Hành trình cuộc đời của danh ca Phương Dung qua album ảnh trước năm 1975

0
22

Danh ca Phương Dung là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam với hình ảnh truyền thống và thanh lịch trước năm 1975. Với giọng hát trong trẻo, sâu lắng và phong cách biểu diễn tinh tế, Phương Dung đã ghi dấu ấn trong lòng người yêu nhạc bằng nhiều ca khúc nổi tiếng.

Danh ca Phương Dung có biệt danh là Nhạn Trắng Gò Công, là một trong những ca sĩ nhạc vàng được yêu thích nhất suốt từ 60 năm qua, đã thể hiện thành công những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng như Nỗi Buồn Gác Trọ, Tạ Từ Trong Đêm, Những Đồi Hoa Sim…

Nếu nói về những danh ca hát nhạc vàng nổi tiếng nhất, người ta thường nhắc đến 4 giọng ca thuộc thế hệ tiên phong hát nhạc vàng từ đầu thập niên 1960, đó là Trúc Mai, Thanh Thuý, Hoàng Oanh và Phương Dung. Từ sự thành công của những ca sĩ “đàn chị” này, sau đó mới bắt đầu xuất hiện những nữ ca sĩ mà tên tuổi cũng đã trở thành huyền thoại là Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan…


Click để nghe giọng hát Phương Dung trước năm 75

Ca sĩ Phương Dung tên thật là Nguyễn Phan Phương Dung, sinh ngày 9 tháng 8 năm 1946. Tuy nhiên có thể đó chỉ là năm sinh trên giấy tờ, một số nguồn tin cho rằng cô đã khai sinh trễ vài năm, và năm sinh thật có thể là 1943. Cụ thể là khi tham gia chương trình Ký Ức Vui Vẻ năm 2019, ca sĩ Phương Dung nói rằng mình đã 77 tuổi.

Cô Phương Dung được sinh ra trong một gia đình tương đối khá giả ở Gò Công, xung quanh có vườn tược, hoa màu cùng cửa hàng buôn bán. Gia đình cô có 4 anh chị em, bao gồm một người chị gái và 2 người anh trai đều gia nhập binh chủng Nhảy Dù.

Trong cuộc họp mặt do page Quán Nhạc Vàng tổ chức hồi năm 2012, ca sĩ Phương Dung kể lại rằng lúc nhỏ cô là một người rất khó nuôi, thường đau yếu và quấy khóc. Một hôm có một ông thầy pháp đi ngang qua, nghe tiếng khóc rất lạ nên vào nhà hỏi chuyện. Sau khi nhẩm tính dựa theo ngày, giờ sinh, ông nói với mẹ của Phương Dung: “Con nhỏ này số là con trai, nhưng sinh ra là con gái, khó nuôi”.

Sau đó ông này chỉ cách là để “em bé” Phương Dung vào một cái thúng rồi để trước nhà, tìm và nhờ một người tuổi Thân ẵm em bé vô nhà lại, giả bộ như là nhờ nuôi. Ông thầy cũng nói cha mẹ cô sẽ cực một thời gian nữa, qua đến hết 9 tuổi thì mới không còn bệnh tật. Bù lại thì ông nói Phương Dung sẽ thành danh sớm.


Click để xem ca sĩ Phương Dung tâm sự về cuộc đời trong buổi họp mặt Quán Nhạc Vàng năm 2012

Phương Dung cũng kể về sự tiếp xúc với âm nhạc của mình từ nhỏ, dù không phải là “con nhà nòi” như sau:

“Gia đình tôi quanh năm ruộng vườn, buôn bán, nhưng là nếp nhà có học. Ba má giữ lề thói xưa cũ, nhưng cũng có sự phóng khoáng và cởi mở trong nuôi dạy con cái. Ngay từ hồi biết đọc, tôi đã được ba má cho tiếp xúc với những cuốn sách, những bài hát ba má thường hay đọc, hay nghe.

Tự dưng tôi nuôi khao khát là lớn lên sẽ trở thành một ca sĩ. Biết tôi hăng hái tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường, ba chẳng những không kỳ thị, cấm cản mà còn hết lòng ủng hộ.

Ông nói rằng đi hát là một cái nghề rất lương thiện, nhưng người dân xưa lại bảo thủ và có một cái nhìn sai lạc về những người làm nghệ thuật nói chung” – Phương Dung kể về cha của mình.

Khi còn theo học ở trường tiểu học nữ Gò Công, Phương Dung rất yêu thích ca hát và luôn có mặt trong các chương trình văn nghệ ở trường.

Sau khi học hết bậc tiểu học, gia đình cho Phương Dung lên Sài Gòn ở nhà người quen và thi vào lớp Đệ Thất (lớp 6) trường nữ trung học Gia Long niên khóa 1958 – 1959, đó cũng là lúc mà giấc mộng trở thành ca sĩ của cô bắt đầu có cơ hội trở thành hiện thực.

Năm 1959, tại Sài Gòn, ngoài các danh ca thế hệ đầu là Thái Thanh, Thu Hương, Tâm Vấn, còn xuất hiện thêm thế hệ ca sĩ Trúc Mai, Thanh Thúy, Lệ Thanh, Bạch Yến, Bích Chiêu… đã đứng trên đỉnh cao của làng nhạc, và Phương Dung nghĩ rằng con đường duy nhất trở thành ca sĩ là tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát thanh Sài Gòn. Trong cuộc thi năm đó, nhạc sĩ Thanh Sơn được giải nhất, ca sĩ Nhật Thiên Lan được giải nhì. Phương Dung chỉ được giải 4 vì chưa được học nhạc lý, không biết xướng âm.

Sau cuộc thi, Phương Dung may mắn được nhạc sĩ Khánh Băng đồng ý cho về hát lót tại phòng trà Hoàng Yến ở giải trí trường Thị Nghè rất nổi tiếng trong thập niên 1950.

Thời gian sau đó, cô đi hát ở một số phòng trà, trong đó có phòng trà Tứ Hải của ông Nguyễn Cao Tăng (là giám đốc đài phát thanh Pháp Á trước năm 1955) và phòng trà Anh Vũ, là nơi trình diễn của rất nhiều nghệ sĩ như: Thanh Thúy, Khánh Ly, Trúc Mai, Bạch Yến, Bích Chiêu, Trần Văn Trạch, ban Tam Vân, Phương Lan, Quốc Thắng…

Thời kỳ hát ở Anh Vũ, Phương Dung chuyên trình bày những nhạc phẩm tiền chiến như Thiên Thai, Khối Tình Trương Chi, Trương Chi, Đàn Chim Việt, Suối Mơ, Buồn Tàn Thu…

Vào thời gian này, vì đi hát nhiều và chỉ tâp trung vào niềm đam mê ca hát nên Phương Dung đã không theo học trường Gia Long được nữa mà chuyển qua trường Đức Trí đến hết đệ nhị (lớp 11) rồi nghỉ học.

Sự nghiệp của ca sĩ Phương Dung thật sự có bước ngoặt lớn khi cô được theo học với ca sĩ Lê Xuân (sĩ quan không quân Lê Trung Xuân), là cậu của một người bạn học. Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của “cậu Xuân”, ca sĩ Phương Dung học được nhạc lý căn bản và tiến bộ rất nhanh, chỉ 1 năm sau cô được hãng dĩa Việt Nam mời thu âm ca khúc đầu tiên là Đường Về Khuya, sau đó là Vọng Gác Đêm Sương, Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi… rất được khán thính giả yêu thích.

Sau khi xuất hiện không bao lâu, Phương Dung đã được thi sĩ Kiên Giang tặng cho danh hiệu “Con Nhạn Trắng Gò Công”, là nơi cô sinh trưởng ở vùng Tiền Giang. Còn chữ Nhạn Trắng xuất phát từ việc từ buổi đầu đi hát, Phương Dung luôn mặc một bộ áo dài trắng như nữ sinh.

Phương Dung và Hoàng Oanh

Sang đến năm 1962, tên tuổi của ca sĩ Phương Dung vụt sáng thành ngôi sao hạng A với ca khúc Nỗi Buồn Gác Trọ của 2 nhạc sĩ Mạnh Phát và Hoài Linh. Hai năm sau đó, hãng đĩa Sóng Nhạc của ông Nguyễn Tất Oanh đã mời cô ký hợp đồng độc quyền cùng Trúc Mai, Minh Hiếu và Thanh Thuý. Như vậy hãng Asia Sóng Nhạc đã độc quyền cả 4 nữ ca sĩ nhạc vàng danh tiếng và được yêu thích nhất trong nửa đầu thập niên 1960.

Ngay trong năm đầu tiên ký hợp đồng với Asia Sóng Nhạc, Phương Dung đã có được thành công tột đỉnh với dĩa nhựa bán chạy nhất của hãng dĩa này, và có thể cũng là bán chạy nhất mọi thời đại của Việt Nam, đó là dĩa Sóng Nhạc có bài hát Những Đồi Hoa Sim của nhạc sĩ Dzũng Chinh do Phương Dung hát sau đây:

Cùng một thời điểm, tất cả các máy ép dĩa của Sóng nhạc phải cùng hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm chỉ để in duy nhất 1 dĩa này, tạm ngưng tất cả các dĩa hát khác chỉ để tập trung cho Những Đồi Hoa Sim.


Click để nghe Phương Dung hát Những Đồi Hoa Sim trước 1975

Sang năm 1965, Phương Dung tiếp tục gặt hái được thành công lớn với ca khúc Tạ Từ Trong Đêm của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, khi được giải Bài Hát Hay Nhất của năm cùng với Huy Chương Vàng dành cho ca sĩ xuất sắc nhất do Thanh Thương Hội trao tặng qua sự bầu chọn của độc giả báo chí Sài Gòn.


Click để nghe Phương Dung hát Tạ Từ Trong Đêm trước 1975

Từ đó tên tuổi của ca sĩ Phương Dung lên đến đỉnh cao của danh vọng. Từ năm 1965 đến 1967, mỗi đêm cô cộng tác với 7 phòng trà và vũ trường, đó là Tự Do, Maxim’s, Olympia, Quốc Tế, Bồng Lai, Paramount và Văn Cảnh. Cô còn thường xuyên xuất hiện trong những chương trình truyền hình hoặc cộng tác với những chương trình phát thanh trên cả hai đài Quân Đội và Sài Gòn.

Đầu năm 1967, trong một lần sang lưu diễn ở Thái Lan và được mới đến tham dự buổi tiệc tại sứ quán VNCH ở thủ đô Bangkok, ca sĩ Phương Dung đã gặp ông Võ Doãn Ngọc từ Pháp sang Thái Lan để nghỉ tết cùng gia đình. Họ yêu nhau và kết hôn 1 năm sau đó.

Phương Dung trong đoàn văn nghệ đi lưu diễn ở Thái Lan

Trên wiki có ghi chép rằng chồng của Phương Dung là đại tá phi công, điều này là hoàn toàn không đúng. Ông Võ Doãn Ngọc đã sang Pháp từ năm 13,14 tuổi, lớn lên sang Thuỵ Sĩ làm việc, từ đó chưa về Việt Nam một lần nào nên không thể tham gia quân ngũ.

Sau lần gặp Phương Dung ở Bangkok, ông Ngọc tự ý thôi việc để về Việt Nam xin cưới người mà ông đã cảm thấy rung động ngay trong lần gặp đầu tiên, và đó cũng là lần đầu tiên ông Ngọc trở lại Việt Nam sau khi rời khỏi từ thời niên thiếu.

Sau khi lập gia đình vào đúng dịp Tết Mậu Thân, Phương Dung tạm dừng sự nghiệp ca hát lúc đang ở đỉnh cao rực rỡ để về giúp chồng kinh doanh. Họ sở hữu một trại gà và một số tàu đánh cá ở Gò Công, điều hành một công ty xuất khẩu tôm đông lạnh, cuộc sống vật chất của họ cũng rất thoải mái và có với nhau tổng cộng 8 người con.

Ca sĩ Phương Dung và chồng

Sau khi kết hôn được vài năm, Phương Dung có trở lại thu thanh cho một vài hãng băng dĩa cho đến năm 1975.

Ở lại trong nước chỉ 2 năm thì cả gia đình ông Ngọc và ca sĩ Phương Dung vượt biên bằng tàu của gia đình vào khoảng năm 1977. Họ đến được Mã Lai và được phái đoàn Mỹ nhận cho định cư ngay, nhưng lại từ chối để xin đi Úc. Phương Dung cho biết đó là quyết định không tốt cho sự nghiệp ca hát của cô, vì ở Mỹ thị trường nhạc hải ngoại sôi động hơn rất nhiều so với bên Úc.

Gia đình Phương Dung định cư ở Melbourne và bắt đầu quản lý 2 nhà hàng có trình diễn ca nhạc hàng đêm là Cửu Long và Tự Do cho đến năm 1983. Sau đó Phương Dung nhận được lời mời sang Mỹ để thu cuốn băng đầu tiên tại hải ngoại cho trung tâm Thanh Lan (hợp tác cùng Dạ Lan) mang tựa đề Kỷ Niệm Còn Đây.


Click để nghe Phương Dung hát trong băng Kỷ Niệm Còn Đây, là băng nhạc đầu tiên của Phương Dung sau 9 năm kể từ biến cố 1975

Năm 1984, Phương Dung trở lại Úc làm tổng đại lý những phim bộ Hồng Kông lồng tiếng Việt. Nhưng chỉ được một thời gian thì chuyển qua làm với một người con trong ngành may mặc. Đến năm 1989, 1990, Phương Dung hoàn tất thủ tục xin định cư tại Mỹ, hai người con gái của cô đã đã có quốc tịch Mỹ trước đó, riêng những người con trai vẫn sống tại Úc.

Từ khi sang Mỹ, Phương Dung cộng tác với trung tâm Asia, Thúy Nga với những ca khúc quen thuộc của nhạc vàng.

Sau đó ca sĩ Phương Dung đã trở về Việt Nam tham gia hoạt động văn nghệ ở trong nước từ sau năm 2010. Cô đặc biệt chú tâm vào những công tác từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ. Hầu như tiền cát sê của cô đều dành trọn cho vấn đề thiện nguyện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong suốt dọc dải đất mà cô nói rằng từ Quảng Trị cho đến Cà Mau.

Một số ảnh khác của danh ca Phương Dung:

 

Hình ảnh đời thường:của danh ca Phương Dung:

Ảnh chụp vui cùng với đồng nghiệp là ca sĩ – bác sĩ quân y Trung Chỉnh
Cùng với Trung Chỉnh

Hình ảnh trên bìa băng, dĩa:

Hình bìa băng dĩa nhạc:





     

Ảnh bìa tờ nhạc:

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết này. Hy vọng thông tin về hành trình cuộc đời của danh ca Phương Dung trước năm 1975 đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nghệ sĩ tài năng này. Chúc bạn luôn có những trải nghiệm văn hóa thú vị!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận