Nghệ sĩ Diệp Lang và sự nghiệp nghệ thuật vào năm 1964

0
23

Diệp Lang đã bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật của mình với sự nỗ lực và tài năng. Qua các vai diễn ấn tượng, anh đã chinh phục khán giả và trở thành một trong những nghệ sĩ cải lương được khá giả mến mộ.

Bài viết sau đây được đăng trong Giai phẩm Giải Thanh Tâm năm 1964. Khi đó nghệ sĩ Diệp Lang 23 tuổi, đã đoạt Huy chương vàng Giải Thanh Tâm trước đó một năm. Trong Giải Thanh Tâm năm 1964, ông được trao Bằng Danh Dự.

Lão lang y Đinh Quốc Thống run lẩy bẩy, giọng nghẹn lại:
– Thì bà… cứ coi cho kỹ! Nhìn coi ai… ai đang đứng trước mặt bà?!

Bà lão quê mùa, ốm yếu, nheo đôi mắt ướt nhòe ngước lên. Lão lang y đứng bất động. Chỉ có những sớ thịt trên mặt lay chuyển. Bà lão cũng thế. Họ ngó sững nhau. Môi mấp máy. Không một tiếng đờn. Không một lời nói. Sân khấu im lặng. Im lặng 100 phần trăm. Một thứ không khí chết. Projecteur thu nhỏ lại, rọi thẳng một chùm ánh sáng vừa đủ thấy hai người. Khán giả nín thở, mắt mở to ra…

Rồi người ta thấy bà lão chợt từ từ buông rơi cây gậy, chập choạng bước tới. Trên đôi môi héo hắt ấy, người ta vừa bắt gặp thoáng qua một nụ cười. Không! Dường như một cái khóc. Cũng không phải! Cả hai. Khóc và cười trong một tác động.
– Ông!
– Bà!
Lão lang y nấc lên, dang hai tay đỡ thân hình gầy guộc và ngã khuỵu dưới chân mình. Projecteur cho thấy rõ mấy giọt nước mắt của ông rươi xuống mãi tóc điểm bạc của bà lão. Nhạc rộn rã một đoản khúc vui tươi. Không khí chết sống lại. Và khán giả thở phào khoan khoái. Một tràng pháo tay vang động khán phòng.

Trên đây là một lớp diễn xuất của Diệp Lang và nữ nghệ sĩ Kim Cúc trong vở “Mùa Trăng Nhiều Nước Mắt”.

Một hình ảnh khác.

Tiếng kèn đồng rúc lên một hồi dài lanh lảnh. Hoàng tử… lạnh lùng giật bức màn the đậy kín tử thi ông vua già bịnh hoạn, và hấp tấp bước từng bước gọn gàng lên ngai. Hắn tìm một bộ ngồi cho thật bệ vệ. Hắn ngước cằm để cái nhìn được trang trọng và uy nghiêm. Toàn bộ mặt hắn rắn lại như khối đá. Chỉ một cái nhếch mép nửa bên miệng cho thấy sự sướng thỏa mà dù cố tình, hắn vẫn không che giấu hết. Hắn không ngó ngàng gì đến đám quần thần đang quì phục tung hô. Hắn dòm thẳng lên trời cao, “chỗ mà hắn định sẽ đi tới”. Hắn đã vừa thành công trong vụ án đầu độc cha ruột để soán ngôi.

Hắn là Diệp Lang trong vở “Giấc Mơ Không Đến Hai Lần”.

Gần đây hơn nữa.

Gã lái đò Vỹ Đào ôm xác cô gái giặt lụa Kiều Giang Quân trước Lã Băng Sơn, tình nhân của nàng và sứ quân Cát Định Công, chồng nàng. Gã cuối thấp đầu vì gã biết thân phận gã quá hèn mọn. Gió sông hái vài chiếc lá úa vàng rơi đáp trên đầu gã, rồi lăn nhẹ xuống vai. Đôi vai ấy đang run lên theo từng tiếng nấc.

Người chết trong tay gã chính là người gã đã yêu. Tình yêu đó gã không dám nói lên khi nàng còn sống. Bây giờ thì gã không còn gì phải sợ. Gã hãnh diện gào to tiếng yêu của bao nhiêu năm tháng câm lặng kia. Nếu người ta ghen tức mà hại gã, gã sẽ rất sung sướng chết theo nàng.

Ngày trước, người ta đã làm chủ cuộc đời nàng. Và người ta đã lầm lỗi đến biến nàng thành một xác chết. Giờ đây, hắn chỉ xin người ta cho gã được làm chủ cái xác đó, yêu cái xác đó. Gã sẽ cung nghinh cái xác đó đêm về bến sống xưa, đặt vào lòng khoan đò kỷ niệm. Khoan đò sẽ là mộ nàng. Náng sẽ ngủ yêu mãi mãi trên con đò mong manh phiêu bạt ấy.

Khán giả đi xem “Người Gọi Đò Bên Sông” có lẽ chưa quên được anh lái đò Diệp Lang bồng xác người yêu đi trong ánh nắng chiều.

Bước chân chậm chạp, khắc khổ của anh đủ làm một “coup rideau” nghệ thuật đúng mức.

Chỉ điểm qua ba vai trò nổi bật nhứt trong năm 1964, Diệp Lang đã chứng minh được một tiến bộ dài sau ngày chiếm Huy chương vàng Giải Thanh Tâm 63. Khán giả bao giờ cũng được mãn nguyện với anh trong bất cứ vở tuồng nào. Báo chí đã coi anh như một huy chương vàng sáng chói hơn hết, đã không làm suy giảm chút nào giá trị chiếc huy chương anh đang mang giữ.

Tôi đã đứng chung một bảng hiệu với người diễn viên trẻ ấy suốt một năm nay. Anh đã hát nhiều vở của tôi. Tôi đã tập tuồng với anh. Những ngày lưu diễn, nhiều lúc chúng tôi ở chung một khách sạn, ngủ chung một phòng. Và chúng tôi có dịp thường xuyên trao đổi những quan niệm về đời sống cũng như về nghề nghiệp. Chuyện tâm tình của anh, tôi cũng tạm hiểu được khá nhiều.

Trong phiên họp Tuyển Chọn của Giải Thanh Tâm kỳ nầy, anh là người duy nhứt trong 6 Huy Chương Vàng Giải Thanh Tâm 1963 được cấp Bằng Danh Dự Giải Thanh Tâm 64 với số phiếu thật cao: 9 trên 10.

Tại sao vậy? Câu giải đáp thích ứng hơn hết là đi sâu vào cuộc sống thường nhựt của anh, của nghệ sĩ Diệp Lang và của người con trai tên Dương Công Thuấn.

Nói đến nghệ sĩ Diệp Lang, ngày hôm nay người ta không còn coi ah như một “nghệ sĩ triển vọng” mà điều lệ giải Thanh Tâm đặt làm tiêu chuẩn tuyển chọn nữa. Chỉ sau một năn, ngày hôm nay anh đã là một “diễn viên lớn”, tài năng chín muồi, kiến thức nghề nghiệp vững chãi.

Tôi dám quả quyết, bất cứ một soạn giả khó tánh nào cũng phải hài lòng khi thấy Diệp Lang thủ diễn nhân vật mình tạo ra (Miễn nhân vật đó đừng ca vọng cổ hoặc những bài bản có hơi “ai” tương tợ). Bất cứ một đạo diễn nghiêm khắc nào cũng phải thích thú làm việc với Diệp Lang, con người thận trọng, diễn tập say mê, lãnh hội mau mắn và luôn luôn có một thái độ đứng đắn khi gặp những bất đồng cần tranh luận. Và tôi cũng dám quả quyết bất cứ một chủ nhân đoàn hát nào cũng phải mến chuộng Diệp Lang ở đức tính cần mẫn, ôn hòa, không gây những rối rắm phiền toái như chúng ta thường thấy.

Tôi suy luận, ngoài cái đặc chất trời cho, có lẽ một phần lớn còn nhờ ở hoàn cảnh khác biệt của anh. Đơn độc gặt hái thành công. Anh thành công bằng tất cả ý chí của bản thân mình nhiều hơn bằng sự nâng đỡ của người khác. Nó khó khăn, vất vả, chớ không nhanh chóng dễ dàng như một số đồng nghiệp vụt sáng nhờ một hơi ca. Nó đòi hỏi nhẫn nại. Nó dạy anh cố gắng. Cố gắng nhiều hơn nữa. Để đứng vững. Để đi lên.

Không có hơi ca ngọt, abg tranh thủ chỗ ngồi trong diễn xuất. Không đẹp trai hơn ai, anh tự tạo ra nét đẹp trong diễn xuất. Chỉ có diễn xuất. Anh miệt mài với diễn xuất. Anh chạy tìm diễn xuất. Say sưa! Cuồng tín! Bất cứ ở đâu! Trong ciné. Trong các bậc đàn anh. Trong các bạn hữu đương thởi. Trong các đồng nghiệp đến sau. Khiêm tốn. Phục thiện.

Tôi chưa thấy anh từ chối một vai trò nào. Cũng không miễn cưỡng với một vai trò nào. Lão, độc, mùi… hay gì gì nữa. Anh vui vẻ nhận hết. Và qua từng vai trò mới, anh không ngớt bươi đầu khám phá những nét diễn mới. Thế là anh đi lên.

Tuy nhiên, người ta chỉ thấy anh sở trường ở hai vị trí: lão và độc. Nhứt là lão.

Tâm hồn của nghệ sĩ Diệp Lang là vậy. Tâm hồn người con trai tên Dương Công Thuấn cũng chẳng khác gì hơn. Nó dung chứa bên trong một chiều hướng đi lên sôi nổi, xa rộng, không giống mảy may với cái vẻ dung dị, trầm lặng bên ngoài.

Một điều không thể phủ nhận là các anh kép trẻ đều có nhiều mối tình. Tôi đã chứng kiến những mối tình của Diệp Lang. Những người đến với anh và những người anh tìm đến. Những người đã đi rồi và những người trong hiện tại. Một vài người vừa mới mon men trên ngưỡng cửa đời anh. Có người làm anh đau khổ. Có người làm anh vui. Và có người làm anh bực bội.

Khá nhiều nhưng không thác loạn. Diệp Lang đáng khen ở chỗ đó. Anh như người khách đi giữa chợ chọn lựa một món hàng. Khách chưa dứt khoát vì chưa kiếm được món hàng mong đợi. Ví dụ này có hơi táo bạo nhưng sự thật là thế. Tôi nghĩ nó không khác nhau điểm nào cả. Tôi cũng nghĩ nó không có gì đáng trách. người con trai hoặc người con gái đều có quyền làm người khách vào chợ chọn lựa món hàng vừa ý mình. Thế vãn tốt hơn mua lầm rồi đổ tội cho người khác. Hay mua tất cả để rồi không giữ lại món nào.

Tôi mến Diệp Lang ở thái độ chọn lựa. Đường hoàng và trong sạch. Lãng mạn một chút nhưng không bừa bãi lăng nhăng.

Nhiều người phê phán Diệp Lang quá cầu toàn, thiếu thực tế. Anh cười xòa, đáp lại: “Tôi sẽ quyết định cưới vợ năm nay”. Nhưng rồi anh cứ vẫn cô đơn đến giờ nầy. Anh vẫn là người khách phân vân đứng giữa chợ…

Các bạn ơi, người con trai ấy trót đã vậy rồi. Từ một chú bé nghèo tìm ra kế sinh nhau trên sàn gỗ. từ một vệ sĩ vô danh dựng nên tên tuổi Diệp Lang. Hẳn nhiên anh ta phải có nhiều hoài bão lắm. Hoài bão ấy không biết sẽ đưa tài nghệ anh ta đi xa tới mức độ nào. Không biết sẽ đưa cuộc đời anh ta ghé đậu bến bờ nào.

Điều cần biết là anh ta vẫn tha thiết với chuyến đi. Vậy cứ để anh ta đi. Lạy trời cho anh ra toại nguyện.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận