Nhạc sĩ Thanh Hằng trong các ca khúc “Tâm Sự Đời Tôi”, “Yêu Là Chết Ở Trong Lòng” là ai?

0
27

Cho đến nay, bút danh Thanh Hằng sáng tác những ca khúc như Tâm Sự Đời Tôi, Đôi Lời Tâm Sự, Yêu Là Chết Ở Trong Lòng vẫn còn nhiều bí ẩn.

Từ trước đến nay, nhiều nơi vẫn ghi rằng ca khúc Tâm Sự Đời Tôi là của nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác với bút danh Thanh Hằng. Nhưng lúc sinh thời, nhạc sĩ Thanh Sơn đã phủ nhận điều này.

Ngoài ca khúc Tâm Sự Đời Tôi, bút danh Thanh Hằng được ký tên trong ca khúc Yêu Là Chết Ở Trong Lòng do Suối Đàn xuất bản trước năm 1975.

Một điều kỳ lạ là từ trước đến nay, nhiều người biết rằng ca khúc Yêu Là Chết Ở Trong Lòng là của nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác. Trong hồi ký của mình, ông cũng nhắc tới ca khúc này như là 1 trong những bản tình ca được ông sáng tác trong khoảng thời gian 1973-1975. Khi phát hành tập nhạc ở hải ngoại, nhạc sĩ Phạm Duy cũng đưa bài hát này vào.

Khi về Việt Nam phát hành CD, chính Phạm Duy cũng đưa bài hát này vào đĩa nhạc của mình với giọng ca Quang Dũng ở dưới đây:

Vậy bút danh Thanh Hằng có phải là của nhạc sĩ Phạm Duy, và nếu đúng như vậy, bài Tâm Sự Đời Tôi cũng là của Phạm Duy sáng tác?

Nếu xem xét kỹ, có thể thấy nội dung của 2 bài hát Tâm Sự Đời TôiYêu Là Chết Ở Trong Lòng rất giống nhau.

Bìa sau của tờ nhạc do Suối Đàn phát hành, có ghi tên 2 ca khúc này trong danh sách những ca khúc do Thanh Hằng viết. Nhiều người cho rằng Thanh Hằng là một bút danh được nhạc sĩ Phạm Duy ghép từ tên của 2 danh ca nổi tiếng, 2 chị em Thái Thanh, Thái Hằng.

Nhưng với những ai yêu nhạc vàng, có lẽ sẽ nhận thấy rằng nét nhạc của Tâm Sự Đời Tôi không phải là của Phạm Duy. Khi xem lại mặt sau của 1 tờ nhạc khác của Suối Đàn, lại thấy ghi rằng Tâm Sự Đời Tôi là 1 sáng tác của T.Vũ, tức là ca sĩ – nhạc sĩ Thanh Vũ.

Xem ở cột thứ 2, ghi rằng Tâm Sự Đời Tôi của Thanh Vũ

Qua các dữ liệu đã dẫn ở trên, xin tạm kết luận:

Hai bài hát Tâm Sự Đời Tôi Yêu Là Chết Ở Trong Lòng là đều của ca sĩ – nhạc sĩ Thanh Vũ sáng tác, vì có nội dung tương đồng nhau. Sau khi sáng tác, Thanh Vũ đã nhờ nhạc sĩ Phạm Duy phát hành thông qua nhóm xuất bản Suối Đàn, và nhạc sĩ Phạm Duy đã chọn bút danh Thanh Hằng cho các ca khúc này. Cũng có thể vì mối quan hệ thân thiết, nhạc sĩ Phạm Duy đã góp ý, sửa chữa lại 1 số chỗ trong ca khúc Yêu Là Chết Ở Trong Lòng, nên sau đó ông có liệt kê bài này danh sách sáng tác. Tiêu đề của bài hát này được dựa trên 1 câu thơ nổi tiếng của Xuân Diệu trong bài thơ Yêu: “Yêu là chết ở trong lòng một ít”.

Về xuất xứ của bài thơ này, Xuân Diệu đã từng kể như sau:

Khi ông chỉ mới khoảng 19, 20 tuổi, vào một buổi trưa, nhân lúc ra trông hàng cho mẹ vào thời khắc vắng vẻ, chợ búa ít người qua lại, Xuân Diệu đã tìm cách ghẹo cô bán hàng xinh xắn bên cạnh. Cô này thấy chàng làm thơ đã chớm nổi tiếng thì giả bộ mê mải đọc sách. Xuân Diệu vờ buông lơi một câu (mà ông lấy ý của thơ Pháp):

Yêu là chết ở trong lòng một ít

Không ngờ cô bán hàng bỏ sách xuống, nguýt chàng thi sĩ này một cái rõ dài, rồi bĩu môi, cao giọng:

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu

Như được mở lời, Xuân Diệu tiếp tục ứng thơ:

Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết…

Mặc dù mối liên quan giữa chàng thi sĩ với cô gái trẻ cũng chỉ dừng lại ở chuyện đối đáp thơ, song đó chính lại là xuất xứ của khổ đầu bài “Yêu” – một bài thơ tình nổi tiếng của Xuân Diệu.

Từ câu thơ đó, Thanh Vũ & Phạm Duy (Thanh Hằng) đã viết thành bài hát Yêu Là Chết Ở Trong Lòng như sau:

Làm sao tôi biết yêu đương là khúc đoạn trường
Làm sao tôi biết yêu đương là tiếng thê lương
Từ khi tôi mới yêu người đó,
Tình yêu thơm ngát như lời hứa
Cuộc tình ngây thơ chúng tôi xây mộng xây mơ!

Người cho tôi biết yêu nhau là sẽ nặng sầu
Người cho tôi biết yêu nhau là sẽ xa nhau
Dù tôi không muốn tin là hết,
Tình yêu như lá theo mùa chết
Cuộc tình năm xưa sẽ tan sau một cơn mưa

Người tình ơi! Yêu đương là chớ nên mong
Yêu đương là chết trong lòng,
Yêu đương là khối sầu thương

Người tình ơi! Yêu đương là tiếng than van
Yêu đương là nát cung đàn,
Yêu đương là giấc mơ tàn

Làm sao tôi biết yêu đương ở cõi địa đàng!
Làm sao tôi biết yêu đương là mối dây oan!
Từ khi tôi biết yêu là thế,
Tình yêu đốt cháy tim nhỏ bé
Cuộc tình ra đi sẽ đem theo cả say mê!

Người cho tôi biết yêu nhau dù có nguyện cầu
Người cho tôi biết yêu nhau là vẫn thương đau!
Dù cho tôi biết quên người cũ,
Tình yêu chấp cánh theo ngọn gió
Lòng người đong đưa vết thương mối tình xa xưa.

Khi so sánh lời bài hát này với ca khúc Tâm Sự Đời Tôi, chúng ta sẽ thấy sự tượng đồng về nội, dung, đều là những tâm sự của tình yêu tuổi mới lớn:

Khi vừa lớn lên, tôi đã vội yêu một người
Nên chưa hiểu đời, cuộc đời bạc trắng như vôi
Tình yêu thứ nhất đã đổi ngôi
Người yêu thứ nhất đã phụ tôi
Giấc mơ chung đời tưởng êm đẹp bên nhau, cho đến ngàn sau.

Khi vừa biết yêu, tôi ngỡ tình yêu là đẹp
Nên chẳng ngại ngùng, tình đầu trao hết cho nhau
Nụ hôn thứ nhất cho người yêu
Để người đem đến bao sầu đau
Trót thương nhau rồi đành ôm hận thương đau cho đến muôn đời.

Ai ơi tình cũ lỡ làng rồi
Người về nơi ấy có vui không?
Để lòng tôi mãi nhớ thương mong
Lạnh lùng kiếp cô đơn mùa đông.

Tương lai đừng nhắc đến làm gì
Thiệp hồng thôi nhé hết chung tên
Cuộc tình hai đứa đã vô duyên
Đường trần có riêng tôi tìm quên.

Không còn có nhau, thôi nhé gặp nhau càng buồn
Chôn vùi kỷ niệm, kỷ niệm đường vắng không tên
Hàng cây cao vút như lặng im
Lịm tình tôi chết sau một đêm
Phút giây ban đầu rồi đi vào thiên thu duyên kiếp lỡ làng.

Mời bạn lắng nghe ca khúc này vừa được thu âm của Trương Đông (con của danh ca Giang Tử) và Hoàng Long:

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến thông tin này. Chúc bạn có thêm kiến thức và một ngày thật vui vẻ!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận