Trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, những nghệ sĩ nổi tiếng quê ở Bình Định có thể kể tới là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, Hàn Châu, Giao Tiên, ca sĩ Quang Dũng.
Quang Dũng sinh năm 1975 ở Qui nhơn, là giọng nam trữ tình nổi tiếng của nhạc Việt trong 20 năm qua.
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sinh năm 1930 tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định, tác giả của rất nhiều ca khúc nhạc vàng nổi tiếng: Trăng Tàn Trên Hè Phố, Những Ngày Xưa Thân Ái, Bông Hồng Cài Áo, Bóng Mát, Đường Về Hai Thôn, Đan Áo Mùa Xuân… trong đó có ca khúc Chuyến Tàu Về Quê Ngoại viết về quê hương Bình Định.
Nhạc sĩ Hàn Châu sinh năm 1947 ở Bồng Sơn – Hoài Nhơn – Bình Định, là nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng. Ông có ca khúc rất quen thuộc viết về quê hương Bình Định là Về Quê Ngoại. Hàn Châu nói rằng hầu hết các bài hát của ông được viết dựa trên nội dung do ông hư cấu và tưởng tượng ra, tuy nhiên bài hát Về Quê Ngoại là một trong những bài hát hiếm hoi mà ông viết về cuộc đời thật của mình, về người bà yêu dấu ở quê hương Bồng Sơn đã một đời tần tảo cưu mang và vất vả nuôi nấng ông và các anh chị em.
Nhạc sĩ Giao Tiên sinh năm 1941 ở Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định, tác giả của nhiều ca khúc nhạc vàng đại chúng được yêu thích.
Ngoài ra, còn có 1 nghệ sĩ nổi tiếng khác quê ở Bình Định là danh hề thời thập niên 1960 ở miền Nam là Khả Năng (Hề Mập). Ông tên thật là Nguyễn Khả Năng, sinh năm 1933 ở Qui Nhơn, rất được yêu thích khi diễn các vai hề trong tuồng cải lương đoàn Thanh Minh Thanh Nga.
Thời gian sau đó, Khả Năng cùng với Thanh Việt, Tùng Lâm, Thanh Hoài thành bộ tứ hề khuấy đảo các đại nhạc hội, lại đấu thầu được chương trình Tiếu vương hội phát hàng tuần trên đài truyền hình số 9. Báo giới và khán giả đặt cho ông biệt danh Hề Mập để phân biệt với các bạn diễn. Bộ tứ này cùng với những người xuất hiện sau là Hoàng Mai, Phi Thoàn, Văn Chung được mệnh danh Thất hài đế, làm nên những gương mặt không thể thiếu trên sân khấu thoại kịch và cải lương đương thời. Trên màn ảnh đại vĩ tuyến, Hề Mập Khả Năng thường được đóng chung với Hề Lùn Tùng Lâm để làm cặp bài trùng gây cười trong các xuất phẩm lâm li bi đát.
Trong lĩnh vực văn nghệ còn ghi nhận một người Bình Định nổi tiếng là Đào Tấn, người soạn tuồng nổi tiếng nhất Việt Nam sống vào thời nửa cuối thế kỷ 19.
Trong lĩnh vực văn học, Bình Định cũng là nơi xuất thân của nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Phạm Hổ (anh ruột của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ).
Nói về những vị anh hùng dân tộc, những vị tướng nổi danh trong lịch sử có quê ở Bình Định, đầu tiên phải kể tới vua Quang Trung (Nguyễn Huệ), người được sinh ra ở Bình Định, dù quê gốc ở Nghệ An. Quang Trung là một trong những vị quân vương tài ba nhất trong lịch sử Việt Nam, người đã dẹp tan giặc nhà Thanh hùng mạnh. Một thuộc tướng xuất sắc của Nguyễn Huệ có tham gia trận đại phá quân Thanh là Ngô Văn Sở cũng được sinh ra ở Bình Định (làng Bình Thạnh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nay thuộc huyện Tây Sơn).
Một thuộc tướng khác của Nguyễn Huệ là nữ danh tướng Bùi Thị Xuân cũng có quê ở Bình Định. Bà Bùi Thị Xuân được sinh trưởng trong một gia đình khá giả ở ngôi làng ngày nay thuộc huyện Tây Sơn, từ nhỏ đã sớm được học văn và học võ. Tương truyền bà vừa có sức mạnh vừa có sắc đẹp, nữ công khéo, chữ viết đẹp, nhưng thích làm con trai, thích múa kiếm đi quyền,lại. Nghe kể chuyện bà Trưng bà Triệu cỡi voi đánh giặc, Bùi Thị Xuân náo nức muốn được theo gương bà Triệu bà Trưng, luyện đánh voi ra trận. Còn những chuyện Tô Tiểu Muội cùng chồng xướng họa, chuyện bà Mạnh Quang cử án tề mi thì Bùi Thị Xuân cho là nhảm nhí. Lúc nhỏ đi học thường mặc áo con trai. Lớn lên tự chế kiểu áo các nữ hiệp vẽ trong sách mà mặc.
Năm 12 tuổi, Bùi Thị Xuân đến trường học chữ. Bị đùa cợt, Bùi Thị Xuân cả thẹn, vung quyền đánh vào mặt hai người sanh sự rồi trở về nhà. Từ ấy bỏ học chữ, ở nhà chuyên học võ.
Từ khi bỏ học văn thì đêm đêm có một lão bà đến dạy. Dạy từ đầu hôm đến gà gáy lần thứ nhất thì bà lão lui gót. Không ai hiểu lai lịch ra sao. Suốt ba năm trời, trừ những khi mưa gió, đêm nào bà lão cũng đến cũng đi đúng giờ giấc. Dạy quyền, dạy song kiếm. Rồi dạy cách nhảy cao nhảy xa. Nhảy cao thì cột hai bao cát nơi chân mà nhảy, ban đầu bao nhỏ rồi đổi bao to dần, cuối cùng mới nhảy chân không. Còn nhảy xa thì ban đầu dùng sào, sau dùng tre tươi ngoài bụi, níu đọt uốn cong xuống thấp rồi nương theo sức bung của cây mà nhảy. Đêm học ngày tập, đến 15 tuổi thì tài nghệ đã điêu luyện. Theo cụ Bùi Sơn Nhi ở Xuân Hòa thì đó là bà cao tổ của ông Hương mục Ngạc, một võ sư trứ danh ở An Vinh thời Pháp thuộc.
Sau khi luyện tập võ nghệ thuần thục, Bùi Thị Xuân bèn rủ một số chị em khác trong vùng đến nhà mình luyện quyền múa kiếm. Đệ tử của bà ban đầu còn ít, dần dần lên đến vài chục người. Tài nghệ đã tinh mà cách đối xử, cách dạy dỗ lại đứng đắn nên Bùi Thị Xuân được chị em kính yêu, quý trọng. Trong số đệ tử xuất sắc có bà Bùi Thị Nhạn.
Năm 1771, Bùi Thị Xuân lúc 20 tuổi đã dùng kiếm để giải nguy cho Trần Quang Diệu khi vị tráng sĩ này bị một con hổ dữ tấn công. Và cũng từ lần gặp này mà hai người trở thành vợ chồng khi ông Diệu đến ở nhà người con gái Xuân Hòa để trị thương, rồi cùng nhau về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc.
Phía bên kia chiến tuyến của Bùi Thị Xuân, theo phò chúa Nguyễn Ánh có Ngô Tùng Châu cũng là người Bình Định. Ngô Tùng Châu ở thôn Thái Thuận, xã Cát Tài, huyện Phù Cát – Qui Nhơn. Năm 1801, Ngô Tùng Châu cùng với dũng tướng Võ Tánh đã tử tiết khi phòng thủ thành Bình Định lúc giao đấu với Trần Quang Diệu bên Tây Sơn. Việc này sử sách ghi như sau:
Năm Kỷ Mùi 1799, Ngô Tùng Châu theo chúa Nguyễn đem quân ra phía Bắc đánh nhau với quân Tây Sơn. Đến tháng 5, quân của chúa Nguyễn đến vây thành Quy Nhơn. Vua Cảnh Thịnh của Tây Sơn bèn sai Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem binh vào cứu nhưng mới đến Quảng Nghĩa thì bị đánh bại. Quan trấn thủ là Lê Văn Thanh thấy viện binh đến không được, mà lương thực ở trong thành hết cả, bèn cùng các tướng mở cửa ra hàng. Nguyễn vương đem quân vào thành, cho đổi tên là thành Bình Định, rồi giao cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ở lại trấn giữ.
Đến tháng 1 năm Canh Thân (1800), quân của Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đến vây thành Bình Định. Võ Tánh cùng Ngô Tùng Châu cố lo phòng thủ, không ra đánh. Hay tin, chúa Nguyễn liền đem đại binh ra, nhưng vì quân bộ và quân thủy không phối hợp với nhau được, nên việc giải cứu không thành. Tùng Châu hiệp theo với Võ Tánh ở lại trấn, quân giặc bao vây, gần đến 2 năm, cùng Tánh giữ lấy thành cố giữ, tùy phương phòng chống, lấy trung nghĩa khuyến khích quân lính, người đều vui lòng liều chết, không ai làm phản cả.
Đến tháng 1 năm Tân Dậu (1801), sau khi đốt được gần hết thủy trại cùng tàu thuyền của Tây Sơn ở cửa Thị Nại, khiến tướng Võ Văn Dũng bỏ vùng biển chiến lược này về hợp binh với Trần Quang Diệu, thì thành Bình Định càng bị vây ngặt. Liệu không thể đánh phá được, chúa Nguyễn cho người lẻn vào thành bảo Võ Tánh và Ngô Tùng Châu bỏ thành mà ra. Nhưng Võ Tánh phúc thư lại rằng: …quân tinh binh của Tây Sơn ở cả Quy Nhơn, vậy xin đừng lo việc giải vây vội, hãy nên kíp ra đánh lấy Phú Xuân thì hơn. Nghe lời Võ Tánh, Nguyễn vương dẫn đại quân tiến đánh và thu phục được Phú Xuân vào ngày mùng 3 tháng 5 năm Tân Dậu (15 tháng 6 năm 1801).
Nhận được tin dữ, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cử quân ra cứu nhưng bị quân của Lê Văn Duyệt đánh chặn phải lui về, nên càng đốc quân đánh gấp cốt chiếm cho được thành Bình Định.
Hoàng Việt hưng long chí kể:
Trong thành hết sạch lương ăn, Võ Tánh cho quân sĩ làm thịt voi ngựa mà ăn. Có người khuyên mở đường máu vượt vòng vây mà ra, nhưng Tánh thấy quân sĩ đều đã đói, không muốn đánh liều. Lại bí mật đưa thư hẹn với Nguyễn Văn Thành ban đêm đem quân tới đồn Phú Quý để đón người trong thành trốn ra. Nhưng điểm lại trong hàng tướng hiệu thiếu một viên vệ úy, Võ Tánh bàn với Ngô Tùng Châu bỏ không thực hiện vì sợ kế hoạch đã bị tiết lộ. Rồi Võ Tánh sai quân sĩ lấy củi khô đem chất đống trước lầu Bát Giác, đặt thuốc dẫn hỏa lên trên, rồi bảo với các tướng rằng: …Ta không muốn cho quân giặc nhìn mặt, ta chết với lửa!
Nói đoạn, Võ Tánh sai người ra trao cho Trần Quang Diệu một bức thư có câu: Phận ta là chủ tướng, đành một chết với cờ. Còn như quân sĩ không tội tình gì, xin chớ nên giết hại.
Buổi sớm hôm đó, Tùng Châu đến hỏi mưu kế phá giặc, thì Võ Tánh chỉ tay vào lầu Bát Giác nói rằng: Đấy là kế của ta đấy. Ta làm chủ tướng không cùng giặc đều sống, ông là văn thần, địch tất không giết, nên mưu để tự toàn lấy tính mạng thì hơn.
Tùng Châu trả lời rằng: Trung ái là một, văn võ có kể gì. Tướng quân có thể vì nước chết về nạn, Tùng Châu này lại không thể làm người bề tôi chết về trung ư.
Rồi về nhà, mặc triều phục chỉnh tề, trông về cửa khuyết bái lạy, rồi uống thuốc độc chết. Võ Tánh nghe tin báo, đau buồn nói: Thế là Ngô quân đã đi trước ta rồi… Nói đoạn đi ngay đến công dinh của Ngô Tùng Châu, lo việc khâm liệm mai táng… Việc đó xảy ra ngày 25 tháng 5 năm Tân Dậu (ngày 5 tháng 7 năm 1801). Hai ngày sau, Võ Tánh cũng tự thiêu mà chết ở lầu Bát Giác. Khi chiếm được thành, Trần Quang Diệu tỏ ra xúc động trước sự trung dũng của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, sai người tẩm liệm thi hài hai ông tử tế, rồi theo lời yêu cầu của Võ Tánh, không giết hại hàng binh nhà Nguyễn.
Ngoài ra, Bình Định cũng là quê hương của 3 lãnh đạo khởi nghĩa chống Pháp thời thế kỷ 19 là Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương), Tăng Bạt Hổ và Mai Xuân Thưởng.
Giữa thế kỷ 20, một nhân vật lịch sử nổi tiếng có quê ở Bình Định là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2 nhiệm kỳ (1945-1968).