Diện kiến vua Minh Mạng (Hồi ký Michel Đức về những lần được bái kiến Đức Vua triều đình Huế – Kỳ 2)

0
12

Như đã nhắc tới ở bài trước, nếu như vua Gia Long là một người quảng giao, có quan điểm mở rộng ngoại giao với người Pháp và phương Tây, cho người Pháp làm quan trong triều để tận dụng kinh nghiệm, kiến thức của họ canh tân đất nước, thì vua Minh Mạng có quan điểm ngược lại.

Đọc lại bài viết Tác giả Michel Đức bái kiến vua Gia Long:

Những lần được diện kiến Vua Gia Long và Hoàng hậu của cậu bé 8 tuổi người Pháp được ghi lại trong hồi ký

Theo nhận định của các tác giả ngoại quốc đương thời, vua Gia Long luôn tỏ ra hòa hiếu với người Pháp, không chỉ vì sợi dây gắn kết đã có từ trước khi ông lên ngôi, mà còn vì ông e dè và đề phòng người Anh, lúc đó đã có thuộc địa ở khắp thế giới. Vua Gia Long từng nói với cận thần người Pháp của ngài rằng: Chừng nào ta còn là bạn của người Pháp thì những kẻ muốn xâm chiếm [người Anh] sẽ chẳng dám đụng đến ta.

Tuy nhiên khi vua Minh Mạng lên ngôi đã tự tay cắt đứt sợi dây hữu hảo mà vua cha đã kết nối với người Pháp, và từ chối cánh tay chìa ra xin ký hiệp ước giao thương của đích thân vua nước Pháp – Louis.

Như bài viết trước ghi lại, khi ông Jean Baptiste Chaigneau (cha của Michel Đức Chaigneau) về Pháp đã được đích thân vua Pháp giao phó cho vai trò là một lãnh sự, công cán ủy viên, là đại diện cho đức Vua Pháp để thương thuyết với triều đình Huế. Nhưng khi gia đình Chaigneau quay trở lại An Nam thì vua Gia Long đã băng hà, và ông phải làm việc với một ông vua mới có quan điểm khác biệt.

Hình ảnh tác giả Michel Đức Chaigneau năm 1863, lúc 60 tuổi, thời điểm viết hồi ký này

Trong hồi ký, Michel Đức cho biết:

Cha của tôi đã rất đau buồn khi nhận được hung tin về tiên đế, người đã xem cha tôi như là bạn tâm giao, cận thần thân tín. Sự mất mát đó đương nhiên sẽ làm đảo lộn hoàn toàn đường lối chính sách của xứ An Nam và thay đổi vị thế của cha tôi tại triều đình Huế.

Chiếc thương thuyền Larose chở gia đình tôi vượt đại dương và neo bến ở cảng biển kinh thành Huế, ngay lập tức cha tôi đến gặp ông bạn Vannier (cũng là người Pháp làm quan triều đình), ông tóm lược cho cha tôi nắm mọi việc xảy ra ở An Nam trong thời gian gia đình tôi về Pháp, và toàn cảnh thật đầy đủ về chính sách trị quốc của tân vương. Tình hình không mấy khả quan.

TIẾP KIẾN VUA MINH MẠNG

Cha tôi rất nóng lòng gặp vua Minh Mạng để truyền đạt lại những lời mà đức vua Louis XVIII đã gửi gắm. Sau khi được tân vương chẩn y lời thỉnh cầu xin tiếp kiến, cha tôi đến điện Cần Chánh. Vua Minh Mạng tiếp đón cha tôi với sự trang trọng về nghi thức, nhưng với thái độ khá lạnh nhạt chứ không nồng hậu như vua Gia Long. Tuy vậy tân vương cũng có vẻ hài lòng khi thấy cha tôi quay lại xứ này và trấn an là ngài sẽ vẫn xem ông như một vị quan đã được Tiên đế đánh giá cao và dành nhiều ưu ái. Cha tôi vốn đã quen tự nhiên thoải mái và thân tình trước vua Gia Long, thì nay có cảm giác bỡ ngỡ trước vua Minh Mạng. Trước đây, dù biết là ngài sẽ là người nối ngôi, nhưng cha tôi đã không có mấy thiện cảm. Vì vậy khi tiếp kiến đức vua mới, cha tôi chỉ làm theo chức trách được giao phó, đó là xin vua ấn định ngày giờ chính thức cử hành nghi lễ tiếp nhận quốc thư của vua Louis XVIII. Vua Minh Mạng chuẩn thuận về điều này, nhưng im lặng về lời đề nghị ký kết thỏa ước với chính phủ Pháp.

Tính cách của vua Gia Long và vua Minh Mạng

Khi lên ngôi, khác với những người đi trước, vua Gia Long đã không muốn nhìn nhận uy thế vương quyền của Thiên triều Trung Hoa, ngài tự xưng vương một cách độc lập, mặc kệ những yêu sách và cả đe dọa từ phía Thanh triều. Nhưng tới thời vua Minh Mạng thì triều đình Huế chấp nhận là chư hầu của hoàng đế Trung Hoa, xin được phong vương.

Ngay khi lên ngôi, tân vương đã quay lưng lại với một số chính sách của vua Gia Long để áp dụng chính sách giống của Trung Hoa, đó là bài ngoại và đạo công giáo. Vua Minh Mạng rất am tường và thích trau giồi văn thơ thi phú Hán ngữ, thậm chí còn được xem như một bậc túc nho, có vẻ uyên thâm về chữ nghĩa hơn cả vua cha.

Nếu như vua Gia Long tỏ ra nhanh nhạy và biết nhận ra sai lầm kịp thời để khắc phục, thì vua Minh Mạng trầm ngâm và có phần tự cao, thường lo lắng và đa nghi. Là người quyết đoán, dù là hành động hợp lẽ hay là sai lầm thì nhà vua cũng thường đưa ra những quyết định một cách lạnh lùng có phần tàn nhẫn, vì vậy không nhận được yêu mến của quần thần, ai cũng e dè sợ sệt nhà vua.

Trước khi lên ngôi, chung quanh ngài là một nhóm nhà nho, ngài vẫn thường không giấu giếm với họ sự hào hứng của mình trước những thành tựu của văn hóa Trung Hoa. Khi vua Minh Mạng lên ngôi, những nhà nho trở thành những người quân sư tâm phúc, hùa theo những nhà nho này là những quan lại vốn không được vua Gia Long tín nhiệm. Trong số các vị quan này có không ít những người đã từng ganh tỵ với những ân sủng mà vua Gia Long đã dành cho các quan người Pháp. Nay với vị vua mới, họ có cơ hội để bắt đầu sàm tấu hãm hại những người từ lâu vốn là cái gai trong mắt họ. Kể cả những quan đại thần từng ủng hộ quan người Pháp cũng bị thất sủng, điển hình là Tả quân Lê Văn Duyệt.

Cha tôi sẽ phải thực hiện công việc được chính phủ Pháp giao phó, đó là trình lên vua Minh Mạng đề án một hiệp ước hữu nghị và thương mại giữa Pháp và An Nam trong tình hình không mấy khả quan như vậy.

Chân dung vua Minh Mạng

Nghi lễ trình quốc thư tới vua Minh Mạng

Đúng ngày ấn định việc trao tặng phẩm và quốc thư của vua Louis XVIII, người trong cung đến để chuẩn bị theo sự điều động của cha tôi. Theo thông lệ, quốc thư được đặt trên một chiếc mâm gỗ nhỏ chạm lộng tinh xảo, phủ lên một tấm vải mỏng màu vàng. Vị quan chuyên trách việc nghi lễ đi ở giữa bưng mâm gỗ, hai bên có hai người cầm lọng che màu vàng. Các tặng phẩm khác thì đặt trên những chiếc bàn được bốn người phu khiêng, đi theo mỗi chiếc bàn như vậy đều có một người cầm lọng che. Tặng phẩm gồm có:

– 1 chiếc đồng hồ mạ vàng lớn;

– 2 cây đèn mạ vàng;

– 2 bình hoa bằng đồng ánh màu vàng bóng;

– 16 bức tranh họa lại những trận đánh của Đế chế;

– 1 khẩu súng hơi cùng với chiếc hộp đựng đẹp mắt phủ đầy các họa tiết trang trí cầu kỳ;

– 1 cặp súng ngắn nằm trong một chiếc hộp trang trí cầu kỳ khác;

– 1 tấm gương soi lớn

Cha tôi đi theo sau vị quan nghi lễ mang chiếc mâm gỗ, những chiếc bàn đặt tặng phẩm được khiêng theo phía sau cha. Khi tới cửa cung điện, cha tôi nhận lại mâm gỗ, đích thân đem vào phòng thiết triều dâng cho Đức Vua. Đức vua trang trọng nhận lấy bức thư và tỏ vẻ hài lòng với các món tặng phẩm.

Vua Minh Mạng mở bức thư của vua Pháp, đưa cho cha tôi và yêu cầu ông dịch miệng ngay cho Ngài nghe trong khi đợi người dịch sang chữ Hán:

Thưa Quốc vương tối thượng, tối anh minh, hùng cường và nhân hậu, thưa bằng hữu thân mến và bao dung, cầu mong Thượng ban phúc lành cho uy danh của Ngài! Chúng tôi rất cảm kích khi biết rằng những người Pháp đến xứ sở của Ngài để giao thương đã được Ngài đón tiếp nồng hậu.

Sự đối đãi của Ngài với người Pháp là bằng chứng cho thấy Ngài vẫn bảo lưu những kỷ niệm đẹp về tình hữu nghị giữa Đức vua nước Pháp và Đức vua xứ Cochinchine.

Về phía vương quyền Pháp, chúng tôi cũng có những tình cảm tương tự, vì vậy cả hai bên chúng ta có thể hy vọng là từ đây sẽ mở ra những điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu của thần dân hai nước, thông qua việc thiết lập và mở rộng dần các mối quan hệ. Với tầm nhìn này, chúng tôi nhận thấy sự phù hợp của việc cử một người đại diện cho chúng tôi, là ông J.B. Chaigneau, sĩ quan hải quân và là quan viên của xứ Cochinchine. Quyết định lựa chọn này xuất phát từ việc ông Chaigneau đã được Ngài biết rõ và nhận được sự yêu mến tin cậy từ Ngài. Chúng tôi tin rằng, Ngài sẽ lắng nghe một cách thuận tiện khi có sự vụ liên quan đến người Pháp, cũng như trong lãnh vực giao thương và các chủ đề khác nữa. Theo đó, chúng tôi tin rằng, thần dân nước Pháp cũng sẽ được hưởng tấm lòng đức độ và anh minh của Ngài.

Nhân cơ hội này, chúng tôi thiết tha muốn bày tỏ với Ngài thành ý hữu nghị chân thành của chúng tôi. Chúng tôi cầu xin Thượng đế ban thêm ân phúc cho uy quyền của Ngài và mọi điều tốt lành khác cho Ngài.

Cung điện hoàng gia Tuileries, ngày 12/10/1820.

Người bạn thân mến của Ngài.

Louis.

Đức Vua chăm chú lắng nghe, giữ im lặng chốc lát rồi nói với cha tôi:

Trẫm cũng có những tình cảm và suy nghĩ như Đức Vua nước Pháp, cũng mong muốn được kết tình hữu nghị với Đức Vua. Nhưng chúng ta cần một hiệp ước về giao thương để làm gì? Nước Pháp nằm ở quá xa vương quốc của ta để thần dân hai bên có thể thuận lợi qua lại giao thương, buôn bán, chúng ta cũng chẳng có thuyền lớn để vượt biển cả đại dương. Nếu nước Pháp mong muốn mang hàng hóa sang xứ ta buôn bán thì ta sẵn sàng đón tiếp như bao thần dân của các xứ sở khác, chỉ cần họ tôn trọng phong tục tập quán của chúng ta.

Đáp lời Đức Vua, cha tôi bày tỏ là ông cảm thấy rất buồn khi Đức Vua không mặn mà với những đề nghị của nước Pháp về việc ký kết một hiệp ước mà mục đích là quy định những quyền lợi tương hỗ trong việc giao thương giữa hai nước, đồng thời củng cố thêm quan hệ hữu nghị vốn có giữa hai xứ sở. Cha tôi tâu:

Tâu bệ hạ. Đức vua cha của Ngài là người mà hạ thần luôn vinh danh và tưởng nhớ vì đã biết được tấm lòng tận trung của hạ thần. Ngài thường cho phép hạ thần thẳng thắn trình bày các quan điểm của hạ thần về quốc sự và thường chuẩn y theo những ý kiến hạ thần đề đạt. Bẩm bệ hạ, xin bệ hạ cho phép hạ thần được tâu bằng cung cách thẳng thắn trung thực như vậy. Bẩm bệ hạ, ở hoàn cảnh hiện tại, hạ thần cảm thấy quan ngại về việc nước Pháp sẽ phật lòng khi bị khước từ…

Đức vua trả lời:

Họ không thể vì việc này mà giận chúng ta được vì chúng ta chẳng được lợi gì từ một hiệp ước như vậy. Trong thực tế, chúng ta không cản trở việc buôn bán của người Pháp, ta đối xử với họ một cách tử tế, đúng mực thì họ còn đòi hỏi gì hơn nữa ở chúng ta? Với lại, việc khanh có mặt ở đây chẳng phải là để đảm bảo quyền lợi cho họ [người Pháp] và thông báo cho chúng ta biết những nhu cầu của họ sao?

Buổi tiếp kiến khiến cho cha tôi cảm thấy vô cùng phiền muộn. Thái độ thờ ơ của vua Minh Mạng cùng vẻ lạnh lùng trầm ngâm của Ngài trái ngược hoàn toàn với sự cởi mở và thiện ý của vua Gia Long. Trước quan điểm quá cứng rắn của triều đình, cha tôi buộc phải tính tới một tương lai đầy trắc trở sắp tới. Hiển nhiên là nếu cha tôi chỉ lo cho sự an yên của bản thân thì ông đã quay về Pháp ngay. Nhưng ông đã quyết định tiếp tục nhẫn nhịn ở lại để đảm nhiệm vị trí lãnh sự mà vua Louis XVIII đã giao phó, phần vì ông đã cam kết đảm nhiệm vị trí này ở An Nam trong 5 năm, phần vì thái độ cứng rắn của vua Minh Mạng khiến ông tin rằng ông cần phải ở lại để bảo vệ quyền lợi của nước Pháp.

Bất chấp những bất đồng với vua, cha tôi vẫn cần mẫn dự những buổi thiết triều của vua Minh Mạng với tư cách là quan lại triều đình. Và quả thực, Đức Vua cũng vẫn tiếp kiến cha tôi một cách lịch thiệp và trân trọng. Ngài dường như cảm thấy hài lòng hơn khi không còn ai nhắc đến chuyện hiệp ước, sự vụ khiến ngài khó chịu. Ngài cũng đồng ý chuẩn y những đề đạt của cha tôi về việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giao thương của người Pháp tại đây. Ngài nhận và chi trả sòng phẳng cho những món hàng mà vua Gia Long đã đặt hàng từ Pháp trước khi nhà vua băng hà, được hai thương thuyền Pháp chở tới vịnh Tourane (Đà Nẵng). Đức vua cũng nhanh chóng chuẩn y những đề nghị của cha tôi về việc cấp quyền lưu trú và đi lại cho người phụ trách văn phòng lãnh sự của cha và cho ông Edouard Borel, đại diện của hãng Balguerie ở Bordeaux. Không chỉ cấp một giấy phép đi lại cho ông Diard để có thể đi khắp vương quốc nhằm nghiên cứu về môi trường tự nhiên, Đức Vua còn truyền lệnh cho quan chức khắp nơi phải tạo điều kiện thuận lợi cho ông này.

Diện kiến vua Minh Mạng

Trong một lần tiếp kiến, vua hỏi cha tôi về người trưởng nam mà Ngài đã từng gặp vài lần khi vua Gia Long còn tại vị, đồng thời bày tỏ ý muốn gặp lại. Sau buổi hỏi chuyện về tôi, một hôm, Ngài cho người đến, ban tặng cho tôi một chiếc hộp trang trọng, bên trong xếp một chiếc quần vải thưa màu đỏ và một áo dài lụa màu xanh dương viền chỉ thêu vàng và lót lụa vàng phía trong (tôi vẫn còn giữ những tặng vật này). Vài hôm sau, Ngài truyền lệnh cho tôi vào cung gặp mặt. Tôi lập tức báo cho cha biết, diện bộ quần áo đẹp nhất rồi lên ngựa tức tốc đi đến cổng Tịnh – Tâm. Người truyền lệnh của Đức vua cũng vừa về đến cổng, đang chờ tôi để đưa vào cung nhằm tránh những phiền toái từ phía lính tuần và người hầu trong cung, vốn luôn thực thi những yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt.

Một người dẫn đường đưa tôi vào cung. Tôi đến sảnh chờ sau khi đi qua một cây cầu và một khuôn viên trồng đầy hoa, rồi đến phòng tiếp kiến của Đức Vua theo chỉ dẫn của một người tùy tùng. Ở đây không giống ở Châu Âu, người ta không xướng danh những vị khách tới tiếp kiến hay tới thăm, nên tôi chỉ cần đi thẳng vào cửa là diện kiến ngay vua Minh Mạng. Ngài nói to khi thấy tôi: “À đây rồi!” và ra hiệu cho tôi lại gần.

Một lát sau, theo lệnh của Đức Vua, một quan văn làm việc trong văn phòng của nhà vua bước vào. Người này khoảng chừng ba mươi lăm đến bốn mươi tuổi, người nhỏ thó, ốm o đến bất thường, khuôn mặt gồ ghề rám nắng, gò má cao, mũi bè to và một chòm râu lưa thưa xỉa ra từ chiếc cằm tròn. Đôi môi mỏng te, phía trên lơ thơ vài sợi râu mép. Chiếc khăn đóng đội đầu bằng vải thưa màu đen của ông hầu như che trọn chiếc trán bóng loáng làm nổi lên hai con mắt đen và sáng, toát lên vẻ thông minh và tự tin. Vị quan mặc một chiếc quần màu trắng và áo dài lụa dài màu xanh dương phủ tới ngang bắp chân rất đẹp, nhưng chiếc áo lót bên trong thấp thoáng lộ ra ở phần cổ áo và tay áo thì khá cũ. Vị quan dù có vẻ ngoài không được đẹp, thậm chí là xấu xí nhưng bù lại ông lại mang phong thái, cử chỉ cao sang của người quyền quý. Nhà vua ra hiệu cho vị quan bước đến gần chỗ tôi, rồi cả hai cùng theo lệnh vua ngồi xuống một chiếc sập thấp hơn ngay cạnh sập của Đức vua. Chỉ có hai chúng tôi được phép ngồi gần Đức vua, những vị quan tùy tùng và người mang lệnh truyền đều đứng ở xa sau một cánh cửa khép hờ (Người An Nam không có thói quen dùng chuông rung để gọi). Một vài người hầu tuổi còn khá trẻ chỉ chừng mười lăm đến hai mươi tuổi, lưng tựa vào vách, đứng im lặng ở góc phòng, chỉ trực chờ vua ra dấu là ngay lập tức chạy đến, quỳ xuống để dâng lên những điếu thuốc mà chúng đã châm lửa và kéo thử vài hơi. Tất cả mọi người đều chăm chú dõi theo từng hành động cử chỉ của nhà vua.

Vua Minh Mạng ngồi tựa mình vào một chiếc gối bọc nỉ vàng, trên chiếc sập gụ được chạm trổ tinh xảo và sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Những bức tranh in được trải rộng ra phía trước mặt Ngài, đồ chặn đặt ở bốn góc. Đức Vua hỏi tôi về những chữ in ở phía dưới các bức tranh, yêu cầu tôi đọc to những chữ này bằng tiếng Pháp cho ngài nghe thử. Nghe một đoạn, Ngài ngắt lời tôi và nhận xét: “Ngôn ngữ này thật lạ, giống như một chuỗi tiếng huýt liên tục, tựa như tiếng Hoa”, rồi Ngài lại bảo tôi giải thích nghĩa của từng từ trước khi dịch nghĩa cả câu. Để tôi không bỏ sót, Ngài dò ngón tay theo từng chữ. Quả thực với tôi, đây là một công việc khá khó khăn vì không dễ để tìm được những từ có ý nghĩa tương tự trong tiếng An Nam, đặc biệt, thật khó để giải thích các sự việc hay công dụng của các vật dụng mà người An Nam chưa từng thấy hay chưa từng biết tới. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng đáp ứng phần nào mong đợi của Đức Vua bằng kiểu diễn đạt vòng vo, và thỉnh thoảng khiến Đức vua mỉm cười khi thấy tôi vật lộn với đống từ để tìm từ thật đúng.

Khi câu chữ đã dịch xong, vị quan văn chép lại trên giấy bằng chữ Nho. Nhưng khi nghe đến một cái tên riêng thì ngòi bút của ông sững lại, đưa mắt nhìn Đức Vua rồi lại nhìn tôi, khẩn khoản yêu cầu tôi đọc thật chậm và rành mạch từng âm một, tuy nhiên, ông lại hầu như chẳng tìm được ký tự nào có cách đọc tương tự như những âm ghép tên của người Âu. Những cái tên riêng lại xuất hiện rất nhiều khiến vị quan văn càng bối rối hơn. Ngày hôm đó, Đức vua và vị quan văn nhiều lần cố gắng thử đọc những cái tên của những danh nhân đã đem vinh quang đến cho nước Pháp, để tìm ký âm phù hợp nhưng quả thực rất khó! Tên của thống chế Soult thì được tách thành hai âm là Xou – lé, đọc là Xu – Lê, tên của tướng Kléber thù được chuyển thành Ké-lé-bé, đọc là Kê – Lê – Bê.

Những lúc tạm nghỉ để nhai trầu, hút thuốc, Đức Vua lại liên tục hỏi tôi về những trận đánh của Napoléon đệ nhất, người đã chiến đấu trên khắp Châu Âu; hoặc về chuyện quân phục và diện mạo của quân đội Pháp, những thứ mà tôi mới chỉ biết chút ít qua sách vở hoặc các tạp chí khi tôi ở Bordeaux. Đức Vua còn hỏi tôi về ấn tượng của tôi về nước Pháp và cả về những người phụ nữ Pháp.

Rất may là trước đó, tôi rất ham mê tìm hiểu về nước Pháp, về những trận chiến lừng lẫy của nước Pháp, nên tôi có thể ngay lập tức trả lời những thắc mắc của Đức Vua. Về phần này, tôi tin rằng tôi đã làm rất tốt, khiến Ngài quan tâm hơn vì Ngài lắng nghe rất chăm chú. Nhưng do sự non nớt của mình, tôi đã sơ suất đề cập đến nhiều vấn đề nhạy cảm, những ý kiến so sánh thật đáng tiếc về con người và nhiều thứ khác giữa hai đất nước. Sự ngây thơ một cách kém cỏi và thiếu tinh tế đó đã khiến tôi vài lần phải nhận ánh nhìn nghi ngại từ Đức Vua, đến nỗi vị thư lại ngồi cạnh phải kín đáo cảnh báo bằng cách thúc bàn tay xương xẩu của ông vào lưng tôi.

Không rõ hành động đó của ông là vì lòng thương hại dành cho anh chàng công tử mười chín tuổi trẻ người non dạ hay nỗi lo sợ bị liên lụy? Tuy nhiên, kết cuộc là cả hai chúng tôi đều bình an vô sự. Đức Vua, tỏ ra là một người anh minh hiểu biết, không có vẻ gì là phật lòng, tiếp tục đưa cho tôi những câu hỏi, phần tôi sau dấu hiệu cảnh báo cũng biết giữ mồm giữ miệng hơn. Sau thời gian tiếp kiến gần hai tiếng, Đức Vua có vẻ mệt mỏi uể oải, Ngài đột ngột đứng dậy. Hai chúng tôi vội đứng lên theo, chốc lát sau thì cùng lui ra. Khi ra tới phòng chờ, vị quan văn nhìn tôi, vẻ mặt vừa giễu cợt, vừa nghiêm túc:

“Này, thiếu gia trẻ, thiếu gia có mất trí hay không mà lại tâu với Hoàng thượng là binh đội của Ngài thua kém quân đội của người Pha – lan – cha [Pháp], rồi cung điện đền đài xứ sở của Hoàng thượng thua kém những kiến trúc nhà cửa ở Châu Âu?”. 

Tôi đáp:

“Thò đó là sự thật mà. Chẳng lẽ tôi phải nói láo trước mặt Đức vua mới được à?” 

“Đúng vậy! Phải biết nói láo còn hơn là làm Hoàng thượng phật lòng”. 

Nói xong, ông ta chìa tay ra nói lời tạm biệt, rồi chúng tôi vui vẻ chia tay.

Trong các cuộc trò chuyện thân mật, vua Gia Long rất thích hỏi cha tôi về những định chế và tập quán ở Pháp. Vua Minh Mạng ngược lại, khách sáo hơn trong những lần đàm đạo với cha tôi. Để bày tỏ những quan điểm và phê phán của bản thân, Đức vua có lẽ cảm thấy thoải mái hơn trước một thiếu niên mười chín tuổi: đáng tiếc là cậu thiếu niên này lại quá non nớt và thiếu kiến thức để đàm đạo với Đức Vua về tất cả những vấn đề mà Ngài quan tâm.

Quả đúng như vậy, hai tuần sau đó, vua Minh Mạng lại sai người truyền tôi vào diện kiến. Nhưng lần này Ngài không gặp tôi ở cung Tịnh Tâm, mà truyền tôi đến một ngôi nhà nổi đang neo đậu trên sông, nơi ngài thường tắm cùng cung tần mỹ nữ. Hôm đó, trời rất nóng và Đức vua có lẽ vừa tắm xong, trên người vẫn khoác bộ đồ mỏng còn hơi ướt. Giọng phụ nữ ồn ào vọng tới từ khu vực tắm của hoàng gia, có lẽ là các cung phi còn đang tắm. Khi tôi bước vào, vua Minh Mạng đang dùng trà, khác với lần trước, lần này Ngài khá vui vẻ, điều này làm tôi cảm thấy thoải mái.

Trong khi vẫn đang dùng bữa ăn nhẹ, Đức Vua hỏi tôi đi được những đâu trong thời gian ở trên đất Pháp. Ngài ồ lên ngạc nhiên khi tôi kể việc là bà con họ hàng ở rất xa nhau và gia đình tôi đã phải đi năm sáu trăm dặm để thăm được tất cả mọi người. Ngài nói: “Như thế thì khanh đã phải đi chuyển qua rất nhiều thành thị?”. Rồi ngài hỏi tôi về các phương tiện đi lại ở Pháp và các tầng lớp trong xã hội Pháp. Điều khiến Đức vua và hầu như tất cả người An Nam nói chung ngạc nhiên nhất là sự xuất hiện lẫn lộn của cả nam giới và nữ giới trong các buổi hội họp. Đức Vua kêu lên kinh ngạc:

“Cái gì? Họ cho phép đàn ông đàn bà ở cùng một chỗ với nhau sao? Đàn ông đàn bà và thanh niên nam nữ đều chuyện trò thoải mái với nhau sao? Thế thì thật là loạn! Rồi phụ nữ có cùng với đàn ông vào dự thiết triều với vua không?”. Tôi trả lời: “Bẩm tâu bệ hạ, dạ có”. Nhà vua thốt lên: “Ồ, thật không thể tin được!”

Hết câu hỏi này lại đến câu hỏi khác, tôi giống như kẻ bị tra khảo.

Đức vua lại hỏi tôi chuyện có người tâu vua là ông Diard rút nọc độc từ các loài côn trùng ông sưu tầm được ở An Nam là thật hay không. Khi nghe tôi tâu là không, Đức Vua lại thắc mắc vì sao người Châu Âu bỏ nhiều công sức tiền của cho các loài thú nhồi rơm và côn trùng như vậy. Tôi bèn kể cho Ngài nghe về các viện bảo tàng nằm ở các thành phố lớn của Pháp, nơi người ta lưu giữ các chủng loài động vật, thực vật, khoáng sản,… tất cả mọi thứ trong tự nhiên của rất nhiều nước trên thế giới. Và những thứ mà ông Diard đang sưu tầm ở đây là để gửi về viện bảo tàng của Đức vua tại Paris, chúng sẽ được phân loại và sắp xếp theo từng chủng rồi, rồi trưng bày tại đó.

Đức vua lại hỏi:

– Xây những ngôi nhà chỉ để cất giữ thú nhồi rơm và côn trùng à?

– Bẩm Hoàng thượng, đó không phải là ngôi nhà, chính xác thì đó là những cung điện.

– Đúng là khùng thiệt! Dùng cung điện để trưng bày lũ côn trùng? Người Pháp không có việc gì để làm hay sao mà lại đi làm những chuyện nhảm nhí vậy?

– Bẩm hoàng thượng, những viện bảo tàng này thực chất đem lại rất nhiều lợi ích, mục đích của công việc này là để nghiên cứu về tự nhiên, là một ngành nghiên cứu khoa học.

– Vậy thì chắc là ông Diard là một trong những con người uyên bác chuyên trách lãnh vực khoa học này à?

– Bẩm hoàng thượng, đúng là như vậy. Ông Diard không chỉ am tường kiến thức về lịch sử tự nhiên, ông còn uyên thâm trong nhiều lãnh vực khác nữa.

– Ta thật không hiểu nổi! Một con người tài giỏi uyên bác như vậy lại sẵn sàng quỳ xuống trước một đống phân trâu hay phân voi, tự tay moi bắt lũ côn trùng nhung nhúc trong đó ra, rồi lại chạy khắp nơi như trẻ con để đuổi bắt bướm và bọ hung giống như đang truy tìm của quý vậy.

Nhưng mối bận tâm lớn nhất của vua Minh Mạng chắc hẳn là quân đội Pháp vì Ngài nói đi nói lại rất nhiều lần về đề tài này. Tiếc rằng, tôi lại chẳng mấy chút kinh nghiệm và kiến thức nào để trả lời Ngài cho rõ ràng. Có lần, Đức Vua chỉ các bức tranh và hỏi tôi: “Các bức tranh này vẽ không rõ màu sắc đồng phục của các tướng lĩnh và binh lính, cũng không thấy được họa tiết trang trí trên đó. Hãy nói cho ta biết quân phục của họ trông như thế nào?”

Tôi bèn bẩm với Đức Vua các chi tiết quân phục mà tôi đã từng thấy khi ở Pháp, Ngài ngay lập tức nói nếu như thế thì cũng “không đến nỗi nào”. Ngài đưa ra nhận xét là bộ quần áo ôm quá sát, cầu vai nặng, và nói thêm “có thể làm tốt hơn”.

Sẽ rất dài dòng, lan man nếu tôi kể hết những câu hỏi mà Đức Vua đã hỏi về nước Pháp trong những lần diện kiến sau đó. Dù những câu trả lời của tôi có phần chắp vá, khiêm nhường, nhà vua vẫn tỏ vẻ hài lòng. Một hôm, trước lúc cho tôi lui ra, Đức Vua hỏi tôi có muốn trở thành quan viên phục vụ bên cạnh Ngài hay không. Tôi không thể nói thật lòng mình với Đức Vua rằng, lòng tôi luôn hướng về quê cha và nước Pháp đã mê hoặc tôi (chắc hẳn có người sẽ cho rằng tôi là kẻ vong ơn đối với xứ sở nơi tôi sinh ra). Vì vậy tôi nói với Ngài rằng, được phục vụ Ngài là một vinh hạnh rất lớn đối với tôi, nhưng cha tôi mới là người quyết định cho tôi, và vì tôi vô cùng yêu thương và kính trọng cha nên tôi sẽ luôn tuân theo ý nguyện của ông.

Sau lần trò chuyện với Đức Vua về quân phục của quân đội Pháp không lâu, tôi bất ngờ khi thấy trang phục thường ngày của các quan võ xuất hiện một cầu vai bằng vàng hoặc bạc trên cả hai vai áo. Những chiếc cầu vai có hình trái xoan với họa tiết trang trí viền vàng, bạc hoặc vải lụa, ghi chữ Nho để chỉ cấp bậc, khi gắn trên áo khoác thì một phần rũ nhẹ xuống ngực. Tôi nhủ thầm, đó hẳn là những cầu vai được may theo ý tưởng của vua Minh Mạng. Và Đức Vua chắc hẳn đã nghĩ, làm kiểu như vậy tốt hơn kiểu của Châu Âu. Thời gian đầu khi chưa quen với các loại cầu vai, các quan lại thường đùa nhau rằng nay họ đã trở thành quan Pha – Lan – Cha.

Vài năm sau khi trở lại An Nam, nhận thấy được sự lạnh nhạt rõ ràng của Tân vương đối với các quan người Pháp, 2 ông Jean Baptiste Chaigneau và Philippe Vannier cũng bàn tính việc trở về Pháp.

Michel Đức Chaigneau nói rằng thái độ của vua Minh Mạng đối với cha ông rất thất thường, lúc thì tỏ thiện ý, lúc khác thì châm chọc, cho thấy dường như vua muốn 2 ông quan người Pháp này tự nguyện xin từ quan, nhưng không muốn nói thẳng thừng vì sợ mất đi mối hữu hảo đang có với Pháp.

Trước tình hình đó, Chaigneau và Vannier, với tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Chấn, cùng bẩm tấu xin từ quan, và việc đó được chuẩn y nhanh chóng. Tuy nhiên với sự xã giao, Đức vua cũng tỏ ý là lấy làm tiếc vì họ ra đi, nhưng thực tế thì rất hài lòng. Ngay trong chính sử triều Nguyễn, trong Đại Nam Thực Lục do Quốc Sử Quán soạn cũng cho biết điều đó, xin trích như sau:

Vào tháng 5 năm Quý Mùi (1823), Vua sai binh lính hai vệ Thần uy, Chần uy, cơ Ngũ thuý, cơ Kiên chu, đi lấy gỗ đóng thuyền Thụy Long, Sai Chưởng cơ là bọn Nguyễn Văn Chấn và Nguyễn Văn Thắng hiệp cùng với Vệ úy Nguyễn Tài Năng coi đóng theo kiểu thuyền lớn của Tây phương. Chấn, Thắng lấy cớ không hiểu việc đóng thuyền từ chối. Vua bảo bộ Công rằng: “Chấn, Thắng vốn là người Tây, Hoàng khảo ta nghĩ thương có một chút công lao, đặc cách cho họ tên, lại đề bạt đên chức hàm nhị phẩm. Sau khi đại định, chưa từng sai phái việc gì. Nay trẫm thấy chúng vôn có tiếng là giỏi về thủy, thông thạo binh thuyền, cho nên sai hiệp cùng Tài Năng coi đóng thuyền Tây. Chúng đã không muốn, trẫm cũng không bắt ép”. Sai Tài Năng đốc suất binh thợ mà làm. Thuyền đóng xong, thưởng cho 2.000 quan tiền (QSQ triều Nguyễn, 2006, Đại Nam thực lục, TIđd, tập II, tr.283).

Thực lục còn ghi chép như sau: Tháng 8 năm Giáp Thân (1824), “Chưởng cơ Nguyễn Văn Chấn và Nguyễn Văn Thắng dâng sớ xin về nước. Vua bảo bầy tôi rằng: “Bọn Chấn là người Phú Lãng Sa, năm trước về với ta, có cộng đánh giặc, cho nên đức Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng để ta cho làm đến chức ấy, bỗng lộc theo phân cấp, lại còn cho hậu thêm. Trẫm từ nôi ngôi đên nay, đãi họ cũng không bạc, sao họ lại xin về?”. Sai đình thần hỏi, hai người đều nói rằng chịu ơn dầy của triều đình đã lâu, chỉ vì già yếu nên muốn quay đầu về núi mà thôi. Vua cho rằng đi làm quan xa nhớ quê hương là thường tình của người ta, bèn cho về. Cho phẩm phục và 6.000 quan tiền” (QSQ triều Nguyễn, 2006, Đại Nam thực lục, Tlđd, tập II, tr.373).

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận