Nhìn lại Rock Việt ở Sài Gòn trước năm 1975

0
11

Rock Việt được hình thành ở miền Nam Việt Nam từ những năm 1960, khi những người lính viễn chinh Mỹ đến Việt Nam, họ mang theo cả văn hóa, lối sống kiểu Mỹ.

Khi đó, ban đầu là để đáp ứng nhu cầu giải trí của lính Mỹ, hàng loạt bar, club chơi nhạc Mỹ được ra đời ở dọc khắp Việt Nam, như Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Biên Hòa, Sài Gòn, Cần Thơ… Những ca sĩ trong các bar này phần đông là người Việt và một số ít người Phi Luật Tân.

Rock khởi thủy từ sự kết hợp của nhạc rythm and blues của người Mỹ da đen với loại nhạc country của người Mỹ da trắng. Nhạc rythm and blues sử dụng nhạc cụ điện tử mà chủ yếu là guitar với tăng âm cực lớn, bộ gõ với sự nhấn lệch phách đã tạo ra sự kích thích cảm xúc và hưng phấn nhảy múa.

Ở Việt Nam, sự hình thành và phát triển nhạc rock hoàn toàn không được suôn sẻ tự nhiên mà cũng đã trải qua nhiều phen thăng trầm.

Ca sĩ Phương Tâm – được xem là 1 trong những ca sĩ hát nhạc rock đầu tiên của Việt Nam

Trong những năm 1967-1968, hàng loạt ban nhạc người Việt hát nhạc rock lấy tên tiếng Anh được ra đời như The Enterprise (Trung Nghĩa, Lý Được, Mạnh Tuấn, Casim, Thanh Tuyền), CBC (Tùng Linh, Tùng Vân, Đức Hiền, Ngọc Hiền, Bích Loan, Bích Liên), The Soul (Huỳnh Háo, Trần Vĩnh), The Music Makers (Huỳnh Anh), The Blue Jets (Khánh Hà, Anh Tú, Philip), The Magic Stones (Trung Hành, Đức Vượng, Cao Giảng, Tứ Đệ, Phùng Thuận), The Dreamers (Duy Quang, Duy Cường, Duy Hùng, Duy Minh), nhóm Les Vampires đổi tên thành The Rocking Stars.

Thời kỳ này các ban nhạc thường cộng tác ở các câu lạc bộ dành cho quân nhân Hoa Kỳ và chỉ hát lại những ca khúc nổi tiếng đương thời của các ban nhạc đang làm mưa làm gió trên thế giới như Cream, Santana, Grand Funk Railroad, Black Sabbath, Stepphenwolf, Deep Purple,…

Thời gian ban đầu, tâm lý chung của đa số giới trẻ Sài Gòn là đang quen với văn hóa Pháp, rồi khi văn hóa Mỹ ập vào thì bị xem như là một kiểu của lối sống thực dụng, nhiều người đã dị ứng với điều đó nên tiếp tục nghe nhạc Pháp như là một kiểu đối kháng lại sự xâm nhập đó. Âm nhạc từ những nhóm của Pháp như Les Chaussettes Noires của Eddy Mitchell và Françoise Hardy vẫn được giới trẻ đô thị ưa chuộng, và với những người chơi nhạc, nếu có thành lập ban nhạc nghiệp dư thì cũng nặng chất Pháp (Francophilie), cụ thể như các nhóm Les Fanatiques (Công Thành), Les Pénitents (Ngọc Tuấn, Nguyễn Kiên, Trần Văn Phúc, Tuấn Khanh), Les Vampires (Đức Huy, Elvis Phương) toàn lấy tên Tây và hát nhạc Tây.

Nhưng dần dần, những người chơi nhạc người Việt nhận ra nét độc đáo của Rock ‘n’ Roll của Anh và Mỹ. Thể loại này nhanh chóng trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần lớp trẻ đô thị thời bấy giờ. Để đáp ứng nhu cầu nghe nhạc trẻ theo phong cách nhạc Mỹ, nhiều nhạc sĩ đã tiên phong đặt lời Việt cho những ca khúc nước ngoài nổi tiếng.

Mở đầu cho trào lưu này có thể nói đến nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, Trường Kỳ, Nam Lộc…, sau đó có cả nhạc sĩ gạo cội Phạm Duy. Họ đã chuyển soạn lời Việt cho các ca khúc được nhiều người yêu mến như như: Búp Bê Không Tình Yêu (Poupée De Cire, Poupée De Son), Gõ Cửa 3 Tiếng (Knock Three Times), Chuyện Phim Buồn (Sad Movies), Lãng Du (L’Aventura), Anh Thì Không (Toi Jamais)…

Một bước tiến xa hơn nữa là các nhạc sĩ bắt đầu sáng tác một ca khúc hoàn toàn mới cho Rock Việt, điển hình là ban nhạc Phượng Hoàng – ban nhạc trẻ hát nhạc Việt hiếm hoi thời bấy giờ. Tiền thân của ban Phượng Hoàng là ban Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà thành lập vào thập niên 1960, sáng tác và hát nhạc trẻ Việt, nhưng ban Hải Âu sớm bị tan rã vì chưa đúng thời điểm.

Năm 1971, Lê Hựu Hà thành lập ban nhạc Phượng Hoàng với phong cách Việt hóa pop rock cùng nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Họ sáng tác ca khúc Việt cho rock, hát lời Việt và cái tên cũng “thuần Việt” giữa vô vàn các tên ban nhạc bằng tiếng Anh đang hiện hành. Ban Phượng Hoàng được đánh giá là những người đã làm thay đổi lối chơi của nhạc trẻ Sài Gòn, tạo nên sắc thái nhạc rock Việt độc đáo, nét nhạc mang làn hơi hướm rock Tây phương, nhưng do những nhạc sĩ người Việt viết nhạc.

Ban Phượng Hoàng thực sự thăng hoa và đứng trên đỉnh cao của danh vọng khi bắt đầu có sự xuất hiện của Elvis Phương, trở thành giọng ca chủ lực hát các sáng tác của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang. Một số tác phẩm ra mắt lần đầu tiên như: Phiên Khúc Mùa Đông, Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời, Mặt Trời Đen… được khán giả trẻ tiếp nhận một cách hồ hởi và trở thành đại diện cho rock Việt vì khiến khán giả không mặc cảm vì âm nhạc vong bản hay thứ âm thanh bị đào xới trên mảnh đất cũ của người khác.

Mời các bạn nghe lại một cuốn băng các bài nhạc được phối âm theo phong cách rock được thu thanh từ 1968-1974 tại Sài Gòn, trong đó có cả những bài nhạc vàng như Những Đóm Mắt Hỏa Châu, Chuyện Tình Sao Ly… Băng này được remaster lại ở hải ngoại:


Click để nghe

Sau năm 1975, cùng chung số phận với tất cả các loại nhạc khác của miền Nam, rock Việt bị xem là thứ văn hóa lai căng và bị cấm hoàn toàn cho đến khoảng cuối thập niên 1980. Từ khoảng năm 1986 cho đến nay, Rock Việt đã trải qua rất nhiều thời kỳ với những thăng trầm và biến động lớn. Từ thập niên 1990 đã có những tên tuổi lớn như Da Vàng, Atomega, sau đó là Bức Tường, Microwave, UnlimiteD, Black Infinity… Có thời điểm bùng nổ với hàng loạt rockshow khắp cả nước vào khoảng đầu thập niên 2010, cho đến thời điểm trầm xuống một cách đáng ngạc nhiên của Rock Việt nhường chỗ cho pop như hiện nay. Lý do của việc này được giải thích một cách hài hước và chua chát bằng tấm hình gây sốt cộng đồng dưới đây:

Rock Việt tại Sài Gòn trước năm 1975 đã đóng góp vào sự phát triển của văn hóa âm nhạc Việt Nam.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận