Khu lăng mộ tại Sài Gòn của Trương Vĩnh Ký là một công trình tâm linh mang đậm dấu ấn cá nhân, thể hiện sự tôn trọng và kỷ niệm với người đi trước. Với kiến trúc độc đáo và tinh tế, địa điểm này là nơi lưu giữ công lao và tâm huyết của ông trong lòng người dân và du khách.
Người dân ở Sài Gòn xưa, mỗi lần đi đại lộ Trần Hưng Đạo để qua Chợ Lớn, tới đoạn Trần Bình Trọng, chắc chắn đã quen thuộc với hình ảnh này.
Đây là khu lăng mộ của nhà văn hóa, nhà báo, và là nhà bác học Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký), được chính ông thiết kế và trông coi xây dựng chỉ vài năm trước khi qua đời.
Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) là nhà chính trị, nhà văn, nhà khoa học xã hội của Việt Nam trong thế kỷ 19. Khi mới 25 tuổi, ông đã thông thạo 26 ngôn ngữ, khiến cho nhà văn Pháp Émile Littré (1801-1881) kinh ngạc: “Sự hiểu biết tới 26 ngoại ngữ của P. Trương Vĩnh Ký đủ để loài người tôn vinh anh như một nhà bác học ngôn ngữ bậc nhất thời nay”.
Lúc về già, ông đã đích thân thiết kế và trông coi xây dựng khu lặng mộ của mình. Dù theo Tây học, đạo Thiên Chúa, nhưng ông lại tự thiết kế chiếc cổng nhà mồ cho chính mình có kiến trúc theo kiểu tam quan của các ngôi chùa Phật giáo: một cửa chính ở giữa và hai cửa phụ nhỏ hơn hai bên, khiến không ít người lầm tưởng đây là cổng ra vào của một ngôi đình, ngôi miếu cổ kính.
Cổng được xây dựng có ba tầng mái, lợp ngói ống, những góc mái cong lên giống như những tàu đao của các đình, chùa trên đất Bắc. Tuy nhiên khi nhìn kỹ, người ta sẽ thấy một cây thánh giá trang trí trên nóc cổng.
Ngay sau cổng tam quan là một căn nhà xây dựng theo hình bát giác, với diện tích khoảng 50m2. Căn nhà xây theo kiểu Pháp, được trang trí với các họa tiết Đông Tây kết hợp rất hài hòa và mỹ thuật.
Ngói vảy cá được lợp trên tám cạnh mái của căn nhà. Trên những đường viền nối các mái đều trang trí đắp nổi hình rồng theo kiểu long hồi, với đuôi rồng hướng lên nóc mái, thân rồng uốn lượn theo đường viền, đầu rồng bên dưới ngước lên tạo nên những tàu đao kèm với biểu tượng thánh giá…
Trong tám cạnh của căn nhà, ngoài ba cạnh là cửa vào căn nhà, còn lại là những bức tường có trổ ô thông gió.
Không phải ai cũng biết có một thân phận đặc biệt đang yên nghỉ bên trong căn nhà hình bát giác này vì đây là nhà mồ của Trương Vĩnh Ký.
Trên cửa nhà mồ quay ra đường Trần Hưng Đạo có dòng chữ Latin: “Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei” (tạm dịch: Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi), nói lên ước nguyện cuối đời của Trương Vĩnh Ký khiến người ta nhớ đến hai câu thơ của Nguyễn Du: “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” (tạm dịch: Không biết ba trăm năm sau, có ai trong thiên hạ khóc cho Tố Như không?).
Còn trên cửa nhà mồ quay ra đường Trần Bình Trọng có ghi dòng chữ Latin: “Fons Vitae Eruditio Possidentis” (tạm dịch: Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó) nói lên sự đam mê khám phá tri thức lúc sinh thời của nhà bác học họ Trương.
Trong nhà mồ, ngay chính giữa căn nhà là ba phần mộ được lát bằng phẳng với nền nhà, với ba tấm đá khác màu có chiều rộng khoảng 1m, dài khoảng 2m, nằm dọc trước đài thờ sát tường cuối nhà.
Mộ Trương Vĩnh Ký ở chính giữa, là tấm đá trắng đã ngả sang màu vàng nhạt, được trang trí quanh viền bằng một dây lá (không có hoa) đơn giản, trong vòng dây lá đó được khắc vài dòng chữ: “Ci-git J.B Truong Vinh Ky Professeur de Langues Orientales Décédé J le 1er Septembre 1898 dans sa 62 année” (Nơi an nghỉ J.B Petrus Trương Vĩnh Ký, 2 chữ viết tắt là tên thánh Jean Baptiste. Giáo sư ngôn ngữ Đông phương. Mất ngày 1.9.1898, thọ 62 tuổi).
Nằm bên phải mộ Trương Vĩnh Ký là mộ phần của vợ ông, bà Vương Thị Thọ, đã có nhiều chỗ bị tróc hỏng. Bên trái là mộ con trai cả Trương Vĩnh Thế.
Vào năm 1927, các sĩ phu, trí thức Sài Gòn trình lên chính quyền việc dựng tượng Petrus Ký ở công viên đại lộ Norodom (gần nhà thờ), chi phí do quyên góp được từ doanh nhân và người dân.
Trong ngày lễ khánh thành tượng – 18/12/1927, một buổi lễ tạ mộ đã được tổ chức tại khu mộ Trương Vĩnh Ký này. Cũng trong dịp này, Thống đốc Nam kỳ de la Brosse đã thay mặt vua Bảo Đại trao sắc phong Petrus Ký thành Thượng thơ bộ trưởng danh dự. Chi tiết của buổi tạ mộ đó được ghi bên dưới cùng của bài viết này.
Bên ngoài nhà mồ, phía bên phải cổng phía đường Trần Hưng Đạo, trên khuôn viên khu đất còn lại có một ngôi nhà mái lợp fibrô ximăng giả ngói. Trên nóc có trang trí hình tượng trái bầu hồ lô với dòng chữ “6 Decembre 1937” (6-12-1937). Hình bên trên là căn nhà được chụp năm 1898, là năm Petrus Ký qua đời.
Theo con cháu cụ Trương, ngôi nhà này do đích thân Trương Vĩnh Ký chỉ huy xây dựng nằm 1886. Ngôi nhà nằm ven bờ kênh Bến Nghé, nằm bên đại lộ Gallieni, nay là đường Trần Hưng Đạo để đọc sách, dạy học trò cũng như làm việc những ngày cuối đời. Vùng đất này ngày xưa gọi là Chợ Quán, quê vợ Trương Vĩnh Ký.
Căn nhà hiện nay vốn được trùng tu lại từ năm 1937, nhân dịp lễ giỗ lần thứ 39 của Trương Vĩnh Ký, chỉ xây lại tường bao quanh thay cho vách ván trước đây. Bên trong nhà vẫn giữ lại bộ khung gỗ của kiểu nhà xuyên trính, có ba gian hai chái, với 24 cây cột gỗ, khá quen thuộc trong dân gian Việt Nam.
Gian giữa căn nhà là một hương án đơn sơ thờ tượng bán thân của Trương Vĩnh Ký bằng thạch cao, sơn đen, giữa hai bóng đèn điện đặt hai bên trái phải. Trên tượng là sắc phong của vua Đồng Khánh.
Mặt tiền hương án là hai tủ kính đặt đối xứng hai bên trái phải, trước đây vốn là nơi lưu giữ hình ảnh và khoảng 120 quyển sách và bản thảo của Trương Vĩnh Ký để lại, nhưng một số đã tặng cho Viện Khảo cổ miền Nam và một số khác đã chuyển sang Pháp cho thân nhân tiếp tục lưu giữ trong năm 1975.
Cao hai bên hương án là cặp câu đối khắc chìm trên đôi liễn hình máng xối mang nội dung chủ trương “văn dĩ tải đạo” (văn vốn để chở đạo lý) của Trương Vĩnh Ký. Chiếm trọn phân nửa hai gian trái phải là hai căn buồng nhỏ, vách ván, vốn là phòng ngủ của gia đình họ Trương xưa nay. Phần còn lại rộng rãi của căn nhà là nơi làm việc, đọc sách, dạy học và tiếp khách xưa kia của Trương Vĩnh Ký.
Căn nhà vẫn còn giữ được dàn cửa gỗ cổ xưa làm theo kiểu “thượng song, hạ bản” (trên là chấn song, dưới là tấm ván), giúp nội thất căn nhà vừa sáng sủa khi đóng cửa cũng như mát mẻ trong mùa nóng và ấm áp trong mùa lạnh.
Ngôi nhà gỗ này hiện là nơi cư ngụ của gia đình ông Trương Minh Đạt, vốn là cháu gọi Trương Vĩnh Ký là ông cố, có trách nhiệm trông nom di tích của tiền nhân.
(Ngoài ra, trong khuôn viên khu đất hiện nay còn khoảng 60 ngôi mộ lộ thiên, không có nhà mồ, của dòng họ Trương Vĩnh và một căn nhà khác).
Sau đây là hình bài báo mô tả lễ tạ mộ Trương Vĩnh Ký năm 1927 nhân dịp dựng tượng:
Theo tin đã truyền, chúa nhật, 18/12, bàn hội làm lễ khánh thành hình ông Petrus Trương Vĩnh Ký. Lại cũng có nói, trong bữa ấy, chín giờ ban mai, các quan và bàn hội làm lễ tạ mồ ngài ở đàng Galliéni Chợ Quán. Chẳng cần nói cũng biết Chợ Quán thuộc về thành phố Chợ Lớn. Nhơn dịp ấy, quan Đốc lý thành phố Chợ Lớn với quan Đốc phủ Lê Quang Giáp tỏ lòng sốt sắng hản hòi, Cậm cờ [???] từ đầu đàng rue de l’Eglise tới đại lộ Galliéni, và chung quanh vòng rào nhà mộ của ngài cũng chưng dọn cờ xí đủ màu kiễn huê [lẳng hoa] tươi tốt. Ngoài ra còn có một đội quân đàn hầu, từ cửa thằng vô tới nhà mồ và có đủ cò bót lính trắng chận các nẻo, dẹp đàng nghiêm ngặt. Chẳng nên quên nhắc Cha sở họ Chợ Quán, cũng cảm tình ông Petrus Ký lúc sanh thì [sinh thời], chẳng những là một trang hiền ngỏ, mà cũng là một đứng giữ đạo rất chính chắn, nên nhơn [nhân] khi bàn hội định nghinh tiếp quan Nguyên soái Nam kỳ [Thống đốc Nam kỳ] ngay trước cửa nhà thờ Chợ Quán, Cha sở cũng vui lòng dự tiếp, cho đổ chuông, cho đồng nhi nữ cầm cờ, dạy trong họ nam phụ lão ấu đều chung dự. Nhờ vậy nên cuộc tạ mồ ông Petrus Ký ra một cuộc lễ khá long trọng, và nở ràng cho nhà Trương Vĩnh, mà nhứt là rỡ ràng cho các nhà đạo đức ở họ Chợ Quán này.
Tám giờ rưỡi, quan hàm chức sắc và thân hào lần lượt tượu đến. Chẳng cần kể người trong bàn hội, chẳng cần kể người nhà Trương Vĩnh nam nữ cũng đông, chẳng cần kể nam phụ lão ấu họ Chợ Quán, chẳng cần kể quan viên chức sắc, lại cũng chẳng cần kể quan Đốc lý thành phố Sài Gòn với quan Đốc lý Chợ Lớn, nên kể ít vị Thượng lưu, như quan lớn đại Bùi Quang Chiêu, quan lớn tiểu Nguyễn Khắc Nương.
Chín giờ, xe quan Nguyên soái đến. Chuông nhà thờ đổ. Hội trưởng là ông Nguyễn Văn Của tiếp, hiệp cùng các quan thẳng đến nhà mồ. Đồng nhi nữ cầm cờ dẫn lộ, kế lấy quan Nguyên soái Nam kỳ đi bốn lọng. Tới nhà mộ, nhạc An Nam Chợ Quán trỗi Marsillaise tiếp, lính dần hầu bồng súng. Thẳng vào mộ, quan Nguyên soái Nam kỳ cầm nhành lá làm lễ tạ mộ ông Petrus Ký và kể công trình ông Petrus Ký là một tay trước danh, tôi trung của hai triều, người ân của xã hội. Đoạn ngài đọc điển tin của Triều Huế ân phong cho ông Petrus Ký trong dịp nầy, chức Thượng thơ bộ trưởng.
Quan Nguyên soái dứt lời, quan Đốc lý Chợ Lớn, quan Đốc lý Sài Gòn với bàn hội, đều có dưng [dâng] nhành lá tạ mộ.
Việc xong, ông Trương Vĩnh Tống là con rốt lòng nhà Trương Vĩnh đứng ra kính lời cảm tạ quan Nguyên soái Nam kỳ, quan Đốc lý thành phố Sài Gòn, quan Đốc lý thành phố Chợ Lớn, bàn hội và quan hàm chức sức sức một lòng tưởng đến người quá vãng.
Các quan về, lần lần cảnh mồ ông Petrus Ký cũng trở nên một cái cảnh quạnh yêm điềm [êm đềm], phải cảnh của một đấng hiền nhân ngàn thu êm giấc.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Hy vọng thông tin về khu lăng mộ tại Sài Gòn do Trương Vĩnh Ký tự thiết kế sẽ giúp ích cho bạn. Chúc bạn một ngày vui vẻ và hạnh phúc!