Là một diễn viên hạng A, cả tính cách lẫn ngoại hình đều thể hiện nét đẹp trai hiền lành, Lê Công Tuấn Anh chiếm được tình cảm của hàng triệu khán giả hâm mộ. Chính vì vậy mà sự ra đi bất ngờ của anh vào năm 1996 đã làm cho dư luận chỉa mũi dùi vào Minh Anh, lúc đó là người yêu cũ của Lê Công Tuấn Anh (2 người yêu nhau và chia tay nhiều lần, vào thời điểm Lê Công ra đi thì họ vẫn chưa hàn gắn). Trước sự giận dữ của đám đông, những người xem Lê Công là thần tượng, Minh Anh đã chịu một sức ép lớn về tinh thần. Không có nhiều người hiểu cho cô, ngoại trừ gia đình và bạn bè biết rõ được câu chuyện đằng sau.
Lúc đó, nhà nhạc sĩ Quốc Dũng ở gần chùa Xá Lợi, nơi diễn ra tang lễ của Lê Công Tuấn Anh. Đứng bên ngoài theo dõi câu chuyện, và chứng kiến tận mắt sự cuồng nộ của đám đông dành cho Minh Anh, ông đã sáng tác ca khúc Người Về Từ Lòng Đất.
Ý nghĩa bài hát này được nhạc sĩ giải thích là sự trở về của Lê Công để giải tỏa áp lực tinh thần cho người yêu cũ, xoa dịu dư luận:
Theo cơn giông đang dâng lên cao
cùng tia sấm gào anh lê đôi chân phiêu diêu
Về nơi gác phòng nơi em đang cô đơn trong đớn đau âm thầm
Đêm nay nơi thâm sâu âm u từng cơn gió lùa bên muôn cây reo vi vu
Tựa như tiếng than van bao đau thương miên man suốt trong đêm trường
Trên không gian mênh mang mây đen tìm nhau kéo về ầm ầm mang theo mưa giông
Từng cơn bão bùng bao la vây quanh bên anh nghĩa trang lạnh lùng
Gió vẫn reo lời hát bao giờ em quên chuỗi ngày êm đềm
Gió vẫn reo lời hát bao giờ em quên bao giờ em quên
Gió vẫn reo lời hát bao giờ em quên mối tình thắm nồng
Gió vẫn reo lời hát bao giờ em quên bao giờ em quên
Mang theo bao yêu thương đêm đêm hồn anh trở về thăm em đang trong cơn mê
Nhìn em khóc thầm khi anh run run quay chân nghĩa trang lạnh lùng
Xưa khi ta bên nhau chung đôi tình yêu thắm nồng như muôn bông hoa xinh tươi
Đời đang rất vui đôi ta đâu hay hôm nay mỗi người một thế giới
Em yêu ôi thôi mau quên đi tình yêu não nề đang miên man trong cơn mê
Để anh trở về mộ phần lạnh lùng vơi đi nỗi đau âm thầm…
Nghe ca sĩ Minh Thuận hát
Chuyện tình của Lê Công (biệt danh của Lê Công Tuấn Anh) và Minh Anh sau này được những người thân quen với họ kể lại trên báo chí.
Trong thời gian hẹn hò với Minh Anh, Lê Công từng vướng phải nhiều lùm xùm về chuyện tình cảm với người thứ 3, bắt nguồn từ sự săn đón và sự yêu mến cuồng nhiệt của người hâm mộ. Hai người sau đó đã chia tay nhau.
Người thứ 3 đó là một diễn viên trẻ tên Đào Vân Anh, là nguyên nhân của mọi cuộc giận hờn, chia tay. Rồi một lần không thuyết phục được Minh Anh để hàn gắn mối quan hệ, Lê Công đã uống thuốc quá liều nhưng sau đó được bạn bè đưa vào bệnh viện và chữa trị kịp thời.
Sau lần tự giận bất thành đó, Minh Anh quyết định quay lại với Lê Công. Tuy nhiên, một thời gian sau cả hai lại chia tay vì có người cho Minh Anh biết Lê Công Tuấn Anh đang đi Nha Trang với người thứ 3, và cô cũng được cô ruột của người phụ nữ kia thông báo rằng cô gái đã có thai.
Đúng bốn tháng sau, vào ngày 15 tháng 10 năm 1996, khi đang theo đoàn làm phim Nàng Hương ở Cần Thơ với những cảnh quay còn dang dở, Lê Công Tuấn Anh (đóng vai chính tên là Kiệt) trở về Sài Gòn dự sinh nhật của Minh Anh, dịp này anh cũng bày tỏ ý định muốn quay lại. Minh Anh đã từ chối đề nghị này và nói không còn tình cảm. Đưa Minh Anh về tới cổng, Lê Công rủ Minh Anh mai đi ăn sáng trước khi anh đi diễn xa. Sáng 16/10 Minh Anh qua nhà như đã hẹn thì thấy Lê Công ngủ li bì, đứa cháu nói lại là tối qua anh uống rượu khá nhiều, vì vậy Minh Anh bỏ ra về.
Vào trưa ngày 17 tháng 10 năm 1996, Lý Hoàng Phúc, cháu của bạn Lê Công Tuấn Anh, người ở cùng ôn thi đại học với anh trong căn trọ mà Tuấn Anh thuê rộng 30m2, đã phát hiện ra nam diễn viên trong tình trạng ngất xỉu và mặt bê bết máu, trên tay lúc đó đang cầm lọ thuốc. Lê Công Tuấn Anh ra đi vào lúc hơn 4 giờ chiều ngày hôm đó.
Tang lễ của Lê Công Tuấn Anh được tổ chức tại chùa Xá Lợi, hàng nghìn người hâm mộ khắp nơi đổ về, thậm chí Lực lượng Công an Quận 3 phải được điều ra để giữ an ninh trật tự tại tang lễ. Toàn bộ thư từ của khán giả viết cho nam diễn viên đã được để hết vào quan tài.
Thi hài Lê Công Tuấn Anh đã được đem đi hoả táng vào ngày 20 tháng 10 năm 1996 tại Bình Hưng Hòa và mộ của nam diễn viên được lập tại chùa Nghệ Sĩ, quận Gò Vấp từ đó đến nay. Hiện tại, mỗi năm vào ngày giỗ của Lê Công Tuấn Anh, các đồng nghiệp và người hâm mộ vẫn tưởng nhớ anh và đến thăm mộ thường xuyên.
Đã có nhiều tranh cãi khác nhau về nguyên nhân khiến Lê Công Tuấn Anh quyết định tự chấm dứt cuộc đời. Giả thiết được nhiều người tin theo nhất khi đó là do việc kết thúc mối quan hệ giữa nam diễn viên với bạn gái Minh Anh.
12 năm sau ngày mất của Lê Công Tuấn Anh, người mẫu Minh Anh đã bất ngờ trở về từ Singapore để lên tiếng về sự việc. Cô chỉ đích danh diễn viên Đào Vân Anh, lúc đó là một diễn viên mới gia nhập đoàn kịch nói Thành phố là người thứ ba khi xen vào chuyện tình cảm của hai người, là nguyên nhân chính dẫn tới mọi việc.
Vân Anh sau đó phủ nhận điều này, cho biết trên báo chí như sau:
“Tôi rất buồn. 12 năm đã qua, tôi tưởng rằng chị ấy đã quên những chuyện cũ và nghĩ lại mọi điều khi nhắc đến tôi trong chuyện tình cảm này nhưng không, chị ấy vẫn một mực kết tội tôi với những lời lẽ cay độc. Những người hiểu tôi trong hoàn cảnh đó, không ai cho rằng tôi là người cố chen vào tình cảm của Minh Anh và Lê Công. Nhiều người cũng biết, họ đã từng chia tay trước khi tôi xuất hiện.
Tình cảm đến chính bản thân tôi cũng không biết được. Tôi đã từng trốn chạy, đã từng dằn vặt, khổ sở nhiều. Đến bây giờ tôi cũng không biết tình cảm Lê Công dành cho tôi là tình cảm thật hay là một phút nông nổi. Tôi đã từng nghĩ lại rằng, có phải vì anh thấy tôi nhỏ nhắn dễ thương thì thương mến không. Có thể Lê Công yêu tôi, nhưng cũng có thể chỉ là thích, tôi cũng không biết nữa. Riêng tôi thì yêu, và đó là mối tình đầu, để lại những kỷ niệm đẹp và đau đớn”.
Đào Vân Anh thừa nhận bản thân khi yêu Tuấn Anh đã biết anh có người yêu: “Tôi biết, và biết rất rõ người yêu của anh ấy là Minh Anh, chính vì vậy mà khi biết mình có tình cảm với Lê Công tôi đã tránh anh. Mỗi lần tập xong tôi vào trong cánh gà rồi lánh đi chỗ khác để không nhìn thấy anh. Mỗi lần gặp anh tôi cố chào một cách xã giao nhất. Anh rủ đi ăn, tôi từ chối”.
Bên cạnh những chuyện này, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thì cho rằng Lê Công chọn cái chết vì “nỗi cô đơn đến mức không thể chịu đựng được”.
Nguyễn Hữu Phần là đạo diễn bộ phim gần cuối cùng của Lê Công Tuấn Anh: Ngọt Ngào Và Man Trá. Ông kể rằng khi làm phim này ở Hà Nội, Lê Công khá thân với một cô diễn viên trong đoàn. Cả hai đã có người yêu nên chỉ coi nhau là bạn. Hôm chia tay đoàn làm phim, Lê Công rủ bạn đi uống bia để hôm sau vào Nam. Đang nhậu thì Lê Công nói: “Anh về Nam và vĩnh biệt em nhé!”. Cô bạn ngạc nhiên rồi mắng bạn là nói linh tinh.
Lê Công lấy nắp chai bia bảo chơi trò sấp ngửa, nếu ngửa thì gặp mà sấp thì anh không còn gặp em. Khi mở tay ra thì nắp bia sấp. Cô bạn hoảng sợ gạt đi, Lê Công lại khẳng định: “15 ngày nữa em sẽ biết”. Tức là cậu ấy đã chuẩn bị cho ngày chết của mình. Đúng 15 ngày sau thì diễn ra sự kiện chấn động đó.
Lê Công Tuấn Anh sinh ngày 2 tháng 2 năm 1967 tại Sài Gòn, có bố họ Lê còn mẹ họ Công Huyền, thuộc dòng dõi quý tộc ở Huế. Ngay từ khi còn nhỏ, Tuấn Anh đã mồ côi cha và phải sống với mẹ. Anh cũng có một người em gái.
Lên 10 tuổi, mẹ của anh đi thêm bước nữa với một người đàn ông khác, cả hai anh em sau đó phải vào sống trong trại trẻ mồ côi. Đến năm 1979, Lê Công Tuấn Anh được cô ruột bên bố là bà Lê Thị Ngoan, một bà sơ theo đạo khi đó đã 63 tuổi, bảo lãnh về nuôi ăn học tại một căn nhà ở Quận 3, nhưng em gái của nam diễn viên lại không được về theo vì không đủ tiền chuộc, điều đã khiến anh day dứt và là nhân tố ảnh hưởng đến tâm tính của Tuấn Anh về sau này. Sau khi trở về nhà bà Ngoan, vì hai người thường xuyên bất đồng nên Lê Công có thời gian từng bỏ nhà đi để trở thành trẻ bụi đời và làm nhiều công việc khác nhau kiếm sống qua ngày. Cùng trong năm 1979, anh bị đưa vào trường Giáo dục thiếu niên 3 để cải tạo một thời gian sau khi bị bắt vì đi ăn trộm.
Tuy nhiên, với tính cách được mô tả là “hiền lành, chịu khó, siêng năng”, Lê Công Tuấn Anh đã nhận sự quý mến từ các thầy cô và được giúp việc tại phòng y tế của trường. Anh cũng trở thành học trò của bác sĩ trường, thầy thuốc Mến, sau khi được thầy chữa hết bệnh ghẻ lúc mới vào học. Ở đây, Lê Công Tuấn Anh đã trở thành một “y tá” và là “trợ thủ đắc lực” của thầy Mến.
Sau khi học hết bổ túc văn hoá lớp 10, Lê Công nghỉ để sang học thợ hàn tại Trung tâm dạy nghề quận. Tại đây, anh sớm trở thành “cây văn nghệ” của lớp, trường. Thời điểm này, phong trào văn nghệ quần chúng đang trong giai đoạn phát triển; Lê Công Tuấn Anh khi đó đã đạt được nhiều giải thưởng trong các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng. Kịch bản đầu tay có tên Ngộ Nhận được anh thực hiện kiêm vai trò đạo diễn lẫn diễn viên đã đạt giải thưởng cao khi tham gia một cuộc thi văn nghệ quần chúng.
Sau khi ra trường, Lê Công Tuấn Anh trở thành một thợ hàn chuyên nghiệp. Tuy nhiên anh vẫn tham gia vào các phong trào văn hóa văn nghệ tại Nhà văn hóa Quận 3. Nghệ sĩ Lê Bình, thời điểm đó đang phụ trách xây dựng phong trào quần chúng tại nhà thi đấu, đã phát hiện ra năng khiếu diễn xuất của Tuấn Anh và khuyến khích anh đi đóng kịch nói.
Khi Lê Công Tuấn Anh lên 18, 19 tuổi, anh cùng bạn gái Hồng Điệp đến Đoàn kịch nói Kim Cương để xin thử vai làm diễn viên; vì số lượng thí sinh dự thi lên đến 400 người nhưng tiêu chuẩn chọn hơn 10 người nên anh đã không dám dự thi mà chỉ hỗ trợ tinh thần cho bạn gái, nhận lời làm phụ diễn. Trong lúc Hồng Điệp đang chuẩn bị tiết mục, nghệ sĩ Kim Cương vô tình nhìn thấy Lê Công “lấp ló” ở hậu đài sân khấu và nhận ra tiềm năng ở anh. Cả Lê Công Tuấn Anh cùng bạn gái đã được nhận vào đoàn diễn sau đó.
Sau khi được nhận vào đoàn, Lê Công Tuấn Anh chỉ chủ yếu đảm nhận các vai quần chúng, vai phụ trong những vở kịch như Hoàng tử và con gái lão chăn cừu, Vực thẳm chiều cao, Trà hoa nữ,… Nhờ vai diễn trong hai vở kịch gây tiếng vang khi đó là Nhân danh công lý và Lôi vũ, Lê Công Tuấn Anh đã được các nhà làm phim chú ý. Sau khi rời khỏi đoàn, Lê Công Tuấn Anh sớm có vai diễn nhỏ đầu tay trong bộ phim điện ảnh 4 tập năm 1989 Tìm vàng của đạo diễn Lê Xuân Hoàng, được coi là dạng phim đầu tiên của video thể nghiệm, nhưng thời điểm này anh vẫn chưa gây được sự chú ý.
Sau đó Lê Công cũng đảm nhận một vai nhỏ trong bộ phim Phạm Công – Cúc Hoa ra mắt vào cùng năm. Vì cho rằng bản thân không hợp với điện ảnh, sau khi đóng được vài bộ phim, Lê Công đã xin trở lại đoàn kịch Kim Cương.
Khoảng một năm sau, Lê Công Tuấn Anh, lúc này đã 23 tuổi, bất ngờ nhận được lời mời đóng vai bác sĩ Quang “Đông-ki-sốt” trong bộ phim Vị đắng tình yêu của đạo diễn Lê Xuân Hoàng; vai diễn này cũng viết riêng cho anh. Lần này, Lê Công đã xin phép rời đoàn kịch một lần nữa để thực hiện bộ phim. Sau khi công chiếu lần đầu vào năm 1990, bộ phim nhanh chóng tạo nên “cơn sốt” phòng vé khắp cả nước và trở thành phim có doanh thu cao nhất thập niên 1990, đồng thời được đánh giá là tác phẩm “kinh điển” của điện ảnh Việt Nam. Vị đắng tình yêu nhận về những đánh giá tích cực từ giới chuyên môn và đem về cho đoàn phim nhiều giải thưởng nghệ thuật danh giá. Vai diễn của Lê Công Tuấn Anh đã được coi là “bước ngoặt” trong sự nghiệp của anh khi cùng với bạn diễn, người mẫu Thủy Tiên, trở thành “hiện tượng đặc biệt trong làng phim ảnh nước nhà”. Anh cũng đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc hạng mục phim truyện nhựa sau đó tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10 năm 1993 nhờ vai diễn trong phim.
Sau sự thành công của bộ phim, Lê Công Tuấn Anh đã trở thành “thần tượng” giới trẻ và là đối tượng săn đón của nhiều hãng phim nhà nước lẫn tư nhân. Giống như các diễn viên phim mì ăn liền cùng thời như Lý Hùng, Diễm Hương, Y Phụng,… Lê Công Tuấn Anh cũng được liệt vào “hàng ngũ sao” lúc bấy giờ. Trung bình một năm Lê Công Tuấn Anh đóng đến 20 bộ phim, nhiều khi anh phải thức trắng đêm để hoàn thành vai diễn của mình trong 4 ngày, thậm chí 2 ngày, chưa kể có những kịch bản phải từ chối vì quá bận rộn. Chỉ trong chưa đầy 10 năm với vai trò là diễn viên điện ảnh, Lê Công đã đóng hơn 60 bộ phim ở cả hai miền Nam – Bắc, trở thành diễn viên nổi tiếng nhất của điện ảnh Việt Nam thập niên 1990. Anh cũng nhận giải Diễn viên được yêu thích nhất tại giải Bình chọn Văn nghệ sĩ được yêu thích nhất (tiền thân giải Mai Vàng) suốt ba năm liên tiếp từ 1993 đến 1995.
Ngoài vai Quang “Đông-ki-sốt” trong Vị đắng tình yêu, Lê Công Tuấn Anh còn được biết đến với các vai chính trong Vĩnh biệt mùa hè, Anh chỉ có mình em, Em còn nhớ hay em đã quên… trở thành nam diễn viên được yêu thích nhất thời đó.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc về hành trình nghệ thuật của Lê Công Tuấn Anh. Hy vọng thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tài năng và sự ngắn ngủi trong sự nghiệp của nghệ sĩ này. Chúc bạn luôn đam mê và thành công trong lòng đam mê của mình!