Bệnh viện Chợ Rẫy, thành lập từ năm 1900, đã trở thành một trong những cơ sở y tế uy tín hàng đầu Việt Nam. Với hơn 100 năm phục vụ và phát triển, Bệnh viện Chợ Rẫy luôn nỗ lực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, đồng hành cùng người dân trong mọi thời kỳ.
Bịnh viện Chợ Rẫy được thành lập vào năm 1900, ban đầu có tên chính thức tiếng Pháp là Hôpital Municipal de Cholon (Bệnh viện thị xã Chợ Lớn) tại Sài Gòn. Đây là một trong những cơ sở y tế của Pháp thành lập ở Việt Nam sớm nhất, chỉ xếp sau Nhà Thương Đồn Đất (Bệnh viện Grall, tiền thân là bệnh viện Quân y Pháp thành lập năm 1861), Nhà Thương Chợ Quán (1862), Viện Pasteur Sài Gòn (1891), Viện Pasteur Nha Trang (1895).
Bịnh viện Chợ Rẫy được xây dựng trên nền đất cao có diện tích trên 50.000 m² với các tòa nhà kiểu pháp, cao 2 tầng. Khu đất này vào thời xa xưa không có người ở, là nơi người dân trong vùng làm rẫy trồng hoa màu. Sau đó người Minh Hương tới ở chung với người Việt, làm ăn buôn bán, lập tại nơi đây một cái chợ, quen gọi Chợ Rẫy. Đây là nơi nông dân ở các vùng xung quanh đem nông sản tới bán, rồi mua nhu yếu phẩm về dùng.
Đến cuối thế kỷ 19 thì khu chợ này được giải tỏa để xây bệnh viện cho khu vực Chợ Lớn, đặt tên chính thức Hôpital Municipal de Cholon, tuy nhiên người Việt vẫn quen gọi là nhà thương Chợ Rẫy, dựa theo tên của khu chợ cũ.
Bệnh viện này đã nhiều lần đổi tên, năm 1919 có tên là Hôpital Indigene de Cochinchine (Bệnh viện Bản xứ Nam kỳ), năm 1938 tên là Hôpital Lalung Bonnaire. Năm 1945 đổi tên thành Hôpital 415, sau đó lại tách thành hai phòng khám Hàm Nghi và Nam Việt, đến năm 1957 thì sáp nhập lại và mang tên chính thức là Bịnh viện Chợ Rẫy cho đến ngày nay. Thời điểm đó, số người bệnh nội trú trung bình một ngày 2.500 người, người khám bệnh trung bình 3.500 người một ngày.
Bịnh viện Chợ Rẫy ngoài chức năng là cơ sở điều trị, còn là trường sở của Trường Đại học Y khoa Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Chợ Rẫy là bệnh viện thực tập các môn nội khoa, ngoại khoa, tai-mũi-họng, nhãn khoa cùng là nơi giảng dạy môn cơ thể học.
Năm 1923, chuyên khoa sản trực thuộc bệnh viện Chợ Rẫy (lúc này mang tên Lalung Bonnaire) được xây dựng trên mảnh đất 19.123m² đường Arras (nay là đường Cống Quỳnh), đất do gia tộc Hui Bon Hoa hiến tặng. Bảo Sanh Viện này sau đó tách riêng, gọi là Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Đông Dương), sau đó thành Maternité George Béchamps, người thường gọi là “Nhà sanh Chú Hỏa”. Từ năm 1948 tới nay, bảo sanh viện mang tên của thái hậu Từ Dụ (Từ Dũ).
Vào năm 1971, Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho chính quyền VNCH để tái xây dựng bệnh viện Chợ Rẫy trên diện tích 53.000 m² cùng với trang thiết bị hiện đại, trở thành một trong những bệnh viện lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Công trình được hoàn thành vào tháng 6 năm 1974 với tòa nhà 11 tầng.
Có thông tin cho rằng Nhật Bản xây mới bịnh viện Chợ Rẫy năm 1971 là để bồi thường chiến tranh vì thời gian chiếm đóng Việt Nam từ 1940 đến 1945. Việc bồi thường này tuân theo Hiệp định Hòa bình tại San Fracisco tháng 9/1951 mà Nhật Bản ký với 49 quốc gia sau khi thất bại ở thế chiến II, trong số 49 quốc gia đó có Quốc gia Việt Nam của quốc trưởng bảo Đại, lúc này thuộc liên hiệp Pháp. Tuy nhiên, việc bồi thường này chỉ bao gồm việc xây nhà máy thủy điện Đa Nhim vào năm 1959, còn việc xây mới bệnh viện Chợ Rẫy là Nhật bản viện trợ không hoàn lại.
Bệnh viện Chợ Rẫy (cơ sở mới) xây xong được chỉ vài tháng thì Sài Gòn đổi chủ, nên hầu như không tìm được hình ảnh nào trước 1975. Chỉ có các hình ảnh chụp trụ sở được xây từ hơn 100 năm trước.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này. Hy vọng thông tin về hành trình trải qua một thế kỷ của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ giúp bạn hiểu hơn về sự đóng góp và phát triển của cơ sở y tế này trong xã hội. Bệnh viện Chợ Rẫy đã không ngừng cải thiện chất lượng phục vụ và nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.