Hành trình nghệ thuật của nhạc sĩ Anh Việt Thu – Vẻ đẹp kỳ diệu của sự sáng tạo

0
17

Nhạc sĩ Anh Việt Thu với sự sáng tạo kỳ diệu đã gợi lên những tác phẩm âm nhạc đầy cảm xúc, mang đến trải nghiệm nghệ thuật đầy sức sống và sâu lắng. Hành trình sáng tác của ông đã chạm đến trái tim của người nghe, tạo nên những dấu ấn đẹp và đầy ý nghĩa trong làn sóng âm nhạc Việt.

Nhạc sĩ Anh Việt Thu là 1 trong những tên tuổi tiêu biểu của dòng nhạc vàng Việt Nam, tuy chỉ có vỏn vẹn 37 năm tuổi đời nhưng ông cũng đã tạo ra được một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ với rất nhiều ca khúc bất tử. Những sáng tác của ông thường gợi nét buồn quê hương với những giai điệu nhẹ nhàng, điển hình là Gió Về Miền Xuôi, Đa Tạ… Tình yêu trong nhạc của ông thường đi liền với tình yêu quê hương, đất nước: Tám Điệp Khúc, Mùa Xuân Đó Có Em… Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã nhận xét rằng nhạc sĩ Anh Việt Thu đã viết nhạc với tâm hồn đôn hậu của người miền Nam, ít cầu kỳ, cả trong giai điệu lẫn ca từ. Có lẽ vì vậy mà nhạc của ông dễ đi vào lòng người và được công chúng đón nhận. Hai Vì Sao Lạc, Đa Tạ, Tám Điệp Khúc, Người Ngoài Phố, Nhớ Nhau Hoài, Cuốn Theo Chiều Gió, Gió Về Miền Xuôi, Giòng An Giang, Mùa Xuân Đó Có Em…

Nhạc sĩ Anh Việt Thu tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, sinh năm 1939 tại Campuchia, nhưng đến năm 1940 thì được làm giấy khai sinh tại làng An Hữu, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Ông là anh cả trong gia đình với 3 người em là Huỳnh Hữu Phi Long, Huỳnh Thị Kim Phụng, Huỳnh Hữu Việt Thu.

Nhạc sĩ Anh Việt Thu thời niên thiếu

Vì người có em út tên là Việt Thu, nên sau này khi viết nhạc, ông đã lấy bút danh là Anh Việt Thu (anh của Việt Thu), như là một cách luôn tự nhắc mình về trách nhiệm của người anh cả luôn bảo bọc cho các em.

Thuở nhỏ ông theo học trường làng Tân Bình – Vĩnh Long, sau đó là trường quận Cái Bè, trường tỉnh Mỹ Tho, đến năm 1950 được lên Sài Gòn để học trung học tại trường Nguyễn Công Trứ ở đường Hai Bà Trưng – Sài Gòn. Tại đây Anh Việt Thu được người bạn cùng lớp là Ngô Văn My chỉ dẫn những nốt nhạc đầu tiên trên cây đàn guitar, từ sau đó thì ông tự học thêm bằng năng khiếu của mình.

Nhạc sĩ Anh Việt Thu (bên trái)

Năm 1956, khi mới 17 tuổi, Anh Việt Thu thi vào trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn vừa mới được thành lập và trở thành một trong những khoá sinh đầu tiên của ngôi trường âm nhạc nổi tiếng này. Tại đây, ông lần lượt được học các môn nhạc pháp, nhạc sử, hòa âm, đối âm, tấu âm, sáng tác và dương cầm với các giáo sư âm nhạc Hùng Lân, Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Phụng, Ngô Duy Linh, Hải Linh, Nghiêm Phú Phi, Võ Đức Thu…

Một trong những ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Anh Việt Thu là Giòng An Giang, được ông sáng tác trong cùng năm 1956 khi mới 17 tuổi, đến nay vẫn còn được công chúng yêu thích, được giới nhà nghề đánh giá cao vì giai điệu và lời ca đều hay và có chiều sâu.

Cũng trong thời gian này, ông sáng tác một loạt ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp khi vẫn còn đi học là Ngược Giòng Cửu Long, Những Niềm Thương Mến, Đường Này Anh Về Đâu… dù không được nhiều người biết đến, nhưng vẫn được nhạc sĩ Lê Mộng Bảo – nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam khuyến khích và cho in ra phổ biến  để ông có tiền ăn học.

Niên khóa 1958-1959, Anh Việt Thu là trưởng đoàn văn nghệ Tổng hội Sinh viên Quốc gia. Năm 1963, sau hơn 7 năm học tập và nghiên cứu về âm nhạc, ông đệ trình luận án âm nhạc tại nhạc viện Tokyo – Nhật Bản, sau đó được tốt nghiệp hạng ưu tại trường Quốc Gia Âm Nhạc khóa đầu tiên.

Một năm sau, nhạc sĩ Anh Việt Thu về Tây Ninh để dạy nhạc cho trường phổ thông Trần Hưng Đạo, nay là trường THPT Tây Ninh. Cũng trong thời gian này, ông cho ra mắt ca khúc nổi tiếng Tám Điệp Khúc.

Về hoàn cảnh sáng tác ca khúc Tám Điệp Khúc, nhiều người nhầm tưởng rằng bài hát được sáng tác vào năm 1974, dựa theo câu hát nổi tiếng có trong bài là: “Mẹ Việt Nam ơi, hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về”, với lập luận 20 năm trong câu hát này là mốc thời gian 1954-1974.

Tuy nhiên nếu nhìn lại 1 phiên bản nhạc tờ đã được phát hành trong hình bên dưới, ghi ngày cấp phép là 05 tháng 12 năm 1965, vậy chắc chắn là Tám Điệp Khúc phải được sáng tác vào năm 1965 hoặc trước đó, và câu hát “20 năm ngăn lối rẽ đường về” của nhạc sĩ Anh Việt Thu có thể là muốn nói về mốc thời gian từ năm 1945 (khi Pháp quay lại tái chiếm Việt Nam) cho đến thời điểm bài hát ra đời.

Trong 10 năm đầu của sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Anh Việt Thu chưa thật sự tham gia sâu rộng trong làng nhạc Sài Gòn, bởi vì lúc đó ông vẫn còn đi học, sau khi học xong thì đi lại dạy học ở các tỉnh lẻ là Biên Hòa, Bình Dương và Tây Ninh.

Về tính cách của nhạc sĩ Anh Việt Thu, ông được bạn bè nhận xét là một người ít nói, hiền lành, sống nhiệt tình. Thời gian đi dạy nhạc ở Tây Ninh, tuy lương bổng rất khá, nhưng do tính tình nghệ sĩ nên ông vẫn cứ túng thiếu, thậm chí phải bán cả radio để trả tiền thuê nhà (thời đó chiếc radio rất quý, mà nhạc sĩ thì càng quý radio hơn vì đó là phương tiện để nghe nhạc trên đài).

Năm 1965, nhạc sĩ Anh Việt Thu trở lại Sài Gòn, lập gia đình với một nữ sinh Gia Long tên là Nguyễn Nữ Hiệp, cũng là người hâm mộ những sáng tác của ông, sau khi vượt qua được những sóng gió bởi sự ngăn cấm của gia đình.

Đây cũng là thời gian ông bắt đầu tham gia nhiều hơn các hoạt động văn nghệ, khởi đầu bằng việc thành lập đoàn du ca Phù Sa, quy tụ nhiều nhạc sĩ cùng quê là Anh Việt Thanh, Hà Phương, Phạm Minh Cảnh… để đi hát ở khắp nơi từ Cần Thơ đến Huế. Cùng lúc đó ông cũng thành lập chương trình Phù Sa (ca-ngâm-diễn-đọc) và Tuần báo Văn nghệ truyền thanh trên làn sóng phát thanh.

Đám cưới nhạc sĩ Anh Việt Thu, ngoài cùng bên trái là nhạc sĩ Hà Phương, kế đó là nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh. Ngoài cùng bên phải là tài tử Trần QuangNăm 1966, ông là huấn luyện viên tại các khóa huấn luyện Thanh Ca Tác Động do Bộ Thanh Niên tổ chức tại Sài Gòn, cùng với Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Đức Quang, Phương Oanh, Nguyễn Thanh, Ngô Mạnh Thu,… Khóa sinh do Ty Thanh Niên ở các tỉnh tuyển chọn và đưa về dự. Đây tiền thân của Phong Trào Du Ca Việt Nam.

Cùng trong năm 1966, Anh Việt Thu sáng tác 1 trong những ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp là Đa Tạ. Bài hát này có giai điệu và lời ca rất nhẹ nhàng, tình cảm, nhưng ẩn sâu trong đó là thông điệp phản ᴄhιến, mong thanh bình về lại trên quê hương.

Từ năm 1966 – 1968, ông cùng với người bạn thân là thi sĩ Thiên Hà cùng chủ trương chương trình Phù Sa (ca-ngâm-diễn-đọc) và Tuần báo văn nghệ truyền thanh trên Đài Vô tuyến Việt Nam.

Nhạc sĩ Anh Việt Thu (bên phải) và thi sĩ Thiên Hà

Cũng trong thời gian này, ông phổ nhạc cho nhiều bài thơ của Thiên Hà, trong đó nổi tiếng nhất là Nhớ Nhau Hoài Gió Về Miền Xuôi – 2 ca khúc rất quen thuộc với khán giả yêu nhạc vàng.

Sang năm 1971, ông có riêng chương trình Giờ âm nhạc Anh Việt Thu trên Đài Vô tuyến Truyền hình, hợp tác với hãng dĩa Việt Nam thực hiện những băng nhạc mang đậm tình quê có chủ đề Thương Quá Việt Nam, Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam.


Click để nghe băng nhạc Thương Quá Việt Nam

Ngoài ra ông cũng tự thực hiện 1 riêng cho mình băng nhạc mang tên Băng Nhạc Anh Việt Thu:


Click để nghe Băng Nhạc Anh Việt Thu

Song song với hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ Anh Việt Thu vẫn tiếp tục dạy học ở trường Chu Văn An Sài Gòn.

Về cuối đời, ông làm việc tại Phòng Văn nghệ Đài phát thanh quân đội chung với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và Phạm Minh Cảnh.

Khi tuổi đời và tuổi sáng tác đáng lẽ đang ở thời kỳ sung sức nhất, thì nhạc sĩ Anh Việt Thu bất ngờ đổ bệnh, đó là một căn bệnh nan y không thể chữa trị.

Bạn bè nhận xét rằng Anh Việt Thu là một người ít nói, hiền lành, sống nhiệt tình. Trong thời gian đi dạy nhạc ở Tây Ninh, tuy lương bổng rất khá, nhưng do tính tình nghệ sĩ nên ông vẫn cứ túng thiếu, thậm chí phải bán cả radio để trả tiền thuê nhà (thời đó chiếc radio rất quý, mà nhạc sĩ thì càng quý radio hơn vì đó là phương tiện để nghe nhạc trên đài). Có lẽ cũng vì vậy mà dù làm việc rất nhiều nhưng đến khi vĩnh viên ra đi, nhạc sĩ Anh Việt Thu không dành dụm được gì nhiều để lại cho vợ con.

Thi sĩ Thiên Hà – người bạn thân, cũng là một trong những người chăm sóc nhạc sĩ trong hơn 100 ngày nằm viện trước khi qua đời, đã thuật lại lời của Anh Việt Thu thời gian nằm bệnh như sau:

“Sau này nếu khỏi bệnh, chắc tao không làm được gì ra tiền như trước đây. Tao chỉ mong có một mái nhà lá đơn sơ bên kia sông Tân Thuận, đường Trần Xuân Soạn hay Tân Quy Đông gì đó để tao được thảnh thơi. Con tao mỗi đứa trong bạn bè lo một thằng cho tao rảnh tay. Rồi tao đạp xe đạp đi làm cho hoạt động. chiều về có gì ăn nấy, với một khung trời xanh, một dòng sông nhỏ cho tâm hồn thảnh thơi với những thanh âm!”.

Trong những ngày đau yếu như vậy, là một người khát sống, Anh Việt Thu vẫn còn mang chút hy vọng được khỏi bệnh, và ông cũng biết rằng dù có khỏi thì cũng không trở lại được như xưa, không thể lo lắng được cho vợ con, nên chỉ mong có được một chiếc xe đạp, chiều về có gì ăn nấy. Một nhạc sĩ lớn với những tác phẩm lớn, nhưng đến những ngày cuối cùng của cuộc đời thì ông chỉ dám mơ ước những điều vô cùng nhỏ nhoi như vậy, làm cho bạn bè không tránh khỏi cảm thấy đau lòng và thương xót.

Rồi không có sự nhiệm màu nào xảy đến. Theo Thiên Hà kể lại, những ngày nằm viện của Anh Việt Thu là những cực hình vì đau đớn. Dù có gia đình và bạn bè luôn túc trực bên cạnh, nhưng nỗi đau về thể xác vì căn bệnh hoại thận thì chỉ có một mình nhạc sĩ gánh chịu, không ai có thể san sẻ. Ban đầu ông nằm bệnh viện Đồn Đất (là bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện nay), nhưng sau đó chuyển qua Tổng Y Viện Cộng Hòa (nay là bệnh viện 175) để tìm thêm chút hy vọng. Tuy nhiên lúc này nhạc sĩ không còn đi được nữa, vào một buổi chiều Thiên Hà đẩy ông trên chiếc xe lăn trong khuôn viên bệnh viện. Ông nói:

“Mày thấy tao có sao không? Bác sĩ ở đây chê tao rồi”

Thiên Hà cố gượng an ủi bạn:

“Có đôi khi Tây y chào thua mà Đông y làm được, và ngược lại cũng nhiều lúc Đông y chạy mà Tây y cứu chữa như chơi”.

Và khi Tây y đã lắc đầu chịu thua, Thiên Hà bàn với gia đình nhạc sĩ để chuyển ông sang Y Viện Quảng Đông để thử vận may với Đông y, với hy vọng mong manh là còn nước còn tát. Tuy nhiên chuyển qua không được bao lâu thì nhạc sĩ Anh Việt Thu trút hơi thở cuối cùng vào 2h 40 phút sáng ngày 15/3/1975.

Sau đó, nhạc sĩ được đưa về an nghỉ ở quê hương An Hữu. Một buổi sáng hôm ấy, bên chiếc xe tang có một người vợ trẻ là cựu nữ sinh Gia Long, cùng 2 người con thơ, một em trai tật nguyền, người cha già rưng rưng râu trắng cùng người mẹ hiền tóc điểm màu sương.

Với công chúng, nhạc sĩ Anh Việt Thu là một tên tuổi lớn. Còn với gia đình, ông là trụ cột trong gia đình, cả về kinh tế lẫn tinh thần, nên sự ra đi bất ngờ đó là nỗi đau quá lớn đối với cha mẹ ông, vợ con ông, không có câu chữ nào diễn tả được. Từ đó về sau, họ sẽ vẫn phải sống tiếp, nhưng thật lặng lẽ suốt nhiều năm qua…

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc về hành trình nghệ thuật đầy ấn tượng của nhạc sĩ Anh Việt Thu. Hy vọng bài viết giúp bạn hiểu thêm về vẻ đẹp kỳ diệu của sự sáng tạo trong âm nhạc của ông. Chúc bạn luôn tràn đầy năng lượng và cảm nhận được niềm vui từ nghệ thuật!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận