Mời các bạn xem lại một số hình ảnh quý hiếm được chụp vào thập niên 50 của thế kỷ 20 (đa số hình được chụp năm 1952), dọc theo những tuyến đường đi lên Đà Lạt, đó là quốc lộ 20 đi từ Sài Gòn, quốc lộ 27 đi từ Phan Rang, và quốc lộ 28 đi từ Phan Thiết.
Bên trên là hình đường bộ đi từ Phan Thiết lên Đà Lạt, ngang qua Di Linh (nay là quốc lộ 28). Đây là đường bộ cho xe cơ giới được hoàn thành đầu tiên, nối liền Đà Lạt với đồng bằng. Trước đó, người ta chỉ có thể lên Đà Lạt bằng xe ngựa đường mòn, hoặc đi đường rừng. Con đường dài 80km, khởi công năm 1907, hoàn tất 1914. Cũng trong năm 1914, chuyến xe chở khách đầu tiên của công ty SCAL (Societé des correspondances Automobiles de Langbian) đi từ Sài Gòn ra Phan Thiết rồi lên Đà Lạt bằng tuyến đường này. Mặc dù lúc đó con đường chưa được rải đá và trải nhựa hoàn chỉnh, chiếc xe hơi hiệu Lorraine Dietrich đã vượt chặng đường hơn 350km trong 12 tiếng đồng hồ.
Trước khi bắt đầu làm tuyến Đà Lạt – Phan Thiết, từ năm 1897, đại úy công binh Guynet đã khảo sát để làm một con đường từ Nha Trang lên Đà Lạt, nhưng lúc đó việc này không khả thi (tới 110 năm sau đó thì mới có quốc lộ 27C nối Nha Trang với Đà Lạt năm 2007, qua đèo Khánh Lê). Năm 1899, toàn quyền Paul Doumer giao cho Guynet thực hiện đường bộ nối Phan Rang – Đà Lạt, nay là Quốc lộ 27:
Lực lượng xây dựng tuyến đường này gồm 1500 phu người Việt và người Thượng, 76 lính tập người Việt, 22 lính Pháp, phụ tá cho Guynet là trắc địa viên Cunhac và bác sĩ chăm lo sức khỏe cho đoàn là Tardiff.
Tuyến đường này được làm dựa theo đường mòn có sẵn của người Thượng xuống đồng bằng trao đổi thực phẩm. Sau 1 năm dốc sức làm đã xong được con lộ dài 130km, vượt đèo Krông Pha lên Đà Lạt. Tuy nhiên đoạn qua Krông Pha vẫn hẹp như đường mòn, đường mở xong nhưng xe cơ giới vẫn chưa chạy được mà chỉ dành cho người đi bộ, ngựa và voi thồ hàng.
Năm 1920, đường này mới hoàn thành mở rộng, rải đá, cho xe lưu thông, lúc này được rút ngắn còn 120km, là quốc lộ 27 ngày nay.
Đèo Krong Pha, người Việt gọi là Sông Pha, người Pháp gọi lag Belle vue, dài 18km, cao gần 1000m, nằm giữa Phan Rang và Đà Lạt, là đường đèo hiểm trở và đẹp một cách ngoạn mục, nên cũng được gọi là đèo Ngoạn Mục. Trước năm 1955, đèo vẫn còn hẹp nên xe hơi chỉ được chạy một chiều theo ngày chẵn lẻ, chờ nhau dưới chân đè. Năm 1962, đường đèo còn có đoạn chui qua ống dẫn nước thủy áp đường kính 2m2 của thủy điện Đa Nhim (do Nhật xây bồi thường chiến tranh).
Ngoài tuyến đường bộ nối Đà Lạt – Phan Thiết và Đà lạt – Phan Rang, thì tuyến đường mất thời gian, công sức và tiền bạc nhiều nhất, cũng là tuyến đường chính, nối Sài Gòn – Đà Lạt, nay là quốc lộ 20. Sau đây là xe đang lưu thông trên quốc lộ 20 năm 1952:
Hình chụp đoạn giữa sông La Ngà và Định Quán, lúc này đường đi băng ngang rừng nguyên sinh.
Sau khi toàn quyền Doumer duyệt kế hoạch xây dựng trạm nghĩ dưỡng trên cao nguyên Langbian, ông đã cho thành lập 3 phái đoàn cùng nghiên cứu tìm ra 3 con đường ngắn ngắn nối Sài Gòn với Đà Lạt.
Kết quả là một tuyến đường được khởi công từ năm 1900, tức là trước đường Đà lạt – Phan Thiết, nhưng vì tính chất phức tạp địa hình của tuyến này nên mãi tới năm 1932 nó mới được hoàn thành, chính là quốc lộ 20 ngày nay.
Ban đầu con đường này rộng 6m, được trải đá và rải nhựa. Tới năm 1943, do yêu cầu phát triển Đà Lạt, đèo Prenn cũ (rộng 5.5m) được thay bằng đèo mới, đổi hướng đi, rộng 7m5, giảm độ dốc từ 10 xuống 7%, giảm cua quẹo còn 1 nửa, từ 140 xuống còn 70 khúc cua.
Một số hình ảnh xưa khác dọc theo quốc lộ 20 len Đà Lạt:
Bên trên là hình ảnh quen thuộc đối với hàng triệu du khách đã từng đi Đà Lạt theo quốc lộ 20 trong suốt 90 năm qua, đó là Đá Ba Chồng ở Định Quán.
Đó là ba hòn đá chồng lên nhau với chiều cao 36m, nằm chênh vênh ngay bên cạnh quốc lộ 20. Ai đã từng một lần nhìn thấy hòn đá này đều có chung cảm giác đó là “không an toàn”. Tuy nhiên, những hòn đá này đã chênh vênh như vậy trong hàng triệu năm và không suy chuyển.
Theo tài liệu địa chất thì quần thể thuộc di chỉ văn hóa Óc Eo Phù Nam ở thềm cao nguyên Đông Nam Bộ, đây là chứng nhân của hàng loạt sự kiện vận động của trái đất, tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều công cụ sản xuất, sinh hoạt của người xưa bằng đá, đồng, đất nung… đó là những minh chứng của một trong những nền văn hóa đầu tiên của nhân loại. Trải qua hàng triệu năm dãi dầu mưa nắng với ba lần ngâm mình dưới biển khi nước biển tràn vào, chứng kiến hàng trăm ngọn núi lửa hoạt động dữ dội, Đá Ba Chồng vẫn đứng đó tạo ra một cảnh quan hùng vĩ.
Ngoài tuyến đường bộ, cũng xin nhắc sơ qua về tuyến đường sắt từ Phan Rang dẫn lên Đà Lạt, là tuyến đường nổi tiếng và tốn nhiều công sức để xây dựng trong nhiều năm nhưng đã bị phá hoại và không còn, nay chỉ còn lại 1 vài di tích:
Vào năm 1899, theo dự định ban đầu, sau khi khảo sát chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng ở Đông Dương, Toàn quyền Pual Doumer dikw tính làm một con đường xe lửa từ Nha Trang xuyên rừng lên Đà Lạt, nhưng phương án này không khả thi.
Tới năm 1903, sau 4 năm khảo sát, đường xe lửa Phan Rang – Đà Lạt được khởi công. Nhưng trong 6 năm chỉ mới làm xong đoạn Phan Rang tới chân đèo Krông Pha, dài 38km, rồi tới 6 năm sau nữa (1914) mới đưa tàu lửa vào khai thác đoạn này.
Tới năm 1925, tức là hơn 10 năm sau đó nữa thì mới làm xong được 10km qua đèo Krông Pha, cao 980m.
Đây là đoạn đường làm tốn rất nhiều công sức, tiền của và tính mạng của phu làm đường, rất nhiều coolies (cu-li) đã bỏ mạng trong quá trình làm tuyến đường sắt leo núi nổi tiếng này để nối liền Đà Lạt xuống Phan Rang vào năm 1933. Toàn tuyến đường sắt này dài 85km, mỗi chuyến tàu lúc đó chỉ kéo được trọng tải trung bình dưới 60 tấn, nhưng nhờ vậy mà sắt, thép, xi măng mới được đưa lên Đà Lạt.
Sau năm 1933, nhờ tuyến đường sắt này mà Đà Lạt mới phát triển mạnh về các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng.
Đường sắt vượt qua 5 hầm, hầm dài nhất là 600m. Có 16km đèo dốc quá cao, phải thuê kỹ sư từ Thụy Sĩ sang thiết kế đường răng cưa. Đây là tuyến đướng sắt độc đáo và từ trước tới nay chỉ có 2 tuyến có đường ray răng cưa như vậy.
Năm 1938, Ga Đà Lạt khánh thành, là nhà ga xe lửa đẹp nhất Đông Dương. Năm 1964, tuyến đường sắt này bị ngừng lưu thông do bị phá hoại, bị gài mìn nhiều lần gây hư hại.
Tháng 5/1975, trong một nỗ lực từ chính quyền mới, đoàn tàu lửa đã hoạt động trở lại, đi từ ga Sông Pha (Phan Rang) lên ga Đà Lạt. Nhưng rồi sau đó tuyến đường sắt này đã bị rơi vào lãng quên, rồi ngành đường sắt đã tháo rây để lấy sắt thép.
1990, Thụy Sĩ đã phát hiện tại Việt Nam vẫn còn sót lại 3 đầu kéo hơi nước cổ điển còn tốt, do nhà máy Winterthur chế tạo hồi đầu thế kỉ 20, nên đã sang mua lại với giá ve chai, rồi giao cho hãng Furka tu bổ, đưa vào khai thác cho tuyến du lịch “hoài cổ”. Chiếc đầu máy còn lại ở ga Đà Lạt hiện nay chỉ là đầu máy do Nhật bồi thường chiến tranh vào năm 1962.
Quá trình xây dựng mất hơn 30 năm, với kỳ công thiết kế, tiền của, tính mạng, nhưng tuyến đường sắt này cũng chỉ được sử dụng trong hơn 30 năm.