Ký ức về nghệ sĩ Kiều Hạnh và Ban Tuổi Xanh trong quá khứ: Kỷ niệm về thời “nhạc dành cho trẻ em” tại Việt Nam

0
17

Kiều Hạnh, nghệ sĩ tài năng và Ban Tuổi Xanh đã gắn bó với nền âm nhạc trẻ em Việt Nam qua các ca khúc ý nghĩa, truyền cảm hứng và giáo dục. Những bài hát đã làm say lòng bao thế hệ trẻ. Kỷ niệm về thời “nhạc dành cho trẻ em” ấy vẫn đọng mãi trong lòng người yêu âm nhạc Việt.

Nhắc về nhạc Thiếu Nhi của miền Nam trước 1975, thường người ta nhớ về ban Tuổi Xanh của kịch sĩ Kiều Hạnh phụ trách, là khởi điểm của nhiều ca sĩ nổi tiếng đã đi hát từ thuở còn thiếu nhi trong ban Tuổi Xanh như Mai Hương, Tuấn Ngọc, Hoàng Oanh, Quỳnh Giao…

Ban Tuổi Xanh, trong hình có ông bà Phạm Đình Sỹ, Kiều Hạnh, và Bích Chiêu, Tuấn Ngọc, Mai Hân, Mai Hương, Quỳnh Giao, Bạch Tuyết, Quốc Thắng, Kim Chi…

Ngoài hoạt động biểu diễn sân khấu và tham gia trên Đài phát thanh Sài Gòn, “Ban Tuổi Xanh” có phát hành 1 băng nhạc vào khoảng năm 1972: “Băng Nhạc Thiếu Nhi 1 – Ban Tuổi Xanh”. Đây là băng nhạc duy nhất của “Tuổi Xanh” được phát hành.


Click để nghe băng nhạc Thiếu Nhi trước năm 1975 của Ban Tuổi Xanh do nghệ sĩ Kiều Hạnh thực hiện

Những ca khúc thiếu nhi của Ban Tuổi Xanh đã trở thành một phần ký ức của lứa tuổi sinh ra vào thập niên 1950-1960 ở Sài Gòn, được nuôi dưỡng tinh thần bằng những ca khúc nhi đồng vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay: Rước Đèn Tháng 8, Thằng Cuội, Mùa Thi, Một Đàn Chim Nhỏ, Ông Ninh Ông Nang… với những giọng ca hồn nhiên, trong trẻo của Ban Tuổi Xanh.

Nhắc đến Ban Tuổi Xanh, ai cũng nhớ đến đôi vợ chồng nghệ sĩ Kiều Hạnh – Phạm Đình Sỹ. Người vợ là kịch sĩ nổi danh thuộc thế hệ tiên phong vào miền Nam thập niên 1950, còn người chồng là Phạm Đình Sỹ chính là anh ruột (cùng cha khác mẹ) của những anh chị em trong Ban Thăng Long lừng lẫy, bao gồm Phạm Đình Viêm (Hoài Trung), Thái Hằng, Phạm Đình Chương (Hoài Trung) và Thái Thanh.

Vợ chồng Kiều Hạnh – Phạm Đình Sỹ

Tiền thân của Ban Tuổi Xanh là Ban Nhi Đồng của danh ca Minh Trang thành lập tại đài Phát thanh Pháp Á vào đầu thập niên 1950. Minh Trang là dòng dõi hoàng tộc ở Huế, được học trường Tây từ nhỏ, tốt nghiệp tú tài Pháp từ những năm cuối thập niên 1930, là một trong những phụ nữ hiếm hoi tốt nghiệp tú tài thời ấy. Vì giỏi tiếng Pháp nên sau này vào Sài Gòn lập nghiệp, bà được nhận vào làm tại đài Phát thanh, với vai trò xướng ngôn viên Pháp ngữ. Một dịp tình cờ, bà được giám đốc đài phát hiện giọng hát và khuyến khích hát cho đài phát thanh, từ đó nổi tiếng khắp cả nước qua làn sóng phát thanh. Sang đầu thập niên 1950, và lập ban Thiếu sinh Nhi Đồng trên đài phát thanh, với 2 thành viên đầu tiên chính là con của bà: Đoan Trang – Bửu Minh (ghép tên thành nghệ danh Minh Trang). Đoan Trang lớn lên chính là ca sĩ Quỳnh Giao nổi tiếng.

Thời gian đầu, ban Thiếu sinh Nhi đồng còn có nhiều gương mặt “thiếu nhi” khác như: Mai Hương + Bạch Tuyết (là hai người con gái của Kiều Hạnh – Phạm Đình Sĩ), chị em Bích Chiêu và Tuần Ngọc, sau này đều là những danh ca nổi tiếng nhất của dòng nhạc trữ tình, ngoài ra còn có Kim Chi + Quốc Thắng, một thời từng được gọi là “thần đồng”…

Sau năm 1953, vì lý do sức khỏe nên danh ca Minh Trang giao lại việc điều hành ban Nhi Đồng này cho đôi vợ chồng kịch sĩ Kiều Hạnh – Phạm Ðình Sỹ, đồng thời ban Nhi Đồng cũng được đổi tên thành Ban Tuổi Xanh, từ đó trở thành lớp nhạc lừng danh, có nhiều ca sĩ nổi tiếng khác từng theo học, như Hoàng Oanh, Mai Hân, Phương Hoài Tâm, Xuân Thu, nhạc sĩ Quốc Dũng…

Gia đình Kiều Hạnh – Phạm Đình Sỹ

Gia đình nghệ sĩ Kiều Hạnh – Phạm Đình Sỹ vừa chuyển vào đinh cư ở Sài Gòn không lâu thì ngay lập tức được Minh Trang tin tưởng chuyển giao ban Nhi Đồng cho phụ trách, nơi tập luyện cũng chính là tư gia của ông bà ở số 92A đường Bùi Thị Xuân – Quận 1, Sài Gòn. Căn nhà không lớn, ngang 5m dài 20m, có lầu và garage ô tô. Tại đây Mai Hương tập nhạc lý cho các em nhỏ, còn Phương Mai phụ trách dạy múa.

Chị em Mai Hương – Bạch Tuyết

Tham gia trong Ban Tuổi Xanh có hai chị em ca sĩ Mai Hương và Bạch Tuyết, trong đó Mai Hương có nhạc lý vững vàng, là con gái lớn của bà Kiều Hạnh nên giúp đỡ mẹ hướng dẫn lớp ca sĩ nhỏ tuổi hơn.

Từ năm 1956, đài Phát Thanh Pháp Á của người Pháp được bàn giao lại cho chính quyền VNCH, đổi tên lại thành Đài phát thanh VTVN, và Ban Tuổi Xanh tiếp tục cộng tác với đài phát thanh hàng tuần kể từ đó cho đến năm 1975 với nhiều thế hệ tiếp nối nhau, từ Hoàng Oanh, Quỳnh Giao, Tuấn Ngọc cho đến Phương Hoài Tâm, Vân Quỳnh, Quốc Dũng… và thường xuyên xuất hiện trên đài truyền hình kể từ khi đài được thành lập giữa thập niên 1960.

Hàng 1, từ trái qua: Bạch Tuyết, Kiều Hạnh, Mai Hương – Hàng 2: Mai Lan, Ngọc Linh, Phương Nga, Oanh Oanh – Hàng 3: Phương Dung, Minh Ngọc, Phương Mai, Quỳnh Mai, Quốc Dũng – Ảnh: Viễn Kính

Theo tác giả Phạm Công Luận, các thế hệ nhi đồng trong Ban Tuổi Xanh được luyện tập từ nhạc lý đến biểu diễn, không chỉ tập luyện lời ca tiếng hát mà còn được dạy múa, diễn kịch. Dù là các ca sĩ còn rất nhỏ nhưng đều ý thức xem biểu diễn nghệ thuật là việc nghiêm túc, tuy chỉ là những em bé trên dưới mười tuổi nhưng phải vững nhạc lý, biết cách thể hiện giọng ca và cảm xúc của mình. Vì vậy cũng dễ hiểu khi rất nhiều “em bé” năm xưa trong Ban Tuổi Xanh đã vụt sáng thành những tên tuổi lớn.

Sau đây là một số ca khúc nhạc trung thu do Ban Tuổi Xanh thể hiện:


Click để nghe

Sau đây, mời các bạn đọc lai tư liệu quý hiếm về nữ kịch sử Kiều Hạnh, một bài phỏng vấn đăng trên báo Kịch Ảnh năm 1957, khi bà vừa từ Bắc vào Sài Gòn định cư chỉ vài năm nhưng đã khẳng định được tên tuổi của mình và trở thành một nữ kịch sĩ hàng đầu của Sài Gòn:

Kiều Hạnh – Nữ kịnh sĩ đã được Bộ thông tin Việt Nam tuyên dương thành tích trong năm 1956

Nữ kịch sĩ Kiều Hạnh tên thật là Phạm Thị Kiều Hạnh, sinh ngày 14/10/1920 tại Hà Nội, là một nữ kịch sĩ có một diễn xuất điêu luyện và “thật” nhất hiện nay của những Sân khấu Kịch Mới và trong giới Văn Nghệ Đài Phát thanh Quốc Gia Việt Nam. Cô Kiều Hạnh còn là một nữ diễn viên điện ảnh của những phim Ngày Về, Đất Lành, Lòng Mẹ…

Để khuyến khích và tuyên dương những hoạt động tích cực của các Văn nghệ sĩ trong năm 1956 vừa qua, ông Bộ trưởng bộ Thông tin Việt Nam đã trao tặng cô Kiều Hạnh danh hiệu: “Nữ kịch sĩ xuất sắc nhất về thoại kịch năm 1956”.

Chúng tôi đến gặp nữ kịch sĩ Kiều Hạnh trong căn nhà ấm cúng của cô ở đường Bùi Thị Xuân, nơi cô đang sống đầm ấm với chống là Phạm Đình Sỹ và 2 cô con gái, gia đình của cô Kiều Hạnh có thể kể là một gia đình nghệ sĩ êm ấm của giới Văn nghệ sĩ Sài Gòn.

Dưới đây là những lời vấn đáp giữ chúng tôi và Nữ kịch sĩ Kiều Hạnh.

– Cô cho biết một bài kỷ niệm thời hoa niên của cô nơi quê hương, khi còn là một nữ sinh cô mơ tương lai ra sao, và hiện nay với cuộc sống hiện tại, cô hài lòng hay thất vọng?

Khi còn là một nữ sinh trường Hàng Cót Hà Nội, tôi đã say mê sân khấu. Mỗi khi có gánh hát cải lương trong Nam ra biểu diễn như An Lạc Ban, Phước Cương Trần Đắc, tôi xin phép nhà cho kỳ được để đi xem, mặc dầu bận rộn công việc học hành. Về sau, nhờ công cụ thân sinh tôi có cổ phần trong Hội Quảng Lạc, tôi tha hồ được đi xem hát, và do đó tôi đã bắt đầu tìm hiểu nghệ thuật sân khấu.

Hồi đó bà mẹ tôi bận công việc buôn bán, ngoài giờ học tôi còn phải trông nom một đàn em nhỏ, tối đến tôi phải mất nhiều công phu dỗ các em ngủ thật say mới lẩn đi xem hát được.

Khi còn là một nữ sinh, tôi đã ham mê sân khấu thì tất nhiên tôi mong mỏi sau này cũng được lên sân khấu để trở thành một ngôi sao sáng như những nghệ sĩ mà tôi mến phục. Tôi cùng mong sao sẽ gặp một người chồng cùng sở thích như tôi, thì cũng cũng đã được toại nguyện. Chồng tôi – tuy là công chức – cũng ham mê nghệ thuật, nên đã cho tôi được hoàn toàn tự do hoạt động về phương diện này. Và hiện nay tôi rất được hài lòng với cuộc sống hiện tại, vì hai vợ chồng tôi cùng chung một chí hướng phụ vụ nghệ thuật sân khấu và điện ảnh.

Về thoại kịch cũng như về điện ảnh, tôi vẫn mơ ước được diễn những vở kịch lớn hoặc đóng những cuốn phim dài có tính cách xã hội hợp tới số tuổi và con người của tôi. Tôi mong mỏi có nhiều dịp để phục vụ nghệ thuật sân khấu và điện ảnh nước nhà, cũng trau dồi tài nghệ thêm mỗi ngày một tiến.

– Cô lập gia đình từ năm nào?

Năm 1949, tại Hà Nội.

Gia đình ông bà Phạm Đình Sỹ – Kiều Hạnh cùng 3 người con Mai Hương – Bạch Tuyết – Lang Sơn (người em trai không may đã mất từ nhỏ)

– Cô bắt đầu đóng kịch từ năm nào?

Tôi bắt đầu lên sân khấu từ năm 1945 ở Huế, trong vở Đề Thám của Từ Lâm với một số anh chị em nghệ sĩ và công chức tại Huế. Kết quả rất tốt đẹp. Từ đấy trở đi, tôi được giới văn nghệ Thừa Thiên chú ý và trao cho giữ những vai trò quan trọng trong những buổi trình diễn của ban kịch Liên đoàn Văn hóa Thừa Thiên.

– Trong những vở kịch mà cô đã đóng, cô thích nhất vở nào, vai trò nào?

Trong những vở kịch mà tôi đã đóng, tôi thích nhất vở kịch lớn Lôi Vũ của Tào Ngu do ban Hoa Lan trình diễn cách đây 11 năm tại Hà nội. Trong đó tôi sắm vai Thị Phượng. Đây là một vở kịch mà tôi đã tốn công phu tập dược mất bốn tháng trời. Vai Thị Phượng làm tôi rất thích thú vì là vai nhiều tình cảm và tâm lý phức tạp. Sau buổi trình diễn vở kịch này, các báo chí đã tỏ lời ngợi khen tôi.

Từ ngày vào diễn ở Saigon, tôi cũng thích mấy vở nữa như Trở Về của Minh Hải, Hai Thái Cực của Đỗ Viên, Hạnh Phúc Gia Đình của Hoàng Năm, và Người Mẹ Quê của Vũ Đức Huy.

– Cô đến với Đài phát thanh từ năm nào?

Tôi đến với Đài phát thanh từ đầu năm 1953, hồi ấy anh Thiếu Lang phụ trách ban kịch vô tuyến Quốc gia của Đài. Sau đó ít lâu, đài thành lập ban Thiếu Sinh Nhi Đồng, vợ chồng tôi được mời phụ trách Ban này.

– Hỏi về điện ảnh, cô thích xem loại phim nào nhất? Cô cho biết tên những nam nữ tài tử điện ảnh thế giới mà cô ưa thích?

Tôi thích xem loại phim tình cảm và trinh thám. Những tài từ điện ảnh tôi thích nhất là Glenn Ford, Curd Jurdgens, Vittorio Glassmann, James Dean, Yvonne Sanson, Grace Kelly, Sophia Loren, Pier Angeli.

– Theo cô, muốn trở thành một kịch sĩ, ít nhất người ta phải có những điều kiện gì?

Cần phải có những đức tính nhẫn nại, phục thiện, ham học hỏi. Cần phải có một giọng nói rõ ràng, còn nhan sắc xấu đẹp, thân hình cao thấp, béo gầy, theo tôi không phải là những điểm quan trọng lắm.

– Với những thiếu nữ có tâm hồn yêu mến kịch nghệ, muốn thành một nữ kịch sĩ, cô có những kinh nghiệm gì để giúp họ?

Theo ý tôi, trước hết người ta phải trau dồi những đức tính căn bản trên của một nữ kịch sĩ. Tức là phải nhẫn nạn, phục thiện, ham tìm học, dẹp tự ái, và nhất là yêu nghề. Phải đặt mình trước vào vai trò mình đang đóng để sống với nhân vật, và để tình cảm rung động theo nhân vật.

– Cô có ý định để cho con của cô trở thành kịch sĩ không?

Chúng tôi có xây dựng cho hai đứa con gái tôi sau này trở thành kịch sĩ và nhạc sĩ. Hiện nay, các cháu đang học trong trường âm nhạc quốc gia và hát trong ban Thiếu sinh Nhi Đồng của Quốc gia. Chúng tôi hy vọng giúp cho các cháu có một cái vốn học kha khá, trước khi chúng chuyên hẳn về nghệ thuật.

Hai chị em Mai Hương – Bạch Tuyết

(Báo Kịch Ảnh năm 1957, tư liệu của Leminh Saigon)

Xin chân thành cảm ơn quý vị đã dành thời gian đọc bài viết này. Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp quý vị hiểu rõ hơn về ký ức về nghệ sĩ Kiều Hạnh và Ban Tuổi Xanh, cũng như về thời “nhạc dành cho trẻ em” tại Việt Nam trong quá khứ. Chúc quý vị luôn khỏe mạnh và hạnh phúc!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận