Hình ảnh về cuộc đời của vua Bảo Đại – Phần 1: Hoàng đế cuối cùng

0
22

Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại Nguyễn, đồng thời là vị hoàng đế cuối cùng của nền quân chủ tại Việt Nam. Ông từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử dân tộc, chịu ảnh hưởng của thời cuộc đầy biến động.

Bảo Đại là hoàng đế thứ 13 và là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, cũng là vị hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam. Cuộc đời của ông trải qua nhiều thăng trầm giữa thời cuộc nhiều biến động, được sinh ra và làm vua giữa lúc đất nước bị thực dân đô hộ, rồi qua đời với thân phận lưu vong xứ người. Bộ ảnh này sẽ kể lại sống động cuộc đời của vị hoàng đế cuối cùng, với phần 1 là hình ảnh trong thời gian thuở thiếu thời của vị hoàng tử/thái tử, cho đến lúc trở thành vua, rồi thoái vị năm 1945.

Hoàng đế Bảo Đại tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, sinh ngày 22/10/1913 tại kinh thành Huế, là con trai duy nhất của vua Khải Định, mẹ là Hoàng Thị Cúc.

Hoàng tử Vĩnh Thụy năm 1919

Hoàng tử Vĩnh Thụy và mẹ, bà Hoàng Thị Cúc

Ngày 28/4/1922, hoàng tử Vĩnh Thụy được sách lập làm Đông cung Hoàng Thái tử.

Ngày 15 tháng 6 năm 1922, thái tử Vĩnh Thụy cùng vua Khải Định sang Pháp để tham gia cuộc triển lãm hàng hóa (đấu xảo) tại Marseille. Đây là lần đầu tiên Vĩnh Thụy đi sang một quốc gia ở miền Tây Âu.

Hình ảnh thái tử Vĩnh Thụy và vua cha tại Pháp năm 1922:

Trên tàu sang Pháp

Cũng trong chuyến đi này, thái tử Vĩnh Thụy được vợ chồng cựu Khâm sứ Trung kỳ là Jean François Eugène Charles nhận làm con nuôi và cho học ở trường Lycée Condorcet.

Tháng 2 năm 1924, thái tử Vĩnh Thụy về nước để dự Lễ tứ tuần đại khánh của vua Khải Định, đến tháng 11 trở lại nước Pháp để tiếp tục học trường Hattemer.

Thái tử Vĩnh Thụy trong Lễ tứ tuần đại khánh (sinh nhật 40 tuổi) của vua Khải Định. Ngồi bên cạnh là Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin (nhiệm kỳ 1923-1925)

Hình ảnh vua Khải Định và thái tử Vĩnh Thụy. Có nhiều lời đồn về việc Vĩnh Thụy không phải là con ruột của vua, nhưng có thể thấy trong hình ảnh này thì họ rất giống nhau

Thái tử Vĩnh Thụy năm 1925

Ngày 6 tháng 11 năm 1925, vua Khải Định mất, thái tử Vĩnh Thụy về nước thọ tang.

Thái tử Vĩnh Thụy trong lễ tang vua Khải Định

Ngày 8 tháng 1 năm 1926, khi mới 13 tuổi, thái tử Vĩnh Thụy được tôn lên kế vị làm hoàng đế kế nhiệm, lấy niên hiệu Bảo Đại.

Lễ đăng quang của vua Bảo Đại

Tháng 3 cùng năm 1926, vua Bảo Đại trở lại Pháp để tiếp tục du học.

Một số hình ảnh vua Bảo Đại năm 1926 tại Paris, khi ông ở tại nhà của cha nuôi là Jean François Eugène Charles – cựu khâm sứ Trung Kỳ, trong thời gian du học ở Pháp:

Với em họ là hoàng thân Vĩnh Cẩn

Ông bà Charles và 2 người con nuôi Vĩnh Thụy – Vĩnh Cẩn

Thời khoá biểu trong những năm niên thiếu của vua Bảo Đại thời gian ở Pháp được quy định chặt chẽ, chính xác, thích hợp với việc dạy làm vua trong tương lai. Ngoài giờ lên lớp buổi sáng, thời gian còn lại là làm những bài tập rất chuyên cần cùng với vài người đồng hương.

Vua Bảo Đại tại lễ khánh thánh Hội quán Binh sĩ Đông Dương tại Val-de-Grâce, Pháp, tháng 3 năm 1927

Từ niên khóa 1930, vua Bảo Đại vào học trường Sciences Po, Paris (Học viện nghiên cứu chính trị Paris). Ông sống trong một căn nhà dành riêng cho mình tại số 13 phố Lamballe. Theo báo L’Asie Nouvelle (Châu Á mới) kể lại, ngoài thời gian học, nhà vua trẻ chơi thể thao. Đây là một điều mới mẻ, một cuộc cách mạng với hoàng tộc. Những ảnh chụp thời đó cho thấy vua Bảo Đại mặc trang phục tennis, quần soóc, áo thun trắng, hay trang phục của người chơi gôn, trượt tuyết.

Lúc nào nhà vua cũng ăn mặc chỉnh tề, trau chuốt, lịch sự, điển trai, hợp với những thú vui Paris hơn là hoạt động chính trường.

Vua Bảo Đại năm 1930

Hình ảnh năm 1931, nhà vua trẻ trong ngày khai mạc Hội chợ Thuộc địa Paris 1931, bên cạnh là toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier:

Một số hình ảnh trong năm cuối cùng vua Bảo Đại ở Pháp trước khi về lại An Nam sau tròn 10 năm du học:

Tháng 9 năm 1932, vua Bảo Đại hồi loan về nước chính thức nắm quyền làm hoàng đế.

Nhà vua trở về bằng đường biển, trên con tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime cập bến ở cảng Sài Gòn. Từ Sài Gòn, vị vua trẻ đi con tàu Alerte để về tới Tourane (Đà Nẵng) trước khi đi xe lửa về kinh đô Huế.

Khoảng 9h sáng tàu mới cập cảng, nhưng theo báo chí thời đó ghi lại thì nhưng không khí ở Tourane đã nhộn nhịp từ sáng sớm. Năm giờ sáng, quanh tòa Đốc lý, đám đông đã tụ tập và đến bảy giờ, người đã chen nhau chật ních như nêm cối kéo hai dãy dài chừng 2, 3 trăm thước. Số khác không còn chỗ để chen chân, đành đứng cả dưới nước chờ đợi: “Lúc đó thực là người đủ các nước Pháp, Nam, Trung Hoa. Trông như một cái bể người, sóng vỗ ầm ầm vậy”.

Vua Bảo Đại trong ngày trở về, 8/9/1932), lúc này vua mới 19 tuổi

Một số hình ảnh đón tiếp vua Bảo Đại về nước ở Đà Nẵng:

Đám đông đang chờ tàu Alerte chở vua Bảo Đại vào đến Đà Nẵng

Tàu Alerte đang chuẩn bị cập bến

Nhà vua lên tảu lửa để về Huế

Vua Bảo Đại về tới Huế:

Sau đó vua Bảo Đại thực hiện nhiều cải cách, ra quyết định nhằm vào những tập tục lâu đời mang tính hình thức đang cột chặt lối sống và nếp nghĩ của Triều đình. Nhà vua xoá bỏ những thói hối lộ trong bộ máy cai trị của triều đình và đổi mới các quy tắc thừa hưởng của người Trung Hoa, cho giảm bớt các lễ thức chào hỏi cung kính, tôn thờ. Bớt những đồ đạc bài trí chỉ gây tò mò mà vô bổ. Bỏ hẳn thói quen để móng tay dài quá mức, để râu dài ở các cụ cao tuổi, chỉ dám nhìn dưới đất chứ không ngẩng mặt lên nhìn vào người đối thoại…

Vua Bảo Đại và Thượng thư bộ Lại Nguyễn Hữu Bài hướng dẫn Phái đoàn Toàn quyền Pháp thăm Đại nội Huế

Chỉ mấy tháng sau ngày trở về chấp chính, vua Bảo Đại đã có chuyến đi thăm các tỉnh trong xứ An Nam (một việc trước đây các Hoàng đế tiền nhiệm chưa bao giờ làm). Nhà vua tuyên bố thẳng không chút quanh co úp mở rằng ông có ý định một mình cầm quyền không cần thủ tướng, qua đó muốn nói lên ý muốn nắm quyền thực sự chứ không chỉ bằng lòng với vai trò danh dự.

Một số chuyến đi của Bảo Đại khắp các vùng khác được ghi lại trong loạt ảnh năm 1933 sau đây:

Vua Bảo Đại và đoàn tùy tùng ở Darlac năm 1933

Vua Bảo Đại ở Darlac (Đắc Lắc):

Ở Ban Mê Thuộc

Ở Phan Thiết

Vua Bảo Đại ở Đà Lạt

Một số hình ảnh ở Nha Trang:

Dưới triều Nguyễn, có một nghi lễ quan trọng là lễ tế trời được cử hành tại đàn Nam Giao vào trung tuần tháng hai hàng năm. Trước triều vua Thành Thái, lễ được tổ chức một năm hoặc hai năm một lần. Đến năm Thành Thái thứ 2 (1890), đổi lại là ba năm tế một lần.

Đàn Nam Giao được xây dựng xong vào năm Gia Long thứ 5 (1806) ở làng Dương Xuân, phía nam Kinh thành Huế, trong một khuôn viên đất dài 390m, rộng 265m, trên một vị thế cao ráo, thoáng đãng.

Sau đây là một số hình ảnh trong ngày lễ tế đàn Nam Giao, lần đầu vua Bảo Đại làm chủ tế trong 2 ngày 15,16 tháng 3 năm 1933:

Đầu tháng 12 năm 1933, vua Bảo Đại có chuyến ngự du Bắc Hà thăm dân chúng:

Vua Bảo Đại ở Hải Phòng 1/12/1933

Vua Bảo Đại ở Hà Nội 2/12/1933

Năm 1934, vua Bảo Đại làm lễ cưới với Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào (Nguyễn Hữu Thị Lan), con gái của Pierre Nguyễn Hữu Hào, một điền chủ giàu có theo đạo Công giáo.

Vua Bảo Đại năm 1934

Đám cưới cử hành ngày 20/3/1934 tại Điện Dưỡng Tâm (Tử Cấm Thành – Huế). Khi đó vua Bảo Đại 21 tuổi, còn hoàng hậu tròn 20. Cuộc hôn nhân của vị vua cuối cùng triều Nguyễn đi kèm với những thỏa thuận trước đó chưa từng có:

  • Thứ nhất là giải tán tam cung lục viện, tuân thủ chế độ một vợ một chồng, không còn chuyện năm thê bảy thiếp như những vị vua trước.
  • Thứ hai, hoàng đế tấn phong hoàng hậu sau khi cưới, chứ không phải là chỉ được phong sau khi hoàng đế qua đời như trước.
  • Thứ ba, con trai sinh ra phải được phong là thái tử.

Một số hình ảnh lễ cưới năm 1934:

Sau này cựu hoàng Bảo Đại kể trong hồi ký như sau:

“Lễ cưới được tổ chức ngay trong phòng tiếp tân của điện Cần Chánh. Cũng giống như lễ đăng quang, triều thần đứng sắp hàng dọc theo một tấm thảm đỏ và vàng dành riêng cho Hoàng đế. Lần đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn có một người phụ nữ xuất hiện giữa triều đình” (vì trước đó nơi này chỉ dành cho vua và các quan đại thần bàn việc nước).

Vua Bảo Đại kể thêm:

Nam Phương mặc áo rộng thùng thình, chân đi hài mũi cong, đầu đội vương miện có đính vàng ngọc châu báu óng ánh. Nàng đi một mình đến giữa tấm thảm, tất cả triều thần cúi chào. Với một vẻ đẹp tuyệt vời, nàng đi thẳng vào các phòng lớn, tôi đang ngồi chờ nàng trên một cái ngai thấp ở đó. Nàng đến đứng trước mặt tôi, cúi đầu chào tôi ba lần rồi ngồi ở cái chái bên phải của tôi. Buổi lễ ngắn ngủi chấm dứt. Hoàng hậu đã bên tôi. Chúng tôi sánh vai nhau bước đi trong tiếng nhạc mừng, qua Tử Cấm Thành vào điện Kiến Trung – nơi ở và làm việc chính của chúng tôi.”

Chỉ một ngày sau lễ cưới, ngày 21/3/1934, Nguyễn Hữu Thị Lan được sắc phong là Nam Phương Hoàng Hậu.

Ngày 4/1/1936, Hoàng hậu sinh thái tử Bảo Long:

Lễ giới thiệu thái tử Bảo Long
Nhà vua và Hoàng hậu năm 1936

Phòng làm việc của vua ở điện Kiến Trung

Là một vị vua không có thực quyền, vì quyền lực đều nằm trong tay chính quyền thực dân, nên thời gian từ khi về nước đến khi thoái vị vào tháng 8 năm 1945, vua ít khi tham gia vào việc triều chính mà dành phần lớn thời gian để vùng cao nguyên săn bắn nghỉ mát hoặc sang Pháp. Sau đây là những hình ảnh vua Bảo Đại trong thời gian này (cuối thập niên 1930).

Đầu thập niên 1940 cho đến năm 1945, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển, Nhật thế chân Pháp ở Đông Dương, vua Bảo Đại thành lập chính phủ Trần Trọng Kim. Sau cách mạng tháng 8, vua Bảo Đại chính thức thoái vị, kết thúc chế độ quân chủ. Phần 1 của xin kết thúc ở đây, phần 2 của bộ hình ảnh những tấm hình của Bảo Đại sẽ là khoảng thời gian từ 1945-1997, khi Bảo Đại trở thành một cựu hoàng, rồi là quốc trưởng trước khi bị truất bỏ năm 1955 và phải lưu vong ở hải ngoại cho đến khi qua đời năm 1997.

Cảm ơn quý độc giả đã dành thời gian đọc bài viết. Hy vọng thông tin về cuộc đời của vua Bảo Đại sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về một phần lịch sử nước nhà. Hãy tiếp tục theo dõi các phần tiếp theo để khám phá thêm về Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận