Nguyên Tử Lực Đà Lạt, công trình đặc biệt của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ

0
15

Năm 1958, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho soạn thảo một chương trình mang tên “Nguyên Tử Lực Cuộc”, nằm trong kế hoạch định hướng Đà Lạt trở thành trung tâm học thuật của VNCH. Dự án này thuộc khuôn khổ chính sách Nguyên Tử Vì Hòa Bình (Atoms for Peace), chương trình cung cấp thiết bị và thông tin cho các trường học, bệnh viện và các cơ quan nghiên cứu, nhằm ứng dụng vật lý hạt nhân vào mục đích hòa bình như đào tạo giáo dục, điều trị trong y học,…

Hình ảnh: tanmankientruc.org

Nguyên Tử Lực Cuộc được thành lập theo sắc lịnh của Tổng thống VNCH vào ngày 11/10/1958, là cơ quan khoa học và kỹ thuật, có tư cách pháp nhân và tài chánh tự trị, đặt dưới quyền của Tổng cuộc trưởng là giáo sư Bửu Hội.

Nhiệm vụ của Nguyên Tử Lực Cuộc được giao phó là:

1. Hướng dẫn việc đào tạo các chuyên gia về mọi ngành của Nguyên Tử Lực có thể thực hiện được ở Việt Nam.
2. Khảo sát về phương diện khoa học, kỹ thuật để áp dụng nguyên tử năng vào các ngành khoa học, y học, công chánh, kỹ nghệ, canh nông…
3. Nghiên cứu các biện pháp bảo vệ chống các chất phóng xạ.
4. Hướng dẫn và tổ chức việc tìm kiếm các nguyên liệu cần thiết.
5. Nghiên cứu và thực hiện các chương trình áp dụng nguyên tử để sản xuất điện lực và nguyên động lực.
6. Thu thập các tài liệu và tin tức về nguyên tử lực cùng liên lạc trao đổi với các cơ quan nguyên tử lực quốc tế.

Tóm lại, Nguyên tử lực cuộc phải dùng mọi biện pháp và tin tức về nguyên tử lực để Việt Nam có thể ứng dụng được mọi tiến bộ của nhân loại về nguyên tử năng.

Có 3 nhân vật đóng góp nhiều nhất cho dự án Nguyên Tử Lực, đó là Giáo sư Bửu Hội, Thị trưởng Đà Lạt Trần Văn Phước, và kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.

Giáo sư Bửu Hội dòng dõi hoàng gia, là tiến sĩ Hóa hữu cơ tốt nghiệp Đại học Sorbonne. Ông nhận lời mời của người bạn tâm giao là tổng thống Ngô Đình Dệm để về nước làm tổng cuộc trưởng Nguyên Tử Lực Cuộc, kiêm nhiệm vai trò Đại sứ VNCH tại Liên hiệp Quốc. Còn trước đó, ông là Cố vấn khoa học của chính phủ VNCH, và là phó chủ tịch Hội nghị Quốc tế Nguyên Tử Lực lần thứ 2 tại Geneve năm 1958.

Công trình nổi tiếng nhất của Nguyên Tử Lực Cuộc là Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt, một công trình của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (cũng là người về nước làm việc theo lời mời của tổng thống). Trung tâm Nguyên Tử Lực được khởi công vào tháng 4 năm 1961 và khánh thành tháng 10 năm 1962. Công trình xây dựng trên mảnh đất vốn thuộc sở hữu của thị trưởng Đà Lạt là Trần Văn Phước, có diện tích 21.15 ha, được ông Phước đã bán cho nhà nước giá tượng trưng 1 đồng, theo công văn 10677-HC/2B vào ngày 04-10-1960.

Có điều đáng nói, Nguyên Tử Lực là công trình tầm vóc mang dấu ấn của tổng thống Ngô Đình Diệm, chính ông đã cắt băng khánh thành vào ngày 28/10/1963 ở Đà Lạt, chỉ 2 ngày trước khi ông qua đời 1 cách bi thảm vì cuộc đảo chính 1/11/1963 ở Sài Gòn.

Đồ án Trung Tâm Nguyên Tử Lực Đà Lạt đã được phát triển từ năm 1958, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cùng các kiến trúc sư phụ tá Nguyễn Mỹ Lộc, Phạm Quỳnh Lân và Vũ Tòng chịu trách nhiệm thiết kế công trình. Trung tâm công trình được đặt loại lò công nghệ TRIGA Mark II do hãng General Atomics Corporation của Mỹ chế tạo.

Lò phản ứng được đặt tên là DLR-I (Da Lat Reactor-I), đã đạt trạng thái tới hạn vào ngày 26/2/1963 và chính thức đi vào vận hành ngày 3/3/1963 với công suất 250 kW.

Theo đồ án của KTS Ngô Viết Thụ, lò phản ứng DLR-I (Da Lat Reactor-I) nằm trong mái vòm bê tông hình tròn có đường kính 20m. Xung quanh mái vòm chứa lò nguyên tử trung tâm là các phòng thí nghiệm vật lý và hoá học. Khoảng trống giữa khung tròn và tòa nhà hình ống chứa lò nguyên tử được sắp đặt như một biểu tượng cho Bát Quái Đồ, trong đó có sự kết hợp giữa lối kiến trúc tối tân của thời đại nguyên tử và các âm hưởng cổ truyền.

Hình ảnh: tanmankientruc.org

Mặt bằng khuôn viên bên trong Trung Tâm Nguyên Tử Lực ngày nay vẫn còn giữ được thiết kế theo mô hình Tiên Thiên Bát Quái Đồ, với quẻ Càn hướng về phương Nam, phù hợp với câu trích từ Kinh Dịch: “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị”, tạm dịch: “Bậc thánh nhân quay mặt về phương Nam lắng nghe thiên hạ, hướng về cai trị sáng suốt”.

Phát biểu của KTS Ngô Viết Thụ trong một cuộc họp báo sau khi xem xét đồ án thiết kế biểu mẫu khô khan do người Mỹ cung cấp, việc điều chỉnh thiết kế đã nói lên ý đồ sáng tạo của nhà kiến trúc: Kết hợp hài hoà giữa công năng công trình kiến trúc với cảnh trí thiên nhiên địa phương.

Lò phản ứng DLR-1 ở Đà Lạt theo công nghệ TRIGA-MARK* II, lò được thiết kế có công suất danh định là 250 kW, sử dụng các thanh nhiên liệu hợp kim hydride uranium-zirconium có độ giàu thấp (LEU) U-235 dưới 20%. Đây là một trong những thiết kế tiên tiến bậc nhất của Mỹ trong những năm thập niên 1960.

Để kỷ niệm sự kiện khánh thành lò nguyên tử, Bưu Chính Việt Nam Cộng Hòa đã cho phát hành bộ tem “Nguyên-tử-lực phụng-sự hòa-bình” vào ngày 03-02-1964. Bộ tem có kích thước 26 x 38 do họa sĩ Nguyễn Minh Hoàng thiết kế.

Tập San Văn hóa Đà Lạt do Nguyễn Bảo Tri chủ biên (Viện Đại Học Đà Lạt xuất bản 1974) có mô tả về công trình Nguyễn Tử Lực như sau:

“Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử Đà Lạt có cưả chính về phía Tây, cánh Nam gồm thư viện, văn phòng hành chánh và phòng tiếp tân. Cánh Bắc là khu kỹ thuật gồm phòng thí nghiệm quang tuyến hoá học, phòng thay quần áo, phòng đo phóng xạ năng, phòng thí nghiệm vật lý nguyên tử, phòng thí nghiệm quang tuyến sinh vật học, phòng quang tuyến X và văn phòng các chuyên viên khảo cứu.Dãy nhà ở giữa gồm phòng thí nghiệm kiểm xạ và phòng điều khiển nguyên tử: Nối liền hai cánh với phòng chứa nguyên tử ở chính giữa. Ở phiá sau, cách dãy nhà chính một quãng ngắn là nhà chứa máy phát điện DIESEL và các phương tiện tu bổ cơ khí, đồ mộc.

Tổng số diện tích xây cất của Trung Tâm chừng 2.000 mét vuông.

Lò nguyên tử VNR-1 là loại lò Nguyên Tử TRIGA MARK II do hãng Kỹ nghệ GENÉRAL ATOMICS thuộc công ty GENE!RAL DYNAMICS ở Hoa Kỳ chế tạo để huấn luyện nghiên cứu và sản xuất đồng vị phóng xạ. Lò nguyên tử có thể hoạt động với năng suất tối đa 250KW”.

Hình ảnh: tanmankientruc.org

Trung tâm nguyên tử được đặt dưới đáy bể chứa bằng nhôm hình trụ có chứa nước chưng cất tinh khiết, chính nhờ nước nầy mà bức tường dày khoảng 2.5 mét không sợ bị nhiễm xạ khi máy đang hoạt động.

Tâm nguyên tử có chứa 2.5 kg UNANIUM 235, ở đây có nguồn trung hòa tử (neutron) dùng để bắn vỡ nhân URANIUM9 khi máy hoạt động phản ứng dây chuyền tiếp tục phát ra nhiệt và phóng xạ. Sự phá vỡ nhân nầy được kiềm chế bởi ba thanh điều khiển bằng “Boron carbide” – một loại kim khí có tính chất hấp thụ các trung hoà tử rất nhạy.

Tất cả được điều khiển bằng một bàn điều khiển đặt tại phòng bên.

Thành phần khảo cứu khoa học tại Trung tâm gồm: ban vật lý lò nguyên tử, ban Kiểm Xạ, ban điện tử, ban vật lý nhân tử, ban quang tuyến hoá học và ban quang tuyến sinh vật học.”

Hình ảnh: tanmankientruc.org

Là một trung tâm nghiên cứu mang tầm vóc quốc tế, ngay từ khi mới thành lập Nguyên Tử Lực Cuộc, chính phủ VNCH cũng đã kết nối với các tổ chức toàn cầu trong lãnh vực nghiên cứu nguyên tử lực phục vụ hoà bình. Gởi nhân viên đi đào tạo, công tác, trao đổi tại Anh, Pháp, Nam Hàn, Nhật Bản, Trung Hoa Dân Quốc và các nước Đông Nam Á để mở rộng màng lưới sinh hoạt học thuật.

Con đường dẫn vào trung tâm Nguyên Tử Lực sau đó được đặt tên là đường Nguyên Tử Lực, và vẫn còn mang tên này cho tới ngày nay.

Do lo ngại những vấn đề về an ninh hạt nhân, từ sau biến cố Tết Mậu Thân chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã phải dừng vận hành lò vào năm 1968, nhưng các thanh nhiên liệu cháy dở vẫn còn lại trong lõi lò phản ứng.

Vào ngày 24 tháng 3 năm 1975, ngoại trưởng Mỹ Henry Kissingger đã gửi một bức điện tín mật tới đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, ra lệnh lấy nhiên liệu ra khỏi lò phản ứng. Việc này được thực hiện vào sáng 31 tháng 3 năm 1975, các chuyên gia đã cho rút hết các thanh nhiên liệu hạt nhân đang cháy dở trong lò phản ứng để đưa sang Philippines. Và chỉ ba ngày sau đó thì quân miền Bắc vào đến Đà Lạt, lò phản ứng đã không còn lõi và không xảy ra bất kỳ thảm họa hạt nhân đáng tiếc nào.

Hình ảnh: tanmankientruc.org

Da Lat Reactor-I là lò phản ứng hạt nhân đầu tiên được xây dựng ở Đông Nam Á. Và cho đến tận ngày nay, đây vẫn là lò phản ứng hạt nhân đầu tiên và duy nhất đã được xây dựng ở Đông Dương.

Sau năm 1979, lò phản ứng DLR-1 đã được Liên Xô giúp đỡ thiết kế khôi phục và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã tài trợ kinh phí để CHXHCN Việt Nam mua 140 bó nhiên liệu từ Liên Xô. Dự án khôi phục lò phản ứng được tiến hành và đến 20-3-1984 lò phản ứng DLR-1 (lúc này đã đổi tên thành IVV-9) đã chính thức đưa vào hoạt động với công suất danh định 500 kW trên cơ sở sử dụng các thanh nhiên liệu WWR-M2 chứa U-235 có độ giàu cao (HEU) 36% do Liên Xô sản xuất.

Từ năm 2007 đến 2013, theo một số thỏa thuận với Nga và IAEA, lò phản ứng ở Đà Lạt được thay thế nhiên liệu có độ giàu cao (HEU) 36% xuống loại nhiên liệu có độ giàu thấp (LEU) 19,75% theo thiết kế ban đầu của lò, trong chiến dịch toàn cầu nhằm cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hạt nhân độ giàu cao có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất vũ khí hạt nhân.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận