Bài hát “Thu Ca” và “Thương Hoài Ngàn Năm” của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đều mang thông điệp nhân văn, gợi lên những cảm xúc sâu lắng về tình yêu, mơ mộng và tương lai. Những giai điệu của bài hát đều khiến người nghe không khỏi xúc động và suy tư về ý nghĩa của cuộc sống.
Xứ Huế là một trong những nôi phát triển rực rỡ của tân nhạc Việt Nam thời kỳ thập niên 1940-1950. Xuất phát từ nhà xuất bản Tinh Hoa – Huế của ông Tăng Duyệt và đài phát thanh Huế, nhiều ca sĩ – nhạc sĩ người Huế đã được công chúng đón nhận và yêu mến cho đến ngày nay.
Những nhạc sĩ xứ Huế này sau đó đã vào Sài Gòn và trở thành thế hệ tiên phong có nhiều đóng góp để xây dựng nên làng nhạc miền Nam phong phú và đa dạng, tiêu biểu có thể kể đến là nhạc sĩ Châu Kỳ, Văn Giảng, Lê Mộng Bảo, Đỗ Kim Bảng, và Phạm Mạnh Cương.
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương là tác giả của nhiều ca khúc trữ tình bất hủ như Thu Ca, Thương Hoài Ngàn Năm, Mắt Lệ Cho Người Tình, Thung Lũng Hồng, Cho Nhau Lời Nguyện Cầu… Ngoài ra ông còn là người chủ trương thực hiện nhiều băng nhạc chủ đề Phạm Mạnh Cương có giá trị, rất được yêu thích trong những năm đầu thập niên 1970, giới thiệu được nhiều bài hát hay đến với công chúng yêu nhạc, phần lớn tác phẩm đó đều đã trở thành bất tử, sống mãi trong nửa thế kỷ qua.
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương sinh năm 1933 tại Huế, tỉnh Thừa Thiên, là con thứ 5 trong một gia đình có 9 anh em. Cha của ông là một người yêu thích cổ nhạc và biết sử dụng đàn và sáo. Từ nhỏ, Phạm Mạnh Cương đã say mê âm nhạc Tây phương, năm 12 tuổi ông bắt đầu học sáo, sau đó chuyển sang học guitar, piano, kèn…
Thời gian đầu, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương chủ yếu tự mày mò và theo học các đàn anh ở Huế là nhạc sĩ Ngô Ganh, Văn Giảng, Nguyễn Hữu Ba, Lâm Tuyền…, dần dần khi đã vững vàng, ông được tham gia chơi nhạc ở đài phát thanh Huế.
Năm 1951, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương sáng tác bài hát đầu tay mang tên Mái Trường Xưa rất phổ biến ở Huế thời kỳ đó. Bài hát mang nhiều kỷ niệm của thời học sinh khi ông đang theo học trường Khải Định (sau này là trường Quốc Học Huế) ở ngay bên cạnh trường nữ sinh Đồng Khánh.
Trong cùng thời gian đó, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương còn sáng tác một số tác phẩm khác là Nữ Sinh Ca, Nhạc Chiều Quê, Tình Mùa Phượng Thắm, Mái Tóc Thề, Em Tôi… được phổ biến trên đài phát thanh Huế.
Thời của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương chưa có trường lớp dạy nhạc bài bản, ông chủ yếu là tự học sáng tác và học lớp hàm thụ nhạc tại trường ở Pháp. “Học hàm thụ” là cách nói ngày xưa, hơi giống với hình thức đào tạo từ xa hiện nay.
Sau khi thi đậu Tú tài 2 ở Huế vào năm 1953, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương ra Hà Nội theo học Cao đẳng Sư phạm và Cử nhân văn khoa. Khi từ biệt Huế, ông đã viết ca khúc Giã Từ Cố Đô để dành tặng cho vùng đất cố đô này. Kể từ khi ra học ở Hà Nội cho đến năm 1954 thì ông vào thẳng Sài Gòn, chỉ về thăm lại Huế trong những dịp chấm thi, nên lần đi năm 1953 cũng là lần giã biệt cuối cùng với xứ Huế.
Click để nghe Hoàng Oanh hát Giã Từ Cố Đô trước 1975
Khi vừa đến Hà Nội học vào mùa Thu năm 1953, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đi ngang qua trường Trưng Vương và được chứng kiến buổi tan trường với những tà áo dài nữ sinh xứ Bắc tung bay gợi nhiều cảm xúc, ông đã viết bài hát nổi tiếng nhất trong sự nghiệp là Thu Ca, là một bài tango kinh điển của nhạc Việt.
Click để nghe Thanh Lan hát Thu Ca trước 1975
Năm 1954, hiệp định Geneve được ký kết, hai trường cao đẳng Sư Phạm và Văn khoa được chuyển vào Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đi theo và tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp 2 trường này năm 1955 và bắt đầu sự nghiệp giáo sư dạy học.
Ngôi trường đầu tiên mà nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đứng lớp giảng dạy là trường Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho. Được 3 năm, ông chuyển về trường Petrus Ký danh tiếng ở Sài Gòn, trở thành giám sư Triết học và Quốc văn cho đến năm 1975. Song song đó, ông cũng dạy nhiều trường tư thục như Văn Học, Văn Lang, Hưng Đạo, Nguyễn Văn Khuê, Bồ Đề, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thị Ngà…
Bài hát đầu tiên nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương sáng tác ở Sài Gòn là Thương Hoài Ngàn Năm vào năm 1956. Ông cho biết đã lấy cảm hứng từ câu ca dao “Tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng được thương hoài ngàn năm”.
Đó là thời gian mà Phạm Mạnh Cương thể hiện 2 con người khác nhau. Ở nhà trường thì ông là nhà giáo rất mô phạm, chỉnh chu. Mặt khác, ông là một nghệ sĩ có tâm hồn bay bổng, đa cảm và lãng mạn trong sáng tác.
Vào năm 1961, trong một dịp ra Huế chấm thi Tú tài 2, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương gặp Như Hảo, một thí sinh từ Đà Nẵng ra Huế dự thi. Một năm sau hai người thành hôn, và Như Hảo cũng trở thành xướng ngôn viên trong những chương trình mang chủ đề đặc biệt do Phạm Mạnh Cương khởi xướng trên đài phát thanh và truyền hình.
Thăng 8 năm 1964, ông bắt đầu hợp tác với các đài phát thanh, đầu tiên là đài phát thanh Quốc Gia Sài Gòn với ban Hoa Thời Đại. Đến tháng 3 năm 1965, ông chuyển qua cộng tác với đài Quân Đội với ban Tiếng Hát Hậu Phương. Hợp tác cùng nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương trên các đài phát thanh là ban nhạc với những tên tuổi lừng danh là Nguyễn Ánh 9, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Đan Thọ, Tuấn Khanh, Đào Duy…
Về lĩnh vực Truyền Hình, năm 1966, Phạm Mạnh Cương được đạo diễn Lê Hoàng Hoa mời thực hiện chương trình ca nhạc cho đài Truyền Hình Việt Nam dưới tên Hoa Thời Đại. Đây cũng là chương trình ca nhạc phát hình đầu tiên lúc đài truyền hình ở Miền Nam vừa mới được thành lập và còn được phát từ trên máy bay trực thăng bay lòng vòng trên bầu trời Sài Gòn mỗi tối.
Một năm sau, chương trình này chính thức đổi thành “Chương Trình Phạm Mạnh Cương” phát hình hàng tuần vào tối thứ bảy, từ 9 đến 10 giờ và kéo dài hoạt động cho đến tháng 4 năm 1975. Trong thời kỳ đầu tiên, chương trình Phạm Mạnh Cương có sự tham gia của nhiều giọng ca tên tuổi như: Thái Thanh, Lệ Thanh, Sĩ Phú, Hoàng Oanh, Mai Hương, Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Lan…
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương còn là người sáng lập trung tâm băng nhạc Tú Quỳnh tại Sài Gòn từ năm 1966-1967 với các băng nhạc chủ đề Phạm Mạnh Cương, và ông cũng là người đầu tiên chủ trương thu thanh băng nhạc một cách quy mô (trước đó chỉ có dĩa nhựa) để kinh doanh, trung bình mỗi tháng một băng nhạc mới với sự cộng tác của hầu hết các giọng ca tên tuổi như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác, Thanh Tuyền, Sĩ Phú, Phương Dung, Thanh Lan, Julie Quang…
Điều đặc biệt trong các băng nhạc Phạm Mạnh Cương là thực hiện theo các chủ đề, mỗi chủ đề được ông mời các nhà văn nổi tiếng viết lời tựa, như Duyên Anh, Hoàng Hải Thuỷ, Tuý Hồng, Nhã Ca, Mai Thảo…
Click để nghe 1 băng nhạc chủ đề của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương thực hiện
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương ở lại Việt Nam. Đến tháng 3 năm 1980, ông cùng hai con vượt biển từ Cà Mau, sau đó định cư tại Montréal, Canada vào tháng 6 trong cùng năm 1980.
Năm 1983, vợ ông là Như Hảo và hai người con gái được đoàn tụ theo diện bảo lãnh, nhưng sau đó vài năm thì cuộc hôn nhân tan vỡ.
Tại Montréal, ông thành lập ban nhạc Phạm Mạnh Cương nổi tiếng trong cộng đồng, thường tham gia trình diễn và mở phòng trà mang tên Đêm Màu Hồng. Ngoài ra ông còn lập một tờ báo văn nghệ mang tên Thẩm Mỹ.
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương vẫn còn sinh sống tại Montréal cho đến nay.
Hoàn cảnh sáng tác 2 ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương:
Thu Ca
Theo nhạc sĩ kể lại, sau khi đậu tú tài 2 năm 1953 tại Huế, ông ra Hà Nội theo học trường Cao đẳng sư phạm và Văn khoa. Tháng 8 trong cùng năm đó, ông đáp chuyến bay của Air Vietnam ra xứ Bắc. Chuyến xe từ sân bay về nơi trọ học có đi ngang qua trường nữ sinh Trưng Vương trên phố Hàng Bài. Đó là một chiều chớm thu trời buồn man mác, Phạm Mạnh Cương nhìn thấy được hình ảnh tan trường rất đẹp trước cổng trường nữ sinh, với các cô tiểu thư khuê các xứ Hà thành trong áo dài khăn voan nhẹ nhàng khoan thai, 2 tà áo bay theo gió heo may se lạnh của mùa thu Hà Nội, trong đầu chàng nhạc sĩ đa cảm bật lên một giai điệu:
Lạnh lùng sương rơi heo may
Buồn ngơ ngác bóng chim bay
Mây tím giăng sầu đó đây…
Đó là ngôi trường nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng của Hà Nội được thành lập từ năm 1917, là trường duy nhất của toàn miền Bắc chỉ dành tiêng cho nữ sinh tới cấp trung học. Đến năm 1948 đổi tên thành Trưng Vương và vẫn giữ tên này cho đến ngày nay.
Ngày đi chiều mang sầu tới
Làn sương chiều thu lả lơi
Tiếng mưa rơi đều trên lối
Chiều về gieo thương với nhớ
Lòng người lữ thứ bơ vơ
Nghe lá hoa rụng xác xơ
Chiều thu về đây lạnh lẽo
Mà sương chiều rơi hắt hiu
Gió xa đưa nhẹ tiếng tiêu…
Bài hát Thu Ca là nỗi niềm của một cậu học trò lần đầu tiên cách xa quê nhà, thấy lòng bơ vơ trong một khung cảnh thu buồn với lá hoa rụng xác xơ vào một buổi chiều lạnh lẽo và hiu quạnh.
Click để nghe Thanh Lan hát Thu Ca trước 1975
Thương Hoài Ngàn Năm
Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, có một câu ca dao nói về tình yêu thắm thiết như sau:
“Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”
Từ câu ca dao này, vào năm 1956, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương mượn chỉ 4 chữ cuối cùng để viết thành ca khúc nổi tiếng mang tên Thương Hoài Ngàn Năm, cũng là ca khúc đầu tiên mà ông sáng tác tại Sài Gòn sau khi chuyển vào đây từ Hà Nội. Lúc đó ông đã là một giáo sư Quốc văn tại trường Petrus Ký, và những câu ca dao như vậy đã trở nên quen thuộc, trở thành niềm cảm hứng để ông viết thành những câu hát làm rung động nhiều thế hệ.
Click để nghe Hoàng Oanh hát Thương Hoài Ngàn Năm trước 1975
Là một giáo sư làm nghề dạy học, hẳn là nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương phải là một người rất mô phạm, nghiêm trang, ít nhất là về bề ngoài ông phải tỏ ra là như vậy trước cái nhìn vào của hàng trăm hoặc hàng ngàn học trò. Tuy nhiên mặt khác, trong vai trò là một nghệ sĩ, tâm hồn lãng mạn và bay bổng của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương thể hiện rõ nét qua những tác phẩm đã trở thành bất tử, tiêu biểu là Thương Hoài Ngàn Năm, bài hát có giai điệu và lời ca như là dòng suối tình ngọt ngào đi vào lòng người.
Ngàn năm thương hoài một bóng người thôi
Tình đã khơi rồi mộng khó nhạt phai
Trăng khuyết rồi có khi đầy
Ngăn cách rồi cũng sum vầy
Mây bay bay hoài ngàn năm
Băng nhạc Tú Quỳnh
Với những người thích nghe nhạc thu âm từ trước năm 1975, chắc chắn sẽ biết đến loạt băng nhạc Tú Quỳnh do nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương thực hiện từ khoảng cuối thập niên 1960 đến năm 1973.
Thời điểm thập niên 1960, dĩa nhựa (vinyl) vẫn đang ở thời kỳ vàng son, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương chính là một trong những người tiên phong thu âm và sản xuất băng cối (magnetic) để nghe trên đầu máy magnetophone (hiện nay thường được gọi là băng Akai).
Các băng nhạc do nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương thực hiện được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật, có điểm đặc biệt và khác biệt là băng nhạc được làm theo từng chủ đề bài hát. Trong số 25 băng nhạc Tú Quỳnh đã phát hành, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đã thực hiện các chủ đề như nhạc về mùa Thu (băng số 8 – Những Điệu Thu Ca), nhạc Giáng Sinh (băng số 13), những ca khúc mưa (băng số 5 – Giọt Mưa Trên Lá), những bài nhạc phổ thơ (băng số 4 – Nhạc Và Thơ), nhạc về mùa hè (băng só 18 – Những bài ca tháng hạ), dòng nhạc tiền chiến (băng số 11 – Hương Xưa), nhạc viết về Huế (băng số 17 – Những khúc tình ca xứ Huế)…
Trước mỗi băng nhạc này, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương mời các nhà văn nổi tiếng viết lời giới thiệu, như Duyên Anh, Hoàng Hải Thuỷ, Tuý Hồng, Nhã Ca, Mai Thảo… Những bài hát trong băng Tú Quỳnh được ông chọn lọc rất kỹ lưỡng, và mỗi băng nhạc đều là sự kết hợp hòa quyện giữa âm nhạc và văn chương, được trình bày bởi một thế hệ ca sĩ tài danh nhất của Sài Gòn: Thái Thanh, Hà Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác, Thanh Tuyền, Sĩ Phú, Phương Dung, Thanh Lan…
Cái tên trung tâm băng nhạc Tú Quỳnh được nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đặt từ tên của 2 người con của ông là Phạm Mạnh Quỳnh và Diễm Tú. Hãng băng Tú Quỳnh có mở trung tâm bày bán khá lớn ở lầu 2 cư xá Tam Đa (Crystal Palace), nơi tập trung của nhiều showroom của các hãng băng lớn nhất Sài Gòn trước năm 1975.
Băng nhạc Phạm Mạnh Cương thực hiện được khoảng 25 băng, trong đó cuốn băng riêng cho tiếng hát Thanh Lan mang tên Hát Cho Tình Yêu Tuổi Trẻ là ăn khách nhất. Ngoài ra những cuốn nhạc chủ đề cũng rất được yêu thích cho đến hiện nay, mời bạn nghe lại một số cuốn băng tiêu biểu cùng lời giới thiệu ở dưới đây:
Băng nhạc số 8 – Những Điệu Thu Ca với lời giới thiệu được nhà văn Mai Thảo viết sau đây:
Click để nghe băng nhạc
Khi mùa hè, mùa hè rực rỡ, mùa hè của áo lụa, đêm sao, sông đầy và những chùm hoa đỏ chói đã qua đi, cho một mặt hồ trong một cánh rừng kia bỗng trong suốt như gương, ấy là lúc thả mái tóc khói thành chiều màu tím, nghiêng cái bình sương thành lam màu chiều, mùa thu mênh mông, mùa thu lộng ngọc đã trở về. Thu dịu dàng về, che nửa mặt hoa. Thu tới khoan thai, hoang đường dáng liễu.
Từ một đầu đường mang tên là trí nhớ, tới một cuối đường gọi tên là hồi tưởng, những gót hài diễm lệ của mùa thu lộng ngọc tới đâu, đánh thức đồng loạt và tức khắc tới đó, những lãng quên, những kỷ niệm một đời. Thu xanh năm trước tới, thu nói gì với người? Thu nói những sân ga, những bến tầu, tay anh còn tay em, đã núi tiếp núi, mây tiếp mây, nghìn trùng cách biệt. Thu biếc năm nay về, mùa nói gì với người? Nói những kiếp bến nằm mộng những đời thuyền, lên đường trong hoàng hôn, mưa kín trời đưa tiễn, biệt ly nhớ nhung từ đây.
Đốt một lò trầm, ngồi đọc lại những tờ thư cũ, ảnh hình xưa thấp thoáng trong từng nét chữ. Đi một mình trên một con đường nhỏ, chợt một tiếng hát bay về từ quá khứ, âm thanh xưa là một im lặng lớn và đầy. Mùa thu đó ngây ngất trong thơ Xuân Diệu:
Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Thắp một điếu thuốc, che khói huyền lên thành dáng huyền của lá. Mùa thu nữa đó, mơ màng trong cõi thơ hồ Dzếnh:
ngỡ hồn mình là rừng,
ngỡ hồn mình là mây.
Nhặt những tơ vàng bay trong không gian, cho mưa xuống những lời đàn, nhạc của mùa thu thật đẹp và cũng thật buồn. Bởi ta không nói tạm biệt với tình yêu, mà vĩnh biệt.
Bằng những tiếng thầm của hạt lệ và thở dài dệt lại, những khúc hát về mùa thu và cho mùa thu, bởi vậy là những khúc đoạn trường. Vì niềm đau kia và cõi nhớ ấy, với mùa thu lộng ngọc đã về, lại chảy māu trong tâm hồn người thành những vết thương. Thôi, hãy đến với mùa thu như một thiên đường mất. Bằng huyền thoại ấy là những kỷ niệm một đời còn mãi mãi thơm hương.
Băng nhạc số 17 – Khúc Tình Ca Xứ Huế với lời giới thiệu được chính nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương viết với bút danh là N.Ch. Đoạn giới thiệu này như là chính lời tâm sự của nhạc sĩ, năm xưa ông giã từ cố đô Huế năm 1953 để đi học, và đó cũng là lần từ biệt…
Click để nghe băng nhạc
Một lần về thăm Huế là một lần du khách trở về vùng tĩnh mịch của miền thùy dương cát trắng, miền sỏi đá ngậm ngùi. Rũ nét ưu tư để làm bàng bạc với đêm dần tàn trên bến Ngự, để lắng tai nghe hồi chuông Thiên Mụ ngân dài trong chiều sương, để tầm mắt mơ mộng với dòng Hương lờ lững uốn quanh Thành Nội, với núi Ngự thông reo trên đỉnh.
Đó, Huế là của mộng mơ, của thương yêu sầu nhớ. Một mái tóc thề xõa bờ vai, một chiếc nón bài thơ che nghiêng nửa mặt, một tà áo tím thướt tha trên cầu, tất cả đã làm cho kẻ ra đi giã từ cố đô phải mang nhiều lưu luyến.
Bây giờ, mời quý vị hãy đề hồn trở về miền Trung lắng nghe trong lời ca ý nhạc một trời Huế mộng mơ của những khúc tình ca xứ Huế…
Băng nhạc số 10 – Những bài ca giã từ
Click để nghe băng nhạc
Lời giới thiệu:
Một cuộc lên đường, con tàu tách bến, đoàn xe lửa chuyển bánh chậm chạp ra khỏi sân ga, phi cơ cất cánh rời phi trường.
Biệt ly, biệt ly. Một người ra đi, gửi lại phân nửa lòng mình để cảm thấy trong tâm hồn một khoảng trống mông mênh giá lạnh, xâm chiếm bởi sầu rộng thương dài, xâm chiếm bởi niềm cô đơn không tính từ mô tả.
Biệt ly, biệt ly. Một người ở lại, đứng đó nhìn theo, đứng đó sững sờ, nghe như đổ vỡ khởi đầu, mới khởi đầu thôi mà sao tâm hồn đã rã rời, tan nát. Niềm đau trở thành nhức nhối, không bao giờ còn gặp nhau trở lại, vĩnh viễn không bao giờ còn tìm lại tiếng cười, giọng nói, mắt nhìn nhau của mới đây, của hôm qua. Gặp lại nhau mà tất cả đã đổi thay, tất cả đã thành xa lạ. Thì hết rồi, chấm dứt rồi, tình yêu đã mang màu quá khứ, tình yêu đã thành kỷ niệm, kỷ niệm buồn.
Bây giờ thì dáng người đi đã nhòe, đã mất. Bây giờ thì dáng người ở lại cũng nhỏ dần, nhỏ dần. Quay nhìn phía sau lần nữa thấy chấm nhỏ đã lẫn vào cái chung không còn phân biệt.
Biệt ly, biệt ly. Cho một kiếp người hơn một lần phải sống cảnh biệt ly, hơn một lần phải từ giã nhau nên trong kho tàng kỷ niệm một đời người, những phút giã từ là những kỷ niệm nâng niu, những kỷ niệm sầu, những kỷ niệm thảm, những kỷ niệm đẹp làm dâng cảm xúc. Do đó đối với người nghệ sĩ, là những kỷ niệm chớm điểm khởi hành cho cuộc hành trình mà đích tới là sáng tác nghệ thuật hình thành.
Và tôi mời người hãy ngồi lại để nghe kỷ niệm của lòng mình, kỷ niệm của riêng mình được nhắc nhở bằng giọng ca đẹp, những ca khúc giã từ…
Băng số 11 – Hương xưa với những bài tình ca thời tiền chiến
Click để nghe băng nhạc
Lời giới thiệu:
Vì chúng ta chỉ sống có một lần, vì ngày tháng qua mau, và tuổi trẻ không bao giờ trở lại, nên chúng ta tiếc thương dĩ vãng và quá khứ.
Nhìn qua làn sương mờ hư ảo, mơ hồi của thời gian, bao giờ cũng đẹp. Nhưng không phải vì chúng ta tưởng tượng ra đẹp mà dĩ vãng trở thành đẹp. Theo tôi, dĩ vãng đối với con người là một cái gì tự nó đã vô cùng đẹp. Ngay cả khi chúng ta khổ sở, mỗi khi tưởng nhớ, chúng ta vẫn thấy thời gian đã qua đó huy hoàng màu sắc, ngào ngạt hoa hương và ngây ngất âm thanh, chúng ta vẫn thấy đẹp, và chúng ta tiếc nuối, chúng ta thương.
Cuộc đời như một con đường dài, và chúng ta là những người lữ hành đi những chuyến đi không bao giờ trở lại. Dừng lại ở bất cứ một điểm nào đó trên đường đời, nhìn trở về những nơi ta đã đi qua, ta đều thấy chốn cũ cảnh sắc đẹp hơn nơi ta đang sống. Ngày cũ có hoa hương, có thơ nhạc, và có tuổi trẻ, có tình yêu. Em hãy cùng tôi lãng quên hiện tại trong phút giây để cho tâm hồn chúng ta là một cuộc trở về. Những tiếng hát sắp vang lên sẽ gợi cho em tưởng nhớ ngày là bông hoa em đã cài trên tóc ngày em mới yêu lần đầu. Đây là con đường hoa nắng buổi trưa nào êm vắng thời gian đôi ta mới yêu nhau. Hương xưa thơm ngát tự ngày nào đến nay vẫn làm ta ngây ngất. Em hãy yêu, và em hãy để những tiếng ca này đưa em trở về.
Băng nhạc tiếng hát Thanh Lan, Hát cho tình yêu và tuổi trẻ, với lời giới thiệu rất ngắn gọn do chính Thanh Lan đọc:
Băng nhạc này là niềm mong ước của Thanh Lan trong những ngày ca hát, bằng những nhạc phẩm do chính Thanh Lan lựa chọn với sự thực hiện công phu của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương. Thanh Lan xin gửi đến quý vị như là một kỷ niệm của đời mình đến những thân hữu đã dành cho Thanh Lan nhiều cảm mến.
Click để nghe băng nhạc
Một số băng nhạc chủ đề khác của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương:
Click để nghe băng số 16 – Màu Tím Tình Yêu
Click để nghe băng số 5 – Giọt Mưa Trên Lá
Click để nghe băng số 6 – Nhạc Chiều
Click để nghe băng số 18 – Những Bài Ca Tháng Hạ
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Hy vọng thông tin về hai bài hát Thu Ca và Thương Hoài Ngàn Năm của nhà soạn nhạc Phạm Mạnh Cương sẽ mang lại nhiều điều đặc biệt và cảm động trong lòng độc giả.