Hơn 150 năm của Nhà thương Đồn Đất (Bệnh viện Grall), nay là Bệnh viện Nhi Đồng 2

0
25

Bệnh viện Nhi Đồng 2, trải qua hơn 150 năm phục vụ cộng đồng, từng được biết đến với tên Nhà thương Đồng Đất Grall. Với đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp, trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Nhi Đồng 2 kế thừa tinh thần lịnh hội, đam mê chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Ở Sài Gòn hiện nay có 3 bệnh viện Nhi Đồng lớn, được xem là tuyến cuối chuyên chữa trị cho các bệnh nhi, không chỉ ở Sài Gòn mà ở khắp các tỉnh miền Nam. Đó là các bệnh viện:

Bệnh viện Nhi Đồng 1, nằm trên đường Sư Vạn Hạnh, khởi công năm 1954 và hoạt động năm 1956, là bệnh viện chuyên khoa Nhi duy nhất cho toàn miền Nam trước 1975.

Nhi Đồng Bệnh Viện trước năm 1975, nay là Bệnh Viện Nhi Đồng 1 ở đường Sư Vạn Hạnh

Bệnh viện Nhi Đồng 2, được gọi là Nhà thương Đồn Đất cũ, có hai mặt tiền nằm trên đường Lý Tự Trọng (Gia Long cũ) và đường Nguyễn Du, còn bệnh viện Nhi Đồng 3 thì mới xây dựng ở đoạn gần cao tốc đi Trung Lương, cửa ngõ đi miền Tây.

Nếu như bệnh viện Nhi Đồng 3 chủ yếu phục vụ cho các gia đình bệnh nhi ở khu vực miền Tây, bệnh viện Nhi Đồng 1 thường dành cho các gia đình ở gần Chợ Lớn hoặc các quận ven Sài Gòn, thì Bệnh viện Nhi Đồng 2 là chọn lựa của các gia đình ở khu vực trung tâm Sài Gòn, cộng với các gia đình ở khu vực miền Đông Nam Bộ, vì nó nằm ở gần nhất với cửa ngõ ở hướng này. Vì vậy ngày nay bệnh viện Nhi Đồng 2 lúc nào cũng đông đúc.

Bệnh viện Nhi Đồng 2 chuyển thành bệnh viện chuyên khoa nhi từ năm 1978, còn trước đó người Sài Gòn quen gọi đây là nhà thương Đồn Đất, tên chính thức là bệnh viện Grall. Cái tên “Đồn Đất” gắn liền với khu vực này sẽ được giải thích nguồn gốc ở đoạn sau, còn Bệnh viện Grall được đặt theo tên của bác sĩ Grall từ năm 1925.

Tiền thân của bệnh viện Nhi Đồng 2, tức nhà thương Đồn Đất là một bệnh viện quân y của Pháp, cũng là bệnh viện đầu tiên của Sài Gòn, được thành lập vào năm 1862, ngay sau khi quân Pháp hoàn toàn kiểm soát được Sài Gòn – Gia Định (thời điểm được đánh dấu bằng việc hạ đại đồn Chí Hòa của tướng Nguyễn Tri Phương năm 1861).

Bệnh viện Quân Y này được đề đốc (sau đó lên phó đô đốc) Louis-Adolphe Bonard cho xây dựng với tên gọi là Hôpital Militaire, ban đầu nằm trên đường 14, vị trí ngày nay là tòa cao ốc Kumho Asiana Plaza ở góc đường Hai Bà Trưng – Lê Duẩn (ở rất gần vị trí của bệnh viện hiện tại), đối diện lãnh sự Pháp hiện nay (Đường số 14 sau đó lần lượt được đổi tên thành đường Imperiale, đường Nationale, đường Paul Blanchy, và hiện nay là đường Hai Bà Trưng). Khi đó thì đại lộ Norodom (tức Lê Duẩn ngày nay) vẫn chỉ là một con đường nhỏ.

Ngay từ thời điểm đó, con đường đâm thẳng vào cổng bệnh viện, tương ứng với đường Thái Văn Lung hiện nay, đã được đặt tên là đường Hôpital (đường bệnh viện), đến tận năm 1955 mới được đổi lại thành tên đường Đồn Đất, sau 1995 đổi tên thành đường Thái Văn Lung.

Bản đồ Sài Gòn năm 1864, vị trí bệnh viện ở vị trị ban đầu, ở góc đường Hai Bà Trưng – Lê Duẩn ngày nay (màu đỏ). Đối diện bên kia đường là trại lính, ngày nay là lãnh sự quán Pháp. Góc trên là dấu tích còn lại của thành Phụng (thành Gia Định) đã bị Pháp phá bỏ vào năm 1859, chỉ còn lại phần nền

Hôpital Militaire chủ yếu là khám chữa bệnh cho những lính hải quân bộ binh tạm trú ở trong doanh trại đối diện bệnh viện (ngày nay là khu vực lãnh sự Pháp). Ngoài ra, ngay từ lúc đó thì Hôpital Militaire cũng đã nhận chữa bệnh cho cả lính và công chức người Việt làm việc cho Pháp.

Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng trong Hôpital Militaire được hỗ trợ từ Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, điều kiện cơ sở vật chất ban đầu khá sơ sài, Tất cả chỉ gồm có 3 phòng bệnh nhỏ, một phòng cho các nữ tu, và một phòng chung cho hành chánh và bác sĩ.

Một bệnh nhân được một Nữ tu Saint-Paul de Chartres chăm sóc trong Hôpital Militaire vào đầu thế kỷ 20. Ảnh: saigoneer.com

Trong thập niên 1870, Hôpital Militaire được xây lại tại cơ sở mới, chính là ở vị trí ngày nay, đường Lý Tự Trọng, cách vị trí cũ chỉ khoảng 100m về hướng Đông Nam.

Bản đồ hiện nay. Vị trí Kumho là bệnh viện cũ (xây năm 1862), còn vị trí Bệnh viện Nhi đồng 2 là xây lại vào thập niên 1870

Ban đầu con đường trước bệnh viện cơ sở mới này được đánh số là 17, đến năm 1862 mang tên là Gouverneur, đến khoảng năm 1872 thì đổi lại thành Lagrandiere.

Đường Lagrandiere

Năm 1952, quốc trưởng Bảo Đại đổi tên dinh Thống đốc Nam kỳ (dinh phó soái) nằm trên con đường Lagrandiere thành Dinh Gia Long, nên trong cùng năm 1952, đường Lagrandiere cũng được đổi tên thành đường Gia Long.

Đường Lagrandiere/Gia Long còn có một dấu tích lớn khác, đó là trên đường này có Khám Lớn (vị trí ngày nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp), là nhà tù của Pháp đã từng giam giữ nhiều nhà cách mạng, trong đó có Lý Tự Trọng. Vì vậy nên trong đợt đổi tên đường năm 1976, đường Gia Long đổi tên thành đường Lý Tự Trọng cho đến nay.

Trở lại với bệnh viện Hôpital Militaire cơ sở mới được xây dựng trên đường Lagrandiere, theo kế hoạch của trung tá Varaigne, chỉ huy trưởng công binh của hải quân bộ binh (TQLC), tại một khu đất có hình dạng khá đặc biệt, vốn có hình chữ nhật nhưng sau đó bị cắt xéo đi 1 góc, góc bị cắt xéo là đường Thabert (một đoạn của đường Nguyễn Du hiện nay).

Nếu nhìn lại kiến trúc các khối nhà của Hôpital Militaire trong hình bên trên, có thể thấy nó rất giống với thành Ông-Dèm, tức trại lính Pháp được xây dựng cùng một thời điểm. Thành Ông Dèm đọc trại từ chữ Pháp onzième (nghĩa là thứ 11), sở dĩ có tên gọi như vậy là do thành này là nơi đồn trú của Trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 11 của Pháp. Sau năm 1955, thành Ông Dèm đổi tên thành Thành Cộng Hòa, sau năm 1963 trở thành một khu đại học như chúng tôi đã nói đến trong bài viết riêng về khu thành này.

Sau đây là so sánh 2 hình ảnh khá giống nhau giữa một khối nhà của thành Ông Dèm và 1 dãy của Hôpital Militaire (bệnh viện Quân Y Pháp) cơ sở xây trong thập niên 1870:

Khối nhà chính giữa của thành Ông Dèm (chắn ngang đường Đinh Tiên Hoàng hiện nay, nay đã không còn)

Một dãy của Hôpital Militaire, ngày nay vẫn còn

Các khu nhà trong bệnh viện được xây dựng theo kiểu sườn sắt tiền chế đem ráp lại trên nền bằng đá granit nâng cao, liên kết với nhau bằng các đường nhánh nhìn ra con đường rộng rợp bóng cây ở bao quanh và chính giữa, ngoài ra bệnh viện còn có các hàng hiên thoáng mát tận dụng được ánh sáng và gió tự nhiên. Tất cả các vật liệu xây dựng đều được vận chuyển từ Pháp sang.

Trong hồi ký của mình, cựu toàn quyền Đông Dương (cũng là cựu tổng thống Pháp) là Paul Doumer đã mô tả Bệnh viện có các tòa nhà rộng mênh mông, các khu vườn đầy cây xanh, hoa lá, cho ta ấn tượng của vẻ đẹp thanh thản, khiến những cơn đau của bệnh nhân trở nên dễ chịu hơn…

Cũng tại bệnh viện này, nhà bác học, bác sĩ Albert Calmette đã thành lập Viện Pasteur (Pasteur-Institut) đầu tiên ở ngoài nước Pháp vào năm 1891.

Năm 1904, Alexandre Yersin thành lập Viện Pasteur ở Nha Trang lớn hơn, viện Pasteur Sài Gòn trở thành cơ sở phụ, đến 1 năm sau đó thì Pasteur Sài Gòn được chuyển đến cơ sở khác, chính là ở vị trí hiện tại, lúc đó là địa chỉ số 167 đường Pellerin. Sau năm 1955, con đường Pellerin cũng đổi tên thành đường Pasteur.

Từ năm 1905 trở đi, Hôpital Militaire được bác sĩ Charles Grall điều hành, đã mở cửa chữa trị cho mọi thành phần, quân sự cũng như dân sự, kể cả dân bản xứ.

Năm 1925, Hôpital Militaire chuyển đổi thành bệnh viện đa khoa và đổi tên thành Hôpital Grall (Bệnh viện Grall), để vinh danh bác sĩ Charles Grall – Giám đốc Y tế Nam Kỳ.

Trong những năm cuối cùng của thời Pháp thuộc, cơ sở vật chất của bệnh viện Grall tiếp tục được mở rộng, nâng cấp, đến đầu những năm 1950 đã có hơn 500 giường bệnh và được xem là đầu tàu của nền y học Pháp ở vùng Viễn Đông.

Sau khi quân Pháp hoàn toàn rút khỏi Đông Dương vào tháng 4 năm 1956, Bộ Ngoại giao Pháp đã ký với chính phủ VNCH một hiệp định để cho phép người Pháp tiếp tục được sở hữu và điều hành bệnh viện Grall (tương tự một số bệnh viện Pháp khác).

Trong những năm 1960, các nhân viên y tế người Pháp của bệnh viện Grall đã điều hành các chương trình đào tạo tại một số trường đại học và bệnh viện, thành lập các trung tâm điều trị bệnh phong và bại liệt, đồng thời thực hiện một số dự án nghiên cứu quan trọng về bệnh lý ở Đông Nam Á.

Năm 1963, một tấm bia được dựng trong khuôn viên bệnh viện, ghi nhớ công ơn của hai nhà khoa học, bác sĩ Calmette và Yersin, những người sáng lập Viện Pasteur Việt Nam, khởi đầu hoạt động tại chính Bệnh viện Quân Y này.

Sau 1975, Bệnh viện Grall chuyển giao cho chế độ mới, đến năm 1978 đổi tên thành Bệnh viện Nhi đồng 2, chấm dứt thời kỳ bệnh viện đa khoa và trở thành bệnh viện chuyên khoa nhi cho đến nay.

Ngày nay, vẫn còn tên Grall dưới tên chính thức Bệnh Viện Nhi Đồng 2 ở cổng vào bên đường Lý Tự Trọng

Xin nói trở lại đôi chút về lịch sử xây dựng bệnh viện Quân Y (Hôpital Militaire), bệnh viện Grall, nhà thương Đồn Đất, bệnh viện Nhi Đồng 2 trên đường Gouverment (Lagrandiere, Gia Long, Lý Tự Trọng).

Không rõ năm chính xác xây dựng bệnh viện Quân Y cơ sở mới (vị trí ngày nay), trên website chính thức của Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện nay ghi là cuối thập niên 1870. Tuy nhiên khi tìm hiểu về những tấm bản đồ Sài Gòn từ năm 1870, có thể thấy việc quy hoạch và xây dựng khu vực này thành bệnh viện đã có từ những năm cuối thập niên 1860.

Cụ thể, trong tấm bản đồ năm 1870 bên trên, khu đất trên đường Lagrandiere (lúc này vẫn mang tên Gouverment) vẫn còn vuông vắn, bên trong đó có một số dãy nhà, có ghi chú là Hopital.

Còn sau đây là tấm bản đồ năm 1872, khu đất vuông vắn đã bị con đường Thabert (nay là đường Nguyễn Du) cắt xéo một đoạn, đồng thời đường Gouverment (nay là Lý Tự Trọng) cũng đã đổi tên thành Lagrandiere. Lúc này, bên trong khu đất bệnh viện đã xây thêm nhiều cơ sở hơn so với tấm bản đồ trước đó 2 năm ở bên trên.

Còn bên dưới đây là tấm bản đồ năm 1878, thời điểm có thể xem như việc xây dựng bệnh viện mới đã hoàn tất, được thể hiện qua các khối nhà màu đen trong bản đồ, Tuy nhiên, tên của bệnh viện trong tấm bản đồ này được ghi là Hopital Maritime (bệnh viện Hàng hải).

Trong tấm bản đồ 4 năm sau đó (1882), bệnh viện vẫn ghi tên là Hopital Maritime:

Bản đồ Sài Gòn 1882

Trong các tấm bản đồ những năm sau đó mới thì tên bệnh viện mới được ghi trở lại là Hôpital Militaire (Bệnh viện Quân Y).

Bản đồ năm 1898, bệnh viện ghi tên Hôpital Militaire

Dù tên chính thức ban đầu là bệnh viện Hàng Hải, sau đó lấy lại tên Bệnh viện Quân Y, nhưng trong suốt hơn 100 năm (cho đến tận năm 1975), người dân Sài Gòn vẫn gọi đây là bệnh viện Đồn Đất.

Nguồn gốc của cái tên Đồn Đất xuất phát từ một đồn lính Pháp. Vào tháng 2 năm 1859, sau khi chiếm được thành Phụng (thành Gia Định), quân Pháp đã cho phá hủy hoàn toàn thành Phụng vì có không đủ quân số để giữ thành.

Sau đó, chuẩn đô đốc François Page đã cho xây một đồn binh mới nằm ở gần phía trước thành Gia Định cũ. Đồn khá lớn được đắp bằng đất nên dân gian quen gọi là Đồn Đất. Vì thời gian đã qua gần 1,5 thế kỷ, nên không ai rõ đồn đất đó ở chính xác vị trí nào, nhưng chắc chắn là gần chỗ xây Bệnh viện Quân Y sau này.

Về sau, con đường ngay cổng bệnh viện cũng được đặt tên là đường Đồn Đất từ năm 1955. Như đã nhắc đến ở đoạn trên, từ khi bệnh viện được quy hoạch xây dựng, con đường Đồn Đất này đã mang tên chính thức là rue de Hôpital (đường bệnh viện), năm 1955 mang tên Đồn Đất, rồi đến năm 1995 thì đổi tên lại thành Thái Văn Lung. (Trước đó, từ năm 1985, đường Alexandre De Rhodes đổi tên thành đường Thái Văn Lung, tuy nhiên đến năm 1995, vì sự can thiệp của thủ tướng Võ Văn Kiệt nên chính quyền thành phố sửa lại tên cũ, vì vậy tên đường Thái Văn Lung được đưa qua đường Đồn Đất cũ).

Sau đây là một số hình ảnh khác của nhà thương Đồn Đất:

Trong cuốn Nam Kỳ Và Cư Dân, tác giả J.C.Baurac (vốn là một bác sĩ người Pháp có thòi gian dài làm việc ở Đông Dương) đã nói về bệnh viện này như sau:

“Bệnh viện Quân đội là một cơ sở tuyệt vời có kiến trúc giống như kiến trúc của doanh trại: Một loạt các cánh nhà lớn liên kết với nhau bằng những hàng hiên rộng với các cột chống đúc gang.

Nó gây ấn tượng nhờ những tỷ lệ tao nhã và sự hài hòa tuyệt đối thể hiện trong từng chi tiết nhỏ tạo nên tổng thể” (theo Delteil). Cơ sở to lớn này được lính công binh xây trên một mặt bằng đồ sộ, có thể tiếp nhận hơn 350 bệnh nhân.

Bệnh viện chiếm trọn một không gian rộng lớn trên điểm cao nhất của bình nguyên, làm thành một vị trí tuyệt đẹp. Ngoài các cánh nhà chúng tôi vừa đề cập, tất cả nhà phụ đều được sắp xếp rất hợp lý: nhà thuốc, chỗ ở của các nữ tu, nhà nguyện, nhà bếp, phòng tắm, nhà giặt, giảng đường… Công việc BV do các bác sĩ hải quân và thuộc địa đảm trách, dưới sự điều hành của một bác sĩ trưởng.

Bác sĩ trong mỗi phòng được hỗ trợ bởi một số y tá bản xứ và một nữ tu dòng Saint Paul de Chartres. Nhà thuốc do một dược sĩ cao cấp điều hành, có một dược sĩ hạng nhất và 2 dược sĩ hạng hai phụ tá.

Một ủy viên của hải quân chịu trách nhiệm về phần hành chính. Một cha tuyên úy, R.P.Thinselin, một người dễ mến và hiền lành, chịu trách nhiệm nâng đỡ người bệnh khi họ cần trợ giúp về mặt tôn giáo”. (J.C.Baurac – Huỳnh Ngọc Linh dịch)

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này. Hy vọng những thông tin mà bài viết cung cấp sẽ giúp ích cho bạn. Chúc bạn mạnh khỏe và thành công!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận