Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết “Cho Một Người Nằm Xuống” như một lời tri ân và kính trọng đối với tướng Lưu Kim Cương – người đã hi sinh trong chiến tranh Việt Nam. Bài hát đưa người nghe đến cảm xúc sâu lắng và nhấn mạnh tình yêu thương và hy sinh cho đất nước. Ban nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thể hiện sự kính trọng và biểu hiện sâu sắc của mình dành cho người lính và đồng đội.
Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
Đã vui chơi trong cuộc đời nầy
Đã bay cao trong vòm trời đầy
Rồi nằm xuống
không bạn bè, không có ai…
Hầu như những ai thích nghe nhạc Trịnh, hoặc dù có không thích nhạc Trịnh, thì cũng đã từng được nghe và yêu thích những lời hát đầy da diết này của ông, bài hát mang tên Cho Một Người Nằm Xuống.
Và nếu những ai chưa tìm hiểu rõ, thì dù có nghe, hay đọc kỹ lời ca cũng khó có thể biết nhân vật được nói đến là ai. Chỉ biết người ấy mới qua đời, và lúc còn sống đã có dịp bay cao trên trời.
Bài hát này cùng với Một Cõi Đi Về, Phôi Pha... đã được cất lên trong ngày đưa tiễn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về nơi cuối cùng, lúc đó ai cũng cảm động.
Người được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhắc đến trong bài này là đại tá không quân Lưu Kim Cương, người đã hy sinh năm Mậu Thân và được vinh thăng thành cố chuẩn tướng.
Mặc dù Lưu Kim Cương và Trịnh Công Sơn khác nhau rất nhiều cả về xuất thân, nhân dáng, nhưng giữa họ có một tình giao hữu đặc biệt, nên khi Lưu Kim Cương qua đời, người nhạc sĩ rất đau xót:
Bạn bè còn đó anh biết không anh?
Người tình còn đó anh nhớ không anh?
Vườn cỏ còn xanh, mặt trời còn lên
Khi bóng anh như cánh chim chìm xuống.
Để hiểu rõ mối giao tình giữa Lưu Kim Cương và Trịnh Công Sơn, xin trích lại lời của bà Đặng Tuyết Mai, phu nhân của tướng Nguyễn Cao Kỳ như sau:
“Anh Lưu Kim Cương và tôi rất là say mê nhạc của anh Trịnh Công Sơn, và cả con người của anh nữa. Trong Câu lạc bộ Không quân, anh Lưu Kim Cương có một câu lạc bộ nhỏ là Mây Bốn Phương, luôn luôn kéo anh Trịnh Công Sơn vào đó, còn tôi thì đem đồ nhậu đến. Anh Trịnh Công Sơn làm được bài nhạc mới là hát, và hay tả cho nghe. Tôi hay đến câu lạc bộ Mây Bốn Phương để nghe anh Trịnh Công Sơn đàn hát những bài hát mới. Giao tình của anh Trịnh Công Sơn với anh Lưu Kim Cương rất mật thiết. Cũng lạ, một người rất là nhà binh, to lớn, cường tráng. Còn anh Trịnh Công Sơn rất là mỏng manh, ốm yếu. Nhưng hai người gần nhau vô cùng trong tình nghệ sĩ. Anh Lưu Kim Cương có rất nhiều nghệ sĩ tính, hát rất hay. Thành ra, họ rất thân mến với nhau. Hàng tuần, họ gặp nhau hai, ba lần…”
Trịnh Công Sơn và Lưu Kim Cương, hai người như tới từ 2 thế giới khác nhau đó, có mối giao tình như thế nào? Quay ngược lại thời điểm năm 1964, Trịnh Công Sơn nhận được sự vụ lệnh lên dạy tiểu học ở B’lao, nay là Bảo Lộc. Năm 1967, có lệnh điều động giáo viên phải nhập ngũ, Trịnh Công Sơn tìm cách trốn lính, bỏ dạy học để trở về Sài Gòn. Tại đô thành, nhờ sự che chở của Lưu Kim Cương – một sĩ quan cao cấp, Trịnh Công Sơn không những không bị bắt lính, mà lại còn được tự do sáng tác nhạc phản chiến, tổ chức nhiều buổi hát nhạc phản chiến trong các sân trường đại học.
Ông sĩ quan không quân Lưu Kim Cương này không chỉ chơi thân với Trịnh Công Sơn, ông còn có một mối quan hệ đặc biệt với cả ca sĩ Khánh Ly ngay từ năm 1962, lúc Khánh Ly mới 16-17 tuổi, chưa nổi tiếng, và cũng như chưa quen biết gì với Trịnh Công Sơn. Cô kể lại:
“Tôi vẫn đi hát ở Anh Vũ, và chính ở đó, tôi gặp Trung úy Không quân Lưu Kim Cương. Sau buổi hát, anh chở anh S (anh của KL) và tôi chạy vòng vòng Sài Gòn… hát tiếp những bài tôi vừa hát. Anh bảo: Mai (tên thật của KL) chọn bài có gout lắm, cứ như thế, và anh cũng muốn em giữ mãi nụ cười. Anh thích thấy em cười vì nụ cười đó sẽ mở cho em tất cả những cánh cửa… Cuộc gặp gỡ giữa anh em chúng tôi và Trung úy Lưu Kim Cương đơn giản như vậy. Tôi biết ơn anh vì anh là người duy nhất có cái nhìn thiện cảm với tôi. Anh là người đầu tiên và duy nhất khuyến khích tôi đi theo nghiệp dĩ này… ”
Năm 1964, Khánh Ly bỏ Sài Gòn để lên Đà Lạt sống cùng chồng con, hát ở các Night Club bên trong khách sạn Du Parc Dalat. Người đầu tiên lên cao nguyên tìm Khánh Ly và khuyên cô về lại Sài Gòn, không phải là Trịnh Công Sơn, mà chính là Lưu Kim Cương.
Năm 1967, Khánh Ly về lại Sài Gòn, theo Trịnh Công Sơn hát ở Quán Văn và bắt đầu nổi tiếng từ đây. Một bài báo năm 1969 đã ghi về mối quan hệ giữa Khánh Ly và Lưu Kim Cương như sau (lúc này Lưu Kim Cương đã hy sinh được 1 năm):
…Những buổi sinh hoạt văn nghệ của Quán Văn vào những hôm có Khánh Ly hát, người ta để ý, bao giờ cũng có một khuôn mặt trẻ, khuôn mặt của 1 thanh niên, ngồi lặng lẽ ở 1 góc tối, lặng lẽ theo dõi Khánh Ly ca. Khuôn mặt đó đã được giới trẻ phát giác ra là LKC. Mặc dầu Đại tá nhà ta bao giờ đến quán Văn cũng mặc thường phục và đóng vai người khách trầm lặng tầm thường.
Ngày đó người ta đã bàn tán nhiều về chuyện LKC và Khánh Ly, và chính LKC ngày còn sống cũng đã từng thổ lộ tâm tình với 1 số bạn thân thiết… Nhưng tình yêu đó chỉ là tình tuyệt vọng, vì không thể nào 2 người có thể kết hợp sống gần gũi nhau được.
Tại sao? Chẳng bao giờ LKC chịu tiết lộ, cả Khánh Ly cũng thế.
Ngày 2 tháng 5 năm 1968, đại tá không quân Lưu Kim Cương hy sinh khi giải vây cho Sài Gòn trong đợt 2 của trận Mậu Thân, ngay sau đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác một ca khúc mang tên Cho Một Người Vừa Nằm Xuống, và Khánh Ly hát rất cảm động. Đó là ca khúc của một người bạn viết cho một người bạn đã ngã xuống, được một người bạn hát để thương tiếc.
Click để nghe Khánh Ly hát
Xin nói thêm, lâu nay người ta vẫn gọi phi công Lưu Kim Cương là Trung Tá, Đại Tá, Cố Đại Tá, Cố Chuẩn Tướng. Thực ra cho đến đầu năm 1968, ông vẫn là Trung Tá, và được thăng cấp thành Đại Tá vào tháng 2 năm 1968 nhờ chiến công trận đầu Mậu Thân. Đến tháng 5 năm đó, ông hy sinh, và theo quy định, ông được vinh thăng và gọi là Cố chuẩn tướng (chứ không phải là Chuẩn tướng tại nhiệm).
Năm đó Ðại tá Lưu Kim Cương 34 tuổi, có 2 con. Báo chí khi đó đă đăng tin nói về ông như sau:“Ông là người rất vui tính, có nhiều máu văn nghệ, chiếm được nhiều cảm tình trong giới quân đội cũng như báo chí. Tưởng cũng nên ghi nhận đây là lần đầu tiên một sĩ quan mang cấp Tá của quân đội ta nói chung và của Không quân VN nói riêng đã hy sinh trong lúc trực chiến”.
Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa vào cội nguồn
Rồi từ đó, trong trời rộng, đã vắng anh
Như cánh chim, bỏ rừng, như trái tim bỏ tình
Nơi đây một lần, nhìn anh đến
những xót xa đành nói cùng hư không!
Đó là lời bài hát rất nhiều cảm xúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết khi nghe tin Lưu Kim Cương qua đời. Với nhiều người, có lẽ ca khúc này không chỉ được viết riêng cho ông cố chuẩn tướng, mà là viết chung cho tất cả những người đã mang số mệnh buồn phải nằm xuống đất mẹ đau thương này với những hận thù triền miên.
Bài hát này ban đầu mang tên Cho Một Người Vừa Nằm Xuống. Nhưng khoảng thời gian vài năm sau đó thì được tác giả đổi tên lại thành Cho Một Người Nằm Xuống (bỏ đi chữ “Vừa”). Có nhiều nơi ghi tên thành Hát Cho Người Nằm Xuống thì không đúng với tên bài hát.
Có thể nói, bài hát này chỉ được hát hay nhất với tiếng guitar mộc được rải đều, chầm chậm, như lời tâm tình, tưởng tiếc, như cách mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã thực hiện trong băng nhạc Sơn Ca 7 ông đã làm với tiếng hát Khánh Ly. Mời bạn nghe lại bản thu âm tuyệt vời vào đầu thập niên 1970 sau đây:
Click để nghe Khánh Ly hát trong băng Sơn Ca 7
Trước 1975, ca khúc này cũng được Thanh Lan và Miên Đức Thắng thu âm. Mời bạn nghe sau đây:
Click để nghe Thanh Lan hát
Click để nghe Miên Đức Thắng hát
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến mối quan hệ đặc biệt giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tướng Lưu Kim Cương trong sáng tác “Cho Một Người Nằm Xuống”. Được viết từ tâm hồn, bài hát này thể hiện tình cảm bi thương, hy vọng và kính trọng đối với những người lính đã hy sinh cho đất nước trong chiến tranh.Xã hội Việt Nam đã trân trọng và ghi nhận sự đóng góp của cả hai trong việc góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.