Nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của công nghệ điện toán, việc làm báo, in báo đã trở nên thuận tiện với sự trợ giúp hầu hết của máy móc tối tân. Vì vậy sẽ rất khó cho chúng ta hiện nay hình dung về cách mà người ta làm báo, in báo thời gần 100 năm trước. Các việc soạn bai, sắp chữ, in chữ… đều làm thủ công với sự hỗ trợ rất hạn chế của máy móc.
Năm 1929, tuần báo Phụ nữ Tân văn ra đời và trở thành một hiện tượng đối với báo chí quốc ngữ Việt Nam. Chủ trương của báo là đấu tranh cho nữ quyền, vận động mạnh mẽ cho việc học và viết chữ quốc ngữ, khuyến khích giới trẻ viết báo để rèn luyện văn quốc ngữ. Báo Phụ nữ Tân văn quy tụ được nhiều danh bút trên cả nước trong ban biên tập như: Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, Trịnh Đình Thảo, Tản Đà, Nguyễn Tử Thực, Bùi Thế Mỹ, Cao Văn Chánh, Hồ Biểu Chánh… Tờ báo cũng được sự cộng tác của Sào Nam Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim, Diệp Văn Kỳ…
Trong số 59 ra ngày 3/7/1930, Tòa soạn Phụ nữ Tân văn có công khai mô tả khá chi tiết về quá trình xuất bản một tập báo, chia sẻ những điều thú vị không chỉ đối với người xưa, mà cũng thú vị với cả chúng ta ngày nay:
Phàm muôn việc ở đời, cái gì cũng phải có nhơn rồi mới có quả, có dụng, trước phải có công, nếu mỗi việc gì ai cũng chịu khó suy xét đến nơi, thì còn nói gì, mà đó chính là một điều có ích cho sự học vấn và mở mang trí thức của mình vậy.
Bài nầy, chúng tôi đem hết những công việc xếp đặt cho thành lập báo Phụ nữ Tân văn, nhơn tiện cũng là mổ bài tỏ công phu và chức vụ của chúng tôi ra cùng chư vị độc giả tường lãm.
Phạm vi báo giới ở nước nhà tuy không được mở mang rộng rãi và có công việc bộn bề như ở các nước có quyền ngôn luận tự do, song một tập báo như bổn báo, dày 32 trương giấy và mỗi tuần lễ xuất bản có một lần, vậy mà công việc xếp đặt ở trong, cũng mất ngày giờ, tốn công phu nhiều lắm chớ không phải là dễ dàng, Có chịu tốn công phu và lo xếp đặt vậy mới thành tập báo như chư vị đã thấy đó; thiệt tình chúng tôi không dám tự phụ rằng làm như vậy đã là tận thiện tận mỹ gì, nhưng cũng đủ bày tỏ cái chỗ chúng tôi ra công gắng sức làm vậy.
Chúng tôi muốn thuật rõ công phu mỗi tuần của chúng tôi, lo làm cho thành tập báo Phụ nữ Tân văn, để chư vị độc giả biết rằng chư vị đã chiếu cố đến tờ báo nầy, thiệt tờ báo nầy không hề dám phụ lòng vậy.
Việc soạn bài vở
Chúng tôi lo lắng thứ nhứt là việc soạn bài vở đăng báo; tức là lo việc bếp nước cho nhà báo, theo một tiếng nói riêng của báo giới Âu Mỹ. Thiệt vậy, việc biên tập bài vở đăng báo không khác gì việc lo nấu nướng món ăn để đãi khách; độc giả là khách, mà chúng tôi là đầu bếp vậy. Tất nhiên phải lo làm sao, từ những món hải vị sơn hào cho tới tương rau bánh trái; món nào cũng phải sạch sẽ ngon lành; mà cốt nhứt là ở chỗ khéo đi chợ mua đồ, khéo nấu ăn trở bữa, có vậy mới là đầu bếp làm tròn phận sự.
Phận sự của chúng tôi làm bếp cho Phụ nữ Tân văn như vậy đó.
Bài vở, hoặc là tự các bạn đồng sự với chúng tôi viết ra, hoặc là của các độc giả xa gần gởi tới, trước khi đăng báo, chúng tôi phải hội lại với nhau, xem xét lựa chọn rất là kỹ càng cẩn thận. Làm vậy là để cho tập báo nầy, con đường bắt đầu ra đi, từ bài xã thuyết, trải qua những bài nghiên cứu học thuật, những mục gia chánh vệ sanh, dẫn xuống tới mục tiểu thuyết và phần nhi đồng là hết, mục nào, bài nào, cũng đều có ý nghĩa, đều là hạp thời, và có bổ ích cho chư vị độc giả về trí thức, về kiến văn cả.
Một bài nào, hay là một tin gì, một việc gì dầu là văn hay ý là mà xem ra có hại cho tinh thần của người coi, hay là cho luân lý của xã hội, thì bổn báo bỏ đi lập tức.
Chúng tôi biết rằng việc in ra một tờ báo cho muôn ngàn người đọc, là một việc khó khăn, mà thứ nhứt là làm một tờ báo cho bạn phụ nữ ta đọc lúc nầy, càng là việc khó khăn hơn nữa. Đối với việc soạn bài vở, chúng tôi phải thận trọng là như thế. Chẳng những bài vở phải thận trọng mà thôi, cho tới những lời rao hàng, chúng tôi phải kén chọn kỹ lưỡng nữa. Không phải chúng tôi ham tiền nhiều, mà lời rao nào đưa đến cũng đáng cả đâu: đại khái như những lời rao coi tay, xem tướng, hay là những lời rao nào mà xét ra có ý giả dối lường gạt ở trong, thì dầu trả mắc tiền cho mấy chúng tôi cũng không đăng. Chúng tôi nghĩ rằng đăng những lời rao coi tay xem tướng, ấy là gợi lòng mê tín của đồng bào, hay là đăng những lời rao như hàng lá môn, ấy là để cho độc giả bị người lường gạt, vì chúng tôi nhận ra rằng độc giả hay có lòng tin chắc ở lời rao trong tờ báo mà mình ưa đọc. Nếu độc giả chịu coi kỹ từ cái lời rao trong tập báo nầy, thì sẽ biết là chúng tôi thận trọng về chỗ đó lắm.
Bài vở đăng mỗi kỳ báo, ví dụ như kỳ số 59 đây, ra thứ năm tuần nầy, nhưng mà chúng tôi đã phải dự bị sẵn sàng và xong hết từ thứ năm tuần trước, chỉ trừ ra có bài nào, hay là cái tin gì cần kíp, thì mới để lại trước ba ngày báo ra mới đưa in mà thôi.
Vì Phụ nữ Tân văn xuất bản 32 trương lớn như nầy, và in tới 10.800 số, cho nên việc sắp chữ phải ba ngày ròng rã để in và đóng thành tập, cả thảy là 6 ngày hay là đúng một tuần lễ thì mới xong. Báo chúng tôi phải dự bị trước một tuần lễ là vì thế. Như số 59 nầy in ra rồi, thì số 60 đã đương sắp chữ và sắp lên máy in.
Việc sắp chữ và trình sở kiểm duyệt
Nhơn vì bổn báo chưa có nhà in riêng, nên còn phải mướn in. Trước kia ở nhà in ông J. Viết, bây giờ in ở nhà in Albert Portail. Đã có độc giả viết thơ than phiền với chúng tôi, sao tập báo của người Annam, không mướn nhà in Annam, lại đi in ở nhà in Tây. Điều trách ấy nghĩ cũng phải, nhưng mà nếu xét cho kỹ về sự in tập báo nầy, đã nhiều trương, bìa lại in màu, và in ra nhiều như thế, thì phải nhà in lớn mới đặng. Chúng tôi nhắm chừng nhà in ta ở Saigon, chỉ có như nhà in ông Huyện Của và ông J. Viết là có thể in nổi Phụ nữ Tân văn cho hẳn hòi tốt đẹp được. Song hai nhà in nầy, đều bận làm nhiều công việc qua, thành ra chúng tôi đã đi hỏi, ông Của thì không nhận lãnh, còn ông J. Viết, năm ngoái đã in một năm, mà bước qua năm nay, thì ông tăng giá lên quá, không làm được nhiều việc khác nữa.
Bởi cớ ấy nên bổn báo phải mướn nhà in Portail là nhà in Tây. Tuy là nhà in Tây, nhưng cũng đồng bào ta cả, và giá lại hạ, như vậy cũng có thể in đỡ ở đó ít lâu, để chờ bổn báo lập nhà in riêng.
Có tấm hình bổn báo in đây, chính là chỗ thợ sắp chữ cho Phụ nữ Tân văn vậy.
Bài vở soạn xong rồi, như bài nào muốn sắp bằng thứ chữ gì: chữ đứng (romain), chữ xiên (itallique), hay là kiểu chữ nào khác như: Latin, compacle, initiales larges hay étroles, anlique v.v.. muốn chữ lớn hay chữ nhỏ, kiểu hoa hay kiểu thường, thì phải ghi vào bên cạnh bản thảo cho thợ biết; rồi đó mới đưa xuống nhà in cho thợ sắp chữ.
Toán thợ mà nhà in để riêng về việc sắp báo Phụ nữ Tân văn có chừng 10 người, vừa lớn vừa nhỏ. Có một người lớn tuổi thạo việc, đứng làm Cai; Cai nhận bài của nhà báo đưa lại, rồi phân phát cho thợ sắp chữ. Độc giả coi tấm hình chụp các thợ sắp chữ đây, tưởng cũng thấy đại khái là họ sắp chữ ra thế nào.
Những cái hộc bằng cây chia ra từng ô nho nhỏ và đe xiên, mà độc giả thấy đó là hộc đựng chữ; mỗi ô đựng một thứ chữ, ví dụ như ô nầy dòng chữ a, ô kia dòng chữ b v.v.. Hộc chữ, phía trên là chữ hoa, phía dưới là chữ thường, còn hai ba cái ô chót ở phía dưới nữa là đựng những cái kêu là cadras, espaces, là đồ cũng bằng chì, dùng để xen vào chữ, cho phân cách chữ nầy với chữ kia. Hộc đựng chữ có nhiều ô như vậy mặc lòng, nhưng chữ nào ở ô nào thì nhứt định ở ô ấy, nên chi thợ đã quen, cứ bốc là trúng, chớ không phải nhìn vào mặt chữ mới được. Có thợ thạo nghề, nhắm mắt rồi lượm chữ mà sắp, cũng như tay nghề đánh máy chữ, không phải trông vào máy vậy.
Thợ sắp chữ để bài ở trước mặt, nhìn từng chữ trong bài, theo thứ tự trước sau, mà lượm từng chữ ở trong hộc ra; ví dụ như sắp một hàng chữ “Cùng chư quí độc giả”, thì lấy chữ C hoa trước, tới chữ ù, tới chữ n, tới chữ g. Hết chữ Cùng là xong một tiếng, thì lấy một miếng nhỏ bằng chì, cùng một cỡ với chữ mà thấp hơn, để xen vào giữa hai chữ cho phân cách nó ra. Rồi lại sắp tiếp chữ khác. Còn như hàng chữ, dài vắn là tùy theo mỗi tờ báo, như mỗi hàng của bốn báo đây, dài 9 centimètres thì bất luận là mấy chữ, cứ tới cỡ đó là một hàng.
Thơ sắp chữ, lượm chữ để vào một cái kêu là composleur, nghĩa là thứ để sắp chữ. Xong một hàng thì thợ lấy miếng chì, mỏng và nhỏ, kêu là interligne để ngăn cho cách hàng nầy với hàng kia. họ sắp được chừng mười lăm hàng, nghĩa là chừng nào đầy cái composteur rồi, thì để ra một miếng ván có rìa ở bề ngang và bề dọc, kêu là galée. Sắp xong mỗi bài thì cột nhợ xung quanh, kêu là một paquet. Ấy là bài cụt, nếu bài dài thì phải chia ra năm bảy paquets không chừng. Anh thợ nào sắp bài nào xong thì lấy giấy, vỗ bài ấy ra, đưa cho người sửa bài (correcteur) sữa lỗi. Cách sửa bài đã có những cái dấu riêng. Thợ giỏi sắp bài thì có lỗi ít; thợ dở thì để lỗi nhiều, hễ bài nào sắp để lỗi nhiều thì có khi phải sửa tới sửa tới hai ba lần; mỗi lần sửa kêu là một épreuve, thường khi sửa đến 3 épreuve là hết lỗi rồi. Sự thợ sắp bài có lỗi nhiều hay ít, lâu hay mau, cũng còn tùy ở chữ của người viết bài; có bài viết tháu quá, thợ nhìn không ra, thì chẳng những sắp lâu mà lại nhiều lỗi nữa. Bởi vậy thường thường bổn báo phải rao rằng ai gởi bài đến đăng, thì phải viết rõ ràng và viết một mặt giấy mà thôi.
Sự sắp chữ là như vậy.
Báo Phụ nữ Tân văn dày tới 32 trương, thì 10 người thợ vừa sắp chữ vừa sữa lỗi, phải ba ngày mới xong. Khi sắp chữ xong, thì một người trong nhà báo phải tới nhà in, chỉ cho thợ đặt bài nào trước, bài nào sau, cho có thứ tự; công việc xếp đặt từng bài từng trương đó, kêu là mise en page.
Nếu như báo Tây, hay là báo nào ở nước khác, khi làm mise en page xong là có thể lên máy in ngay được rồi. Nhưng báo quốc ngữ ở Việt Nam nầy không thế; xếp đặt thành trương xong rồi, lại phải lấy giấy mực, vỗ hai xấp, đưa trình cho sở kiểm duyệt báo coi. Như báo Phụ nữ Tân văn chúng tôi có 32 trương, thì mỗi kỳ phải vỗ thành ra 64 trương, nghĩa là mỗi trương vỗ thành hai, để đem đi kiểm duyệt.
Sở kiểm duyệt đọc xong bấy nhiêu trương cũng hết một ngày, hễ bài nào, khúc nào, hay chữ nào mà sở kiểm duyệt thấy nói động chạm tới thời thế, phạm tới quan trên v.v.. thì gạch chữ xanh vào chỗ đó, mà đề chữ censuré. Bài nào hàng nào mà sở kiểm duyệt bôi đi, thì phải lấy ra, hoặc đặt bài khác, hoặc lấy những cái chấm để thế vào, hoặc là để trắng; nếu vô ý bỏ sót lại mà in, thì tánh mạng tờ báo phải nguy lắm. Đó là sự bất hạnh đã xảy ra cho bạn quá cố của chúng tôi là báo Thần Chung vậy.
Báo Phụ nữ Tân văn nầy thường khi bị sở kiểm duyệt bôi đi cả trương, cả bài, chúng tôi phải lấy lời rap thế vào; có khi gấp quá, phải để trống chỗ đó, chắc độc giả đọc tới, cũng hiểu là vì sao.
Công việc xếp đặt một tờ báo, từ đây trở lên chúng tôi mới nói về sự soạn bài vở đăng báo, sự sắp chữ, sự đặt thành trương (mise en page) và sự đưa trình kiểm duyệt; đó là mới kể ra một phần công việc đầu tiên mà thôi. Còn việc in, việc đóng thành tập, việc phát hành, cũng đều là công việc nặng nề cả, nhưng vì bài nầy dài quá rồi, xin để kỳ sau sẽ nói tiếp theo.
Đôi nét về tuần báo Phụ nữ Tân văn
Năm 1929, Bà Cao Thị Khanh sáng lập Tuần báo Phụ nữ Tân văn ở Sài Gòn, còn chồng bà là ông Nguyễn Đức Nhuận làm chủ nhiệm. Vợ chồng ông bà Nguyễn Đức Nhuận có một cửa hàng tơ lụa lớn ở số 42 đường Catinat, Tòa soạn Phụ nữ Tân văn ban đầu nằm ở tầng 2, tầng trệt là cửa hàng tơ lụa. Nhưng chỉ sau 1 năm tờ báo phát đạt, Tòa soạn đã mở rộng ra cả căn nhà số 42, cửa hàng tơ lụa của ông bà Nhuận dời đi nơi khác.
Phụ nữ Tân văn ra số đầu tiên ngày 2/5/1929. Trong lịch sử báo chí nước ta, đây là tờ báo thứ 2 của nữ giới do chính phụ nữ làm chủ, có khuynh hướng tiến bộ, tuyên truyền dân chủ, dân sinh, đấu tranh cho nữ quyền, bênh vực quyền lợi của phụ nữ.
Trong lời giới thiệu số đầu tiên, báo viết: “Ngày hôm nay, Phụ nữ Tân văn ra đời, là non sông thêm một tay thợ điểm tô, xã hội thêm một người lo công việc, trên trường văn trận bút thêm một đội binh đàn bà, mà trong buồng khuê các của chúng ta cũng có một cơ quan để cùng nhau phấn đấu với đời đây!”.
Trên trang bìa của Phụ nữ Tân văn là hình 3 cô gái trong trang phục Bắc, Trung, Nam với câu thơ thể hiện rõ tôn chỉ của tờ báo:
“Phấn son tô điểm sơn hà
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”
Phụ nữ Tân văn in rất đẹp, có thể nói là đẹp nhất thời ấy, ban đầu do nhà in Nguyễn Văn Viết thực hiện nhưng sang năm 1930 thì số lượng phát hành đã lên đến 10.000 bản, không nhà in Việt Nam nào đảm nhận được nên phải giao cho nhà in Albert Portail của người Pháp in. Đây còn là tờ báo địa phương đầu tiên ở Sài Gòn bán ra miền Trung và Bắc.
Phụ nữ Tân văn chiêu mộ được rất nhiều cây bút báo chí lừng danh thời ấy ở cả 3 miền, đặc biệt là có đủ “tứ đại” làng báo Sài Gòn là Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, Diệp Văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ.
Về chính trị, báo chủ trương trung lập, tuy nhiên thể hiện thái độ chống thực dân và ủng hộ tích cực nhưng phong trào yêu nước. Trong điều kiện thuộc địa mà Phụ nữ Tân văn vẫn can đảm đưa tin và bình luận ủng hộ những nghĩa sĩ của khởi nghĩa Yên Bái, một điều mà nhiều tờ báo khác cùng thời rất e dè. Nhiều độc giả miền Bắc thời đó đón đọc Phụ nữ Tân văn để theo dõi sự việc này.
Về xã hội, báo chủ trương cấp tiến, vận động thay đổi theo hướng hiện đại hóa. Phụ nữ Tân văn phát triển như một hình thức nữ quyền, trong đó phụ nữ khẳng định vai trò của họ trong việc tái tạo nòi giống và chăm sóc trẻ em. Những bài đăng trên Phụ nữ Tân văn đồng thời nêu ra sự tương đồng giữa gia đình và quốc gia, nhấn mạnh đến tính chất hạt nhân của gia đình trong việc hình thành một quốc gia hùng cường. Tờ báo cũng nhắm vào độc giả trẻ em, dạy chúng biết trân trọng và dành tình yêu cho quê hương đất nước.
Bên cạnh đó, Phụ nữ Tân văn thường xuyên có những bài phổ biến tri thức, bênh vực quyền lợi nữ giới, những bài phản đối quan niệm cổ hủ như ngăn cấm giới nữ tham gia các hoạt động thể dục – thể thao, đi xe đạp, cắt tóc ngắn, đến trường học hay thưởng thức văn học – nghệ thuật…
Ngoài việc dùng giấy mực để cổ vũ lối sống mới, hai vợ chồng bà Cao Thị Khanh còn tích cực tổ chức nhiều hoạt động xã hội dưới danh nghĩa của tờ báo nhằm cụ thể hóa những đường lối mà tờ báo đã chủ trương. Quỹ “Đồng xu học sinh nghèo” ra đời để giúp những học trò nghèo theo đuổi con đường học vấn.
Báo còn tiến hành phong trào “Bữa cơm cho người nghèo”, tổ chức ra “Ban ủy viên Phụ nữ cứu tế”, thành lập hội Dục Anh với chức năng chăm sóc trẻ em nghèo và cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ; lập Nữ lưu học hội để tạo môi trường trao đổi, bàn luận về các vấn đề bình đẳng giới, khuyến khích phụ nữ tham gia vào các diễn đàn chính trị và khoa học, thúc đẩy giáo dục trẻ em gái…
Trên lĩnh vực văn học, đóng góp lớn nhất của Phụ nữ Tân văn là đã nổ phát súng khởi đầu chính thức cho phong trào Thơ mới – một bước ngoặt của thi ca Việt Nam thế kỷ XX và từ đầu đến cuối kiên định ủng hộ cho phong trào này, góp phần củng cố và làm nên những tên tuổi Phan Khôi, Nguyễn Thị Manh Manh, Hồ Văn Hảo, Lư Khê…
Bên cạnh đó, nhiều tác giả có tên tuổi khác cũng chọn Phụ nữ Tân văn là nơi công bố các sáng tác của mình như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà, Hồ Biểu Chánh, Mộng Tuyết, Vân Đài, Đạm Phương nữ sử…
Phụ nữ Tân văn cũng là tờ báo mở đầu cho truyền thống làm báo xuân ở Việt Nam. Số báo đặc biệt Mừng xuân Canh Ngọ ra ngày 30/1/1930 được các nhà nghiên cứu báo chí cho là tờ báo xuân đầu tiên trong cả nước với bài vở chọn lọc và in màu rất đẹp.
Tháng 5/1932, báo Phụ nữ Tân văn tổ chức Hội chợ từ thiện để gây quỹ cho hội Dục Anh thì bị hai tờ báo cạnh tranh, viết báo đả kích, tố cáo bà Cao Thị Khanh đã tư túi khoản tiền thu được từ hội chợ. Phụ nữ Tân văn lên tiếng bút chiến kéo dài suốt mấy năm. Cuối cùng, tòa xử Phụ nữ Tân văn trắng án. Thế nhưng vụ việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của báo, cộng thêm gặp phải khủng hoảng kinh tế, báo ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì. Phụ nữ Tân văn chính thức đình bản sau số 273 ra ngày 21/4/1935.
Sau cơn sóng gió xảy ra với tờ báo tâm huyết, cộng thêm sản nghiệp sa sút do khủng hoảng kinh tế, vợ chồng bà Cao Thị Khanh sang Pháp sinh sống.