Hành trình nghệ thuật của Thanh Thúy với dòng nhạc của Trúc Phương hơn 60 năm qua

0
21

Thanh Thúy là nghệ sĩ nổi tiếng với giọng ca trong trẻo, tinh tế. Với hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, cô đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Trong đó, sự kết hợp giữa giọng hát của Thanh Thúy và những bài hát của nhạc sĩ Trúc Phương đã tạo nên những tác phẩm âm nhạc đầy cảm xúc, gợi nhớ và lưu lại trong lòng người yêu nhạc.

Trúc Phương được xem là nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng từ thập niên 1960 trở về sau, và người trình bày thành công nhất nhạc của Trúc Phương, cho đến nay, không ai so sánh được với danh ca Thanh Thúy.

Từ cuối thập niên 1950, danh ca Thanh Thuý đã là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất Sài Gòn, tuy nhiên lúc này thể loại nhạc vàng đại chúng vẫn còn ở thời buổi sơ khai, nên Thanh Thúy chủ yếu hát nhạc tiền chiến. Sang đến đầu thập niên 1960, những tuyệt phẩm của nhạc sĩ Trúc Phương xuất hiện và đã nâng cao thêm tên tuổi của tiếng hát liêu trai Thanh Thúy, trở thành sự kết hợp có thể xem là thành công nhất của thể loại nhạc vàng từ trước đến nay.


Click để nghe Thanh Thúy hát hát nhạc Trúc Phương, thu âm trước 1975

Trong một bài tưởng niệm nhạc sĩ Trúc Phương, ca sĩ Thanh Thúy viết:

“Anh và tôi không hẹn, nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi anh và tôi như đã gắn liền với nhau: nhạc Trúc Phương, tiếng hát Thanh Thúy.

Như một định mệnh, tôi vào đời ca hát đúng vào thời điểm anh say mê sáng tác, và tình cờ trở thành vị sứ giả đem tâm sự anh đến mọi người, những người không nhiều thì ít cùng mang một tâm sự với anh. Tâm sự về tuổi thơ mộng, về tình yêu dịu dàng của đôi lứa (dù trong bối cảnh đau thương của đất nước), về chuyện tình dở dang, về cuộc đời…”

Sau đây, mời bạn nghe lại những bản thu âm tuyệt vời nhất được thực hiện trước năm 1975, tiếng hát Thanh Thuý với dòng nhạc Trúc Phương:

Tàu Đêm Năm Cũ

Bài nhạc vàng giai điệu bolero kinh điển nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trúc Phương chính là Tàu Đêm Năm Cũ, được ông viết vào đầu thập niên 1960 để tặng cho những người lính/sĩ quan phải đi xa nhà vì chính sách hoán đổi công tác của chính quyền thời bấy giờ: Công chức ở miền nam ra miền Trung công tác, và ngược lại.

Bài hát Tàu Đêm Năm Cũ có lẽ cũng là khởi đầu cho hàng loạt ca khúc nhạc vàng nổi tiếng viết về “sân ga và những chuyến tàu” thời gian sau đó, như là Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Buồn Ga Nhỏ, Ga Chiều, Chiều Sân Ga, Người Tình Không Đến…


Click để nghe Tàu Đêm Năm Cũ

Trời đêm dần tàn tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn.
Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay.
Gió khuya ôi lạnh sao, ướt nhẹ đôi tà áo.

Tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời.
Trở gót bâng khuâng tôi hỏi lòng đêm nay buồn không,
chuyến xe đêm lạnh không?
Để người yêu vừa lòng.

Nửa Đêm Ngoài Phố

Đây là ca khúc đã gắn liền với ca sĩ Thanh Thúy, viết tặng cho Thanh Thúy, và dường chỉ duy nhất dành cho tiếng hát của Thanh Thúy mà thôi.

Thanh Thúy đã hát Nửa Đêm Ngoài Phố với âm điệu như là lời thủ thỉ, tâm tình, an ủi những linh hồn đơn độc đã từng có cảm giác một mình lang thang ngoài phố vắng giữa đêm, chỉ để tìm kiếm một bóng hình không hẹn trước…


Click để nghe Nửa Đêm Ngoài Phố

Danh ca Thanh Thúy đã nói về ca khúc này như sau: “…Với thể điệu Rumba quen thuộc, diễn tả tâm trạng đau buồn của một người khi người yêu không đến nữa, ca khúc Nửa Đêm Ngoài Phố đã ăn sâu vào lòng tất cả mọi người, từ những người lớn tuổi, cho đến lớp người trẻ lúc bấy giờ”.

Thanh Thúy còn cho biết là thời đó, trong bất cứ buổi trình diễn nào, cô cũng được yêu cầu trình bày Nửa Đêm Ngoài Phố, từ các sân khấu phòng trà, khiêu vũ trường cho đến Đại Nhạc Hội, từ các thôn làng nhỏ bé cho đến các tiền đồn hẻo lánh xa xôi. Ngoài ra, trong những chương trình phát thanh của đài Sài Gòn và đài tiếng nói Quân Đội, vào bất cứ chương trình nhạc nào cũng có bài này… Như vậy có thể nói bài hát này đã trở thành một hiện tượng, rất được yêu thích ngay từ khi mới ra mắt, và đã được bảo chứng qua thời gian 60 năm, đến nay vẫn được công chúng nhiều thế hệ đón nhận, yêu mến.

Buồn vào hồn không tên,
Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời
Đường phố vắng đêm nao quen một người
Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời.

Để rồi làm sao quên?
Biết tên người quen, biết nẻo đi đường về
Và biết có đêm nao ta hẹn hò
Để tâm tư những đêm ngủ không yên…

Chiều Cuối Tuần

Chiều trong nhạc của Trúc Phương không buồn như những ca khúc khác cũng viết về buổi chiều tà, như là Chiều Tím của Đan Thọ, Bóng Chiều Tà của Nhật Bằng, Chiều Cuối Tuần của Trúc Phương mang được nét mơ mộng, những rộn ràng tình nhân trên phố, dù phảng phất trong đó nỗi nhớ nhung xa cách: “Vắng anh trời kinh đô nghe xao xuyến bước cô đơn…”

Kinh đô cũng là thủ đô, nhưng cách dùng chữ kinh đô, kinh kỳ hoặc là kinh thành… của các nhạc sĩ nhạc vàng xưa đã làm cho câu hát gợi vẻ cổ phong, gợi nhớ về hình bóng người xưa.


Click để nghe Chiều Cuối Tuần

Đò Chiều

Bài hát này được sáng tác năm 1959, có thể là ca khúc mang giai điệu bolero đầu tiên của nhạc sĩ Trúc Phương. Nội dung bài hát nói về mối tình chung thuỷ của một cô gái chèo đò ở vùng miệt thứ. Có lần cô chở một toán quân sang sông và đã phải lòng một chàng chinh nhân với dáng vẻ phong sương:

Chợt thấy lòng lưu luyến
Và tâm hồn xao xuyến
Trông anh trai phong sương
Em thấy mà thương…

Cuộc tình sau đó được tròn đôi với kết thúc có hậu:

Tình của người thôn nữ
Vừa trao người viễn xứ
Trên sông xưa mênh mông
Đôi bóng đẹp đôi.


Click để nghe Đò Chiều

Có thể thấy các ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp của nhạc sĩ Trúc Phương thật rộn ràng đẹp đẽ và chưa vương chút sầu nào như sau này.

Hai Lối Mộng

Bài hát Hai Lối Mộng của nhạc sĩ là một trong những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng của nhạc sĩ Trúc Phương đã góp phần đưa ca sĩ Thanh Thuý lên cao hơn trong sự nghiệp lừng lẫy vào thập niên 1960, như trong một bài viết cô đã nói: “Những nhạc phẩm này đã trở thành gần gũi với mọi người và đã giúp tôi leo cao hơn trên nấc thang sự nghiệp. Các bài này gồm có: Nửa Đêm Ngoài Phố, Buồn Trong Kỷ Niệm, Hai Lối Mộng, Chiều Cuối Tuần, Mưa Nửa Đêm, Tàu Đêm Năm Cũ, Hai Chuyến Tàu Đêm, Chuyện Chúng Mình, Đêm Tâm Sự, Hình Bóng Cũ, Đò Chiều, Chiều Làng Em…” (trích lời ca sĩ Thanh Thuý)


Click để nghe Thanh Thuý hát

Xin giã biệt bạn lòng ơi
Trao trả môi người cười
Vì hai lối mộng hai hướng trông

Mình thương nhau chưa trót
Thì chớ mang nỗi buồn theo bước đời
Cho dù chưa lần nói…

Bài hát viết về một cuộc tình đã chia xa, khi hai người bước đi về hai lối mộng, hai hướng đi, nhưng vẫn còn quyến luyến với niềm ưu tư khắc khoải chưa biết bao giờ mới nguôi.


Click để nghe Hai Lối Mộng

Hình Bóng Cũ

Có thể ca khúc Hình Bóng Cũ không phải là một bài quá quen thuộc của nhạc sĩ Trúc Phương so với các bài khác cùng tác giả, nhưng nó mang được những gì đặc trưng và tinh túy nhất của nhạc Trúc Phương: Điệu bolero nhẹ nhàng, lời ca đẹp giàu chất thơ nhưng vẫn giản dị, chân phương, mỗi câu hát như là lời tâm tình dễ đi vào lòng người:


Click để nghe Thanh Thúy hát Hình Bóng Cũ trước 1975

Từ sau hôm cách biệt
Vui buồn ai biết
những đêm ngõ hoang chờ trăng về muộn màng,
hồn bâng khuâng mơ hình bóng đã ghi mãi trong lòng.

Nhiều khi chân bước nhỏ đi vào thương nhớ,
muốn lên phố xưa tìm thăm người bạn đời,
đường không xa nhưng mình trót cách hai lối mộng rồi.

Bài hát có nhắc đến “hai lối mộng”, cũng là tên của một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trúc Phương. Nếu để ý kỹ, có thể nhận thấy nét nhạc 2 bài này khá tương đồng nhau, và nội dung cũng rất có thể liên quan với nhau.

Không chắc chắn về thời điểm hai ca khúc này sáng tác, nhưng cả 2 đều được nhà xuất bản Diên Hồng xuất bản gần như đồng thời vào tháng 7 năm 1962. Bài hát Hai Lối Mộng nói về một cuộc tình tan vỡ, 2 người đi theo 2 hướng đời dù vẫn còn thương yêu. Cũng bởi vì “thương nhau chưa trót” nên cuộc từ ly diễn ra rất nhẹ nhàng, không muốn gây ra bất cứ tổn thương nào cho nhau, nên khuyên nhau rằng “xin nhẹ đi vào sầu”.

Nội dung bài Hình Bóng Cũ diễn ra từ sau hôm cách biệt đó. Dù đã cố gắng nhưng kẻ thất tình vẫn không thể tránh khỏi những cơn sóng lòng dữ dội, rồi trong những bước chân về trên ngõ hoang ngập ánh trăng sầu để về lại căn nhà quạnh vắng cô độc, người thấy lòng buồn-thương-tiếc-nhớ cuộc tình đã xa. Không chỉ xa ở lối đi đường về, mà còn cách xa cả lối mộng.

Ai Cho Tôi Tình Yêu

Những lời hát thành thật để cầu xin tình yêu, xin người đừng hoài hờ hững để lòng ai còn mãi nức nở và nghẹn ngào trong những đêm trường không tròn giấc, thao thức vì một tình yêu mãi chỉ là cơn mộng mị.


Click để nghe Ai Cho Tôi Tình Yêu

Bóng Nhỏ Đường Chiều

Bài hát kể về một đôi tình nhân gặp nhau trong buổi chiều hẹn hò sau nhiều ngày xa cách. Bàn tay mềm 5 ngón thon nhỏ của người thiếu nữ đan vào tay rắn của người chinh nhân. hình như nàng đang e ấp giấu những thẹn thùng giữa phố đông, trong niềm hạnh phúc đang dâng tràn:

Tôi đến nơi hẹn hò đường chiều nghiêng nghiêng nắng đổ
Bàn tay thon ngón nhỏ đan tay rắn sông hồ
Ta nhẹ dìu nhau như tiếng thở.
Thương này thương cho bỏ lúc đợi chờ.


Click để nghe Bóng Nhỏ Đường Chiều

Buồn Trong Kỷ Niệm

Trúc Phương được mang danh là “ông hoàng bolero”, nhưng ca khúc Buồn Trong Kỷ Niệm của ông có thể xem là một trong những bài hát giai điệu slow hay nhất trong dòng nhạc vàng trước 1975.

Có lần nhạc sĩ đã nói về ca khúc này như sau:

“Bài “Buồn Trong Kỷ Niệm” được tôi sáng tác trong lúc vô cùng hạnh phúc, bởi lúc đó mới lấy vợ có đứa con đầu tiên, lúc đó đứa con gái mới có 2 tháng mấy, 3 tháng. Tôi đang ngụp lặn trong hạnh phúc. Còn việc tôi viết bài đó thì không hiểu vì sao tôi viết.

Tôi nghĩ là sau này, cái bài đó tiên tri cho mối tình của tôi. Tức là nó báo cho tôi rằng sẽ có một cái ngày mà tôi nhìn về kỷ niệm, về cái nỗi buồn kia. Thật ra thì lúc đó tôi rất hạnh phúc. Tôi cảm ơn các tác phẩm, đã cho tôi những ngày biết trước cuộc đời tôi như thế, mà phần lớn tác phẩm đều có như thế, ngoài “Buồn Trong Kỷ Niệm” ra, còn một số tác phẩm khác”


Click để nghe Buồn Trong Kỷ Niệm

Hai Chuyến Tàu Đêm

Ca khúc này được nhạc sĩ Trúc Phương viết tặng cho người tình ở Phan Thiết. Lúc đó phương tiện di chuyển tiện lợi nhất từ Saigon đến Phan Thiết để ông đến thăm tình nhân chính là những chuyến tàu. Ở bài hát này, người ta bắt gặp những lời hát buồn nhưng tuyệt đẹp:

Môi em đang xuân nhưng mắt buồn ngấn lệ trần
Chuyện đời sầu đắng vấn vương đôi má dịu hiền

Thời thập niên 1960, khi phương tiện giao thông xuyên tỉnh vẫn chưa có nhiều, các xe đò – xe khách liên tỉnh đa số chỉ đi chặng ngắn, thì xe lửa luôn là sự lựa chọn đầu tiên khi một người cần đi từ Sài Gòn ngược về các tỉnh miền Trung xa xôi.

Về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc Hai Chuyến Tàu Đêm của nhạc sĩ Trúc Phương, sau này nhạc sĩ Thanh Sơn đã thay mặt bạn mình để kể tóm tắt câu chuyện như sau:

“Mối tình không thành như loại hoa phù dung sớm nở tối tàn. Ngày đó, nhân chuyến đi Phan Thiết, mua vé ở ga xe lửa Sài Gòn, vô tình trên tàu, Trúc Phương gặp cô Trần Thị Thắm, 22 tuổi. Chuyện trò qua lại, hai người hợp lòng nhau. Đến Phan Thiết, họ chia tay và hẹn 3 hôm sau ra ga trở lại Sài Gòn. Anh đến ga đợi mãi đến 9 giờ tối, Thắm không đến, bèn trở về một mình. Không thể nào quên mối tình ngắn ngủi, anh đã viết bài Hai Chuyến Tàu Đêm.


Click để nghe Hai Chuyến Tàu Đêm

Chuyện Ngày Xưa

Bài hát này có cùng giai điệu với 1 bài hát nổi tiếng khác của nhạc sĩ Trúc Phương là Trên 4 Vùng Chiến Thuật, nhưng Chuyện Ngày Xưa đơn thuần là một bài hát tình cảm nhẹ nhàng có nhiều tiếc nuối.

Hãy nghe các nhạc sĩ trước 1975 nhận xét về ca khúc Chuyện Ngày Xưa vào thập niên 1960 như sau:

– Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết: Chuyện Ngày Xưa là một tâm tình được đúc kết và thể hiện qua nét nhạc đượm nhiều dân tộc tính. Tôi vẫn hài lòng với tác giả từ trước đến giờ qua các nhạc phẩm mà anh đã viết.

– Nhạc sĩ Lê Hoàng Long: Khi nghe nhạc phẩm Chuyện Ngày Xưa của Trúc Phương, tôi tưởng như mình lạc vào một dòng suối trong một đêm trăng. Bài nhạc đã hết, nhưng những âm thanh còn cô đọng lại khiến cho người nghe có cảm tưởng như mình còn thiếu một cái gì luyến tiếc.

– Nhạc sĩ Hoàng Nguyên: Tôi thích tác giả đã để tâm tư mình xuôi chảy một cách nhẹ nhàng chân thật khi đặt bút viết những lời sau đây trong điệp khúc của Chuyện Ngày Xưa:

Thôi em nhé xin trả về niềm cô đơn trước
cho anh bước xuôi ngược
khi hai chúng mình vòng tay trót buông xuôi,
dù gặp nhau, cúi mặt bước mà thôi!


Click để nghe Chuyện Ngày Xưa

Chuyện Chúng Mình

Bài hát kể về một cuộc từ ly đẫm sầu của hai người trong đêm cuối cùng trước khi “mai anh đi rồi” làm kiếp chinh nhân, để lại một người ở lại trong thương nhớ đầy vơi.

Ngôi xưng của bài hát này là “tôi” và “anh”, nên có người nói rằng có thể đây là cuộc đưa tiễn của 2 người trai thế hệ. Một người là lính ngày mai sẽ tòng quân và in dấu chân trên khắp các vùng chiến địa, một người là nhạc sĩ với “giọng ca nhịp đàn mong gửi tám hướng tâm tư”. Và câu hát “vui đi cho trót đêm nay” chính là hình ảnh 2 người bạn đang cạn ly tâm sự cho đến tàn đêm khuya.

Tuy nhiên ở đoạn đầu có câu hát “Tình mình từ thuở tuổi đôi mươi mà ta chưa biết nên để lỡ duyên đời” thiên  về mô tả mối tình của đôi trai gái nhiều hơn.


Click để nghe Chuyện Chúng Mình

Mưa Nửa Đêm

Trong số những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trúc Phương, có nhiều bài hát có bối cảnh đêm khuya, như là Nửa Đêm Ngoài Phố, Hai Chuyến Tàu Đêm, Đêm Tâm Sự, Chuyện Chúng Mình,Mưa Nửa Đêm.

Tất cả những bài hát này đều buồn, có lẽ vì khung cảnh đêm khuya dễ làm lòng người mang nhiều cảm giác cô đơn và lẻ loi nhất.

Nhân vật trong ca khúc Mưa Nửa Đêm phải đối diện với sự cô độc đó vào một đêm mưa rũ rượi sau khi tiễn “một người vừa ra đi đêm nay”. Cách xưng hô trong bài hát này cũng là “anh” và “tôi”, và đặc biệt hình ảnh “anh gối tay tôi để ôn chuyện xưa cũ” gợi hình dáng 2 người bạn thân hơn là đôi nam nữ, giống như trong ca khúc Chuyện Chúng Mình.


Click để nghe Mưa Nửa Đêm

Đêm Tâm Sự

Thêm một bài hát có danh xưng thường được hát là “tôi” và “anh”. Nhiều người cho rằng “tôi” trong bài hát cũng là một người con trai giống như 2 bài đã kể ở trên, vì làm gì có cô gái nào táo bạo đến nỗi mời mọc người yêu ở lại qua đêm một cách thẳng thừng như vậy:

Nhà tôi đơn côi mời anh ở lại
Kể chuyện tha hương chưa lần phai nhớ thương.

Sau đó, họ còn gọi nhau là “bạn” trong câu hát:

Này bạn đêm nay hỡi nếu mai đi rồi
nhớ mang theo nụ cười

Tuy nhiên, nếu nghe kỹ bài hát, có thể thấy nhân vật “tôi” trong bài hát có rất nhiều tâm sự với nỗi lòng của một người thiếu nữ:

Nhiều khi ưu tư tựa song cửa nhỏ
Nhìn ngoài mưa tuôn nghe sao lạnh vào hồn.


Click để nghe Đêm Tâm Sự

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc về hành trình nghệ thuật đầy ấn tượng của Thanh Thúy với dòng nhạc sầu lắng, sâu lắng của nhạc sĩ Trúc Phương trong suốt hơn 60 năm. Sự kết hợp tài năng và cảm xúc trong âm nhạc đã tạo nên những tác phẩm bất hủ, góp phần làm phong phú thêm văn hóa âm nhạc Việt Nam. Hy vọng bài viết này mang lại cho bạn nhiều thông tin hữu ích.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận