Nhạc sĩ Từ Công Phụng là một trong những nhà sáng tác nổi tiếng của Việt Nam, với nhiều ca khúc xuất sắc đã đi sâu vào lòng người yêu nhạc. Cuộc đời và tác phẩm của ông đã góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa âm nhạc của đất nước.
Cùng với Ngô Thuỵ Miên, nhạc sĩ Từ Công Phụng là 1 trong 2 nhạc sĩ hiếm hoi cả đời gần như chỉ viết tình ca, hoặc ít nhất là nổi tiếng chỉ với những bài tình ca với những giai điệu trữ tình, êm đềm và lãng mạn.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng cho biết: Từ bước đầu bước lên nấc thang của âm nhạc thì tôi vẫn tự dặn lòng là tôi chọn con đường tình ca để tôi viết. Bởi tình ca là một điều vĩnh cửu, ngày nào còn những đôi tình nhân thì còn những bài tình ca để mà ca ngợi tình yêu từ thế hệ này đến thế hệ kia, không bao giờ chấm dứt cả, ngay cả mấy trăm năm qua, mấy ngàn năm qua.
Từ thập niên 1960-1970, dòng nhạc trữ tình miền Nam bắt đầu xuất hiện những nhân tố mới làm say mê giới thanh niên – sinh viên vốn yêu thích những bài tình ca (cả tình ca hạnh phúc lẫn những bài khổ đau) có giai điệu nhẹ nhàng, đó là các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương, Ngô Thuỵ Miên, và Từ Công Phụng, là những nhạc sĩ trưởng thành và tạo được danh tiếng trong làng văn nghệ Sài Gòn xưa. Họ là những người thừa kế dòng nhạc lãng mạn thời tiền ᴄhιến, nhưng cũng đã phá vỡ được những lối mòn khuôn sáo của dòng nhạc này, mang đến những hình tượng không còn lãng đãng xa vời nữa mà có sự gần gũi với tâm tư tình cảm của giới trẻ miền Nam trước năm 1975.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng được giới sinh viên, học sinh chú ý ngay từ nhạc phẩm đầu tay Bây Giờ Tháng Mấy được viết năm 18 tuổi, sau đó là hàng loạt bài tình ca đã trở thành bất tử: Mắt Lệ Cho Người, Tuổi Xa Người, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau, Tình Tự Mùa Xuân, Mùa Thu Mây Ngàn, Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên, Như Chiếc Que Diêm… Đặc biệt là 1 số ca khúc được phổ từ thơ Du Tử Lê là Trên Ngọn Tình Sầu, Giữ Đời Cho Nhau…
Nhạc sĩ Từ Công Phụng sinh năm 1942 tại Ninh Thuận, và là người Chăm. Trái với nhiều người nhầm tưởng cái tên Từ Công Phụng chỉ là bút danh, thật ra đó là tên thật của ông. Có một người anh em con chú bác với ông là Từ Công Thơm – thiếu tướng VNCH.
Từ Công Phụng mê âm nhạc từ nhỏ và rất mẫn cảm với âm thanh. Ông kể rằng nhiều lúc đang học bài mà có tiếng nhạc vọng về từ xa, ông đều dừng lại để nghe cho hết rồi học tiếp. Có một lần khi ông tình cờ nghe người anh cả đàn và hát bài Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong và Trương Chi của Văn Cao, ông bồi hồi xúc động.
Đến năm 13 tuổi Từ Công Phụng bắt đầu học nhạc căn bản từ người anh, sau đó tự mày mò học thêm từ sách của nước ngoài.
Từ năm 16 tuổi, ông đã đọc rất nhiều sách, trong đó có các tiểu thuyết, và những tình tiết cùng chất lãng mạn trong các tiểu thuyết kinh điển đã góp phần định hình phong cách nhạc Từ Công Phụng sau này.
Năm 18 tuổi, khi còn đang học trung học, từ những rung động và tình yêu thầm kín của thuở sắp bước vào đời, ông sáng tác ca khúc đầu tay Bây Giờ Tháng Mấy.
Tử Công Phụng học trung học ở trường Duy Tân – Phan Rang, sau đó lên Đà Lạt học trường Trần Hưng Đạo cho đến khi đậu Tú tài 2.
Thời gian ở Đà Lạt, Từ Công Phụng cùng với nhạc sĩ Lê Uyên Phương thành lập ban nhạc Ngàn Thông để chơi nhạc trên đài phát thanh Đà Lạt, mỗi tuần một ngày lên đài để thu và phát trực tiếp. Đây cũng là lần đầu tiên ông có dịp giới thiệu đến công chúng ca khúc Bây Giờ Tháng Mấy đã sáng tác trước đó.
Click để nghe Từ Công Phung hát Bây Giờ Tháng Mấy trước 1975
Với ca khúc đầu tay này, Từ Công Phụng nhận được rất nhiều thư của thính giả khen ngợi, giúp ông mạnh dạn hơn trong lãnh vực sáng tác. Sau đó, lần lượt những ca khúc như Mùa Thu Mây Ngàn, Bài Cho Em… ra đời.
Học xong trung học, Từ Công Phụng xuống Sài Gòn học đại học. Thời điểm này, sinh hoạt văn nghệ trong tầng lớp sinh viên ở Sài Gòn bắt đầu khởi sắc, hình thành nên một giới thưởng ngoạn văn minh, khao khát được thưởng thức những tác phẩm mới mang tính đương đại của những nghệ sĩ được trưởng thành từ chính các trường đại học. Họ thường tụ tập nhau lại trong các buổi trình diễn văn nghệ để hát cho nhau nghe trên sân cỏ trường Đại học Văn khoa, ban đầu là những ngày cuối tuần, sau đó mở rộng ra hàng đêm.
Từ đó những bài tình ca, du ca, hành khúc ca… được thành hình, được giới thiệu và được yêu thích đầu tiên trong giới sinh viên, sau đó mở rộng ra đến mọi tầng lớp khán giả. Trong vườn hoa văn nghệ miền Nam đa dạng thời đó, có rất nhiều loại hoa khác nhau cùng khoe sắc trong hoàn cảnh ᴄhιến chinh vẫn đang lan tràn. Nhạc sĩ Từ Công Phụng nói rằng sở dĩ như vậy là nhờ văn nghệ được phát triển dưới một chính thể không bóp nghẹt tự do tư tưởng của mỗi người.
Trong thời gian học Đại học, Từ Công Phụng đã gặp, yêu và cưới ca sĩ Từ Dung khi đó đang học Văn khoa, là con gái út của nhà văn Nguyễn Tường Long – Hoàng Đạo. Hai vợ chồng bắt đầu lên sân khấu hát cặp với nhau từ năm 1967 và trở thành đôi song ca được yêu thích. Đó cũng là thời điểm làng ca nhạc Sài Gòn có đến 3 cặp đôi nổi tiếng trong giới sinh viên và cùng liên quan đến xứ sở sương mù Đà Lạt: Khánh Ly – Trịnh Công Sơn, Lê Uyên – Phương và Từ Dung – Từ Công Phụng.
Sau khi tốt nghiệp học viện Quốc Gia Hành Chánh. Từ Công Phụng làm việc cho đài VOF cùng các nghệ sĩ nổi tiếng như Lữ Liên, Anh Ngọc, Kim Tước, Hoàng Quốc Bảo…, nhiệm vụ của ông là viết lời giới thiệu cho các bài hát Việt Nam.
Đài VOF (Voice Of Freedom) là đài Tiếng Nói Tự Do có trụ sở ở số 7 đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn.
Vừa làm việc trong đài phát thanh, Từ Công Phụng ghi danh học lấy thêm bằng Luật khoa. Là một nhạc sĩ thành danh, Từ Công Phụng cũng theo đuổi con đường học vấn cho đến cùng và là nhạc sĩ Việt Nam hiếm hoi tốt nghiệp 2 trường đại học. Ông nói rằng cho dù âm nhạc là niềm đam mê lớn, nhưng không vì vậy mà ông từ bỏ sự học, bởi vì sự hiểu biết là cái quý giá nhất, và những kiến thức học vấn có được đã bổ trợ rất nhiều cho khả năng sáng tác của mình. Từ những hiểu biết đó mà ông có thể nảy sinh được những ý niệm để đưa vào nhạc. Có lẽ nhờ như vậy mà phần lời của âm nhạc Từ Công Phụng rất sâu lắng, sâu sắc và nhiều ý nghĩa, chinh phục được mọi tầng lớp khán giả.
Sau năm 1975, vợ chồng Từ Dung – Từ Công Phụng còn lại ở Sài Gòn và mở một quán cà phê nhỏ trên đường Trần Quang Khải, nhưng thời gian ngắn sau thì họ chia tay.
Từ Công Phụng nói rằng thời gian 1975-1980 là giai đoạn trắc trở nhất trong đời. Khi đó đời sống rất bất ổn, không có gì bám víu vào mà sinh sống nên việc mưu sinh rất vất vả, phải làm bất cứ gì có thể để nuôi sống con cái và gia đình. Thời gian này ăn còn không đủ nên không còn tâm trí để sáng tác.
Năm 1980, nhạc sĩ Từ Công Phụng vượt biên cùng với người vợ thứ 2 vẫn còn chung sống với ông cho đến ngày nay. Bà tên là Kim Ái, là người đã ở bên cạnh Từ Công Phụng vào những lúc gian nan nhất cũng như là hạnh phúc nhất, được ông nhắc đến trìu mến trong ca khúc Mãi Mãi Bên Em:
Nếu có điều gì vĩnh cửu được
Thì em ơi đó là tình yêu chúng ta…
Năm 2007, nhạc sĩ Từ Công Phụng bị chẩn đoán ung thư túi mật và đã được giải phẩu. Đến năm 2010, ông lại được chẩn đoán ung thư gan ở giai đoạn cuối, bác sĩ nói chỉ còn sống 3 tháng nữa. Tuy nhiên nhờ vào niềm tin, ý chí và tinh thần lạc quan cùng với sự cứu chữa tận tình của bác sĩ, sự chăm sóc chu đáo của vợ, ông đã hồi phục và sống khoẻ mạnh trong 10 năm qua.
Sau đây là 10 ca khúc dược xem là nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất của nhạc sĩ Từ Công Phụng, cùng những câu chuyện đằng sau bài hát mà có thể không nhiều người biết. Bên cạnh đó, bài viết cũng giới thiệu những bản thu âm tiêu biểu của 10 ca khúc:
Bây Giờ Tháng Mấy
Đây được xem là ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Từ Công Phụng, được sáng tác năm 1960 khi tác giả mới 18 tuổi.
Từ Công Phụng nói rằng đây là bài hát của một học sinh mới lớn, với những rung động của tình yêu thầm kín không dám thổ lộ. Từ những cảm xúc riêng tư đó, cộng với một chuyện tình trong tưởng tượng với sự ảnh hưởng của tiểu thuyết diễm tình, Từ Công Phụng đã sáng tác thành ca khúc Bây Giờ Tháng Mấy.
Trước đó, từ năm 16 tuổi, ông đã đọc rất nhiều sách, trong đó có các tiểu thuyết, và những tình tiết cùng chất lãng mạn trong các tiểu thuyết kinh điển đã gắn với chính cuộc đời thật, góp phần định hình phong cách nhạc Từ Công Phụng, kể từ bài hát đầu tay Bây Giờ Tháng Mấy cho đến nhiều nhạc phẩm sau này.
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em
Lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm
Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi
Trách nhau một lời thôi
Tâm hồn mình đâu lẻ đôi…
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Bây Giờ Tháng Mấy
Click để nghe tác giả Từ Công Phụng hát Bây Giờ Tháng Mấy
Mắt Lệ Cho Người
Mưa soi dấu chân em qua cầu
Theo những cánh rong trôi trên niềm đau…
Đó là những lời hát nổi tiếng của ca khúc Mắt Lệ Cho Người qua giọng hát Tuấn Ngọc. Tuy nhiên, khi nghe phiên bản của chính tác giả Từ Công Phụng, thì lời hát chính xác sẽ là:
Mưa soi dấu chân em qua cầu
Theo những cánh rong “cưu mang” niềm đau…
Hẳn là nhiều người sẽ thấy rằng chữ “cưu mang” trong đoạn này hay hơn và mang nhiều ý nghĩa hơn. Những cánh rong cưu mang niềm đau, cùng trôi miên man và dập dìu với cơn sóng giữa biển khơi.
Click để nghe tác giả Từ Công Phụng hát Mắt Lệ Cho Người
Ngoài ra, trong phiên bản Từ Công Phụng song ca với Khánh Ly trong CD 50 Năm Đời Vẫn Hát vào năm 1998, nhạc sĩ Từ Công Phụng lại hát 2 câu này như sau:
Trôi trên con sóng xanh bạc đầu
Theo những cánh rong cưu mang niềm đau…
Click để nghe Khánh Ly và tác giả Từ Công Phụng cùng hát Mắt Lệ Cho Người
Nghe phiên bản nổi tiếng nhất của Mắt Lệ Cho Người là ca sĩ Tuấn Ngọc hát trong album Giọt Lẹ Cho Ngàn Sau:
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Mắt Lệ Cho Người
Trên Ngọn Tình Sầu
Đây là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Từ Công Phụng, phổ từ bài thơ mang tên “67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu” của cố thi sĩ Du Tử Lê.
Khoảng 2 năm sau khi bài thơ ra đời, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã phổ thành nhạc. Ban đầu nhạc sĩ chưa đặt tên ngay cho bài hát mà hẹn nhà thơ Du Tử Lê ra tiệm cà phê La Pagode ở góc đường Tự Do – Lê Thánh Tôn, một địa điểm quen thuộc của giới văn nghệ sĩ miền Nam thời đó. Nhạc sĩ Từ Công Phụng hát bài nhạc vừa sáng tác xong và đề nghị Du Tử Lê đặt một tựa đề khác cho ca khúc, để nó không quá riêng tư như tựa đề bài thơ gốc.
Thi sĩ Du Tử Lê kể lại, khi đó ông bâng quơ nhìn ra công viên Chi Lăng ngay đối diện quán cà phê, nơi có những cây cổ thụ ở góc đường Tự Do – Lê Thánh Tôn, nhớ lại những ngày buồn bã vì chuyện tình với Huyền Châu, với những năm tháng nắng, mưa chỉ có một mình, ông chọn cái tên “Trên Ngọn Tình Sầu” cho bài hát.
Hạnh phúc tôi hạnh phúc tôi
Từ những ngày con nước về
Ngoài trời mưa mau
ngoài trời mưa mau
Tay vuốt mặt không cùng
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Trên Ngọn Tình Sầu
Click để nghe tác giả Từ Công Phụng hát Trên Ngọn Tình Sầu
Giọt Lệ Cho Ngàn Sau
Những giọt nước mắt rơi, đặc biệt là nước mắt của người tình, là thứ dễ làm cho những chàng trai cảm thấy hoảng hốt và bối rối. Với những nhạc sĩ đa cảm, họ đã ghi lại tâm trạng đó qua những ca khúc bất tử. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có ca khúc Người Yêu Tôi Khóc, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên có Giọt Nước Mắt Ngà, nhạc sĩ Vũ Thành An có Bài Không Tên Số 4 (khóc cho với đi những nhục hình…), còn nhạc sĩ Từ Công Phụng thì có đến 2 bài: Mắt Lệ Cho Người và Giọt Lệ Cho Ngàn Sau:
Sống buông xuôi theo ngày tháng
Từng thu qua vời trông theo đã mờ
Lệ rơi trên tim tôi, lệ rơi trên đôi môi
Yêu nhau một thời xa nhau một đời
Lệ này em nhỏ xuống hồn tôi
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Giọt Lệ Cho Ngàn Sau
Click để nghe tác giả Từ Công Phụng hát Giọt Lệ Cho Ngàn Sau
Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên
Nhạc tình của Việt Nam thập niên 1960 thường nhuốm màu buồn, trong hạnh phúc cho chia ly. Nhạc của Từ Công Phụng cũng không ra khỏi màu sắc ấy, tuy nhiên ông cũng có những bài hát cho sự hạnh phúc viên mãn, trong đó có 2 bài nhạc xuân: Sau 1975 có Tình Tự Mùa Xuân, còn trước 1975 là Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên:
Rồi mai có một lần tôi đưa em
Về trên đỉnh yên bình, hiền hòa
Một mùa xuân lên cao
Hôn trên làn tóc xõa
Theo mây trôi bềnh bồng…
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên
Click để nghe tác giả Từ Công Phụng hát Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên
Tình Tự Mùa Xuân
Ca khúc này được nhạc sĩ Từ Công Phụng sáng tác vào khoảng thập niên 1980, để dành tặng cho người vợ yêu thương của ông, khi hai người đã cùng nhau vượt qua nhiều biến cố của cuộc đời:
em, lại đây với anh
ngồi đây với anh
trong cuộc đời này
nghe thời gian lướt qua
mùa xuân khẽ sang
chừng như không gian đang sưởi ấm
những giọt tình nồng
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Tình Tự Mùa Xuân
Click để nghe tác giả Từ Công Phụng hát Tình Tự Mùa Xuân
Như Chiếc Que Diêm
Ca khúc này được nhạc sĩ Từ Công Phụng sáng tác vào năm 1975, sau thời điểm “đổi đời” không bao lâu. Như ông từng thừa nhận, đó là quãng đời đau khổ và trắc trở nhất trong đời, cuộc sống rất bất ổn, không có gì bám víu vào, mưu sinh rất vất vả, phải làm bất cứ gì có thể để nuôi sống con cái và gia đình. Hơn nữa, cuộc tình hơn 10 năm với người vợ đầu là ca sĩ Từ Dung cũng tan vỡ từ thời điểm đó.
Trước khi chia tay vợ không lâu, như là thấy trước được sự đổ vỡ không thể tránh khỏi, nhạc sĩ đã viết: Tình ta sớm muộn gì cũng hấp hối…
Lời bài hát này rất buồn, như là sự cứu vớt bất khả thi cho một quãng đời, cho một cuộc tình đang dần hấp hối:
Thôi cũng đành một kiếp trăm năm đời người sẽ qua
Cũng đành một thoáng chiêm bao tình người cũng xa
Cũng phôi pha những điêu ngoa, theo vết môi cười tàn tạ…
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Như Chiếc Que Diêm
Click để nghe tác giả Từ Công Phụng hát Như Chiếc Que Diêm
Kiếp Dã Tràng
Một mình ta đứng nhìn
mối tình duyên tan theo
ngàn con sóng gào bạc đầu
Nhẹ xô lên dấu chân ghi cuộc tình nhòa trên cát…
Click để nghe tác giả Từ Công Phụng hát Kiếp Dã Tràng
Đó là lời của ca khúc Kiếp Dã Tràng được sáng tác khoảng năm 1968-1969, khi nhạc sĩ Từ Công Phụng đang học đại học bằng 2 ở trường Luật Khoa.
Về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ kể lại rằng sau kỳ thi ở trường đại học ở Sài Gòn, ông về quê ở Ninh Thuận nghỉ hè thăm nhà rồi ra Nha Trang chơi. Vùng đất này có bãi biển đẹp nổi tiếng với hàng dừa rợp mát và bãi cát thoai thoải chạy dài…
Nhạc sĩ họ Từ nằm dưới hàng dừa đó và nghe gió lao xao trong buổi chiều nắng hanh vàng đang dần tắt ở cuối chân trời, thấy nhiều suy tư về cuộc đời và những cuộc tình đã qua:
Chiều vàng vương gót mỏi
ta dừng chân phiêu du
Lặng nghe sóng gọi ngọt ngào
Hàng dừa im bóng ru nhau thầm thì lời âu yếm
Dìu nhẹ đôi cánh mềm rã rời
Đàn chim bé nhỏ ngập ngừng
Nhẹ nương gió đưa về khoảng trời cũ…
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Kiếp Dã Tràng
Giữ Đời Cho Nhau
Một ca khúc khác được nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ từ thơ Du Tử Lê:
Ơn em thơ dại từ trời
Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi.
Ơn em dáng mỏng mưa vời
Theo ta lên núi về đồi yêu thương.
Tạ ơn em, tạ ơn em.
Bài hát nhiều lần nhắc đến “Ơn Em”, nên ca khúc này cũng thường được gọi là bài “Ơn Em”.
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Giữ Đời Cho Nhau
Click để nghe tác giả Từ Công Phụng hát Giữ Đời Cho Nhau
Tuổi Xa Người
Một bài hát thật đẹp, lãng mạn, nhưng cũng thật buồn của nhạc sĩ họ Từ:
Một chiều êm tay đan tay dìu nhau trên lối
Đưa em đi nhè nhẹ vào đời
Bằng vòng tay tôi nâng niu mùa thu thức giấc
Đưa em vào ngày tháng vỗ về
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Tuổi Xa Người
Click để nghe tác giả Từ Công Phụng hát Tuổi Xa Người
Nhạc sĩ Từ Công Phụng sinh năm 1942 được biết đến với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ông đã gắn bó với ngành âm nhạc Việt Nam suốt gần 60 năm và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc. Cảm ơn bạn đã quan tâm đến cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Từ Công Phụng.