Lan Và Điệp: Câu chuyện huyền thoại trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam

0
14

Lan và Điệp là câu chuyện tình yêu đẹp và bi kịch trong văn hóa Việt Nam. Hai người yêu nhau nhưng không thể đến với nhau. Người đẹp Lan buồn buồn bã và đã đi tu trong chùa.

Lan Và Điệp là cái tên nổi tiếng trong làng nghệ thuật Việt Nam, bắt đầu từ tiểu thuyết mang tên Tắt Lửa Lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan sáng tác năm 1933.

Câu chuyện nói về mối tình lãng mạn, đầy trắc trở của cô gái tên Lan và chàng trai tên Điệp. Do mắc mưu của ông quan Phủ ở tỉnh lẻ, Điệp – học sinh nghèo – phải phụ tình vị hôn thê là Lan để cưới Thúy Liễu, con gái ông Phủ. Lan ôm mối tình tuyệt vọng bỏ nhà đến chùa để cắt tóc đi tu. Cao trào của câu chuyện khi Điệp tìm được ngôi chùa mà Lan đang tá túc, thì cũng đúng lúc nàng trút hơi thở cuối cùng. Tác phẩm “Tắt lửa lòng” nhanh chóng thu hút được sự chú ý của công chúng và được các nghệ sĩ chuyển thể ra nhiều hình thức khác nhau.

Ngay từ năm 1936, soạn giả Trần Hữu Trang biên kịch lại Tắt Lửa Lòng và chuyển thể thành vở cải lương Hoa Rơi Cửa Phật năm 1936. Sau đó soạn giả Loan Thảo cũng chuyển thể thành vở mang tên Lan Và Điệp, và đây cũng là cái tên nổi tiếng nhất của câu chuyện Tắt Lửa Lòng. Năm 1964, bộ 3 nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng sáng loạt loạt 3 ca khúc Truyện Tình Lan Và Điệp và ăn khách chưa từng thấy, đến năm 1972 đạo diễn Lê Dân làm cuốn phim Lan Và Điệp với dàn diễn viên nổi tiếng, đều xuất phát từ sân khấu cải lương là Thanh Nga, Thanh Tú, Bạch Tuyết.

Cái tên Lan Và Điệp dễ gợi nhớ và dễ gọi hơn cái tên gốc của tiểu thuyết, nên từ đó phổ biến rộng rãi trong công chúng. Tác giả Nguyễn Công Hoan kể lại trong hồi ký như sau:

“Trong các truyện dài của mình, có truyện Tắt Lửa Lòng và Lá Ngọc Cành Vàng chuyển thể thành cải lương. Không biết ai chuyển thể vì không ai xin phép mình. Một lần, có gánh hát cải lương về Thái Bình. Họ quảng cáo diễn vở Tắt Lửa Lòng của Nguyễn Công Hoan. Có lẽ họ không biết mình ở đấy, hoặc biết mà cố tình lờ đi không nói với mình một tiếng, nên mình cáu lắm, mới tìm đến người chủ gánh hát và cấm diễn. Tối hôm ấy, họ không dám diễn vở Tắt Lửa Lòng. Nhưng vài tối sau thì mình thấy quảng cáo là vở Lan Và Điệp, không nói tên tác giả. Từ đó Tắt Lửa Lòng đổi thành Lan Và Điệp”

Trở lại với tác phẩm chuyển thể đầu tiên của Tắt Lửa Lòng là vở cải lương Hoa Rơi Cửa Phật của soạn giả Trần Hữu Trang với sự trình diễn của nghệ sĩ Năm Phỉ, Tư Út. Tác giả Ngành Mai kể lại:

Buổi trình diễn khi vở hát mới ra đời ấy, do cô đào Năm Phỉ đóng vai Lan, kép Tư Út đóng vai Điệp, đôi nghệ sĩ tiền phong thượng thặng này đã mở đầu cho hai nhân vật chính Lan-Điệp trở thành bất tử với thời gian (nữ nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ từng được huy chương của chính phủ Pháp, của Vua Miên, Quốc Vương Lào, và Hoàng Đế Bảo Đại).

Trong lịch sử nghệ thuật sân khấu chưa có vở hát nào được giới mộ điệu ưa thích, đến đỗi càng về sau câu chuyện càng mở rộng xâm lấn sang các lãnh vực văn nghệ khác.

Năm 1948, hãng dĩa ASIA đã cho thu âm vở cải lương này vào 4 đĩa nhựa với tựa đề “Hoa rơi cửa Phật”, với sự tham gia của các danh ca Tư Sạng (Lan), Năm Nghĩa (Điệp), Tám Thưa (Hòa thượng), Hồng Châu (Tiểu Huệ Thông). Đĩa nhạc nhanh chóng phổ biến từ Nam chí Bắc, lan đến Cao Miên và Lào. Theo như nhà phát hành lúc ấy cho biết, kiều bào xứ Chùa Tháp tiêu thụ dĩa hát này nhiều gấp 3, 4 lần đại lý dĩa hát ở Cần Thơ. Do ở đất Miên dễ làm ăn, người ta dám mua sắm, vả lại số người sang đây lập nghiệp đại đa số là người Nam Kỳ Lục Tỉnh, mà cổ nhạc cải lương đã gắn liền với đời sống tinh thần của họ.


Click để nghe lại Hoa Rơi Cửa Phật thu âm năm 1948

Dĩa “Hoa Rơi Cửa Phật” cũng được đưa sang Lào và cả ở bên trời Tây, do vậy mà kiều ở Pháp vẫn còn những người lưu giữ các dĩa hát xưa ấy. Song song đó cuốn bài ca “Hoa Rơi Cửa Phật” cũng được ra đời bán ở các chợ miền quê, chợ nhỏ, lớn nào cũng có người bán.

Rồi cũng từ đó các gánh hát bầu tèo (gánh hát nhỏ) ở thôn quê đã sao chép lời ca, lời đối thoại, rồi thêm thắt vào dựng lên tuồng cải lương “Lan và Điệp” phục vụ bà con ở thôn quê và cũng được hoan nghinh.

Năm 1970, khi phong trào kịch nói lớn mạnh, ban kịch Kim Cương đã trình diễn vở kịch nói “Lan và Điệp”, do chính nghệ sĩ Kim Cương thủ vai Lan (Kim Cương là cháu ruột của nghệ sĩ Năm Phỉ – người đầu tiên đóng vai Lan). Vở kịch này cũng thu hút được sự chú ý của khán giả không kém cải lương và nhanh chóng được phát trên truyền hình lúc đó.

Cùng thời điểm này, kịch bản cải lương Chuyện tình Lan và Điệp của tác giả Loan Thảo với sự trợ giúp của soạn giả Thế Châu đã được thu thanh và trở thành bản ghi âm chuẩn mực nhất cho vở tuồng này tính đến hiện tại. Tham gia vở diễn là các giọng ca nổi tiếng như Chí Tâm (Điệp), Thanh Kim Huệ (Lan), Tú Trinh (Thúy Liễu), Hữu Phước (ông Tú – ba của Lan),…


Nghe tuồng Lan Và Điệp thập niên 1970

Lan Và Điệp cũng đi vào tân nhạc từ năm 1964, trở thành bài hát đầu tiên mở màn thành công rực rỡ cho sự kiết hợp của bộ 3 nhạc sĩ Lê Minh Bằng.

Vào khoảng năm 1964-1965, khi cái tên Lê Minh Bằng chưa được sử dụng thì 3 nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng đã thử nghiệm sáng tác cùng nhau, và 1 trong những ca khúc đầu tiên chính là Chuyện Tình Lan Và Điệp 1 (tên chính xác là Truyện Tình Lan Và Điệp – ca khúc 1) – Bài hát có doanh số bán nhạc tờ được hàng triệu bản, một kỷ lục vào thời đó.

Bài Truyện Tình Lan Và Điệp được ký tên sáng tác là Mạc Phong Linh – Mai Thiết Lĩnh – một cái tên rất lạ, được nhạc sĩ Lê Dinh giải thích là một phần muốn gây sự chú ý đến công chúng, một phần là vì cả 3 không tự tin về sự thành công của một ca khúc “ăn theo” tuồng cải lương rất nổi tiếng thời ấy, nên không muốn lấy bút danh chính vì lỡ có ca khúc bị thất bại thì không bị ảnh hưởng đến danh tiếng nhiều năm của các nhạc sĩ.

Trái ngược với sự lo sợ đó, Truyện Tình Lan Và Điệp có được thành công chưa từng có, làm tiền đề để họ cùng sáng tác thêm Lan Và Điệp 2,3 – cũng đều rất ăn khách.

Trong vài chục sáng tác nổi tiếng của nhóm Lê Minh Bằng, bộ 3 ca khúc Truyện Tình Lan Và Điệp vẫn là ăn khách và bán chạy nhất. Bài hát này được Nhật Trường và Hoàng Oanh thu thanh lần đầu trong dĩa nhựa và liên tục được phát trên đài phát thanh những năm giữa thập niên 1960. Khán giả yêu cầu phát thanh “Truyện Tình Lan và Điệp” hàng ngày, hàng tuần, liên tiếp trong nhiều tháng trời, tầng suất phát gấp chục lần các bài hát khác.


Click để nghe Truyện Tình Lan Và Điệp (Nhật Trường – Hoàng Oanh)

Các bản nhạc tờ của bài hát được in ra không đủ bán. Nhà in Tương Lai ở đường Trần Hưng Đạo có bao nhiêu máy in cũng được sử dụng để in “Truyện Tình Lan và Điệp 1″ (Sau đó là Lan và Điệp 2,3) ròng rã suốt ngày đêm, nhạc sĩ Lê Dinh phải xuống nhà in ngủ lại để giám sát việc in ấn, đề phòng nhà in cho in nhiều hơn số lượng đặt hàng để tuồn bán lậu. Tổng cộng là gần 4 triệu rưỡi bản nhạc (của 3 ca khúc) được in ra trong vòng hai năm. Mỗi bản nhạc được bán ra 5 đồng thì tổng thu về được gần 15 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí.

Nhạc sĩ Lê Dinh kể lại:

“Chúng tôi không bao giờ có thể ngờ được những bài như “Truyện Tình Lan và Điệp”, “Cô Hàng Xóm” và nhiều bài khác – cũng thuộc loại bài có lời ca hợp với đa số người bình dân – lại được phần đông mến chuộng. Bằng cớ là mỗi lần xuất bản đến 10.000 bài, chỉ trong vòng một tuần lễ là hết sạch. Các đại lý yêu cầu tái bản tới tấp, chúng tôi phải có mặt suốt đêm trong nhà in Tương Lai, đường Trần Hưng Đạo, để lo in cho kịp. Có nhiều bài có mức phát hành lên đến cả trăm ngàn bản.

Chúng tôi đã đúc kết được điều quý giá, là muốn một bài nhạc được phổ thông và được chấp nhận thật sâu trong dân chúng, ngoài nét nhạc dễ thuộc, dễ nhớ… còn phải thật dễ thương. Nghĩa là âm điệu phải uyển chuyển, có hồn nhạc, thính giả dễ nhớ thoang thoáng âm điệu khi nghe qua lần đầu. Về phần lời ca, đừng quá giản dị (đại loại như “Ước gì mình đừng ngăn cách, nhà mình chung vách, hai đứa mình thức trắng đêm nay”), nhưng cũng đừng quá cầu kỳ, đừng bắt người ta nghe nhưng không hiểu gì hết…”

Ngòi ra, Lan Và Điệp cũng được đưa lên màn ảnh rộng năm 1972, đó là cuốn phim mang tên Tình Lan Điệp của hãng Dạ Lý Hương Phim.

Lời giới thiệu của phim được ghi như sau:

Sau lần đầu tiên thành công vượt bực về phim Quái Đản “Con Ma Nhà Họ Hứa”, năm 1972 Dạ Lý Hương Phim long trọng trình chiếu một xuất phẩm giá trị Nghệ thuật và Kỹ thuật: Tình Lan Và Điệp. Phóng tác theo tiểu thuyết tình cảm bất hủ “Tắt Lửa Lòng” của cố văn sĩ lừng danh Nguyễn Công Hoan.

Một bộ phim đen trắng 35mm “Tình Lan và Điệp”, dài 1 giờ 30 phút do đạo diễn Lê Dân thực hiện công phu và tốn kém nhất. Dàn cảnh vĩ đại với đền đài dinh thự, y trang cổ truyền thuần túy Việt Nam đúng theo nguyên tác “Tắt Lửa Lòng”.

Phim có sự góp mặt của các diễn viên: Thanh Nga (vai Lan), Thanh Tú (Điệp), Bạch Tuyết (Thúy Liễu), Ba Vân (Ông Phủ), Ngọc Giàu (Bà Phủ), Năm Châu (Ông Giáo), Dũng Thanh Lâm (Cai Tư), Út Bạch Lan, Bé Bự, hai vua hề Tùng Lâm, Thanh Hoài, Phương Quang, Bảy Ngọc, Kiều Mai Lý, Tư Rợm… và trên 20 nghệ sĩ tên tuổi.

Địa điểm quay nồng cốt là một ngôi chùa trên núi Bửu Long, đường cheo leo hiềm trở và chuyên viên phải dựng lên những chiếc lều cây khổng lồ để đặt máy lấy hình. Địa điểm kế là một ngôi nhà uy nghi rộng rãi và giàu sang, ngôi nhà đó là của ông Mười Công một nhân vật có tiếng vùng Nhà Bè, tại ngôi nhà này từng là nơi đoàn của Thẩm Thúy Hằng quay phim “Ngậm Ngùi”, đoàn Kim Cương quay phim “Mưa Trong Bình Minh”.

Từ lĩnh vực cải lương, qua đến điện ảnh thì Thanh Nga vẫn tiếp tục được giao cho vai Lan – người sư nữ trẻ đẹp lòng còn vướng víu nợ trần ai. Ba Vân và Ngọc Giàu trong vai ông bà Phủ hóa trang theo lối xưa, đeo thật nhiều trang sức, bới tóc cổ điển, áo bà ba quần satin đen bóng loáng. Đặc biệt là cô dâu Bạch Tuyết trong vai Thúy Liễu con gái ông bà Phủ, mặc áo thụng lòe loẹt, tóc quấn với khăn vành và nón quai thao thật xưa, chân đi hài con rồng, dáng đi yểu điệu. Thanh Tú vai Điệp với áo dài khăn đóng màu đen.

Đạo diễn Lê Dân đã có sáng kiến dựng lại một đám cưới xưa thật xưa và công phu nhất, một chiếc xe thổ mộ thật xưa kết đầy hoa lá xanh đỏ, một dây pháo dài 25 thước đã được đốt lên rộn rã trong ngày tân hôn.

Câu chuyện nói về một thanh niên tên Điệp (Thanh Tú đóng), nhà nghèo, nhưng nhờ mẫu thân buôn tần bán tảo ngược xuôi, và nhờ một người bạn thân với cha chàng khi xưa là ông Giáo (Năm Châu) giúp đỡ nên chàng vẫn được tiếp tục theo đuổi việc học, lúc nào chàng cũng mong mình sớm thành đạt để có dịp đi làm, đền đáp lại công ơn của mẹ già.

Ông Giáo có một người con gái tên Lan (Thanh Nga), đã cùng Điệp đính ước rằng sau này sẽ nên duyên vợ chồng. Chuyện tình của họ đã diễn ra thật thơ mộng êm đềm trong vòng lễ giáo và được sự chấp thuận của cha mẹ hai bên.

Kỳ thi đó Điệp đậu bằng Thành chung, chàng về quê báo tin mừng cho mẹ, ông Giáo và Lan hay. Chính vì chuyện thi cử này mà cuộc đời Điệp bắt đầu đã vào một khúc quanh mới với nhiều sóng gió.

Quan Phủ sở tại (Ba Vân) có cô con gái là Thúy Liễu (Bạch Tuyết), vì mê đàn hát nên thất thân với Cai Tư (Dũng Thanh Lâm). Muốn cho gia đình khỏi mang tiếng xấu vì con gái chửa hoang, Quan Phủ đã cố tìm cách gài bẫy để bắt buộc Điệp phải nhận lời lấy Thúy Liễu về làm vợ.

Một hôm Quan Phủ cho mời Điệp đến dùng cơm. Trong bữa tiệc, quan cố nài Điệp uống rượu thật say. Khi chàng quá chén không còn biết trời trăng gì nữa, Quan cho khiêng chàng vào nằm trên giường của Thúy Liễu. Sáng hôm sau Quan giả vờ làm dữ khi bắt gặp quả tang Điệp trong buồng của con gái mình.

Dù biết mình bị gài bẫy, nhưng Điệp không có cách gì để chống lại ý muốn của Quan Phủ, chàng đành phải nhận lời lấy Thúy Liễu với cõi lòng tan nát khi nghĩ tới Lan.

Một đám cưới đã được cử hành rấp rút và thật linh đình giữa chàng thư sinh tên Điệp và con gái Quan Phủ.

Cũng chính trong ngày hôm đó, Lan đã âm thầm bỏ nhà tìm đến một ngôi chùa ở một miền hẻo lánh nọ để xin cắt tóc đi tu…

Câu chuyện gốc trong tiểu thuyết Tắt Lửa Lòng:

Truyện kể về cuộc tình lãng mạn, bi ai giữa chàng học trò nghèo tên Điệp và cô gái cùng quê tên Lan, tại làng Văn Ngoại, khu vực chợ Gỏi thuộc vùng Hải Dương xưa, thời kỳ Nguyễn Công Hoan đang dạy học ở đó.

Vũ Khắc Điệp là con ông Cử làm nghề dạy học. Ông Cử kết giao với ông Tú, bố của Nguyễn Thị Lan và hai gia đình hứa gả con và kết tình thông gia với nhau. Khi ông Cử mất, mọi công việc lo toan cho Điệp học hành đều do ông Tú đảm nhiệm. Tình cảm hai nhà gắn bó keo sơn.

Trần Thúy Liễu là con gái ông Phủ Trần, tính cách xấu xa, tinh nghịch, phải lòng và có bầu với Tư Kềnh, một lính khố xanh đóng gần nhà Thúy Liễu.

Điệp sau khi thi lần đầu bằng Thành Chung bị trượt, đến khi thi lần hai thì gặp ông Phủ Trần là bạn học khi xưa với ông Cử – bố của Điệp, ông Phủ có hứa giúp đỡ Điệp đỗ kỳ thi này và còn tìm việc làm cho tại Phủ.

Điệp ở nhà ông Phủ Trần và bị mắc lừa nằm ngủ với Thúy Liễu trong lúc say rượu, nên ông Phủ Trần tìm mọi cách ép Điệp cưới Thúy Liễu để tránh mọi dị nghị của xã hội và kiếm cho con mình một tấm chồng hợp pháp. Đồng thời ông Phủ Trần cũng đuổi mọi người làm việc ở Phủ để không ai còn biết Thúy Liễu có quan hệ trước đó với Tư Kềnh.

Sau khi nhờ một ông chánh án Phủ Trần để giúp đỡ thi đậu thì Điệp mắc ơn ông Phủ Trần đó và bị ông ta dụ uống say và bỏ vào chung phòng với cô con gái mập và không được nết na lắm của ông ta tên là Thúy Liễu. Bị vu cho ngủ chung với Thúy Liễu, thế nên ép Điệp phải cưới cô ta. Gia đình Lan và Điệp hết sức buồn rầu vì việc này.

Ngày Điệp cưới Thúy Liễu cũng là ngày Lan cắt tóc đi tu. Nhưng chỉ sau vài tháng thì cãi nhau và Điệp li dị với Thúy Liễu. Rồi Điệp đi tìm đến ngôi chùa nơi Lan tu và giật chuông nhưng Lan không những không tiếp mà còn cắt dây chuông. Vậy nên Điệp thất vọng đi luôn, và muốn gầy dựng cơ nghiệp trước rồi quay lại chuyện nhân duyên sau. Sau đó Thúy Liễu lấy chồng khác là Hoàng Xuân Long – một ông quan Phủ và có 3 đứa con, có một người tên là Hoàng Trần Vũ cùng họ với Vũ Khắc Điệp.

13 năm sau, cha mẹ của Lan, Điệp và Thúy Liễu đều mất. Người con tên Vũ bị đối xử lạnh nhạt, cả gia đình không yêu thương và cả mẹ và cha nuôi cũng ghẻ lạnh. Vũ biết Điệp là chồng trước của mẹ mình và khi cha nuôi hắt hủi đưa địa chỉ thì Vũ đến tìm Điệp. Điệp kể lại sự oan trái của cả hai và đưa địa chỉ của cha đẻ cho Vũ. Vũ đi tìm cha và biết được sự thật rằng ngày ấy Thúy Liễu đã quyến rũ người canh gác tên Cách này, và khi sinh ra Vũ bị Thúy Liễu bóp cổ nhưng Vũ vẫn không chết. Vũ quay về bệnh viện nơi Điệp làm việc và định gửi hai hộp kẹo có thuốc độc cho ba và mẹ mình nhưng bị Điệp biết nên tráo lại.

Cũng vào ngày đó, Điệp nhận được một bệnh nhân sắp chết là Lan. Điệp khi đó mới biết rằng, Lan vì quá buồn nên không đọc thư của Điệp và ôm hận một mình trong lòng mà gây bệnh.

Câu chuyện về Lan và Điệp đã trở thành huyền thoại trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam, thể hiện tình yêu đẹp giữa hai người trẻ. Chúng ta hãy cùng tôn vinh tình yêu và sự hy sinh trong truyện và thưởng thức vẻ đẹp của câu chuyện đầy ý nghĩa này. Cảm ơn bạn đã đọc!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận