhạc sĩ Trúc Phương trong những năm cuối đời là nhạc sĩ Thanh Sơn đã xác nhận hoàn cảnh bi đát của Trúc Phương trong một bức thư gửi cho ca sĩ Thanh Thúy như sau:
“Vợ có chồng khác, anh Phương sống lay lắt với 2 người con trai, bữa đói bữa lưng chứ chưa được bữa no”.
Năm 1995, nhạc sĩ Nhật Ngân có về nước để gặp lại Trúc Phương lần cuối cùng. Sau đó, Nhật Ngân đã tường thuật lại hoàn cảnh của người anh – người bạn nhạc sĩ như sau:
“Nhà Mặc Thế Nhân ở Lái Thiêu, cách Saigon chừng 12km, tuy địa điểm hơi xa nhưng những cuộc họp mặt của anh chị em ca nhạc sĩ ở Saigon khoảng thời gian sau này khi có khách xa về, hay cần phải họp bàn về vấn đề gì thường dùng làm địa điểm vì khung cảnh ở đây ấm cúng và biệt lập với thành phố.
Hôm tôi mới về, ngỏ lời mời anh chị em ăn cơm để gặp gỡ mọi người thì Thanh Sơn liền đề nghị tổ chức tại nhà Mặc Thế Nhân. Ngay khi đó tôi nghĩ tới Trúc Phương và sợ là xa như vậy không biết Anh có tới được không? Thanh Sơn đã cho tôi biết tuy bịnh nhưng Trúc Phương vẫn có thể chạy xe gắn máy được.
Thanh Sơn nói: “Trúc Phương tuy yếu nhưng những cuộc họp mặt gặp gỡ kiểu này hắn đều có mặt, Nhật Ngân cứ yên tâm đi, tôi bảo đảm mà”.
Và hôm đó Trúc Phương đã đến, sau khi ngồi thở dốc chừng 5 – 10 phút, với một giọng nói thều thào đứt quãng, Anh đã thăm hỏi hầu hết mọi bạn bè đồng nghiệp ở bên này. Tôi còn nhớ Anh hỏi Duy Khánh ra sao, khá không? Anh hỏi Thanh Thúy, Hoàng Oanh bây giờ thế nào, sao không thấy về chơi? Anh hỏi anh Phạm Duy, Song Ngọc, Trầm Tử Thiêng, Lê Văn Thiện, Ngọc Chánh… đời sống bây giờ ra sao? Anh hỏi thật nhiều làm tôi trả lời không muốn kịp.
Ngay khi đó tôi đã có cảm tưởng anh hỏi như để không bao giờ được hỏi nữa. Trước mắt tôi lúc đó Trúc Phương tuy có vàng võ tiều tụy khác xưa nhưng vẫn nồng nhiệt, dí dỏm như ngày nào.
Tiệc tàn, khi anh em sửa soạn chia tay lên xe về, Trúc Phương kéo tôi ra riêng một góc anh nói: “Cậu về bên đó nhắn anh chị em lời tôi thăm hỏi và thành thật cảm tạ những thâm tình của anh chị em đã nghĩ tới tôi trong cơn bệnh hoạn này. Tôi thấy trong mình tôi hồi này đã tệ lắm rồi, sợ không còn dịp để gặp gỡ anh chị em nữa đâu…”
Dường như quá xúc động và hụt hơi, Anh đã ngừng lại ở đây ít phút, sau đó anh rút túi một bản nhạc đưa cho tôi, anh nói:
“Đây là ca khúc cuối cùng tôi vừa hoàn tất trong tháng qua, cậu đem về bên đó phổ biến dùm và coi như đây như là lời tạ từ của tôi…”
Nói tới đây. một cơn ho sặc sụa bất chợt kéo đến, Trúc Phương ngồi xuống ghế, tay ôm ngực, mặt đỏ bừng, mồ hôi ướt tươm lên mặt. Mọi người nhìn anh ái ngại, nhưng chỉ khoảng ít phú sau Anh đã đứng lên, cười cười:
“Bệnh của tôi như giả bộ vậy đó, bây giờ tôi lại khỏe rồi. Thanh Sơn đạp xe nổ giùm tôi đi, tụi mình về liền không thôi trời đổ mưa thì khổ…”
Sau đây là những lời trăn trối của Trúc Phương qua Xin Cảm Ơn Đời:
Đời đã không may, và những không may tiếp theo sau để trôi tất cả
Sống chông chênh dòng đời lênh đênh chẳng mái ấm gia đình
Đôi khi tội tình nhìn gương mà thương bóng mình.
Thuở mới yêu xưa người đã cho ta những đam mê từng đêm rất lạ
Lúc chia xa, người lại cho ta hồ nước mắt lưng tròng
Khi ta chạnh lòng ngồi ôm hạnh phúc lưng chừng
Trách gì cũng nước lã người dưng
Thôi thì yêu, dù mùa yêu có muộn
Sợ mong manh đêm vui, sợ đơn phương chăn gối
Cuối cùng sợ thuyền đi bỏ bến buồn tênh
Giờ vướng cơn đau
Còm cõi xanh xao những cơn đau tuổi xanh rớt lại
Cám ơn em, bè bạn nơi nơi gởi chút xót xa người
Thêm đôi tuổi trời thở hơi thở ấm ơn đời.
Đời đã không may, và những không may tiếp theo sau để trôi tất cả
Sống chông chênh dòng đời lênh đênh chẳng mái ấm gia đình
Đôi khi tội tình nhìn gương mà thương bóng mình.
Thuở mới yêu xưa người đã cho ta những đam mê từng đêm rất lạ
Lúc chia xa, người lại cho ta hồ nước mắt lưng tròng
Khi ta chạnh lòng ngồi ôm hạnh phúc lưng chừng
Trách gì cũng nước lã người dưng
Thôi thì yêu, dù mùa yêu có muộn
Sợ mong manh đêm vui, sợ đơn phương chăn gối
Cuối cùng sợ thuyền đi bỏ bến buồn tênh
Giờ vướng cơn đau
Còm cõi xanh xao những cơn đau tuổi xanh rớt lại
Cám ơn em, bè bạn nơi nơi gởi chút xót xa người
Thêm đôi tuổi trời thở hơi thở ấm ơn đời.
Xin Cám Ơn Đời cũng là bài hát cuối cùng của nhạc sĩ Trúc Phương, được ông viết chỉ vài tháng trước khi từ trần. Có thể thấy qua ca khúc này nhạc sĩ đã tự thuật về cuộc sống khó khăn của ông vào thời điểm đó là: “Sống chông chênh dòng đời lênh đênh chẳng mái ấm gia đình”.
Những năm cuối đời, nhạc sĩ Trúc Phương bị suyễn nặng, với căn bệnh phổi hành hạ và qua đời ngày 18 tháng 9 năm 1995, được an táng tại nghĩa trang Lái Thiêu.
Sau khi mai táng xong nhạc sĩ Trúc Phương ngày 21/9/1995, ngày hôm sau đó, nhạc sĩ Thanh Sơn viết một bức thư ngỏ để gửi đến các trung tâm băng nhạc và ca sĩ ở hải ngoại, cùng những người đã hát nhiều nhạc của Trúc Phương rồi thành danh nhưng không trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ. Dưới bức thư này có chữ ký của các nhạc sĩ ở trong nước là Thanh Sơn, Bảo Thu, Quốc Dũng, Hoàng Trang, Ngọc Sơn trước 75, Mặc Thế Nhân. Xin chép lại nguyên văn bức thư này sau đây:
Kính gửi Quý trung tâm băng nhạc, Quý anh chị em a nhạc sĩ ở Hoa Kỳ.
Nhạc sĩ Trúc Phương đã từ trần lúc 9 giờ 45 phút ngày 18 tháng 9 năm 1995 tại bệnh viện An Bình. Gia đình và một số bạn hữu đã hoàn tất việc mai táng tại nghĩa trang Lái Thiêu, ngày 21/9/1995.
Trước sự ra đi lặng lẽ và hết sức đau buồn của một nhạc sĩ tài hoa, trong hoàn cảnh thiếu thốn trầm trọng, chúng tôi: một số nhạc sĩ sáng tác bạn bè cũ của nhạc sĩ Trúc Phương, viết vài giòng chữ này kính gởi đến quý Trung tâm băng nhạc và anh chị em ca nhạc sĩ trên đất Mỹ, dù có xử dụng hay không xử dụng đến 65 bài hát của nhạc sĩ Trúc Phương, xin hãy nhỏ chút tình thương bằng tấm lòng giúp đỡ tùy hảo tâm của quý vị, để gia đình và bạn bè xây mộ theo ước nguyện, lời trăn trối sau cùng của nhạc sĩ Trúc Phương.
Chúng tôi trân trọng gởi lời cám ơn đến quý vị và kính chúc nhiều sức khỏe, công việc làm ăn được thịnh vượng.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Hy vọng bài viết về nhạc sĩ Trúc Phương sẽ giúp bạn hiểu thêm về hành trình vươn lên thành công của ông trong hoàn cảnh khó khăn.