Hình ảnh về xe rùa (xe cút kít) ở Việt Nam hơn 100 năm trước

0
15

Sau đây là những bức ảnh chụp từ những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 ở xứ Bắc, khi đó cả nông thôn lẫn đô thị rất phổ biến một loại xe một bánh được gọi là “xe rùa”.

Năm 2017, một tượng đồng hình người Việt đẩy xe rùa đã được bán đấu giá tại Paris, Pháp. Bức tượng được giới thiệu như sau:

Chiếc xe rùa của người Annam (hay xe rùa Bắc kỳ) là một hình ảnh đẹp như tranh vẽ, nó kỳ lạ đến nỗi người Pháp thích nó cũng như thích những chiếc xe kéo vậy. Xe rùa xứ Bắc Kỳ xuất hiện trong nhiều bức ảnh, từ Hocquard đến Dieulefils, được in lại trên hầu hết các báo ảnh của thời gian đó, và tất nhiên, trên những tấm bưu thiếp… Thông thường nhất là hình ảnh một nông dân chở trên xe rùa một hoặc nhiều con lợn.

Ngày nay, nhắc tới xe rùa, người ta liên tưởng tới loại xe một bánh bằng kim loại, chuyên chở vật liệu trong các công trình xây dựng, cũng thường được gọi bằng xe cút kít. Gọi nó là xe rùa, vì nó nhìn hơi giống con rùa (tuy nhiên loại xe gỗ hồi thế kỷ 19 lại không giống rùa lắm, mà xe cút kít phiên bản sau này mới giống hình rùa hơn).

Xe cút kít thực ra là du nhập từ phương Tây, làm bằng kim loại nên nếu sử dụng lâu ngày kim loại chạm nhau nghe cút kít. Còn xe rùa bằng gỗ của phương Đông có ở Việt Nam từ trước khi Tây sang. Trong truyện Tam Quốc Chí cũng có nhắc tới loại xe 1 bánh bằng gỗ tương tự xe rùa ở Việt Nam, do chính Gia Cát Lượng sáng chế ra và dùng nó để vận chuyển quân lương trong khi chống quân Tào. Không rõ xe rùa ở Việt Nam và xe của Khổng Minh có liên quan gì tới nhau không, nhưng chắc chắn bên Trung Hoa từ lâu cũng đã có loại xe giống như vậy.

Xe đẩy tay bên Trung Hoa

Ngoài ra, cả châu Âu và Trung Quốc, từ lâu đã có các loại xe có 2 bánh đặt ngang, nhờ có đường sá rộng rãi, hệ thống giao hông đường bộ phát triển. Riêng Trung Quốc từ đời Tần đã đưa ra nguyên lý để thống nhất lãnh thổ quốc gia là “thư đồng văn – xa đồng quỹ” (chung một ngôn ngữ và thống nhất khoảng cách giữa 2 bánh xe). Còn ở Việt Nam, ngày xưa người dân đi lại nhiều trên sông nước, đường sá luôn bị đứt đoạn bởi sông, suối, đầm, hồ, khắp nơi là ruộng nước, nên thời xưa ở xứ Việt, đặc biệt là ở phía Bắc ít thấy loại xe 2 bánh xếp ngang.

Xem ảnh xưa, ngay cả đường “thiên lý”, “cái quan” trước khi Tây sang vẫn chỉ là những con đường hẹp, mặt đường đất khó đi lại nên ngoài sức gánh vác của con người, sự trợ giúp không nhiều của các loại đại gia súc (lừa, ngựa, trâu hay voi); cái phương tiện duy nhất, phổ biến và phù hợp hơn cả chính là cái xe một bánh mà ta vẫn gọi là xe rùa…

Bác sĩ Hocquard, người đi theo đoàn quân viễn chinh của Pháp hồi cuối thế kỷ 19, trong cuốn bút ký nổi tiếng của mình Một chiến dịch ở Bắc Kỳ đã mô tả rất chi tiết về những chiếc xe rùa mà ông gặp như sau: “Phố xá mới rồi còn yên tĩnh bắt đầu ồn ào. Bên cạnh chúng tôi, những dòng dài xe cút kít qua lại, bánh gỗ đặc của chúng kêu to kinh khủng. Xe này đáng được mô tả. Chúng hoàn toàn được làm bằng gỗ. Các bộ phận được gắn kết với nhau bằng những chốt gỗ. Nó cũng có 2 chân để đậu trên mặt đất như xe cút kít của ta (loại xe ở Pháp) đặt ở bên dưới trọng tải. Trong điều kiện ấy và do bánh xe cao nên mặt sàn xe chứa trọng tải tương đối cao hơn giá đỡ. Vì vậy, khi xe có tải, phải quen mới giữ được thăng bằng và điều khiển được. Binh lính của ta (Pháp) phải cố gắng hết sức mà vẫn làm xe đổ luôn còn người An Nam quen giữ thăng bằng khi gánh gồng thì sử dụng xe cút kít của họ thoải mái”.

Như vậy, các loại xe 1 bánh có người đẩy phía sau có thể thấy ở khắp nơi trên toàn cầu, mỗi nơi có mỗi kiểu dáng khác nhau, tùy theo địa hình mỗi nơi và công năng sử dụng. Xe bên Trung Quốc nhận thấy có bánh xe to, cán dài, có thể chở người ngồi hai bên, có đai quàng qua lưng để san sẻ lực với cánh tay.

Xe rùa bên Trung Quốc

Xe ở Việt Nam thì ít thấy chở người, có chân để chống, thường thấy được làm bằng khúc cây tròn cong hình lưỡi liềm. Xe của phương Tây thì ngày xưa dù làm bằng gỗ nhưng kiểu dáng vẫn giống với xe kim loại sau này, có cấu trúc dạng thùng để đựng đồ.

Xe rùa châu Âu

Về sau, xe rùa của Việt Nam được cải tiến, dù vẫn bằng gỗ nhưng có thêm ổ bi như xe cút kít phương Tây để đẩy nhẹ hơn. Loại xe gỗ này vẫn được sử dụng ở miền Bắc cho tới tận những năm thập niên 1970 trong các hợp tác xã. Ngày nay xe rùa được cải tiến gọn nhẹ hơn, bền chắc hơn và thậm chí được xuất khẩu sang Mỹ với số lượng lớn.

Một số hình ảnh khác của xe rùa ngày xưa ở Bắc kỳ:

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết! Đừng ngần ngại khám phá thêm thông tin từ bài viết để hiểu rõ hơn về di sản văn hóa độc đáo của đất nước chúng ta.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận