Các bài hát của Nguyên Sa như Áo Lụa Hà Đông, Tuổi 13, Tháng 6 Trời Mưa mang đậm nét văn học Việt Nam, lời ca tuyệt vời kể về tình yêu, tuổi trẻ và những cảm xúc sâu lắng. Những giai điệu dịu dàng, lãng mạn đã chinh phục trái tim người nghe qua thời gian, khẳng định vị thế đặc biệt của Nguyên Sa trong làng nhạc và văn học Việt Nam.
Có thể xem Nguyên Sa là người sáng tác thơ tình được yêu thích nhất của thi đàn Việt Nam trong khoảng hơn 60 năm qua. Dường như trong thơ của ông đã có sẵn giai điệu, nên có rất nhiều những ca khúc được phổ nhạc từ thơ Nguyên Sa được công chúng yêu nhạc biết đến, trở thành những bài hát bất tử sống cùng năm tháng.
Những vần thơ trác tuyệt của Nguyên Sa đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, nổi tiếng nhất là nhạc sĩ Ngô Thụy Miên với các ca khúc Tuổi 13, Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em… Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cho biết:
“Cuối năm 1969, khi một số tình khúc của tôi đã được phổ biến rộng rãi trên các đài phát thanh, cũng như trong những đêm sinh hoạt văn nghệ được tổ chức tại nhiều trung tâm văn hoá, hay các giảng đường đại học. Tôi đến với thơ Nguyên Sa, không từ một chọn lựa, mà vì tôi đã nhìn thấy mình trong thơ của ông, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ mình được ông tạo lên bằng những lời thơ ngọt ngào tình tứ, tươi mát. Cũng như bao nhiêu anh em thanh niên sinh viên học sinh của thập niên 60, tôi yêu và thuộc không ít thơ của ông. Nói đến Áo Lụa Hà Đông, có lẽ chúng ta mấy ai không biết:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.”
Hầu hết những người yêu thơ và nhạc đều biết đến Tác pphẩm Áo Lụa Hà Đông của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ từ thơ Nguyên Sa. Ca khúc này nhanh chóng được khán giả đón nhận vì giai điệu mượt mà trữ tình, và vì được phổ từ một bài thơ nên ca từ của bài hát rất đẹp.
Thi sĩ Nguyên Sa đã viết bài thơ Áo Lụa Hà Đông khi chợt nhìn thấy trên phố thấp thoáng những tà áo lụa của Hà Đông, là một địa danh cách Hà Nội 10km, có một làng chuyên nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Thuở nhỏ có thời gian gia đình của Nguyên Sa tản cư đến vùng Hà Đông, rồi sau thời gian dài du học ở Pháp, ông trở về sinh sống ở Sài Gòn, một lần trông thấy bóng dáng những tà áo dài thướt tha trên phố lại nhớ về làng lụa quê xưa:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Lụa Hà Đông nổi tiếng là đẹp, mỏng mềm mà gợi sự ấm áp. Người thiếu nữ vốn đã đẹp rồi, mặc vào thêm áo lụa Hà Đông càng tăng thêm nét đẹp mềm mại và quý phái. Giữa cái nóng thiêu đốt của Sài Gòn, người thi sĩ chợt trông thấy tà áo lụa được dệt từ nơi quê xa mà từ lâu chưa thể về thăm lại, trong lòng dâng lên một niềm cảm xúc như là chợt có một dòng suối mát tuôn trào, thấy yêu vô cùng màu áo đã gợi lại nỗi nhớ về quê hương, nơi ông từng sống từ thuở bé cho đến năm 16 tuổi rồi du học sang Pháp. Dù có đi xa nơi đâu, nỗi hoài vọng cố quận vẫn luôn ở trong lòng người ly hương.
Nàng thơ của thi sĩ mặc áo lụa của Hà Đông, như khoác lên người cả màu quê hương luôn ở trong tiềm thức, nên vì yêu màu áo lụa mà thấy yêu luôn cả người…
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa Thu rải nắng ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa
Các thi sĩ thường thích làm thơ ca ngợi mái tóc thề buông xõa bờ vai. Nhưng ở đây lại là “anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn”. Có thể là vì nàng thơ của Nguyên Sa để tóc ngắn đờ-mi, một kiểu tóc thời xưa của các cô gái Sài Gòn tân thời. Ở nơi nàng ngồi luôn có “mùa thu rải nắng ở xung quanh”, vì anh thấy được ở nàng có những hấp lực kỳ diệu để quyến rũ được cả một mùa thu rải nắng. Chữ “rải” thật tuyệt diệu, thể hiện được sự chầm chậm của thời gian trôi qua ở quanh chỗ nàng ngồi, đủ để chàng thi sĩ vội vã vẽ chân dung người bằng những câu từ mỹ tuyệt, vội vã hồn mở cửa để đón “Người Thơ” vào trong vườn thi ca vĩnh cửu.
Em chợt đến chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau?
Để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại…
Dẫu biết trước rằng em sẽ chợt đến và chợt đi, như là trời Sài Gòn chợt mưa rồi chợt nắng như tính tình con gái, nhưng chàng thi sĩ vẫn trách nhẹ nhàng rằng: “Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau?”, nghe như có chút gì đó giận hờn và luyến tiếc. Người nghe cảm nhận được nỗi âu sầu của người ở lại, thương nhớ thẫn thờ và hoài vọng quạnh hiu.
Nàng ra đi mà không bảo gì nhau, để anh bơ vơ với tiếng lòng thê thiết mà chỉ thấy có tiếng thơ buồn vọng lại mà thôi. Lời thơ dịu xoa nỗi cô đơn, thơ an ủi niềm cô quạnh, và khi “tiếng thơ buồn vọng lại” thì biết vọng cho đến bao giờ mới hết được nỗi u hoài này.
Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn?
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy em ơi,
“Em ở đâu hỡi mùa Thu tóc ngắn?” như là tiếng kêu thương ngơ ngác và thiết tha trước cuộc tình đã chia xa, khiến người ở lại bỡ ngỡ bàng hoàng vì người ra đi không nói một lời nào. Dù đã xa rồi, và dù nàng có ở đâu, lời cuối cùng xin nhắn nhủ là người hãy “giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông”, vì đó là màu áo kỷ niệm thuở còn bên nhau, cũng là màu áo của quê hương mà anh trót mang theo cả đời trong tiềm thức. Điệp khúc được lặp lại: Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng, như là lời khẳng định vẫn mãi mãi sẽ còn yêu người.
Ngoài Áo Lụa Hà Đông, nhắc đến Nguyên Sa và Ngô Thụy Miên, người ta thường nhớ đến ca khúc Tuổi 13, được phổ từ bài thơ cùng tên.
Nguyên gốc bài thơ Tuổi 13 của thi sĩ Nguyên Sa khá dài, có đến 11 khổ thơ. Tuy nhiên, khi chọn thơ để phổ nhạc, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên đã tóm gọn lại, chỉ lấy 4 khổ gồm: hai khổ đầu tiên, khổ thứ 8 và khổ cuối cùng:
Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngạt ngào… tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu mát
Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ
Tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh thay mực cho vừa mầu áo tím
Rồi trách móc trời không gần cho tay với
Và cả nàng hư quá sao mà kiêu…
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu
Kết cấu nội dung của bài thơ và bài nhạc tương tự nhau ở phần đầu và phần kết không thay đổi, còn phần giữa thì được lược gọn đi.
Nói về ảnh hưởng của thơ Nguyên Sa trong âm nhạc của mình, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên từng tâm sự: “Trong tất cả bốn thập niên viết nhạc, thơ Nguyên Sa lúc nào cũng bàng bạc trong dòng nhạc của tôi”. Thật may mắn, chính nhờ sự đồng điệu đó của hai tâm hồn thơ – nhạc mà công chúng yêu nhạc có một nhạc phẩm Tuổi 13 bất hủ, sống mãi với thời gian.
Nếu ai đó bảo rằng thơ Nguyên Sa là một cuốn từ điển sống động về tình yêu, đặc biệt là thứ tình yêu đầu đời học trò trong trẻo tinh khôi thì chắc hẳn rất nhiều người sẽ đồng tình. Những đôi tình nhân trong thơ Nguyên Sa thường được đặt trong những bối cảnh yêu đương tình tự lãng mạn, giàu hình ảnh, và phảng phất quanh đó là những câu triết thuyết tình yêu mà ai cũng sẽ thấy mình trong đó. Tuổi 13 cũng không nằm ngoài dòng chảy sáng tạo đó.
Ngay từ những câu hát đầu tiên đã hé mở về một buổi đợi chờ, đón đưa lãng mạn của một mối tình non trẻ. Chàng trai trong lúc thơ thẩn đứng chờ cô gái, vu vơ nhìn trời mây tự hỏi: “Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?”. Đằng sau lời hỏi nắng mưa hẳn là một tâm trạng rối bời, trông ngóng bóng dáng nàng thơ. Chắc hẳn là giờ hẹn (hoặc giờ nàng thường đi ngang) đã đến mà bóng dáng cô gái vẫn chưa thấy đâu, nhưng thay vì hỏi thẳng nàng có đến hay không thì chàng trai lại e thẹn giấu tâm trạng của mình vào mưa nắng.
Chàng thi sĩ Nguyễn Bính xưa kia bảo rằng: “Nắng mưa là chuyện của trời, tương tư là chuyện của tôi yêu nàng.” thì ở đây Nguyên Sa cũng vậy, chỉ là kín đáo hơn, ý nhị hơn:
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngạt ngào… tôi ở lại đây
Dù trời có mưa xuống thì “tôi” cũng “chả về”, mặc cho mưa to gió lớn, mặc cho “bong bóng vỡ đầy tay”, và nếu “trời nắng ngạt ngào” thì “tôi” cũng sẽ… “ở lại đây”. Chẳng gì có thể làm thay đổi tình yêu của “tôi” dành cho nàng, dù mưa hay nắng, dù nàng đến sớm hay đến muộn, dù nàng có không ngang qua… Thứ tình yêu trong trẻo, ngọt ngào, trinh nguyên, dìu dịu vừa chớm nở của tuổi thơ ngây được ví von thật khéo léo bằng một hình ảnh đầy sáng tạo: “Như một buổi hiên nhà nàng dịu mát”.
Trong mạch cảm xúc tương tư, chàng trai hồi nhớ lại một hôm rất trớ trêu khi phải vỗ vễ, trấn an “tình yêu” tuổi 13 của mình:
Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ
Tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ
Tại sao lại chọn ngày 15 hay 18 mà không phải là ngày nào khác? Ấy là vì hai ngày này là hai ngày trăng khuyết trước và sau, sát sít với những ngày trăng tròn hiếm hoi trong mỗi tháng. Một hình ảnh ẩn dụ khéo léo để kể về mối tình “trăng khuyết” chưa kết duyên viên mãn.
“Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba”, đây chính là mấu chốt gay cấn nhất trong cuộc tình của chàng trai. Chàng trai thì đã trưởng thành nhưng cô gái thì mới vừa thoát vai một đứa trẻ. Trong những gia đình tri thức, nề nếp gia phong, những cô con gái măng tơ như vậy thường được dạy dỗ rất kỹ càng, bảo bọc rất kỹ lưỡng để tránh không bị rơi vào lưới tình quá sớm khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt. Và cô gái tuổi 13 trong nhạc phẩm dường như đã tự đặt quanh mình một thành trì kiên cố những “ngờ vực”, khiến anh chàng si tình chật vật tiếp cận.
Hai câu hát nối tiếp, được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên lặp đi lặp lại: “Tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ” bộc lộ những khía cạnh hài hước, oái oăm trong cuộc tình của chàng trai trẻ với cô gái vừa mới lớn. Nhưng dẫu có nhiều éo le như vậy, chàng trai vẫn kiên định theo đuổi tình yêu của mình:
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh thay mực cho vừa mầu áo tím
Ai đã đi qua những năm tháng học trò áo tím của những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi nghe 4 câu hát này hẳn sẽ không khỏi bồi hồi xúc động. Tất cả đều là những hình ảnh, màu sắc thân thương, gắn bó một thời trong sân trường: màu vàng của hoa cúc, màu xanh của lá sân trường, màu trắng của những cánh thư từ vở học trò, màu tím của bút mực và của áo dài nữ sinh.
Những câu chữ, hình ảnh rồng rắn nối tiếp tựa như một cuộc theo đuổi ngoạn mục, kiên nhẫn, không mệt mỏi của chàng trai trẻ. Chàng trai liên tục thì thầm vào tai cô gái những lời tình tự lãng mạn như muốn hứa hẹn rằng: nếu em thế này thì anh sẽ thế kia. Anh sẽ làm đủ mọi cách để được em yêu, để làm vừa lòng em. Thậm chí nếu em bảo rằng đôi ta chênh lệch quá, không vừa vặn; sợ tấm chân tình của anh không thể khuấy động tình yêu trong em thì anh cũng sẽ “thay mực”, thay đổi cho vừa “mầu áo tím”, cho vừa lòng em. Chàng trai đã đem cả tấm chân tình của mình hiến dâng cho cô gái không mệt mỏi, so đo chỉ mong nhận được cái gật đầu của cô. Nhưng tất cả những điều đó dường như đều chẳng thể lay chuyển được cô gái nhỏ kiên định.
Rồi trách móc trời không gần cho tay với
Và cả nàng hư quá sao mà kiêu…
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu
Chàng trai đành trách ông trời không cúi xuống se duyên phận và “trách yêu” cô gái nhỏ “hư quá sao mà kiêu”, nhìn nhỏ nhắn, ngây thơ vậy mà sao “tán mãi không đổ”. Mặc cho chàng có ngỏ lời đến trăm lần thì vẫn cứ lắc đầu ngúng nguẩy: “nhất định mình chưa yêu”.
Mối tình thơ ngây tuổi 13 ngỡ như dễ dàng lại khiến chàng trai tốn bao công sức theo đuổi, đã chẳng thể có một kết cục viên tròn như ý muốn. Lời hát kết thúc bằng cái lắc đầu nguầy nguậy đáng yêu của cô gái nhỏ để lại những dư âm dịu ngọt trong lòng chàng trai và bao thế hệ yêu thơ nhạc.
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Tuổi Mười Ba
Có thể nói, nếu coi bài thơ của thi sĩ Nguyên Sa là cuốn tiểu thuyết dày với nhiều tình tiết lôi cuốn, thì bản nhạc Tuổi 13 của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên chính là bản phim điện ảnh với những lát cắt sắc ngọt, ấn tượng, dù phải bỏ bớt đi nhiều chi tiết của văn chương cho phù hợp với điện ảnh, nhưng vẫn đủ sức truyền tải, thăng hoa hồn cốt chính của tác phẩm gốc. Và Ngô Thuỵ Miên bằng tài năng âm nhạc của mình, đã có công rất lớn góp phần đưa Tuổi 13 của Nguyên Sa đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật.
Paris có gì lạ không em?
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen.
Đó là những lời thơ, lời nhạc quen thuộc trong một tác phẩm mang tên là Paris Có Gì Lạ Không Em. Nguyên tác, đây là một trong 3 bài thơ chia ly được Nguyên Sa viết tặng cho vùng đất mà ông xem như là máu thịt, cảm thấy ray rứt khi sắp phải lìa xa. 3 bài thơ lần lượt là Tiễn Biệt viết năm 1953, Paris viết năm 1954 và Paris Có Gì Là Không Em viết năm 1955.
Bài thơ Tiễn Biệt viết cho những cuộc chia ly nhỏ nhen nhúm khi Nguyên Sa rời Paris để về ở các vùng lân cận. Ông gọi Paris là về, còn đi những nơi khác là đi: Người về đêm nay hay đêm mai, Người sắp đi chưa hay đi rồi…
Sau 7 năm du học tại Pháp, vào tháng 12 năm 1954, Nguyên Sa kết hôn với cô bạn gái tên Nga rồi rời Paris chỉ vài ngày sau đó. Không thể níu kéo thêm, nên ông đã viết những dòng này trong bài thơ mang tên Paris (sau này được nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành ca khúc Mai Tôi Đi):
Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau…
Khi về đến Sài Gòn năm 1955, Nguyên Sa vẫn hỏi thăm Paris: “Paris Có Gì Lạ Không Em?”.
Phải đến gần 20 năm sau đó, một nhạc sĩ trẻ mang tên Ngô Thụy Miên đã phổ nhạc cho bài thơ này và trở thành một hiện tượng.
Nghe Thái Thanh hát Paris Có Gì Lạ Không Em năm 1974
Nhắc đến nhạc phổ thơ Nguyên Sa, người ta nhớ đến Ngô Thụy Miên trước tiên. Tuy nhiên, ít người biết rằng nhạc sĩ Song Ngọc mới là người đầu tiên phổ nhạc cho thơ của Nguyên Sa, đó là bài hát Tiễn Đưa, được viết năm 1961 khi Song Ngọc mới có 18-19 tuổi, phổ từ bài thơ mang tên Tiễn Biệt của thi sĩ Nguyên Sa:
Người về đêm nay hay đêm mai
Người sắp đi chưa hay đi rồi…
Như đã nhắc đến ở trên, Tiễn Biệt là một trong 3 bài thơ chia ly được Nguyên Sa viết tặng cho Paris – Vùng đất mà ông xem như là máu thịt, cảm thấy ray rứt khi sắp phải lìa xa. Tiễn Biệt viết năm 1953, Paris viết năm 1954, và Paris Có Gì Là Không Em viết năm 1955.
Trong chương trình Paris By Night cách đây 15 năm, cố nhạc sĩ Song Ngọc có kể về kỷ niệm với thi sĩ Nguyên Sa và hoàn cảnh sáng tác của bài hát Tiễn Đưa, được ông phổ từ bài thơ Tiễn Biệt của Nguyên Sa.
Nguyên tác bài thơ như sau:
Người về đêm nay hay đêm mai
Người sắp đi chưa hay đi rồi
Muôn vị hành tinh rung nhè nhẹ
Hay ly rượu tàn run trên môi
Người về trên một giòng sông xanh
Trên một con tàu hay một ga mông mênh
Sao người không chọn sông vắng nước
Hay nước không nguồn cho sông đi quanh
Sao người đi sâu vào không gian trong
Bức tường vô hình nên bức tường dầy mênh mông
Và sao lòng tôi không là vô tận
Cho gặp gỡ những đường tàu đi song song
Người về chiều nắng hay đêm sương
Người về đò dọc hay đò ngang
Câu thơ sẽ là lời hò hẹn
Nhưng nói làm gì tôi xin khoan
Nhưng người về đâu, người về đâu
Để nước sông Seine bỡ ngỡ chảy quanh cầu
Sao người không là vì sao nhỏ
Để cho tôi nhìn trong đêm thâu
Sao người không là một cung đàn
Cho lòng tôi mềm trong tiếng than
Khi trăng chảy lạnh từng chân tóc
Khi gió se trùng muôn không gian
Sao người không là một con đường
Sao tôi không là một ga nhỏ
Mà cũng có những giờ gặp gỡ
Cũng có những giờ chia tan?
Người về lòng tôi buồn hay lòng tôi vui
Áo không có màu nên áo cũng chưa phai
Tôi muốn hỏi thầm người rất nhẹ:
Tôi đưa người hay tôi đưa tôi?
(Paris, 1954)
Vào năm 1961, khi đó Nguyên Sa đã là một nhà thơ rất nổi tiếng với nhiều tác phẩm được giới sinh viên học sinh thuộc nằm lòng. Ngoài ra ông cũng là giáo sư triết học Trần Bích Lan dạy học ở nhiều trường và nổi danh trong ngành. Còn nhạc sĩ Song Ngọc lúc đó mới chỉ là 1 chàng trai còn đang học trung học.
Một hôm, có một người bạn gái chép tặng cho nhạc sĩ Song Ngọc một bài thơ có tựa đề là Tiễn Biệt. Ông tưởng rằng bài thơ là của cô bạn gái sáng tác, vì rất thích bài thơ này nên ông đã thức trắng nguyên một đêm để phổ thành nhạc, lấy tựa đề là Tiễn Đưa. Sau khi hoàn thành xong, ông cầm bài hát đi khoe với bạn bè, thì mới được bạn cho biết đây là 1 bài thơ rất nổi tiếng của thi sĩ Nguyên Sa lúc đó.
Click để nghe Khánh Ly hát Tiễn Đưa (thu âm trước 1975)
Song Ngọc nghe vậy rất bất ngờ, rồi quyết định đến gặp thi sĩ Nguyên Sa tại nhà ở đường Pasteur để xin phép phổ bài thơ thành nhạc. Với vai vế chỉ là một học sinh trung học, so với một giáo sư dạy học như Nguyên Sa vốn rất oai phong, được kính nể, nên khi tới nhà, Song Ngọc rất rụt rè, lấp ló ở bên ngoài cửa, rồi bạo gan đi vào thưa chuyện. Đoạn đối thoại sau được Song Ngọc kể lại:
Song Ngọc: – Thưa anh ạ
Nguyên Sa: – Cậu tìm ai đó
– Thưa anh, có phải anh là Nguyên Sa không ạ
– Vâng, cậu muốn gì?
– Thưa anh, em là Song Ngọc, em có phổ nhạc từ 1 bài thơ của anh, thành ra em muốn lại thưa với anh…
– Nhớ nhé, sau này khi mà anh có phổ bài thơ của ai thì anh phải xin phép trước nhé…
– Dạ, dạ, thưa anh, em xin phép anh em về
Khi ra tới cửa, như sực nhớ, Song Ngọc quay lại nói tiếp:
– Dạ thưa anh, cho phép em để tên anh trong bài hát được không ạ?
– Thôi nhé, không cần đâu nhé…
Thời điểm đó, Song Ngọc còn rất nhỏ, chưa có tên tuổi gì, nên có thể vì vậy mà nhà thơ Nguyên Sa đã từ chối việc để tên mình trên một nhạc phẩm của một “thằng bé” không ai biết là ai.
Không ngờ bài Tiễn Đưa sau đó đã rất được công chúng yêu thích. Khi nhà xuất bản Diên Hồng phát hành tờ nhạc bài Tiễn Đưa, họ đã tự đề thêm tên Nguyên Sa vào tờ nhạc: Nhạc Song Ngọc, ý thơ Nguyên Sa.
Nhạc sĩ Song Ngọc kể lại, khi ông ra Thủ Đức học khóa 14 trường BB một năm sau đó, những đêm học tập ở ngoài rừng, mang theo radio để nghe Thanh Thúy hát bài Tiễn Đưa, ông cảm thấy rất ấm lòng:
Người về chiều mai hay đêm nay
Người sắp đi hay đã đi rồi
Muôn vị hành tinh rung rung
Lung linh thềm ga vắng
Hay rượu tàn rung trên môi
Người về nhặt sao rơi đêm nay
Đường sắt kia trên những con tàu bùi ngùi
Sao đường tàu không đi quanh
Cho con tàu xuôi bến
Tay người lại trong tay tôi
Đêm vẫn trôi canh dài bồi hồi
Ai tiễn ai nên hẹn nhiều lời
Biết bao điều thương yêu
Tàn đêm bên quán nhỏ
Sân ga vời vợi nhớ
Chuyện tâm tư thành thơ
Mà người về nơi đâu nơi đâu
Tàu vẫn đi nên vẫn có người đợi chờ
Sương lạnh nhẹ rơi trên vai
Trăm con tàu trăm lối
Tôi đưa người hay đưa tôi
Click để nghe Thái Châu hát Tiễn Đưa
Sau này, khi gặp lại Nguyên Sa ở hải ngoại, nhạc sĩ Song Ngọc có nói chuyện và phổ nhạc thêm nhiều bài thơ khác của Nguyên Sa, trong đó có bài Mai Tôi Đi (Nhạc sĩ Anh Bằng cũng có phổ nhạc bài này và lấy cùng tên). Nhân lần đó, Nguyên Sa có nói về nhạc sĩ Song Ngọc như sau:
“Song Ngọc là một thủy thủ. Cuộc đời với nhạc sĩ nầy là biển, âm nhạc là bến đỗ… Song ngọc không bao giờ phụ rẫy âm nhạc. Người thủy thủ đó không bao giờ bỏ đi biền biệt không kể tháng, không kể năm… Song Ngọc sống tận tình cho âm nhạc. Sáng tác buổi sáng. Sáng tác buổi chiều. Sáng tác ngày. Sáng tác đêm. Hơn một người tìm hiểu về Song Ngọc đã hỏi tôi làm việc nhiều như thế, vật lộn với đời gay go như thế làm sao sáng tạo? Thì đó, cởi bộ áo giang hồ, người thủy thủ trở về với bản ngã nghệ sĩ của mình sống tận tình trong bản ngã đó… Mỗi lần về bến là một lần sáng tạo, một lần khác biệt…”
Bài thơ thứ 3 trong chùm thơ viết cho Paris của Nguyên Sa cũng được phổ nhạc, nhưng trễ hơn. Đó là bài thơ mang tên Paris, nhạc sĩ Song Ngọc đã phổ thành 1 bài hát hồi đầu thập niên 1980 nhưng ít người biết đến.
Đến năm 1988, nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành bài nhạc Mai Tôi Đi, và phải đến năm 2004, tức là tròn 50 năm sau khi bài thơ của Nguyên Sa ra đời thì bài hát phổ thơ Mai Tôi Đi mới được ra mắt khác giả và ngay lập tức được yêu thích qua tiếng hát đôi song ca Nguyên Khang và Diễm Liên:
Mai tôi đi, chắc trời giăng mưa lũ
Mưa thì mưa, chắc tôi không bước vội
Nhưng chẳng thế nào, thì cũng sẽ xa nhau, mình cũng sẽ xa nhau
Mai tôi đi, chắc rằng Paris khóc,
nhưng lệ rơi sẽ khô theo tháng ngày
Cho dù cách nào, thì cũng sẽ xa nhau, mình cũng sẽ xa nhau…
Nghe ca sĩ Nguyên Khang và Diễm Liên hát Mai Tôi Đi
Nguyên tác bài thơ của Nguyên Sa rất dài, nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lấy ý thơ và những câu thơ đầu tiên để viết thành ca khúc đầy cảm xúc, nói về sự lưu luyến trước buổi chia xa Paris. Cảm xúc chia ly đó dâng trào nên trời cũng dâng mưa lũ, Paris cũng than khóc, con đường và góc phố sẽ lặng lẽ nhìn theo, và sông Seine muôn đời lặng thầm thương nhớ.
Không như những lần trước đó, thi sĩ Nguyên Sa rời Paris nhưng vẫn còn ở lại Pháp, còn lần này là biệt ly ngàn dặm, cho nên dù có lưu luyến, dù cố tình bước đi thật chậm, dù lệ có rơi, dù có cố níu kéo bằng một cơn sụt sùi mưa lũ, dù bằng cách nào đi nữa, thì cũng xa nhau mà thôi…
Mai tôi đi xin đừng nhìn theo, xin đừng đợi chờ
Đời trăm muôn góc phố, con đường dài thật dài
Thẳng mãi có bao nhiêu, thẳng mãi có bao nhiêu
Vì người bước đi mà vẫn còn vô vàn niềm lưu luyến, nên người ở lại – chính là Paris – đã được nhân cách hóa như là một người tình chỉ biết lặng đứng nhìn theo. Mà đời thì có trăm nghìn nẻo phố, bóng người rồi sẽ nhanh chóng khuất xa, con đường dài thẳng này có là bao so với đường đời còn muôn trùng. Vì vậy mai tôi đi, lời nhắn gửi lại là dù bằng cách nào đi nữa thì cũng sẽ đành lòng xa, hãy đừng nặng lòng nhớ thương:
Mai tôi đi, xin đừng gọi tên, thêm nhiều muộn phiền
Dù môi kêu đắm đuối, hay mặn nồng một trời
Cùng đành lòng xa thôi, cũng đành lòng xa thôi
Mai tôi đi, chắc dòng sông Seine nhớ
nhưng dù sao, nhớ nhung rồi sẽ mờ
Muôn vạn u sầu, rồi cũng sẽ xa nhau, mình cũng sẽ xa nhau…
Một bài thơ khác của Nguyên Sa được phổ nhạc vào thập niên 1980, đó là Tháng 6 Trời Mưa, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã phổ thành một ca khúc cùng tên. Tuy nhiên đã từng có thời gian nhiều người nhầm lẫn đây là bài hát của Ngô Thụy Miên.
Trước đó, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên cũng đã 2 lần phổ nhạc cho bài thơ này của Nguyên Sa, đó là bài Tình Khúc Tháng 6 năm 1974 và Tháng 6 Trời Mưa năm 1984. Tuy nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm là thế hệ sau và là nhạc sĩ kém tên tuổi hơn Ngô Thụy Miên, nhưng bài hát Tháng 6 Trời Mưa của vị nhạc sĩ sinh năm 1960 này lại được biết đến và được yêu thích nhiều hơn 2 bài hát của Ngô Thụy Miên.
Bài thơ gốc của Nguyên Sa vốn đã có đầy nhạc tính, nên Hoàng Thanh Tâm gần như giữ nguyên câu từ trong bài thơ để viết thành bài hát. Thi khúc và ca khúc này chứa đầy những hình ảnh gợi cảm và đam mê của tình yêu đôi lứa, nhưng vẫn thanh thoát, nhẹ nhàng, trở thành một thứ ngôn tình để người trẻ ca tụng vào nhiều thập niên về trước:
Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt
trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
anh lạy trời mưa phong kín đường về
và đêm ơi xin cứ dài vô tận…
Có những cơn mưa dài lê thê không dứt hạt, mưa gợi nỗi buồn mênh mang khi cô đơn một mình, nếu có người yêu đến thăm thì những hạt mưa kia không còn ray rức nỗi niềm vắng xa nữa, và “vũ vô kềm tỏa năng lưu khách”, mưa không có then khóa mà giữ được chân người ở lại.
Nhờ mưa phong tỏa hết đường về, mưa cầm giữ chân nàng ở lại với ta chiều nay, và bóng đêm ơi xin cứ dài vô tận cho đôi tình nhân đắm đuối bên nhau trong suốt một đêm không cùng. “Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa” là điều ước tinh quái nhưng dễ thương, mong cho lần gặp nhau sẽ kéo dài không dứt như trời mưa tháng sáu.
Mình dựa vào nhau cho thuyền ghé bến
sưởi ấm đời nhau bằng những môi hôn
mình cầm tay nhau nghe tình dâng sóng nổi
hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn
Tháng sáu trời mưa có thể là kỷ niệm đã qua, có khi là điều ước muốn được bên nhau để đôi lòng sưởi ấm đời nhau bằng nồng thắm những môi hôn. Như con thuyền ghé bến bình yên không còn lênh đênh trên dòng đời nhiều phong ba gió cuốn, chỉ có nghe dậy sóng nổi từ tình yêu dâng nơi mắt trong mắt tay trong tay. Khi bên nhau, không gian và thời gian êm đềm ngập tràn hạnh phúc, và thi sĩ đã nhờ thơ để gửi thông điệp đến với mọi người là “hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn” (Cuộc đời nếu được như vậy thì còn mong gì hơn nữa).
Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
vì anh gọi tên em là nhan sắc.
Không ai tụng ca nhan sắc của người yêu bằng Nguyên Sa, bằng ngôn từ sang trọng riêng, nét đẹp của phụ nữ được thi sĩ tôn vinh bằng ý tưởng khai phá: ”Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng, tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân”.
Hai câu thơ gắn kết với nhau: anh chẳng cần ánh sáng, và chẳng còn thiết tha gì đến mùa xuân nữa khi có da em trắng tóc em mềm. Khi có em thì mọi điều trên đời trở thành không cần thiết, em là tất cả, khi anh gọi tên em là nhan sắc thì cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân, khi tôn em lên ngôi nhan sắc rồi thì tình yêu dành cho em cũng trở thành duy nhất, không còn ai khác ngoài em có đủ ánh sáng, đủ mùa xuân để thắp lửa cho đời anh.
Anh vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
anh sẽ nâng tay cho ngọc sát kề môi
anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
và bên em tiếng đời đi rất vội…
Tháng sáu trời mưa, có khi là cơn mưa trong ước mơ, mong trời mưa lưu giữ em ở lại cho anh vuốt tóc em ru tròn giấc ngủ, “anh sẽ nâng tay cho ngọc sát kề môi”, anh sẽ thì thầm lời gió thoảng… Những người đang yêu thường nhiều ước ao được vai cùng kề vai bên người mình yêu, cùng lắng nghe tiếng mưa êm đềm hòa nhịp vào mộng yêu đương, tiếng mưa sẽ trần thiết cho cuộc tình thêm âm vang kỷ niệm, tiếng mưa như trong mơ, cho anh nghe “và bên em tiếng đời đi rất vội”.
Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt
trời không mưa em có lạy trời mưa
anh vẫn xin mưa phong kín đường về
anh nhớ suốt đời mưa tháng sáu.
Tháng sáu trời mưa đã thành kỷ niệm rồi thì mưa mãi không dứt trong tâm tưởng. Bây giờ tháng sáu trời mưa trong ký ức lại trở về, em có còn “lạy trời mưa” như ngày xưa? Còn anh thì vẫn vậy, vẫn cầu “mưa phong kín đường về” cho khung trời yêu xưa. Trên “con đường tình sử” đã có những cơn mưa lưu giữ lại bước chân em, thì anh suốt đời làm sao quên được. Khi xa nhau, những cơn mưa tháng sáu, mưa vào thời gian xưa cũ càng diết da thêm nỗi nhớ dài không dứt như mưa ngoài trời và mưa trong lòng…
Ca khúc Tháng 6 Trời Mưa được nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm cho ra mắt năm 1987 trong album riêng của anh số 2 của anh mang chủ đề Khúc Nhạc Sầu Cho Em. Khi đó, ca sĩ Thái Hiền là người đầu tiên hát bài này. Mời bạn nghe lại bên dưới:
Click để nghe Thái Hiền hát
Ngay khi ra mắt, ca khúc này đã tạo được một hiện tượng mạnh mẽ và rất được yêu thích. Vì vậy, 2 năm sau, khi tác giả Hoàng Thanh Tâm thực hiện album riêng thứ 3 năm 1989, ông đã lấy chủ đề cuốn băng này là Tháng 6 Trời Mưa, và Ngọc Lan đã hát ca khúc này trong băng nhạc. Mời bạn nghe lại bên dưới:
Click để nghe Ngọc Lan hát
Sau đó, có rất nhiều nữ ca sĩ nổi tiếng cả trong nước và hải ngoại hát lại ca khúc này, nhưng thành công nhất có lẽ là ca sĩ Khánh Hà, mời bạn nghe lại bên dưới:
Click để nghe Khánh Hà hát
Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã chia sẻ lại với thính giả, ông đã phổ nhạc bài Tháng Sáu Trời Mưa trong một buổi chiều mưa ở nước Úc, khi tiếng mưa đã thành những giai điệu gợi về ký ức thời niên thiếu. Nhờ ý tưởng và ca từ đẹp sẵn có của bài thơ, khi nhạc phẩm ra đời đã thành một ca khúc đi vào lòng người, da diết thương nhớ và đẫm chất lãng mạn tình yêu tháng sáu trời mưa.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này, hy vọng thông tin về những bài hát từ tác phẩm của Nguyên Sa như Áo Lụa Hà Đông, Tuổi 13, Tháng 6 Trời Mưa đã giúp bạn hiểu hơn về nghệ thuật và vẻ đặc sắc của những tác phẩm âm nhạc đặc biệt này.