Lệ Thu, nữ hoàng nhạc trữ tình, với giọng hát cảm xúc đã chinh phục hàng triệu trái tim. Hành trình nghệ sĩ vượt qua bao gian khó, thăng trầm trong sự nghiệp âm nhạc đã tạo nên tên tuổi của Sài Gòn xưa. Lệ Thu vẫn mãi sống trong lòng người yêu nhạc bằng những bản nhạc đậm chất cảm xúc và tình người.
Đầu năm 2021, người yêu nhạc trữ tình Việt Nam bàng hoàng và đau xót khi biết tin nữ danh ca Lệ Thu qua đời vì nhiễm nCoV. Ngay trước đó, bà còn đứng trên sân khấu, tham gia nhiều show nhạc, buổi nhạc từ thiện, các chương trình âm nhạc trực tuyến… Tuy nhiên từ cuối năm 2020 bà đã nhiễm bệnh và qua đời sau 2 tháng nhập viện, hưởng thọ 78 tuổi.
Thập niên 60-70 của thế kỷ trước, danh ca Lệ Thu cùng với Khánh Ly và Thái Thanh, là những tên tuổi được yêu thích nhất ở các phòng trà âm nhạc Sài Gòn. Nhắc đến Lệ Thu, người ta nhớ đến “giọng hát vàng mười” rất sang trọng, giàu năng lượng, truyền cảm và sâu lắng. Giọng hát đã thể hiện thành công rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trường Sa, Cung Tiến…
Đam mê âm nhạc và học piano từ lúc 5 tuổi
Khác với nhiều nghệ sĩ cùng thời, Lệ Thu có tuổi thơ êm ấm trong một đại gia đình bề thế mà cả nội và ngoại đều rất khá giả. Tên thật của nữ danh ca là Bùi Thị Oanh. Bà sinh năm 1943 tại Hải Phòng. Suốt thời thơ ấu của mình, Lệ Thu chủ yếu sống tại Hà Đông, rồi sau đó chuyển lên Hà Nội. Lệ Thu là con thứ 8 trong nhà, tuy nhiên những anh chị trước cùng mẹ của bà đều chỉ sống đến năm 3 tuổi là mất. Vì vậy toàn bộ tình thương của cha mẹ, của gia đình đều dồn hết lên đứa con út còn lại là Lệ Thu. Ngoài ra, cũng vì lý do đặc biệt đó nên mẹ Lệ Thu tránh không gọi cô là con, mà gọi là “em”.
Về tên khai sinh, thật ra ở nhà Lệ Thu còn được gọi bằng cái tên khác là Trâm Anh, với lý do được cô giải thích như sau:
“Thực ra, tên Thu theo các cụ định thì không phải là Bùi Thị Oanh. Thầy Thu làm chức tước nhỏ gì đó ở làng hay huyện Ðông Xá. Mẹ Thu là thiếp, thua thầy đến gần 30 tuổi. Thầy dặn mẹ là nếu sinh con gái thì đặt tên là Bùi Trâm Anh, còn nếu con trai thì đặt là Bùi Gia Bảo. Thế lúc đi làm giấy tờ, Tây nó hỏi, cụ sợ, theo nếp cũ là con trai thì lót tiếng “Văn,” con gái thì lót chữ “Thị,” nên bèn khai đại là Bùi Thị Oanh. Cho nên trong nhà vẫn gọi Thu là Trâm chứ không gọi là Oanh”
Kể về cuộc sống thời thơ ấu của mình, nữ danh ca từng tâm sự:
“Chỉ có tôi là đứa con duy nhất nhận được toàn bộ tình thương, chăm sóc của cả gia đình. Mẹ lúc nào cũng âu yếm gọi tôi “em ơi”, “cô ơi”. Tôi có một cuộc sống đầy đủ trong căn nhà đúng kiểu làng quê miền Bắc ngày đó. Một căn nhà ba gian, có ao thả cá, có vườn cây hoa trái rộng bát ngát.
Tuổi thơ tôi bình yên trôi. Tôi hầu như không biết đến sự khốc liệt của chiến tranh, đi học ở đình làng gần nhà, sau đó chuyển từ Hà Đông lên Hà Nội. Thấy tôi mê nhạc, gia đình cho tôi đi học đàn. Nhưng nghĩ, con gái mà học guitar sợ “ngổ ngáo” quá nên bố mẹ gởi tôi vào trường dòng từ lúc lên 5 cho tôi học piano. Đam mê được thỏa nguyện tạo nên trong tôi tình yêu vô cùng trong âm nhạc. Mặc nhiên đến mức tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có thể khác đi. Ca hát, với tôi là duyên số, là phước phần trời định. Gia đình tôi, các chú, các cậu đều hát rất hay. Tôi hát chẳng là gì so với họ nhưng chắc không ai có cái nghiệp như tôi.”
Sống trong một gia đình quyền quý, được yêu chiều hết mực, nhưng vì là con vợ lẽ, tuổi thơ của bà cũng đột ngột bị đổi hướng vào năm lên 10, danh ca Lệ Thu kể:
“Mẹ tôi là vợ lẽ, sống dưới quyền mẹ cả, phải chịu đựng đủ điều. Đủ thứ việc trong nhà, cụ phải dang tay cáng đáng, chẳng bao giờ được nghỉ tay. Năm tôi 10 tuổi, mẹ con tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống.”
Đó là năm 1953, Lệ Thu theo mẹ chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tuy không còn học piano nữa nhưng ngay cạnh nhà lại có ông thầy dạy guitar và Lệ Thu cũng được cho theo học một thời gian. Mỗi lúc không học đàn, Lệ Thu vẫn thường lắng nghe và hát theo tiếng nhạc phát ra từ nhà thầy. Nhiều người đi qua nghe được cứ mãi suýt xoa khen tiếng hát hay. Ngoài việc học ở trường, học đàn với thầy riêng, Lệ Thu còn tham gia ca hát trong ban nhạc thiếu nhi Tuổi Xuân của nhạc sĩ Ngọc Bích. Ban nhạc này là xuất phát điểm của nhiều tài năng âm nhạc thành danh sau này như: Khánh Ly, Mai Hương, Quỳnh Giao,..
Sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy, suôn sẻ
Lệ Thu bắt đầu dấn thân vào con đường ca hát chuyên nghiệp trong một dịp rất tình cờ. Đó là năm 1959, Lệ Thu đang theo học chương trình trung học Pháp tại trường tư thục Les Lauriers ở Tân Định. Lệ Thu kể:
Lần sắp thi tú tài, nhân dịp sinh nhật một nhỏ bạn tổ chức trên sân thượng phòng trà Bồng Lai, mấy cô bạn trong nhóm của tôi thúc: “Ê Oanh, mày lên hát tặng con Liên một bài sinh nhật đi!”. Toàn bạn bè chơi với nhau, có gì đâu mà ngại. Tôi liền đứng lên hát bài Tà áo xanh (Dang dở) của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Trong vô thức tự nhiên tôi hát bài đó thôi chớ không nghĩ chuyện kiêng kỵ gì hết. Tự dưng đâu, giọng hát tôi “lọt tai” ông chủ phòng trà. Ổng bèn ngỏ lời mời tôi đi hát. Gia đình tôi gia giáo, biết chắc là mẹ không thể nào chấp nhận chuyện này nên tôi thẳng thừng từ chối. Ông thuyết phục tôi rằng: “Em có giọng hát rất hay và lạ. Không cần thức khuya đâu. Em cứ đến đây lúc 8 giờ, hát vài bài rồi 9 giờ về. Cứ nói với mẹ là đến nhà bạn thảo luận bài”. Kèm theo đó, ông trả cho tôi một số tiền khá lớn so với hình dung của tôi thời ấy.
Với niềm đam mê âm nhạc chảy sẵn trong máu huyết, cô học trò Bùi Thị Oanh 16 tuổi bắt đầu lén mẹ, tối tối lại bước lên sân khấu, lột xác trở thành nữ ca sĩ Lệ Thu. Nhiều lần vội vã không kịp thay đồ, cô ca sĩ mang cả đồng phục học trò lên sân khấu âm nhạc. Đi hát được một thời gian, Lệ Thu bị mẹ phát hiện và cấm cửa không cho ra khỏi nhà mỗi tối. Ông chủ phòng trà Bồng Lai sau nhiều ngày thấy cô ca sĩ trẻ bặt tăm bặt tích thì liền tìm đến tận nhà. Ông ra sức thuyết phục mẹ Lệ Thu cho phép cô đi hát vì cô có một giọng hát thiên phú, rất được nhiều người yêu thích. Sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, mẹ Lệ Thu mới quyết định nhận lời mời của ông chủ phòng trà đi xem cô hát. Sau nhiều lần tận mắt chứng kiến con gái trình diễn trên sân khấu âm nhạc và được nhiều người hâm mộ tán thưởng giọng hát, bà mới đồng ý cho phép cô con gái dấn thân vào âm nhạc. Sau hai năm bám sát từng bước chân con mỗi khi cô đến biểu diễn ở phòng trà, bà mới yên tâm để Lệ Thu đi một mình.
Về lý do chọn nghệ danh Lệ Thu, cô kể lại:
“Trong một lần đến chơi bệnh viện Cộng Hòa thăm ông cậu làm việc ở đó, gặp dịp lễ lạt bệnh viện dự định tổ chức văn nghệ cho thương bệnh binh giải trí. Ông cậu hỏi Thu: Cháu muốn hát không? Lúc đó Thu chưa đi hát bao giờ, nhưng vẫn gật đầu bừa, nhưng lại sợ mẹ. Cậu hứa sẽ về “nói với mợ cháu là đi chơi với cậu thì mợ yên tâm.
Ðến lúc lên hát, bất ngờ người ta hỏi tên là gì để còn giới thiệu. Thu ú ớ, nói bừa là Mộng Thu. Sau thấy chữ Mộng có vẻ mộng mị quê mùa quá, nhưng lỡ dính chữ “Thu” nên lấy tên “Lệ Thu” cho rồi. Thu vội nói với ông animateur, bây giờ gọi là ông MC, “Này ông ơi, tên tôi là Lệ Thu nhé.”
Thực ra không biết từ bao giờ, thuở còn bé lắm, Thu cứ thích tên Thu. Còn chữ Lệ thì lúc sắp lên hát cuống quá, lấy đại cho rồi, nhưng chắc cả hai chữ đó lởn vởn đâu đó trong tiềm thức.”
Sau khi đi hát ở phòng trà Bồng Lai một thời gian, được sự ủng hộ và cho phép của mẹ, Lệ Thu quyết định nghỉ học để theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Nhiều phòng trà, vũ trường biết đến tên tuổi của Lệ Thu, đã mời nữ danh ca về cộng tác, trong đó có những địa chỉ rất nổi tiếng thời bấy giờ như Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát, vũ trường Tự Do, vũ trường Queen Bee, vũ trường Ritz,..
Khi mới bắt đầu đi hát, theo chân các đàn chị trong làng nhạc Sài Gòn thời đó như Bích Chiêu, Bạch Yến,… Lệ Thu hát chủ yếu dòng nhạc ngoại quốc lời Pháp và lời Anh vốn rất được ưa chuộng khi đó như: La Vie En Rose, A Certain Smile, La Mer, Love Is A Many Splendored Thing...
Sau này, Lệ Thu chuyển sang hát nhạc Việt nhiều hơn. Ca khúc nhạc Việt đầu tiên mà Lệ Thu thể hiện là ca khúc Xin Mặt Trời Ngủ Yên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được thu trong dĩa Sóng Nhạc. Trước khi Khánh Ly nổi tiếng, Lệ Thu chính là giọng ca gắn liền với những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời kỳ giữa thập niên 1960. Khi vứa sáng tác xong ca khúc Hạ Trắng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mời Lệ Thu hát ca khúc này đầu tiên để thu thanh vào dĩa nhựa. Lệ Thu cũng là nữ ca sĩ đầu tiên được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mời đi hát du ca ở các trường đại học. Tuy nhiên, mối duyên âm nhạc giữa Trịnh Công Sơn và Lệ Thu đã không thể trở thành cặp đôi huyền thoại, bởi sau khi tham gia hát du ca một thời gian ngắn thì Lệ Thu nhận lời mời thu âm băng nhạc và hát độc quyền cho chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee vào năm 1968.
Thời kỳ giữa thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970 có thể coi là thời kỳ đỉnh cao của tên tuổi Lệ Thu. Báo chí Sài Gòn khi đó phong tặng cho Lệ Thu danh hiệu “nữ hoàng phòng trà”, bởi tên tuổi và tiếng hát của Lệ Thu chính là bảo bối để hút khách cho các tụ điểm âm nhạc thời điểm này. Đây cũng là thời gian Lệ Thu hát ca khúc “Ngậm Ngùi” của nhạc sĩ Phạm Duy, được đánh giá là tiếng hát làm sống lại nhạc phẩm này sau một thời gian dài bị lãng quên. Đặc biệt, nhà văn Duyên Anh đến phòng trà Queen Bee nghe Lệ Thu ca nhạc phẩm “Ngậm ngùi” khi trở về đã viết liền một bài báo, đánh giá tiếng hát Lệ Thu là “giọng hát vàng mười”, nghĩa là giọng hát quý hiếm, lóng lánh như vàng nguyên chất.
Click để nghe 30 bản thu âm hay nhất của Lệ Thu trước 1975
Từ năm 1971, Lệ Thu đứng ra khai thác phòng trà Lê Lai ở địa chỉ số 76 đường Lê Lai, nhưng được chỉ khoảng 1 năm thì thua lỗ và đóng cửa.
Trước năm 1975, Lệ Thu cùng chồng là ký giả Hồng Dương đã thành lập một hãng băng đĩa riêng, phát hành một số băng nhạc cho chính cô. Ngoài ra, Lệ Thu cũng tham gia nhiều chương trình ca nhạc trên đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân đội, Mẹ Việt Nam,.. và cộng tác thu âm với nhiều hãng băng đĩa như: hãng đĩa Sóng Nhạc, Sơn Ca, Việt Nam, Dư Âm, Nhạc Ngày Xanh, Capitols; thâu băng cho nhiều chương trình như: Jo Marcel, Mây Hồng, Shotguns, Thanh Thúy, Phạm Mạnh Cương, Diễm Ca, Nhã Ca, Thương Ca, Việt Nam, Trường Sơn Duy Khánh, Cỏ May-Duy Khánh, Sơn Ca-Continental-Premier, Nhạc Trẻ, Song Ngọc, Siêu Âm, Anh Việt Thu, Trần Ngọc Đức. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến băng nhạc Sơn Ca 9 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện.
Biến cố năm 1975, dù đã ra đến phi trường chuẩn bị lên máy bay để di tản sang Mỹ, nhưng nghĩ đến mẹ chỉ còn một mình, cô quay trở lại. Thời gian ở lại Việt Nam, có thời gian cô đi hát cho đoàn kịch Kim Cương. Năm 1978, cùng với ca sĩ Thanh Lan và nhạc sĩ Lê Văn Thiện, Lệ Thu mở một quán cafe trên đường Phan Tôn, Tân Định lấy tên con gái út là Thu Uyển đặt tên cho quán. Sau khi qua Mỹ vào năm 1979, Lệ Thu tiếp tục đi hát cho các hãng nhạc và thu âm thành công nhiều băng đĩa, được yêu thích cho đến ngày nay.
Bàn về sự nghiệp cầm ca lẫy lừng, suôn sẻ của mình, Lệ Thu tâm sự: “Cuộc đời tôi như một tờ giấy trắng, được tạo hóa vẽ lên đó những đường nét rõ ràng và tôi chưa một lần đi ngược lại quy luật tự nhiên. Tôi tin mọi thứ đều do trời định cả. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một ca sĩ. Ngay cả khi bén duyên ca hát rồi, tôi cũng chẳng mơ được gọi hai tiếng “danh ca”. Bước lên sân khấu, tôi cứ thế hát bằng tất cả xúc cảm, bằng tâm hồn mình. Có lẽ vậy mà tiếng hát tôi còn được thính giả yêu quý tới giờ. Vì giọng hát theo thời gian sẽ khác đi nhưng tâm hồn trong tiếng hát thì bất biến.” Đồng thời, cô cho rằng sự thành công trong âm nhạc của mình là do cô có giọng hát alto khác biệt với cách lấy hơi từ bụng chứ không phải hát bằng giọng mũi như các đàn chị và đồng nghiệp khác nên được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Khờ khạo trong tình yêu
Lệ Thu kể, khi cô được khoảng 13-14 tuổi, tại Sài Gòn, hai mẹ con sống trong một căn nhà nhỏ trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu). Có một anh chàng hàng xóm rất thích Lệ Thu. Anh chàng thường để dành trái cây tráng miệng sau bữa ăn để tặng cho cô thiếu nữ xinh xắn nhà bên. Tuy nhiên, chẳng lần nào anh chàng dám đưa tận tay mà lén canh chừng khi cô vừa xuất hiện thì quăng trái cây cho cô rồi chạy biến vô nhà. Nàng thiếu nữ Lệ Thu ngây thơ cũng hồn nhiên nhận quà. Chàng học trường Việt, nàng học trường Tây nhưng suốt 4 năm trời, giờ ra chơi nào anh chàng cũng đạp xe qua trường nàng đứng ngóng chỉ để nhìn thấy nàng ra chơi rồi đạp xe về. Tuy nhiên, mối tình học trò ngây thơ cũng bi hài không kém. Đó là khi nàng bắt đầu đi hát vào buổi tối, chàng trai có lẽ tò mò đi theo nàng nên biết được sự việc và đem chuyện mách lại với mẹ nàng, khiến nàng phải chịu một trận nổi giận lôi đình của mẹ. Mãi về sau này, gặp lại nhau nơi xứ người, sau khi cả hai đều đã trải qua những cuộc hôn nhân đổ vỡ, chàng nhắc lại chuyện cũ và bày tỏ vẫn còn nhớ nhung bóng dáng của cô thiếu nữ xinh đẹp năm xưa.
Người chồng đầu tiên đến với nữ ca sĩ khi cô chưa tròn hai mươi tuổi. Thời đó, con gái đến tuổi lấy chồng mà chưa có mối nào ngó nghiêng thì các bậc phụ huynh sẽ vô cùng lo lắng. Dù Lệ Thu đã là một ca sĩ nổi tiếng, mẹ cô không những không yên tâm và còn lo lắng nhiều hơn, phần vì sợ con gái bị ế, phần sợ con sa ngã trong môi trường đầy cám dỗ của giới nghệ thuật. Vì vậy, ngay khi có anh chàng không quân đem sính lễ đến xin cưới hỏi, mẹ Lệ Thu đồng ý ngay, dù rằng hai bên chỉ mới quen biết chưa tròn một tháng. Tuy nhiên, vốn được yêu chiều từ bé, dù dấn thân vào con đường nghệ thuật sớm nhưng lại được gia đình nhất mực bảo bọc nên Lệ Thu dù đến tuổi đi lấy chồng vẫn còn rất ngây thơ, chưa từng biết yêu là gì. Chuyện nữ công gia chánh của người vợ, cô lại càng không biết. Gia đình chồng là người gốc Huế rất khắt khe với dâu con nên một cô ca sĩ “trẻ con”, ngờ nghệch như thế thật khó để được chấp nhận.
Lệ Thu kể: “Tôi lấy chồng khi chưa một lần nắm tay người khác giới, chưa bao giờ biết hôn, nên đời sống chăn gối tôi cứ như một… khúc gỗ. Người chồng thất vọng não về về sự ngây thơ, thậm chí… đần độn như thế. Chỉ được 2 tháng, anh ấy không thể chịu đựng được nên quyết định bỏ” (Trích Hoàng Nguyên Vũ – Thân Phận Và Hào Quang). Do còn rất hồn nhiên như vậy, lại không có tình cảm sâu đậm nên dù bị chồng bỏ, Lệ Thu tâm sự rằng cô không hề cảm thấy buồn phiền hay vướng bận gì, thậm chí còn vui mừng ôm quần áo về nhà với mẹ.
Cuộc hôn nhân thứ hai của Lệ Thu diễn ra ngay sau đó không lâu, khi cô tròn 20 tuổi. Người chồng này là một chàng Việt kiều giàu có, đẹp trai, sành điệu, đã có vợ con ở Pháp, nhưng mê Lệ Thu nên quyết định bỏ vợ để cưới cô. Tuy nhiên, mãi tận sau này, khi Lệ Thu biết chuyện chồng mình lừa dối thì ván đã đóng thuyền. Họ tổ chức đám cưới sau một năm tìm hiểu. Và cũng như cuộc hôn đầu, cô nhắm mắt đưa chân những mong tìm được một nơi chốn bình yên để trao thân gửi phận chứ không phải là quả ngọt của một tình yêu đẹp. Dấn thân vào cuộc sống hôn nhân rồi, nữ ca sĩ trẻ mới phát hiện ra chồng mình có một lối sống quá Tây, lại hào hoa và có phần lăng nhăng. Hai cô con gái lần lượt ra đời cũng không thể níu giữ lại cuộc hôn nhân chông chênh của họ. Lệ Thu quyết định chia tay chồng sau 7 năm chung sống (từ 1963 – 1970). Sau này, nhìn lại cuộc hôn nhân với người chồng thứ hai, Lệ Thu gọi đó là một cuộc hôn nhân bi thảm.
Lệ Thu có cuộc hôn nhân thứ 3 vào năm 1974 với ký giả Hồng Dương. Hai vợ chồng chung tay thành lập hãng băng đĩa riêng mang tên Lệ Thu và đã phát hành thành công một số băng đĩa. Trong suốt thời gian chung sống, Hồng Dương luôn tỏ ra một người chồng yêu thương, lo lắng cho vợ con. Cô con gái Thu Uyển ra đời, kết trái từ cuộc hôn nhân hạnh phúc của cha mẹ. Tuy nhiên, sự đời có những bước ngoặt khó ngờ, năm 1979, trong khi Lệ Thu đưa con gái Thu Uyển sang Mỹ thì ở Việt Nam Hồng Dương chung sống với người phụ nữ khác.
Dù có tài năng, có nhan sắc, có đầy đủ danh vọng tiền tài nhưng trong tình yêu, Lệ Thu vẫn nói rằng mình là kẻ khờ khạo và nhút nhát. Trong mỗi cuộc tình đi qua, Lệ Thu luôn là kẻ bị động. Vậy nên, dù sau này, có lúc cô đã rơi vào một cuộc tình say đắm, rung động đúng nghĩa nhưng cô cho biết vì sợ “khờ khạo” của mình, mà cô cũng đã không giữ lại được tình yêu đó.
Thấu hiểu hai chữ duyên nợ ở đời nên đến sau này, Lệ Thu quyết định hoá giải hết mọi chuyện không vui trong quá khứ. Cả 3 người đàn ông đi qua đời cô và cả anh hàng xóm si tình năm xưa, cô đều chỉ giữ lại những gì tốt đẹp, coi họ như những người bạn cũ. Lệ Thu từng tâm sự: “Tạo hóa vốn dĩ rất công bằng, người cho tôi một chút nhan sắc, một chút tài năng thì phải lấy lại một cái gì đó. Và người lấy của tôi hạnh phúc trong cuộc sống riêng. Hôn nhân là chuyện nợ, chuyện duyên. Nếu có duyên nợ với nhau, sẽ cùng nhau đi hết một đoạn đường dài. Duyên nợ của tôi có lẽ chỉ đến đó, và chúng tôi đã trả cho nhau xong rồi. Định mệnh mà, có được làm lại cũng sẽ không thể thay đổi.”
Dù có một sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy, danh vọng đỉnh cao, nhưng sau tất cả, điều hối tiếc nhất của Lệ Thu, theo như lời cô tâm sự với báo giới, đó là đã không thể thực hiện trọn vẹn bổn phận của người làm mẹ là trực tiếp kề cận, chăm sóc các con cho đến lúc trưởng thành. Nhưng biết làm sao được, người nghệ sĩ đã mang trong mình cái nghiệp cầm ca, hiến thân cho âm nhạc, cho sân khấu nghệ thuật thì chắc chắn sẽ không thể nào sống một cuộc sống của người bình thường, với những vai trò bổn phận theo giờ giấc của người bình thường. Điều này, chắc hẳn những người con của nữ danh ca Lệ Thu sẽ thấu hiểu hơn ai hết.
Những năm tháng cuối đời
Năm 2007, Lệ Thu bắt đầu trở về nước hoạt động âm nhạc. Sang thập niên 2010, cô vẫn tham gia thường xuyên các liveshow trong và ngoài nước, nhận lời ngồi ghế giám khảo trong một vài gameshow. Ở tuổi U80, Lệ Thu vẫn hát live tốt và chưa có kế hoạch giải nghệ. Năm 2020, dịch bệnh hoành hành trên toàn thế giới, và mặc dù Lệ Thu được đồng nghiệp nhận xét là sống văn minh, sạch sẽ, rất chăm chút cho sức khỏe, tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh, nên thông tin Lệ Thu bị nhiễm nCoV và sức khỏe bị nguy kịch từ cuối năm 2020 đã gây chấn động với công chúng. Sau hơn 1 tháng được chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện, danh ca Lệ Thu đã trút hơi thở cuối cùng vào 19h ngày 15/1/2021 (giờ địa phương), hưởng thọ 78 tuổi, để lại nhiều thương tiếc đối với gia đình, bạn bè và hàng triệu khán giả yêu nhạc.
Những ca khúc để đời
Trong âm nhạc miền Nam trước 1975, nếu như tên tuổi Thái Thanh đi liền với nhạc Phạm Duy, Khánh Ly thường được gắn với nhạc Trịnh Công Sơn, thì tên tuổi của Lệ Thu không đi liền với bất kỳ nhạc sĩ nào, nhưng cô là người trình bày rất thành công nhạc của rất nhiều nhạc sĩ là Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trường Sa, Cung Tiến… và nhiều ca khúc tiền chiến, trữ tình khác trước năm 1975.
Danh ca Lệ Thu nổi tiếng với rất nhiều ca khúc, trong bài này chỉ xin chọn ra 10 ca khúc đã làm nên tên tuổi Lệ Thu, với các bản thu âm trước 1975.
- 3 ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy:
Những nhạc sĩ Phạm Duy thường đi liền với danh ca Thái Thanh, tuy nhiên riêng với 3 ca khúc này, người ta nhớ giọng hát Lệ Thu nhiều hơn:
Ngậm Ngùi
Gần 20 năm sau khi Ngậm Ngùi được thi sĩ Huy Cận ra mắt trong tập Lửa Thiêng, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cho bài thơ. Tuy nhiên trong vài năm đầu, bài hát này không gây được nhiều chú ý như những tác phẩm khác của ông.
Đến đầu thập niên 1960, sự xuất hiện của Lệ Thu trong làng nhạc đã làm sống dậy ca khúc này, đưa Ngậm Ngùi trở thành một trong những bài nhạc phổ thơ thành công nhất của nhạc sĩ Phạm Duy, và sau đó chính nhà thơ Huy Cận đã gửi lời cảm ơn Phạm Duy về việc giúp bài thơ này thêm nổi tiếng.
Thập niên 1960. Lệ Thu là ca sĩ ăn khách tại phòng trà Queen Bee hàng đêm, và ca khúc Ngậm Ngùi luôn được khán giả yêu cầu nhiều nhất. Trong số những khán giả đó có nhà văn Duyên Anh, sau khi nghe Lệ Thu hát Ngậm Ngùi, ông đã viết một bài báo gọi giọng ca trẻ Lệ Thu là Tiếng Hát Vàng Mười, nghĩa là giọng hát quý như vàng không có pha trộn.
Click để nghe Lệ Thu hát Ngậm Ngùi trước 1975
Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.
Nước Mắt Mùa Thu
Sau khi chứng kiến Ngậm Ngùi được phổ biến rộng khắp nhờ tiếng hát Lệ Thu, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết ca khúc Nước Mắt Mùa Thu để riêng tặng cho giọng hát Lệ Thu.
Danh ca Lệ Thu trong một lần về nước biểu diễn, đã từng trả lời phỏng vấn về ca khúc này như sau: “Đúng là nhạc sĩ Phạm Duy viết bài hát này để tặng cho tôi, nhưng đó là cảm nhận của riêng ông. Đôi khi dưới ánh đèn màu mình có một cuộc sống khác, nhưng như tôi đã nói, cuộc sống của tôi không “buồn tênh” lắm đâu”.
Click để nghe Lệ Thu hát Nước Mắt Mùa Thu trước 1975
Nước mắt mùa Thu khóc ai trong chiều
Bằng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu…
Thuyền Viễn Xứ
Nữ sĩ Huyền Chi đã sáng tác bài thơ Thuyền Viễn Xứ vào năm 1952 để nói về hoàn cảnh của chính mình khi phải bỏ lại nguyên quán Bắc Ninh để vào Nam sinh sống. Bài thơ được in trong tập Cởi Mở và được nữ thi sĩ ký tặng cho một nhạc sĩ cũng vừa từ Bắc vào Nam là nhạc sĩ Phạm Duy, rồi được nhạc sĩ này phổ thành ca khúc cùng tên.
Như vậy cả bài thơ lẫn bài hát được sáng tác trước sự kiện di cư vào giữa thập niên 1950, nhưng đã nói lên được đúng tâm cảnh của hàng triệu người Bắc đi vào Nam lúc đó. Vì vậy, Thuyền Viễn Xứ đã như vậy khúc tâm ca dành cho người viễn xứ trong nỗi niềm hoài hương. Đến sau năm 1975, một lần nữa Thuyền Viễn Xứ được hát lại để dành cho hàng triệu người rời bỏ quê hương. Trong những sự kiện đó, giọng hát dìu dặt của Lệ Thu luôn được người yêu nhạc nhớ đến và lắng nghe, như là tiếng lòng của cả một thế hệ thời ly loạn.
Click để nghe Lệ Thu hát Thuyền Viễn Xứ trước 1975
Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người
- 2 ca khúc của nhạc sĩ Cung Tiến:
Hoài Cảm
Đây là ca khúc đầu tay được nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác khi mới 14-15 tuổi. Ngay từ ở lứa tuổi thiếu niên, nhạc sĩ Cung Tiến cùng với Hoài Cảm đã mang lại sự sửng sốt với giới mộ điệu, bởi những tâm sự chất chứa trong ca khúc của một cậu học trò có thể làm cho người nghe nhạc từ già tới trẻ say đắm, thể hiện được sự chín chắn, trưởng thành và già dặn, chứ không giống như những suy tư của một cậu bé 14-15 tuổi.
Khi được hỏi về hoàn cảnh ra đời của ca khúc này, nhạc sĩ chia sẻ: “Hồi đó nghĩ gì mình đâu có biết, mấy chục năm rồi, đi học thì nghĩ lơ tơ mơ vậy. Tất nhiên bài đó không có một đối tượng nào cả – no object, hoàn toàn là trong tưởng tượng. Trong tưởng tượng, nhớ một người nọ, nhớ một người kia, nhớ một người yêu, nhớ một người bạn, hay là nhớ bất cứ ai. Nhớ là hồi đó tôi mới ở ngoài Bắc vào, năm 1952. Tôi đi sớm, tức là từ Hà Nội vào Sài Gòn sớm lắm. Lúc đi, nhớ tất cả những gì mà ở Hà Nội ghi vào ký ức mình, thì là có bản nhạc đó.”
Click để nghe Lệ Thu hát Hoài Cảm trước 1975
Chiều buồn len lén tâm tư
Mơ hồ nghe lá thu mưa
Dạt dào tựa những âm xưa
Thiết tha ngân lên lời xưa…
Hương Xưa
Đây là một trong những ca khúc ưng ý nhất của nhạc sĩ Cung Tiến được sáng tác năm 1957 để tặng cho danh ca Duy Trác, và chính giọng hát điêu luyện, truyền cảm của Duy Trác đã thể hiện ca khúc này có nhiều cảm xúc nhất, thành công nhất. Bên cạnh đó thì Hương Xưa cũng gắn liền với giọng hát Lệ Thu vào những năm 1960. Ca sĩ Lệ Thu kể về kỷ niệm khi hát Hương Xưa vào gần 60 năm trước như sau:
“Tôi còn nhớ mãi mỗi đêm ở phòng trà Queen Bee, khi tôi hát Hương Xưa xong, khán giả lặng đi một hồi lâu, như là vẫn còn chìm đắm miên man ở trong dòng cảm xúc của bài hát, chưa biết là bài hát đã kết thúc. Tôi hát câu cuối là “Đời êm như tiếng hát của lứa đôi…” rất tình cảm và ngân rất dài. Sau khi dứt tiếng đàn, tiếng hát, mọi người im lặng một lúc, sau đó mới ồ lên vỗ tay…”
Click để nghe Lệ Thu hát Hương Xưa trước 1975
Người ơi, môt chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa?
Ngươi ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò…
- 3 ca khúc của nhạc sĩ Trường Sa
Trường hợp nhạc sĩ Trường Sa, những bài hát của ông gắn bó với danh ca Lệ Thu như một định mệnh. Nhạc sĩ này nhiều lần khẳng định niềm cảm hứng sáng tác tình ca của ông được khởi nguồn từ giọng hát truyền cảm của Lệ Thu, và 3 bài tình ca nổi tiếng nhất của Trường Sa đều được Lệ Thu hát đầu tiên:
Mùa Thu Trong Mưa
Mùa Thu Trong Mưa được sáng tác năm 1968, là ca khúc đầu tiên đánh dấu một khuynh hướng sáng tác hoàn toàn khác với trước đó của nhạc sĩ Trường Sa.
Sau khi sáng tác xong và ký hợp đồng với hãng dĩa Việt Nam, nhạc sĩ Trường Sa đã đề nghị mời Lệ Thu hát ca khúc này, người ca sĩ mà ông luôn yêu mến và ngưỡng mộ. Từ sự kết hợp thành công của Lệ Thu cùng với Mùa Thu Trong Mưa, nhạc sĩ Trường Sa có thêm động lực để sáng tác thêm những bài tình ca khác là Xin Còn Gọi Tên Nhau, rồi hoàn tất bài Rồi Mai Tôi Đưa Em đang còn dang dở.
Click để nghe Lệ Thu hát Mùa Thu Trong Mưa trước 1975
Chiều mưa không có em
bờ đá công viên âm thầm
chiều mưa không có em
giăng mắc mây không buồn trôi
Xin Còn Gọi Tên Nhau
Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng
Chiều đong đưa những bước chân đau mòn…
Chỉ với câu hát đầu tiên Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng, người nghe đã bị cuốn vào thế giới lãng du, bay bổng của những thanh âm, nhịp điệu mê hồn. Tiếng hát ấy chính là tiếng hát của nữ danh ca Lệ Thu vọng ra trên hàng phố khi trình diễn tại phòng trà Tự Do, nơi nhạc sĩ Trường Sa thường lui tới để nghe hát. Khi đó phòng trà nổi tiếng nằm ở góc đường Tự Do – Thái Lập Thành này không cách âm, nên âm thanh của phòng trà được tự do bay bổng ra hàng phố bên ngoài.
Nhạc sĩ Trường Sa cho biết nội dung bài hát Xin Còn Gọi Tên Nhau là viết về một chuyện tình có thật của chính ông, và bài hát thì được sáng tác riêng cho giọng hát Lệ Thu. Vì vậy cũng dễ hiểu khi giọng hát của cô đã gắn liền với ca khúc này.
Click để nghe Lệ Thu hát Xin Còn Gọi Tên Nhau trước 1975
Rồi Mai Tôi Đưa Em
Sau khi kết thúc một mối tình buồn, nhạc sĩ Trường Sa đã viết những nốt đầu tiên của Rồi Mai Tôi Đưa Em năm 1967. Tuy nhiên bài hát này phải gác lại trong dang dở. Chỉ sau khi nổi tiếng với Mùa Thu Trong Mưa với giọng hát Lệ Thu, nhạc sĩ mới hoàn tất ca khúc này để ra mắt công chúng năm 1969.
Nhạc sĩ Trường Sa đã nói về ca khúc này như sau:
“Lý do là bài này ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt với đầy ắp những kỷ niệm cả vui lẫn buồn. Ngoài ra, bài hát cũng được chép tay đề tặng. Ngày nay ở phương trời nào đó, biết đâu vẫn còn người yêu mến trong lặng lẽ. Bài Rồi Mai Tôi Đưa Em sử dụng cung Do trưởng, không quá lê thê u buồn, và tôi vẫn luôn nghĩ rằng nó chuyên chở những kỷ niệm thật đẹp trong một phần đời, một chuyện lòng khó phai nhạt với thời gian. Rồi Mai Tôi Đưa Em cũng mang một chút âm hưởng thánh ca ở câu kết, tôi vẫn thỉnh thoảng trầm ngâm một mình: “Còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn – Vỗ giấc xuân muộn về trên môi hồng”.
Click để nghe Lệ Thu hát Rồi Mai Tôi Đưa Em trước 1975
Rồi mai tôi đưa em xa kỷ niệm.
Xin lời cuối không dối gian trong mắt em.
Tình yêu cho thương đau nghe buồn thêm.
Gác vắng mưa gợi niềm chăn chiếu.
- 2 ca khúc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên:
Nếu phải chọn ra một băng nhạc được cho là hay nhất được thực hiện trước năm 1975 tại Sài Gòn, rất nhiều người sẽ chọn băng “17 Tình Ca Ngô Thụy Miên” năm 1974. Gần như toàn bộ 17 ca khúc trong băng nhạc này đều đã trở thành bất từ sống mãi cùng năm tháng. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, giá trị của những ca khúc, của tiếng hát, những bản hòa âm năm xưa vẫn còn nguyên giá trị.
Trong 17 bài hát này của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, danh ca Lệ Thu góp giọng trong 2 ca khúc, đó là Giáng Ngọc và Bản Tình Cuối:
Click để nghe Lệ Thu hát Giáng Ngọc trước 1975
Click để nghe Lệ Thu hát Bản Tình Cuối trước 1975
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc về cuộc nữ ca sĩ Lệ Thu. Hy vọng bạn thấy bài viết này thú vị và đáng để tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của người phụ nữ tài năng này. Chúc bạn có một ngày tốt lành!