Người phụ nữ thầm lặng trong cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy: Danh ca Thái Hằng

0
24

Thái Hằng – người phụ nữ đã để lại dấu ấn trong cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy bằng sự hiền lành và bí ẩn. Danh ca Thái Hằng chính là người vợ thầm lặng đứng sau ánh hào quang của nhạc sĩ Phạm Duy.

Ca sĩ Thái Hằng tên thật là Phạm Thị Quang Thái, sinh năm 1927 tại Hà Nội. Ngoài vai trò là ca sĩ tân nhạc nổi tiếng từ cuối thập niên 1940, bà còn là vợ của nhạc sĩ Phạm Duy, cũng chị ruột của danh ca Thái Thanh cùng nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Ngoài ra, Thái Hằng còn là thân mẫu của các ca sĩ nổi tiếng Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo và nhạc sĩ Duy Cường. Tên tuổi nữ danh ca Thái Hằng gắn bó với Phạm Duy và ban hợp ca Thăng Long thành một gia đình nghệ sĩ hàng đầu đã có những đóng góp lớn lao cho âm nhạc Việt Nam.

Ca sĩ Thái Hằng

Danh ca Thái Hằng bắt đầu sự nghiệp ca hát trong những năm chống Pháp. Trong những năm ấy, bà cùng các anh em là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ca sĩ Thái Thanh… theo các đoàn văn công đi khắp các chĭến khu. Năm 1949, ca sĩ Thái Hằng kết hôn với nhạc sĩ Phạm Duy. Sau này bà còn hát trên các đài phát thanh Sài Gòn và tham gia Ban Hoa Xuân hát trường ca Con Đường Cái Quan, Mẹ Việt Nam.

Cha của Thái Hằng là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 4 người con trai: Phạm Đình Trung, Phạm Đình Chính, Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.

Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có ba người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.

Thái Thanh – Phạm Đình Chương – Thái Hằng

Việc những anh chị em Thái Hằng đều trở thành những nghệ sĩ tên tuổi không phải là một điều lạ vì bởi song thân của họ là hai người rất sành nhạc cổ: Cha của bà đánh đàn nguyệt, trong khi thân mẫu thì đánh đàn tranh và đàn tỳ bà nổi tiếng ở đất Bắc. Bà còn là chị em bạn dì ruột với giọng ngâm tên tuổi Hồ Điệp. Hầu như tất cả anh em của Thái Hằng đều thấm nhuần văn nghệ từ lúc còn trẻ.

Ngày 12 tháng 9 năm 1946, tức là ngày toàn quốc kháng chĭến, gia đình ông bà Phạm đình Phụng tản cư ra Sơn Tây. Ông bà đưa các con chạy xuống vùng xuôi, mở một quán phở đặt tên là Thăng Long. Tại quán Thăng Long, các văn nghệ sĩ kháng chĭến thường dừng chân, ăn phở và nghe nhạc. Từ đó cái tên Ban Hợp Ca Thăng Long ra đời. Phạm Thị Quang Thái tức Thái Hằng còn là cháu của nữ kịch sĩ Song Kim, được Thế Lữ (là chồng của bà Song Kim) có ý định cho vào hoạt động trong đoàn kịch Thế Lữ. Nhà thơ kiêm kịch tác gia này đặt cho cô Thái cái tên sân khấu là Thái Hằng.

Đầu năm 1949 anh chị em Thăng Long gia nhập các ban văn nghệ quân đội của liên khu IV. Quán Thăng Long dời về chợ Neo (Thanh Hóa). Cũng tại quán Thăng Long này, nhan sắc và tiếng hát của Thái Hằng trở nên nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ kháng chĭến. Nhiều người nổi tiếng đã “trồng cây si” Thái Hằng, trong đó có thi sĩ Đinh Hùng, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Ngọc Bích. Có thông tin cho rằng ca khúc Cô Hàng Cà Phê của nhạc sĩ Canh Thân với nhân vật chính là Thái Hằng, cô con gái của hàng cafe Thăng Long.

Phạm Duy – Thái Hằng vào thập niên 1940

Trong hồi ký Phạm Duy, đoạn ghi lại những năm đầu đi kháng chĭến, “tạm trú” ở ngay quán Thăng Long, nhạc sĩ Phạm Duy viết về sự gặp gỡ định mệnh với Thái Hằng như sau:

“Vào đầu năm 1949, sau khi tất cả mấy anh em Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung), Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Băng Thanh (tức Thái Thanh) đã gia nhập các ban văn nghệ quân đội của Liên Khu IV rồi thì hai ông bà Thăng Long cũng rời Chợ Đại di cư vào Thanh Hoá để được sống gần gũi các con.

Hai ông bà tới một nơi gọi là Chợ Neo, cách làng Ngò khoảng vài cây số, thuê lại căn nhà lá của một nông dân tên là Cò Mại và mở một quán phở vẫn lấy tên là Quán Thăng Long.

Chợ Neo là một chợ quê rất bé, trước kia chỉ có lèo tèo vài gian nhà trống dùng làm nơi họp chợ của dân điạ phương, bây giờ thì có thêm khoảng trên hai chục cửa hàng là những túp nhà lá do dân di cư dựng lên. Quán Thăng Long nằm ở ngay trước mặt một ngôi chùa nhỏ, chung quanh chùa có đào nhiều hố tránh máy bay.

Phạm Duy và Thái Hằng (thứ 2,3) từ bên trái sang

Vì cùng là đội viên của đoàn văn nghệ quân đội và vì không có ai là người quyến thuộc cho nên vào những ngày nghỉ, tôi thường hay theo Phạm Đình Viêm và Thái Hằng về chơi quán Thăng Long.

Đã quen biết hai ông bà từ ngày ở Chợ Đại cho nên tôi được ưu đãi. Tôi được ăn uống, nghỉ ngơi và ngủ luôn tại quán, giường ngủ là hai cái bàn trong quán ăn kê xát lại nhau. Cùng với Viêm, Chương, Thái Hằng, Băng Thanh, chúng tôi ngồi đàn hát với nhau suốt ngày hoặc cùng với đội viên của đoàn văn nghệ đóng quân ở gần đây, kéo nhau ra sông máng để tắm táp, bơi lội.

Khi nhìn thấy mấy cô trong đoàn mặc maillot de bain nhảy plongeon xuống nông giang thì bộ đội đi hành quân trên bờ đê đã… điên lên.

Khi còn ở Chợ Đại, tôi cũng thoáng biết tới cô con gái lớn của Quán Thăng Long, được nghe cô đánh đàn guitare hawaiwenne và hát chung với mấy người anh, nhưng lúc đó tôi không năng tới quán ăn này để tán tỉnh nàng – như thường lệ mỗi khi gặp bất cứ người đẹp nào – bởi vì tôi còn đang quá bận bịu với những chuyện vui chơi của tôi.

Vả lại lúc bấy giờ cũng có khá nhiều cây si được trồng tại quán Thăng Long. Các chàng si này, nếu phải mài kiếm dưới trăng để so kiếm, lại toàn là những tình địch trong nghề như Đinh Hùng, Huyền Kiêu, Bùi Xuân Phái, Ngọc Bích…

Thái Hằng (ngoài cùng bên trái)

Vào tới Khu IV, tuy cùng hoạt động chung với nhau trong đoàn văn nghệ, nhưng tôi và Thái Hằng chỉ là hai người bạn đồng đội và sống riêng biệt. Mới đầu tôi chỉ thấy Thái Hằng là người hiền lành, xinh xắn, dễ thương nhưng ít vui và rất hà tiện trong sự biểu lộ tình cảm. Nay được ở gần nàng luôn luôn và vì tôi là người lém lỉnh cho nên nàng không thể im hơi lặng tiếng được nữa. Thế là chuyện này chuyện nọ được trao đi đổi lại như giữa bất cứ một đôi trai gái nào.

(…)

Sau gần sáu tháng đi chung với nhau trong đoàn văn nghệ cũng như ở chung với nhau tại Quán Thăng Long và sau khi đã ôm được nàng vào lòng rồi, tôi chính thức hỏi Thái Hằng làm vợ…”

Sau khi họ kết hôn với nhau – như lời Phạm Duy tự sự bên trên – hành trình âm nhạc của gia đình họ từ đó sinh sôi thêm những tài năng mới, với Duy Quang là con đầu lòng sinh năm 1950, và các em Duy Cường, Thái Hiền, Thái Thảo.

Từ cuối thập niên 1940, tại Khu IV thời kháng chĭến, Thái Hằng nổi tiếng cùng với ban hợp ca Thăng Long, với các anh em là nữ ca sĩ Thái Thanh, ca sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc.

Đại gia đình Thăng Long: hàng trên: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoài Trung, hàng dưới: Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh

Ban Thăng Long đã trình diễn trên các đài phát thanh và sân khấu khắp ba miền Việt Nam từ thập niên 1950. Thái Hằng cũng được thính giả đài phát thanh Sài Gòn rất hâm mộ khi ngâm thơ trong chương trình Tao Đàn do cố thi sĩ Đinh Hùng phụ trách. Bà cũng thường song ca cùng em gái là ca sĩ Thái Thanh.

2 chị em Thái Hằng – Thái Thanh

Cho đến nay giới thưởng ngoạn âm nhạc Việt Nam còn nhớ giọng ca của bà qua những bản Tiếng Sáo Thiên Thai, Tình Hoài Hương, Tình Ca… của Phạm Duỵ. Thái Hằng, ngoài địa vị một người mẹ hiền, một người vợ thảo, nuôi nấng 8 người con, bà còn là một giọng ca không thể thiếu được trong ban hợp ca Thăng Long. Cùng với nhạc sĩ Phạm Duy, ban hợp ca cùng với Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc, đã góp phần dựng lên một thời, thời cực thịnh của âm nhạc Việt Nam.

Từ đầu thập niên 1970, khi các con đã lớn, bà ngưng hoạt động trình diễn. Sau khi qua Mỹ năm 1975 gia đình bà đã trở lại sân khấu, cùng Phạm Duy, Thái Hiền và Thái Thảo đi lưu diễn khắp thế giới đến năm 1978, khi các con trai từ Việt Nam qua Mỹ thì bà cũng ngưng hoạt động âm nhạc.

Thái Hằng được bạn bè nhìn như một người vợ thảo, mẹ hiền kiểu mẫu theo lối Việt Nam cổ truyền. Khi ở Việt Nam cũng như khi qua Mỹ, gia đình đều sống quây quần, trong một mái nhà hay ở nhà bên cạnh. Ngoài bổn phận làm vợ và làm mẹ thì Thái Hằng coi sự nghiệp ca nhạc chỉ là phụ, suốt đời không bao giờ phải lo lắng về cuộc sống, ngoài những bổn phận trong gia đình.

Nhạc sĩ Phạm Duy nói rằng trong 52 năm sống chung, hai người không bao giờ phải lớn tiếng với nhau.

Thái Hằng có những đức tính không phải người vợ nào cũng có, đó nhiều lần tha thứ cho bản tính bay bướm của chồng, hoặc là bà đã chấp nhận số phận đó khi quyết định đồng ý lấy chồng là một nhạc sĩ tài hoa bậc nhất của âm nhạc Việt Nam.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy nói trên một tạp chí như sau: “Khi tôi không còn, các con tôi sẽ kể lại cho nghe tôi có bao nhiêu cuộc tình. Các con tôi biết hết, vợ tôi cũng biết. Trước khi ra đi, bà ấy còn nói với các con: ‘Chuyện của bố mày tao biết hết, tao để cho bố mày làm vì nghệ thuật’”.

Về tính cách của bà Thái Hằng, được nhà văn Văn Quang (hàng xóm của gia đình Phạm Duy) kể lại như sau:

“Thái Hằng là người rất bình dị. Chưa bao giờ chị chứng tỏ mình là “một cái gì”, ít ra cũng là vợ một nhạc sĩ có tên tuổi. Nói khác đi, chị không phải là bà Phạm Duy nổi tiếng và cũng chẳng phải là một nữ danh ca thượng thặng trong ban hợp ca Thăng Long. 

Chị sống chan hòa như một người chị mẫu mực, hiền hậu. Đối với mọi người trong xóm, chị sống hết sức bình dị, không se sua, không làm dáng.

Mỗi buổi sáng, quần ta, áo cánh xách giỏ đi chợ như mọi bà nội trợ bình thường khác. Chị thân thiện chân thành chứ không phải sự “nhún mình” để che giấu một thứ hào quang sau gáy.

Suốt hơn 10 năm, sống gần gia đình chị, từ khi Duy Quang, Duy Cường, Duy Minh còn rất nhỏ cho tới khi các cháu lớn lên, tôi chưa hề thấy chị to tiếng với bất kỳ cháu nào và chị cũng chưa từng làm mất lòng ai trong xóm. Sự khoan hòa dung dị của chị có thể là một tấm gương lớn cho nữ giới.”


Click để nghe Thái Hằng hát bài Bà Mẹ Quê của nhạc sĩ Phạm Duy

Vào mùng 1 Tết Âm lịch năm 1999, nhạc sĩ Phạm Duy thấy vợ mình ho mãi không dứt nên gia đình liền đưa bà đi bệnh viện và phát hiện bà bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Bà sống được thêm 7 tháng thì qua đời vào thứ Bảy, 14 tháng 8 năm 1999 tại nhà riêng, thị trấn Midway City, miền Nam tiểu bang California. Trong suốt thời gian đó nhạc sĩ Phạm Duy hầu như không bước ra khỏi nhà, từ chối mọi cuộc gặp gỡ bên ngoài. Nhạc sĩ luôn ở bên cạnh giường bệnh của vợ. Những ngày cuối cùng bà sống rất bình an và hạnh phúc bên chồng với các người con đã trưởng thành, và thân quyến, bạn bè luôn đến thăm hỏi.

Sau khi Thái Hằng qua đời, có rất nhiều lời thương tiếc gửi đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhạc sĩ Phạm Duy đã gửi lại một thư cám ơn, trong đó ông ca tụng người vợ quá cố của mình là một “Thần Hộ Mệnh” trong cuộc đời ông. Mời bạn đọc nguyên văn đoạn thư này:

Midway City, ngày 16 tháng 8 1999

Cám ơn các bạn đã có những lời phân ưu đến với gia đình tôi vào những ngày tang tóc này, như những lời an ủi huyền diệu.

Nhà tôi ra đi rất êm ái như đã êm ái đến với cuộc đời quá huyên náo này. Êm ái lớn lên trong bóng mát của cha mẹ, êm ái đi vào cuộc chĭến, đi vào hai cuộc tình rồi êm êm đi vào hôn nhân. Thành người vợ, người mẹ một triệu lần êm ái, rồi cùng chồng con và biết bao nhiêu tổ ấm khác, êm đềm ruổi rong di tản trong nước rồi lưu vong trên thế giới. Êm ả và âm thầm ngay cả trong cuộc hẹn hò với bạo bệnh và tử thần từ nhiều năm qua…

Giữa năm nay, sau khi từ bệnh viện về nhà và biết rõ số phận mình, nhà tôi có đủ thời gian để ôn lại chuyện đời, chuyện nhà và trối trăn với chồng con, với anh em ruột, và cùng dăm ba người bạn vong niên…

Bà đã có may mắn là trong 50 năm nước nhà tan tác, dù cũng như nhiều người khác, phải ba bốn lần bỏ nhà bỏ cửa ra đi nhưng bà chưa hề phải xa chồng một ngày, chỉ bị xa con vài năm rồi lại đoàn tụ. Bà luôn luôn được sống chung dưới một mái nhà với chồng, với con, với cháu cho tới ngày tận số. Là chủ gia đình nhưng chưa bao giờ bà phải lo lắng hay vất vả vì sinh kế, bà chỉ sống để làm người vợ đại lượng và hiền lành nhất vùng, người mẹ bao dung và hiền hậu nhất xóm với nhiệm vụ là bà TIÊN NỮ của các con và trách nhiệm là vị THẦN HỘ MỆNH (hay BÀ CHÚA NGỤC) của chồng. Bà là người mẹ không biết dùng roi với con. Bà là người vợ trong 50 năm chung sống với chồng không một lời nói nặng. Bà là sự nâng đỡ của tôi trong phen sa ngã, là sự thanh bình của tôi trong nhiều sóng gió, là sự thành công của tôi trong cơn vật vã với đời, là nụ cười của nàng Mona Lisa kín đáo, đậm đà của gia đình này. Nhà tôi ra đi với nụ cười lặng lẽ đó…

Về phần tôi, vào đúng ngày Tết Nguyên Ðán năm nay, khi bác sĩ khám phá ra nhà tôi bị ung thư phổi và không thể sống quá một năm, tôi bị chấn động tinh thần, mất ăn, mất ngủ, sụt 13 pounds và phải đi khám tổng quát tim, phổi, gan, dạ dầy… xem có bị ung thư hay không? Kết quả là cơ thể không hề hấn gì nhưng tinh thần thì suy sụt. Tôi đã phải đình chỉ mọi hoạt động văn nghệ dù có những ”shows” đã ”booking” từ lâu. Suốt nửa năm trời cùng với các con lo việc chữa bệnh cho nhà tôi, thay phiên nhau trông nom bà ấy trong bệnh viện hay khi đưa bà về nhà điều trị, tôi cũng dần dần lấy lại được sự thăng bằng trong đời sống, dù lúc nào cũng có một tảng đá lớn đè trên ngực mình.

Bây giờ thì nhà tôi đã nhẹ nhàng ra đi, tảng đá kia đã cũng nặng nề đổ xuống, lo xong việc chôn cất cho vợ là tôi có thể thành một người tự do hơn trước, vì đã làm xong bổn phận người chồng. Các con tôi cũng đã quá khôn lớn, bây giờ tôi sắp sửa được trở về cái cõi cô đơn truyền kiếp của người nghệ sĩ muôn đời. Tôi lại được tự do thênh thang vác đàn ngao du như trong một thuở xa xưa nào, hoa cài trên phím, tiếng cười trong dây… Xin được cám ơn mọi người bằng nụ cười cô đơn đó. (Phạm Duy)

Vào ngày 27 tháng 1 năm 2013, nhạc sĩ Phạm Duy qua đời ở Sài Gòn. Gần 1 năm sau, vào ngày 8 tháng 1 năm 2014, hài cốt của ca sĩ Thái Hằng đã được đưa về quê hương và an táng vĩnh viễn bên cạnh nhạc sĩ Phạm Duy và con trai cả Duy Quang tại “Khu vườn Phạm Duy” ở Hoa viên nghĩa trang Bình Dương.

Tuy được xưng tụng là danh ca, nhưng có lẽ là không có nhiều người được thưởng thức giọng hát của Thái Hằng, bởi vì những bản thu âm của bà còn lưu lại đến nay rất hiếm. Sở dĩ như vậy là bởi vì sau khi kết hôn với nhạc sĩ Phạm Duy năm 1948, danh ca Thái Hằng không còn hoạt động ca hát nhiều nữa, điều này khác với cô em nổi tiếng của Thái Hằng là danh ca Thái Thanh.


Click để nghe bản thu thanh hiếm: Phạm Duy & Thái Hằng & Thái Thanh cùng hát bài Viễn Du của Phạm Duy

Những năm ca hát sôi nổi nhất của Thái Hằng chủ yếu là trong ᴄhιến khu ở các vùng phía Bắc. Dù tham gia trong đoàn văn nghệ của Việt Minh nhưng tiếng hát của bà vẫn được phát trên đài phát thanh của Pháp và vang xa đi khắp nơi. Dù vậy thời kỳ này tân nhạc Việt Nam vẫn chưa được thu thanh vào đĩa hát, nên giọng hát của Thái Hằng và nhiều ca sĩ tân nhạc cùng thời hoặc trước đó không được lưu lại. Những bản thu âm ít ỏi của Thái Hằng mà chúng ta có thể nghe được hiện này là thu trong các năm đầu thập niên 1950. Lúc này thì bà đã lập gia đình và lần lượt có 8 người con nên không thể hoạt động nghệ thuật thường xuyên, nếu có thì cũng chỉ tham gia đóng thoại kịch trên đài phát thanh, thỉnh thoảng cũng có hát tân nhạc trong ban Thăng Long nhưng rất ít.

Sau đây mời các bạn nghe lại những bản thu âm hiếm của Thái Hằng vào thập niên 1950:


Click để nghe Thái Hằng hát bài Bà Mẹ Quê của nhạc sĩ Phạm Duy


Click để nghe Thái Hằng hát bài Chú Cuội của nhạc sĩ Phạm Duy

Trong số hàng ngàn ca khúc trong sự nghiệp nhạc sĩ Phạm Duy, ông đã sáng tác nhiều bài tình ca cho những người tình trong đời mình, và ông cũng sáng tác cho vợ của mình nhiều ca khúc, trong đó có 2 bài đã được Thái Hằng thu âm và còn lưu lại cho đến ngày nay, đó là Đêm XuânChú Cuội.

Bài hát Đêm Xuân được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác năm 1948, ngay sau khi cưới Thái Hằng. Có thể hiểu rằng đêm xuân đó chính là đêm tân hôn của đôi trai tài gái sắc, và đây cũng là ca khúc đầu tiên mà nhạc sĩ Phạm Duy viết về mùa xuân, một mùa xuân của hạnh phúc. Ông nói về ca khúc này như sau:

“Tôi soạn bài xuân ca đầu tiên là ĐÊM XUÂN để tặng cho người vợ yêu quý vừa kết hôn là Thái Hằng. Bài này đậm đà, thắm thiết, chứa chan hạnh phúc. Trong sáng tác, đây là lần thứ sáu tôi nói tới cây đàn. Bây giờ là tiếng đàn báo tin Xuân đã về và hạnh phúc đã tới”


Click để nghe Thái Hằng hát bài Đêm Xuân của nhạc sĩ Phạm Duy

Sau ca khúc Đêm Xuân, nhạc sĩ Phạm Duy có Hoa Xuân:


Click để nghe Thái Hằng hát bài Hoa Xuân của nhạc sĩ Phạm Duy

Tiếp sau đó là một ca khúc xuân nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy – Xuân Ca:


Click để nghe Thái Hằng – Thái Thanh – Kim Tước hát Xuân Ca của Phạm Duy

Một số bài hát Thái Hằng song ca với Thái Thanh:


Click để nghe Thái Hằng hát Tiếng Sông Hương của Phạm Đình Chương – Ban Thăng Long hát bè


Click để nghe Thái Hằng – Thái Thanh song ca Dòng Sông Xanh, lời Việt của Phạm Duy


Click để nghe Thái Hằng – Thái Thanh song ca Tiếng Sáo Thiên Thai của Phạm Duy


Click để nghe Thái Hằng – Thái Thanh song ca Ngày Mùa của Văn Cao


Click để nghe Thái Hằng – Thái Thanh song ca Reo Vang Bình Minh của Lưu Hữu Phước

2 chị em Thái Hằng – Thái Thanh

Một số bài hát khác:


Click để nghe Thái Hằng hát bài Nỗi Lòng Chinh Phu của nhạc sĩ Ngọc Bích


Click để nghe 2 danh ca Thái Hằng và Minh Trang hát Gánh Lúa của Phạm Duy


Click để nghe 2 danh ca Thái Hằng và Ánh Tuyết hát Tôi Yêu của Trịnh Hưng


Click để nghe 2 danh ca Thái Hằng – Ánh Tuyết cùng vợ chồng Duy Khánh – Tuyết Mai hát Hò Lơ của Phạm Duy


Click để nghe 3 anh em: Hoài Trung – Thái Hằng – Thái Thanh hát Nhạc Đường Xa của Phạm Duy Nghĩa

Sau đây là một bài báo năm 1957 về danh ca Thái Hằng, được viết với hình thức khá thú vị, như là một buổi tán gẫu thân tình giữa những người rất thân thiết với nhau. Qua buổi trò chuyện, chúng ta có thể thấy được phẩm chất của một danh ca, và sự điềm đạm, duyên dáng của một phụ nữ đang ở độ tuổi chín của cuộc đời…

Tư liệu của Leminh Saigon

Nhắc đến nữ danh ca Thái Hằng thì chắc hẳn các bạn yêu nhạc không quên được nét mặt dịu hiền của cô trong ban Thăng Long, một ban hợp ca đã từng làm sôi nổi khắp miền Trung Nam Bắc. Và chắc các bạn cũng còn nhớ mãi được tiếng hát “giọng hai” của cô đã quấn quyện với tiếng ca của Thái Thanh trong nhạc phẩm Giòng Sông Xanh, một bản nhạc ngoại quốc lời Việt rất khó hát, khó diễn tả nổi nếu như người hát không giổi về kỹ thuật hát xướng.

Sau mỗi lần: “…và đây, hai cô Thái trong nhạc phẩm Giòng Sông Xanh…” – Lời giới thiệu vừa dứt, thì khán giả lại được hơn một lần nữa say sưa với khúc hát điêu luyện của hai chị em Thái Hằng, Thái Thanh.

“Sóng nước biếc biếc…” được dâng lên cùng tiếng ca ngọt ngào, với nụ cười và nét mặt đoan trang, Thái Hằng đã diễn tả đúng mức để có thể đưa tâm hồn người lâng lâng về miền xa lạ của xứ có giòng sông Danube.

Nghĩa là ban hợp ca Thăng Long đã thành công rực rỡ, và cũng như thiên hạ hoan nghênh khúc hát sau khi song ca với Thái Thanh, thì chính Thái Hằng đã là một cột trụ để tạo nên được những phút vẻ vang huy hoàng đó.

Trong những buổi hội họp, trong những khi toàn ban hân hoan nhận lời khích lệ của bao người mến chuộng thì Thái Hằng lúc nào cũng giữ một nụ cười khiêm nhượng, nhưng rất kẻ cả của bậc đàn chị, mà người ta tưởng rằng sẽ lẫn vào trong đám đông đó. Thái Hằng ít nói, và cô sợ người ta quên mình đi chăng? Nhưng không, đấy lại là tính tình đáng quý nhất của một nghệ sĩ vì những người hiểu biết thì không ai phủ nhận được công trình vun vén của Thái Hằng lúc nào cũng mong đi đến kết quả cho tập thể, và tác phong e ấp đó là do bẩm tính, mà cặp mắt của Thái Hằng đã nói được rất nhiều rồi.

Hiện bây giờ đôi nghệ sĩ Phạm Duy – Thái Hằng đang sống êm đẹp như thuở ban đầu trong một căn nhà xinh xinh ở dưới đường Chi Lăng – Phú Nhuận.

Ngoài những giờ đi hát, và đóng kịch ở Đài phát thanh, Thái Hằng chỉ còn biết làm tròn bổn phận cho chồng và cho bốn cậu con trai còn bé tí teo.

Gia đình Thái Hằng, vào thời điểm 1957 của bài báo này

Sự dịu dàng của Thái Hằng và tính tình khéo cư xử đã làm cho những cô bạn thân, chẳng hạn như Tâm Vấn phải mê. Và những cô em gái nuôi mến Thái Hằng không chịu được:

– Chị ơi chị, cho chúng em ảnh nào mới nhất của chị đi.

– Chị ơi chị, chị đang tập hát bài gì thế?

– Chị ơi chị, chị đang làm cơm đấy à? CHúng em đỡ cho chị một tay nhá…

Đấy là những câu nói của hai cô em gái nuôi thân nhất của Thái Hằng, hai cô nữ sinh Trưng Vương đã vì mến tài và mến luôn cả đức hạnh của Thái Hằng mà thỉnh thoảng đến thăm và “quấy quả” chị như vậy.

Đã có một hôm các cô tò mò:

– Chị ơi chị, ngoài những buổi hát, có phải hiện bây giờ chị còn đóng kịch trong ban Tin Yêu ở đài phát thanh nữa không ạ?

– Em biết rồi cơ. Giọng nói của chị thì lẫn thế nào được.

– Mà chị lấy tên là Thái Hiền, có phải không nào?

– Mấy con bạn em nó cũng nghe chị đóng kịch. Chúng nó khen chị đóng kéo khéo là ấy. Chúng nó khen thật đấy chị ạ. Em thì chẳng thèm khen chị đâu.

– Xì, cậu không biết gì cả. Có một dạo chị Hằng cũng ngâm thơ cơ. Hay đáo để. Có phải không hả chị?

– Thật đấy! Mấy con bạn em nó cũng mê chị kinh khủng. Chúng nó thấy em có ảnh mới nhất của chị cho, chúng nó ghen ghen là ấy.

Ấy đấy, 2 cô nữ khán giả, nữ thính giả trung thành và bây giờ là 2 cô em nuôi thân mến nhất của Thái Hằng mỗi lần đến nhà là ríu ra ríu rít cứ như chim vành khuyên ấy thôi.

Thì đã bảo Thái Hằng chẳng bao giờ muốn làm mất lòng ai cả mà. Cho nên cả đến những kỷ niệm nho nhỏ xinh xinh của cuộc đời Thái Hằng cũng phải kể lại cho những cô em ranh mãnh.

– Thế chị đóng kịch từ hồi nào ạ?

– Lâu lắm rồi, từ năm 1948. Và sang năm 1949 chị mới hát cơ mà.

– Thế chị đóng vở kịch gì thế?

– Lần đầu tiên lên sân khấu chị có sợ không ạ. Chắc là chị phải run lên ấy nhỉ.

– Để nhớ xem nào. À… à chị đóng đầu tiên là vở kịch Thử Thách, rồi đến vở Cái Võng. Lẽ dĩ nhiên lần đầu tiên lên sân khấu thì ai mà chẳng run. Nói thì có câu nọ tương vào câu kia. Cuống cà kê cả người. Nhưng cũng may chỉ có lúc đầu thôi rồi sau đó kịch biến sôi nổi hơn. Người ra người vào làm thay đổi hẳn phút trầm lặng của đoạn đầu vở kịch, nên dần dần chị bình tĩnh lại được như cũ.

Phút ban đầu ấy khi màn vừa kéo lên, chị không dám nhìn xuống khán giả và người chị bừng bừng như vừa mới uống một ly rươu mạnh.

Ấy là có cảm tưởng như vậy chớ sự thực thì chưa bao giờ chị uống cả.

– Hay quá nhỉ. Chắc hẳn là thuở ban đầu ấy có nhiều kỷ niệm lắm thì phải.

– Kỷ niệm của kịch thì cũng có nhiều nhưng chị quên hết cả rồi. Chị chỉ còn nhớ mãi một kỷ niệm này nhất. Nghĩa là vở kịch thứ hai tạm gọi là bạo dạn. Chị đóng… đại khái làm tròn nhiệm vụ trong vở Cái Võng.

Sự hoan nghênh nồng nhiệt của khán giả phải nói là kết quả của chung. Nhưng riêng chị cũng thấy vui vui. Và nhất là sau khi màn vừa khép, chị đang hí hửng bước vào hậu trường thì bị một ông đứng chặn ngang lối đi…, làm cho chị hơi luống cuống. Và câu đầu tiên ông ta nói với chị là ông ta khen chị đóng kịch hay.

– Thú vị nhỉ. Nghe người ta khen, chị có làm sao không? Mà khen như thế nào?

– Thì cũng như những câu nói thông thường nhưng riêng chị thấy phút ấy nó làm sao ấy. Chị cũng có cảm giác như lần đầu tiên chị ra trước khán giả.

Người chị cũng nón bừng bừng. Cũng may là vừa mới đóng kịch xong, má còn phấn hồng chứ không mà ông ta thấy mặt chị “xí hổ” đỏ nhừ như gấc chín thì có lẽ chị phải độn thổ mất.

– Thế chị trả lời với ông ta như thế nào?

– Thì ai mà còn biết trả lời thế nào nữa. Lẽ dĩ nhiên là chị phải bỏ chạy. Rồi bắt đầu từ đó ông ta nói với chị rất nhiều.

– Chắc là những câu tương tự, khen và khuyến khích chị.

– Vâng, dạo ấy vào năm 1948 và cho đến bây giờ đã mười năm qua rồi. Chị đã có 4 con mà thỉnh thoảng có dịp ông ta vẫn nhắc lại chuyện cũ và vẫn khen chị như xưa. Mỗi lần như vậy, chị vẫn có cảm giác như lúc ban đầu, cũng thấy thích thích…

– Ớ… ông nào mà “hỗn” thế hả chị? Mười năm qua rồi mà ông ta còn lẽo đẽo theo nói vớ vẩn với chị à? Anh Duy không ghen à?

– Ô hay! Việc gì mà ghen, tại sao lại hỗn? Thì ông ta là anh Duy chứ còn ai vào đây nữa.

– Ứ ừ, chị lại đóng kịch vớ vẩn với lại em rồi…

Hai cô nữ sinh rũ ra mà cười với nhau như nắc nẻ. Hai cô lại đấm vào lưng nhau thùm thụp, như ra cái điều vừa nghe được một mẩu chuyện dí dỏm của bà chị Thái Hằng.

Sau đây, mời các bạn xem lại hình ảnh Thái Hằng theo thời gian

Phạm Duy và Thái Hằng thời mới cưới

Sinh con đầu lòng – ca sĩ Duy Quang

Hình chụp cùng gia đình ông Phạm Đình Phụng. Duy Quang đang được bế trên tay

Phạm Duy – Thái Hằng và Duy Quang

Phạm Duy – Thái Hằng và Duy Quang

Phạm Duy – Thái Hằng và Duy Quang – Duy Minh

Phạm Duy – Thái Hằng và Duy Quang – Duy Minh – Duy Hùng

Phạm Duy – Thái Hằng và Duy Quang – Duy Minh – Duy Hùng – Duy Cường

Phạm Duy – Thái Hằng và Duy Quang – Duy Minh – Duy Hùng – Duy Cường. Lúc này đã có thêm cô con gái Thái Hiền

Phạm Duy – Thái Hằng và Duy Quang – Duy Minh – Duy Hùng – Duy Cường. Lúc này đã có thêm 2 cô con gái Thái Hiền – Thái Thảo

Lúc này đã có 7 người con: Quang – Minh – Hùng – Cường – Hiền – Thảo – Đức

Gia đình Phạm Duy – Thái Hằng với đầy đủ 8 người con: Quang – Minh – Hùng – Cường – Hiền – Thảo – Đức – Hạnh

Trong hình này có thêm Julie – vợ đầu của Duy Quang và Phạm Ly Lan – con gái của họ

Hình khoảng năm 1977, khi đi lưu diễn khắp nước Mỹ

Thập niên 1980, tại Paris

Thập niên 1990, hình chụp tại nhà

Thái Hằng những năm cuối đời

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết này. Hy vọng thông tin về cuộc đời của danh ca Thái Hằng sẽ giúp bạn hiểu thêm về người phụ nữ hiền lành và bí ẩn đã ảnh hưởng đến cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Duy.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận