Nghệ sĩ Lệ Thủy là một tài tử cải lương nổi tiếng với giọng hát lôi cuốn, tài nghệ tinh tế và sự sâu sắc trong diễn xuất. Với nhiều vai diễn ấn tượng trên sân khấu và truyền hình, Lệ Thủy đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả yêu nhạc cải lương miền Nam.
Tiếng hát của nghệ sĩ Lệ Thủy từng được báo chí gọi danh hiệu là Giọng Ca Chuông Ngân, nghệ sĩ Diệp Lang gọi là “cô đào ngoại hạng”, còn người miền Nam từ xưa tới nay vẫn còn tồn tại câu cửa miệng “mút mùa Lệ Thủy” để nói về một thứ gì đó đi tới được tận cùng, đỉnh điểm, cũng đã nói lên được sự nghiệp đỉnh cao chói lọi của Lệ Thủy, một trong những nghệ sĩ cải lương Việt Nam thành công nhất, cũng là nữ nghệ sĩ cải lương hiếm hoi đạt được sự viên mãn trong cả sự nghiệp và gia đình.
Nghệ sĩ Lệ Thủy tên thật là Dương Thị Lệ Thủy, về sau đổi thành Trần Thị Lệ Thủy, sinh ngày 20 tháng 5 năm 1948 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Gia đình bà có 8 chị em, trong đó, Lệ Thủy là chị cả. Người cha làm ruộng mướn, mẹ sống bằng nghề chằm lá, cuộc sống quanh năm khó khăn. Khi ngôi nhà lá nhỏ bé ven sông của gia đình chẳng may bị thiêu rụi.
Người cha vì sợ bị bắt lính nên ở lại quê tá túc nhà bà con, từ họ Dương đổi thành họ Trần, người mẹ dắt Lệ Thủy lúc đó chỉ mới 3 tuổi lên Sài Gòn để mưu sinh tại một xóm nghèo quận Tư. Được một người quen thương tình cho ở đậu, ngày ngày Lệ Thuỷ xách ghế theo ngồi phụ mẹ làm bánh tằm, bánh chuối, bánh da lợn đem ra chợ Cầu Cống, Khánh Hội bán.
Một thời gian sau, tích cóp được ít tiền, hai mẹ con thuê nhà đón ba cùng đứa em trai kế dưới quê lên. Cuộc sống ổn định dần khi gia đình dọn sang ngôi nhà lá mới mua, dù nhà chỉ đủ kê cái giường đôi làm chỗ ngủ cho cả gia đình, nâng thêm căn gác nhỏ cho phu bốc vác ăn cơm tháng nghỉ nhờ, còn cơi thêm cái chái làm chỗ cho “chị Hai” Lệ Thuỷ mắc võng ru những đứa em lần lượt ra đời.
Chị hai Lệ Thủy có tổng cộng bảy người em, cộng thêm một đứa trẻ má nhận nuôi vú, tất cả đều do một tay người chị hai mới 9-10 tuổi chăm giữ mỗi khi đi học về. Mỗi lần ru các em ngủ, Lệ Thủy thường hát những bài ca cổ thuộc được nhờ nghe lóm từ tiệm sửa radio ngoài đầu xóm.
Năm Lệ Thủy 10 tuổi, nghệ sĩ Tư Long làm ở ban văn nghệ xóm bên tình cờ nghe bà ca vọng cổ, đã mời bà tham gia và gửi theo học ca cổ với thầy Năm Truyền làm thợ hớt tóc ở Khánh Hội nhưng biết đờn guitar phím lõm. Lúc đó việc đi học rất cực vì ban ngày Lệ Thủy vừa học chữ vừa phụ mẹ kiếm tiền nuôi các em, tối lại sang nhà thầy học ca, chỉ 1 tuần là cô bé Lệ thủy ca rành nhịp.
Từ đó, hễ có đám cưới, thầy cho cô học trò nhỏ đến ca giúp vui, còn cho tiền may áo mới. Khi thấy trò đã rành ca vọng cổ, thầy Năm Truyền giới thiệu với một ông thầy khác tên là Tám Đen, chuyên chơi đờn kìm để được học thêm những bài bản ba Nam, sáu Bắc. Nhờ được học miễn phí như vậy nên Lệ Thuỷ có cơ hội tiếp cận những bài bản cải lương, bởi gia cảnh khó khăn không thể nào có tiền đi học nhạc khi mà cơm còn chưa đủ ăn.
Lúc đó, các em của Lệ Thủy liên tục đau bệnh, gia đình nợ nần tứ phía, cộng với việc khi xong tiểu học nhưng lại không thể học tiếp lêm Đệ Thất được do khai sinh bị mất trong lần nhà bị cháy ở quê, Lệ Thủy đã quyết tâm đi hát để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tuổi của Lệ Thủy lúc đó chỉ phù hợp với vai đào con, nên khi được giới thiệu vô đoàn Thống Nhứt thì ở đó đã có một “em bé” khác là nghệ sĩ Kim Tuyến, nên Lệ Thủy không được nhận và được giới thiệu tiếp qua đoàn Trâm Vàng của thầy đờn Mười Của.
Cô bé Lệ Thủy được theo đoàn Trâm Vàng lưu diễn ở miền Trung, nhưng phải ngồi dưới sàn xe, tối đến ngủ ở sân khấu. Cơ hội tới khi một ngày chàng kép con của đoàn là Hữu Đức bị bể tiếng không ca được, Lệ Thuỷ được cho ra thế vai giả trai và được lãnh lương 15 đồng. Có lương, có suất cơm, lên xe có ghế ngồi… Lệ Thủy đi theo đoàn nhiều tháng liền, có tiền phụ cha mẹ lo cho các em.
Tiếng tăm đồn xa, có người đoàn khác đến mời đi hát và các hãng đĩa bắt đầu mời thu. Lần đầu tiên Lệ Thủy được thu âm trong dĩa hát là vai Tiểu Đồng trong tuồng Quan Âm Thị Kính của soạn giả Viễn Châu, hãng dĩa Việt Hải.
Từ năm 13 tuổi, Lệ Thủy được giao các vai kép con trên sân khấu, tới năm 14 tuổi thì được giao vai đào nhì. Một thời gian sau, Lệ Thủy rời Trâm Vàng để về Công ty Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long, một đại bang có 7 đoàn hát, với số tiền hợp đồng tới 50 ngàn đồng. Tại sân khấu này, Lệ Thủy đã được soạn giả Ngọc Văn nhận làm con nuôi, ông viết nhiều kịch bản đưa Lệ Thủy vào đóng từ vai phụ cho đến vai chính.
Tại đoàn Kim Chung, ngay lập tức Lệ thủy gây ấn tượng mạnh chỉ với vai đào nhì, một nữ tỳ trong vở Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, sau đó ông bầu Trần Viết Long lập đoàn Kim Chung 3, Lệ Thủy chuyển sang đây diễn chung với nghệ sĩ Thanh Hải trong vở “Bẽ Bàng Duyên Mới” của soạn giả Ngọc Văn. Từ đó tên tuổi của Lệ Thủy bắt đầu nổi lên, trở thành cô đào chính sáng giá lúc vừa tròn 15 tuổi, số tiền hợp đồng lên tới 250 ngàn đồng. Lệ Thủy có tiền mua căn nhà 3 tầng lầu ở đường Nguyễn Thiện Thuật để đưa cả gia đình về ở.
Năm 1964 Lệ Thủy đoạt Huy chương Vàng triển vọng giải Thanh Tâm cùng đợt với nghệ sĩ Thanh Sang, một giải thưởng danh giá bậc nhất của sân khấu cải lương thời bấy giờ.
Sau đó, Lệ Thủy hát ở đoàn Kim Chung 5, tại đây Lệ Thủy đóng cặp với Minh Phụng tạo thành cặp đào – kép ăn ý, được báo chí thời đó phong tặng là cặp “Bão biển” vì mang lại doanh thu cao cho đoàn qua các vở Xin Một Lần Yêu Nhau, Đêm Lạnh Chùa Hoang, Kiếp Nào Có Yêu Nhau…
Từ những năm cuối thập niên 1960 về sau, Lệ Thủy đã trở thành nữ nghệ sĩ cải lương ăn khách nhất, 2 lần được giải Kim Khánh hạng mục cải lương (1972 và 1974), dù giải này chỉ được tổ chức 3 lần trong lịch sử.
Năm 1971, trong thời đỉnh cao của sự nghiệp, Lệ Thủy bị té gãy tay phải nghỉ hát nửa tháng bó bột, tịnh dưỡng ở nhà. Lúc này bà gặp chàng sinh viên Dương Đình Trúc, là tình đầu cũng là người tình trăm năm.
Năm 1975, Lệ Thủy gắn bó với Đoàn văn công qua các vở diễn Cây sầu riêng trổ bông, Tiếng sóng Rạch Gầm, Khi bình minh trở lại,…
Tháng 2 năm 1984, Lệ Thủy được vinh dự tham gia Đoàn nghệ sĩ lưu diễn Tây Âu cùng với nghệ sĩ Bạch Tuyết, Diệp Lang, Ngọc Giàu, Minh Vương, … với các vở diễn Đời cô Lựu, Câu thơ yên ngựa, … Báo chí thời đó gọi là “đem chuông đi đánh xứ người” đầu tiên sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Sau chuyến đi, các nghệ sĩ trong đoàn đã hợp lại và thành lập Đoàn nghệ thuật 2-84. Vở Tô Ánh Nguyệt và Đời cô Lựu là hai vở tuồng khai trương cho đoàn 2-84. Ở sân khấu này, Lệ Thủy đã diễn vở tuồng Tô Ánh Nguyệt, Áo cưới trước cổng chùa, Trắng hoa mai, Kiếp chồng chung, Lôi vũ,…
Những năm đầu 1990, Lệ Thủy chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực video cải lương. Một số vở cải lương từng gắn với tên tuổi nghệ sĩ Lệ Thủy khi hát ở đoàn Kim Chung 5 trước năm 1975 cũng được quay video như Đêm lạnh chùa hoang, Tây Thi, Máu nhuộm sân chùa, Kiếp nào có yêu nhau, Băng Tuyền nữ chúa,… Sau thập niên 1990, nghệ sĩ Lệ Thủy đi lưu diễn thường xuyên ở các tỉnh miền Tây, các vùng sâu, đem tiếng hát của mình gần hơn với khán giả nông thôn.
Sân khấu cải lương ngày càng gặp nhiều khó khăn. Bà cùng Diệp Lang và Minh Vương thành lập chương trình Những dấu ấn không phai trực thuộc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang quy tụ các nghệ sĩ tham gia biểu diễn các vở tuồng kinh điển ngày xưa. Các vở diễn của chương trình như Giấc mộng đêm xuân, Tình mẫu tử, Một ngày làm vua, Đêm giao thừa,…
Năm 2008, chương trình được hoạt động với tên gọi là nhóm xã hội hóa “Sân khấu vàng” trực thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang nhằm tập hợp các nghệ sĩ tham gia biểu diễn đồng thời doanh thu từ chương trình dành vào cho hoạt động xây tặng nhà tình thương. Đến nay, “Sân khấu vàng” do Lệ Thủy và Minh Vương thành lập đã dựng các vở diễn như Sông dài, Lá sầu riêng, Một ông hai bà, Đêm lạnh chùa hoang,… và đã trao tặng hơn 30 căn nhà tình thương cho các gia đình khó khăn.
Cảm ơn quý vị đã dành thời gian đọc bài viết này. Hy vọng thông tin về nghệ sĩ Lệ Thủy sẽ giúp bạn hiểu thêm về nghệ thuật cải lương miền Nam. Hãy tiếp tục ủng hộ và yêu thích nghệ thuật truyền thống của đất nước Việt Nam.