Nhạc sĩ Hoàng Trọng được giới nghệ sĩ Miền Nam đặt cho danh hiệu là “Ông Vua Tango”. Có thể nói không một nhạc sĩ Việt Nam nào sáng tác Tango nhiều và hay như nhạc sĩ Hoàng Trọng, bài nào cũng đặc sắc, mỗi bài 1 vẻ: Hai Phương Trời Cách Biệt, Mộng Ban Đầu, Mộng Lành, Đường Về, Đẹp Giấc Mơ Hoa, Tiễn Bước Sang Ngang, Ngỡ Ngàng, Bắc Một Nhịp Cầu, Tình Đầu…
Nổi tiếng với điệu Tango như vậy, nhưng nhạc sĩ Hoàng Trọng vẫn có Ngàn Thu Áo Tím bất tử với điệu Valse, và thêm nữa là bài Cánh Hoa Yêu, Trang Nhật Ký với điệu Bolero. Một điều có thể ít người biết rằng cả hai bài hát Ngàn Thu Áo Tím và Cánh Hoa Yêu này, nhạc sĩ Hoàng Trọng đều chỉ viết nhạc, còn phần lời thuộc về tác giả Vĩnh Phúc. Trong khoảng 200 nhạc phẩm của Hoàng Trọng, ông chỉ tự đặt lời khoảng 40 bài, số còn lại được sự giúp đỡ của nhiều nhạc sĩ khác như Hồ Đình Phương, Hoàng Dương, Nguyễn Túc, Quách Đàm, Vĩnh Phúc…
Về tác giả Vĩnh Phúc, không có nhiều thông tin. Tuy nhiên có một nguồn thông tin cho rằng Vĩnh Phúc thực ra là một người phụ nữ, tên đầy đủ Lưu Thị Vĩnh Phúc, sinh năm 1937, con của Mục sư Lưu Văn Mão, vốn là người rất nổi tiếng về tài làm thơ. Ông từng xuất bản tập thơ “Nam sơn thi phẩm” năm 1971.
Sinh thời, nhạc sĩ Hoàng Trọng và Mục sư Lưu Văn Mão như đôi bạn tri kỷ, vẫn thường đàm đạo chuyện đời. Lưu Văn Mão là một mục sư nổi tiếng, ông có làm nhiều bài thơ, và nhiều bài giảng của ông hiện nay vẫn còn lưu giữ, truyền đạt.
Bà Thu Tâm (vợ sau của Nhạc sĩ Hoàng Trọng) cũng nhắc đến Mục sư Lưu Văn Mão như sau: ”Hoàng Trọng thường hay đến nhà Mục sư Lưu Văn Mão để hàn huyên, tâm sự và rất khâm phục đức tính vị mục sư nầy”.
Con trai cả của nhạc sĩ Hoàng Trọng là nhạc sĩ Hoàng Nhạc Đô từng kể về nữ thi sĩ Vĩnh Phúc như sau:
“Cô Vĩnh Phúc làm thơ rất hay, cô không lãng mạn mà rất chững chạc. Có lần em út tôi là Bạch La nghi ngờ cô có tình cảm với cha khi thấy ông phổ hơn 20 bài thơ của cô và trên bản nhạc nào cũng ký tên. Trong một lần, khi cha tôi ướm thử hỏi Bạch La về việc ông muốn lấy vợ mới, Bạch La ngay lập tức phản đối, bảo cha có 3 đứa con là đủ rồi, không muốn có ai về nhà nữa. Từ đó, ông không còn ý định tái hôn, mối quan hệ của ông với Bạch La cũng không còn gần gũi. Đặc biệt, sợ con gái phản đối, ông cũng không còn phổ thơ của cô Vĩnh Phúc nữa”.
Anh trai của Vĩnh Phúc là mục sư Lưu Văn Tường cũng là một người có tài làm thơ. Sống trong một gia đình có truyền thống như vậy, dễ hiểu vì sao thi sĩ Vĩnh Phúc đặt lời ca rất hay cho Cánh Hoa Yêu và Ngàn Thu Áo Tím. Khi nghe, xem kỹ lời lời nhạc của hai bài hát này, người ta có thể cảm thấy sự mềm mại rất phụ nữ mà nhiều bài hát khác không có. Cả hai bài hát này đều có điểm chung là nhắc về một màu tím mơ mộng, màu tím thủy chung của người con gái:
Một hôm anh về em bâng khuâng đứng trông theo,
Hoàng hôn nâng niu bước đôi chân người em yêu…
Hoặc:
Từ khi yêu anh anh bắt xa màu tím
Sầu thương cho em mơ ước chưa kịp đến
Trời đã rét mướt cùng gió mưa
Khóc anh chiều tiễn đưa
Thế thôi tàn giấc mơ…
Click để nghe Thái Thanh hát Ngàn Thu Áo Tím
Cả 2 ca khúc Ngàn Thu Áo Tím và Cánh Hoa Yêu được phổ từ thơ Vĩnh Phúc này đều được xếp trong danh sách những ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp đồ độ của nhạc sĩ Hoàng Trọng.
Ca khúc Cánh Hoa Yêu được sáng tác vào khoảng đầu thập niên 1960, khi mà dòng nhạc vàng thể điệu bolero, rumba đang rất ăn khách. Dòng nhạc này dễ nghe, dễ đàn, phù hợp với phần đông công chúng thời bấy giờ. Nhiều nhạc sĩ thể loại nhạc âm hưởng tiền chiến đã chuyển sang viết một số bài nhạc vàng theo thị hiếu này, trong đó có Hoàng Trọng với tiêu biểu là Trang Nhật Ký (Giờ đây âm thầm bên trang nhật ký…) và Cánh Hoa Yêu.
Click để nghe bài hát Cánh Hoa Yêu qua tiếng hát Thanh Thúy trước 1975
Một hôm anh về em bâng khuâng đứng trông theo,
Hoàng hôn nâng niu bước đôi chân người em yêu
Em nhớ thương nhiều, lòng xao xuyến thêm nhiều
Hiu hắt sương mờ xuống tịch liêu
Rồi em đi nhặt hoa “pensée” ép trong thơ,
Thầm trao cho anh những khi tâm hồn bơ vơ
Khi gió sang mùa làm vơi lá bên hồ,
Hoa nói lên ngàn nỗi nhớ mong chờ
Có biết rằng: Tâm tư em một lần đầu tiên đã mến yêu
Có thấu rằng: Anh xa xôi còn lại mình em dưới sương chiều
Tìm nhau trong mầu hoa “pensée” tím chơi vơi,
Tìm nhau trong mơ, dắt nhau sang bờ yên vui
Thương nhớ xa vời
Gửi về chốn phương trời
Theo cánh hoa lòng đến bên người…
Chiều nay trong vườn hoa “pensée” bướm đua bay,
Chiều nay anh ơi, gió may như ngừng nơi đây
Hoa tím nơi này chờ anh đã bao ngày,
Anh có mơ mầu tím chiều nay.
Màu hoa tâm tình se duyên đôi lứa yêu nhau!
Một mai anh ơi có ly tan đừng quên nhau!
Hoa có phai màu, cuộc đời có u sầu
Xin nhớ câu thề lúc ban đầu
Nhớ mãi ngày anh đem hoa về tặng người yêu giữa giấc mơ .
Đã mấy mùa anh xa xôi để lại người yêu với mong chờ!
Tìm em như mầu hoa “pensée” ngát hương yêu,
Lòng em luôn mong giữ sao nguyên màu trung trinh,
Mong ước mơ thành,
Trời cho lứa đôi mình đi hái hoa đời kết tâm tình.
Tác giả đã mượn màu tím của hoa pensee để nói lên sự thủy chung chờ đợi của người con gái. Chỉ một lần gặp gỡ đầu tiên đã mến yêu. Người trai đã xa xôi mấy mùa nhưng người ở lại nguyện vẫn mong chờ, mong một ngày được “hái hoa đời kết tâm tình”.
Nếu như Cánh Hoa Yêu là bài nhạc bolero nổi tiếng, thì Ngàn Thu Áo Tím được xem là 1 bài nhạc valse “kinh điển”, có giai điệu nhẹ nhàng, lãng mạn hoà quyện trong những ca từ da diết, mềm mại và nữ tính:
Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím
Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến
Chiều xuống áo tím thường thướt tha
Bước trên đường gấm hoa
Ngắm mây chiều lướt xa
Những cô gái trẻ mộng mơ ngày nay thường yêu màu hồng. Nhưng vào thời xưa, màu tím mới là sắc màu được ưa chuộng nhất của các cô gái mới lớn. Bởi màu tím là màu của mộng mơ, là màu áo của những bóng hồng thướt tha trong thơ ca nhạc hoạ, là màu áo nữ sinh, là màu bút mực tình thư,… Trong tình yêu đôi lứa, màu tím là màu của lãng mạn và đắm say, là sắc màu tượng trưng cho sự thuỷ chung, son sắt, là màu hoa nhung nhớ khi yêu đương. Trong tâm thức người Việt, màu tím gắn liền với xứ Huế thần kinh, là màu của sự đài các, thanh cao, tao nhã. Chính vì vậy, các cô gái mới lớn thường chọn màu tím để biểu trưng cho vẻ đẹp trong tính cách và tâm hồn của mình. Những cô gái yêu màu tím cũng là những cô gái rất mộng mơ. Cô gái trong ca khúc cũng không ngoại lệ, mỗi khi mặc lên mình chiếc áo dài màu tím thướt tha, cô ngỡ như mình đã “bước trên đường gấm hoa” và vô tư “ngắm mây chiều lướt xa” mơ mộng về một tương lai ngọt ngào, mỹ lệ. Nhưng sự đời nào có dễ dàng như trong mộng tưởng:
Từ khi yêu anh anh bắt xa màu tím
Sầu thương cho em mơ ước chưa kịp đến
Trời đã rét mướt cùng gió mưa
Khóc anh chiều tiễn đưa
Thế thôi tàn giấc mơ
Click để nghe Thái Thanh hát Ngàn Thu Áo Tím trước 1975
Tại sao chàng trai lại bắt cô gái phải “xa màu tím”. Phải chăng vì những dự cảm chẳng lành cho mối tình của họ? Bởi trong quan niệm của nhiều người, màu tím cũng chính là màu của nỗi buồn và sự chia ly. Hay bởi khi bắt đầu chớm yêu, vì hoàn cảnh hay vì thời cuộc, chàng trai đã chẳng thể trao cho cô gái một lời hứa hẹn thuỷ chung? Vì vậy mà chàng trai cũng không muốn cô giữ mãi “màu tím” thuỷ chung, son sắt, mộng mơ đó trong lòng để sầu thương, đau khổ.
Cô gái vừa chạm tay vào tình yêu, chưa kịp tận hưởng những tháng ngày lãng mạn, yêu đương say đắm thì đã phải “sầu thương” trong “gió mưa” “rét mướt”, phải “khóc” trong “chiều tiễn đứa”.
Anh xa xôi bóng mưa giăng mờ lối
Anh xa xôi áo bay trong chiều rơi
Anh xa xôi áo ôm tim lẻ loi
Tím lên khung trời nhớ nhung đầy vơi
Mưa rơi rơi bóng anh như làn khói
Mưa rơi rơi bóng anh xa ngàn khơi
Mưa rơi rơi có hay chăng lòng tôi
Có hay bao giờ bóng người yêu tới
Tình yêu nồng đượm, da diết nhớ nhung nhưng bóng dáng chàng trai thì đã xa mãi tận chân trời. Từng câu hát rưng rưng xót xa, đẫm lệ, chất chứa nỗi niềm cô quạnh, tuyệt vọng của người con gái.
Từ khi xa anh em vẫn yêu và nhớ
Mà sao anh đi đi mãi không về nữa
Một bóng áo tím buồn ngẩn ngơ
Khóc trong chiều gió mưa
Khóc thương hình bóng xưa
Dù anh bắt xa màu tím, dù anh bảo đừng chờ đợi, đừng thuỷ chung nhưng “em vẫn yêu và nhớ”, vẫn chung thuỷ với “màu áo tím buồn ngẩn ngơ”. Em chẳng còn là một cô gái vô tư, hồn nhiên yêu màu tím bằng thứ tình cảm mơ mộng, lãng mạn mới lớn. Em đã trở thành một người phụ nữ chín chắn biết yêu bằng thứ tình cảm sâu sắc, chân phương thật sự, biết đau nỗi đau ly biệt, biết sầu nỗi sầu quạnh hiu, biết ngẩn ngơ, biết trông chờ,… nhưng cái màu tím mơ huyền hoặc ấy vẫn bao lấy đời em như một thứ định mệnh.
Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím
Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím
Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau
Tháng năm càng lướt mau
Biết bao giờ thấy nhau
Hình ảnh người con gái áo tím đi qua những mùa thu, ôm trọn nỗi đau vào lòng để chờ đợi người yêu thật đẹp và cũng thật buồn. Tác giả chẳng cần nói gì về mùa thu, chỉ buông xuống mấy chữ “ngàn thu mưa rơi” mà cả bầu trời thu vàng vọt, buồn vắng hiện ra. Màu áo tím của cô gái hiện ra giữa bức tranh thu càng khiến không gian trầm xuống, bi lệ não nề.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Hãy tiếp tục theo dõi và khám phá thêm về tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo của nghệ sĩ này.