Nhà máy đường Hiệp Hòa được xây dựng từ hơn 100 năm trước, ban đầu thuộc tỉnh Chợ Lớn, sau 1955 thuộc quận Đức Huệ, tỉnh Hậu Nghĩa, ngày nay thuộc huyện Đức Huệ tỉnh Long An. Đây là nhà máy mía đường lớn nhất Đông Dương, là một trong những cơ sở công nghiệp tân tiến nhất thời đó.
Nhà máy đường Hiệp Hòa do một tư bản người Hoa đầu tư vốn và khởi công xây dựng vào năm 1920. Sau 03 năm xây dựng, vào ngày 01 tháng 04 năm 1923 nhà máy chính thức đi vào hoạt động với năng suất ép là 300 tấn mía cây/ngày.
Nhà máy nằm trên bờ phía đông của sông Vàm Cỏ Đông, cách Đức Hòa khỏang 11 dặm về hướng tây bắc và cách Sài Gòn khoảng 28 dặm phía tây tây bắc, xung quanh nhà máy là đồn điền mía.
Năm 1930 nhà máy được chuyển nhượng cho Công ty của Pháp (Công ty đại diện khai thác kỹ nghệ Miền Viễn Đông “SREIEO”), Công ty này đã thay đổi toàn bộ máy móc thiết bị, nâng công suất ép lên 600 tấn mía/ngày.
Trong hội trường của nhà máy đường Hiệp-Hòa chánh quyền Pháp có xây một Trường học cho con em công nhân nhà máy.
Thời Đệ nhị thế chiến, khi quân Nhật chiếm đóng Sài Gòn, nhà máy này cùng với hai nhà máy rượu tại Sài Gòn đã nằm trong danh sách các mục tiêu ném bom của quân đồng minh để triệt hạ các cơ sở sản xuất nhiên liệu cồn phục vụ chiến tranh của quân Nhật. Đó là vào năm 1944, lúc đó Hiệp Hòa là nhà máy đường lớn nhất Đông Dương, có sản lượng khoảng 1340 tấn đường và 38.000 gallons cồn mỗi tháng.
Theo báo cáo năm 1942 của chánh quyền Pháp, nhà máy sản xuất được 40.000 gallons cồn tinh chất mỗi tháng.
Năm 1958 chính quyền Miền Nam lúc bấy giờ mua lại 75% cổ phần trên tổng số vốn hiện có của nhà máy, giành quyền khai thác và thành lập Công ty Đường Miền Nam bao gồm: Nhà máy đường Hiệp Hòa và Nhà máy đường Khánh Hội ở Sài Gòn.
Năm 1960 Công ty Đường Miền Nam mua toàn bộ số cổ phần còn lại, đồng thời đầu tư thay đổi toàn bộ dây chuyền sản xuất có công suất ép 1.500 tấn mía/ngày. Đến năm 1966 do chiến tranh nên nhà máy phải tạm ngưng hoạt động.
Sau 1975, Nhà máy bị “quốc hữu hóa” và trở thành thành viên của Công ty đường Miền Nam, sau đó là Liên hiệp Mía Đường II thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm.
Năm 1994 nhà máy được Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) duyệt dự án mở rộng nâng công suất ép từ 1.500 tấn mía/ngày lên 2.000 tấn mía/ngày. Để phù hợp với qui mô và năng lực sản xuất, tháng 10 năm 1994 nhà máy được Bộ quyết định cho phép Nhà máy đường Hiệp Hòa đổi tên thành Công ty đường Hiệp Hòa.
Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2006 theo quyết định số 426/QĐ/BNN-BĐM ngày 14/02/2006 của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Công ty đường Hiệp Hòa đã chính thức chuyển sang hoạt động với mô hình là công ty cổ phần với tên gọi là Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hòa.
Tròn 10 năm sau đó, Công ty CP Mía đường Hiệp Hòa ngưng hoạt động. Hơn 300 người lao động bị đẩy ra đường mà không có quyết định cho thôi việc, cho tới nay họ vẫn đang trên hành trình đòi lại quyền lợi về trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp. Không chỉ nợ người lao động, công ty Hiệp Hòa còn nợ tiền nhiều nông dân trồng mía.
Một số hình ảnh bên trong Nhà máy đường:
Cảm ơn quý vị đã đọc bài viết, hy vọng quý vị có thêm thông tin từ nội dung này.