Những giọng ca huyền thoại của sân khấu cải lương miền Nam những năm 1950: Hữu Phước, Thanh Hương, Út Bạch Lan

0
21

Hữu Phước, Thanh Hương và Út Bạch Lan là những tên tuổi vang bóng trong lịch sử sân khấu cải lương miền Nam vào những năm 1950. Họ đã góp phần lớn vào sự phát triển của nghệ thuật truyền thống Việt Nam và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu mến nghệ thuật cải lương.

Qua một thế kỷ tồn tại, sân khấu cải lương đã giới thiệu đến công chúng thế hệ nghệ sĩ tài năng. Họ là những tài danh nổi bật với chất giọng tốt, có biệt tài ca vọng cổ hay, để lại trong lòng giới thưởng ngoạn bao niềm ái mộ. Xin giới thiệu 3 giọng ca huyền thoại của sân khấu cải lương được sinh vào thập niên 1930 và nổi tiếng trong thập niên 1950, đó là nghệ sĩ Hữu Phước, Thanh Hương, và Út Bạch Lan.

Trước khi nói về 3 nghệ sĩ này, có một câu chuyện nhỏ được chính ca sĩ Hương Lan kể lại, rằng cái tên Hương Lan của cô được ghép từ 2 nữ nghệ sĩ Thanh Hương và Út Bạch Lan, bởi vì cha của Hương Lan là nghệ sĩ Hữu Phước rất thích giọng hát của 2 nữ nghệ sĩ trên.

Hương Lan kể rằng ngay từ những năm đầu thập niên 1960, khi cô nổi tiếng từ nhỏ và được những ký giả kịch trường gọi là “Thần Đồng”, nhưng không sử dụng tên thật là Ngọc Ánh làm nghệ danh, vì thời gian cô bắt đầu đi hát đã có một nghệ sĩ cải lương tên Ngọc Ánh. Một hôm thân phụ cô là nghệ sĩ Hữu Phước hội ý với soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà để đặt nghệ danh cho con gái, Kiên Giang hỏi: “Trong nghệ sĩ mày thích người nào nhất?”. Hữu Phước đáp: “Dạ, em thích Út Bạch Lan với Thanh Hương”. Kiên Giang nói: “Tao lấy tên 2 người này tao đặt cho con mày”. Từ đó cái tên Hương Lan ra đời, ghép từ Thanh Hương, Út Bạch Lan.

Thanh Hương (1936-1974) – Đệ nhứt danh ca vọng cổ

Nghệ sĩ Thanh Hương tên thật là Nguyễn Thị Thanh Hương, sinh trưởng trong gia đình nghệ sĩ nhà nòi. Cha của bà là nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu, tức soạn giả Năm Châu, một tên tuổi lớn của sân khấu cải lương. Mẹ là nữ danh ca Tư Sạng (Đoàn Thị Sạng), một thời sáng chói trên sân khấu Trần Đắc và làng dĩa nhựa Sài Gòn thập niên 30-40 của thế kỷ 20 với các bộ dĩa Trảm Trịnh Âm, Xứ Án Bàng Quí Phi… Nhờ vậy mà bà sớm làm quen với ánh đèn sân khấu và mau chóng nổi danh từ những năm đầu thập niên 1950 khi tham gia Ban cổ nhạc Cửu Long ở Đài Phát Thanh Pháp Á cùng với các danh cầm, danh ca thời ấy như Tám Thưa, Bảy Quới, cô Ba Bến Tre, cô Ba Trà Vinh…

Sức hấp dẫn của giọng ca Thanh Hương là âm vực cao, tiếng hát rất trong trẻo, lảnh lót. Giọng ca vàng của nữ nghệ sĩ tài năng này từng chiếm lĩnh hầu hết các bộ dĩa tuồng, dĩa bài ca lẻ có giá trị nội dung và văn chương sâu sắc. Thập niên 1950, khi hãng dĩa Hồng Hoa phát hành dĩa vọng cổ Cô Bán Đèn Hoa Giấy kể về chuyện tình lãng mạn của cô gái tuổi cặp kê, do cố soạn giả Quy Sắc soạn lời, Thanh hương nổi lên như một hiện tượng đặc biệt của làng dĩa nhựa. Bà được nhiều ông bầu săn đón nhờ giọng ca cuốn hút và tạo nên cơn sốt với công chúng ái mộ cải lương. Ấn tượng về nghệ sĩ Thanh Hương, ngoài bài ca lẻ Cô Gái Bán Đèn Hoa Giấy còn phải kể đến bản vọng cổ Đợi Chờ của cố soạn giả Viễn Châu. Cô gái quê tiễn người yêu lên đô thành tìm tương lai giữa cơn lạnh mùa đông. Nhiều năm trôi qua, cứ kùa đông đến, cô ra bờ ao ngóng đợi chàng trai, rồi mỏi mòn tuyệt vọng. Thanh Hương đã thể hiện trọn vẹn nỗi thương sầu của cô gái chung tình trong bài vọng cổ nổi danh có tên Đợi Chờ: Trước mặt mẹ cha, em giả bộ vui vẻ hồn nhiên như người vô tư lự, nhưng lòng em vẫn ai hoài, kể từ ngày em biết yêu anh”, tám nhịp chót câu vọng cổ thứ sáu chấm dứt bài ca, thẩm thấu tâm tư người thưởng thức một nỗi ngậm ngùi, day dứt.


Click để nghe Thanh Hương ca vọng cổ bài Đợi Chờ

Những bài ca vừa kể trên đã góp phần giúp cho nghệ sĩ Thanh Hương được tôn xưng là Đệ nhứt nũ danh ca vọng cổ do độc giả báo Tiếng Dội (của ký giả Trần Tân Quốc) bầu chọn cuối thập niên 1950. Giải thưởng này có bốn nghệ sĩ được vinh danh: Đệ nhứt nam danh ca vọng cổ – Út Trà Ôn, Đệ nhứt nữ danh ca vọng cổ – Thanh Hương; Đệ nhất kép lẵng, độc – Hoàng Giang, và Đệ nhử đào lẵng, độc – Như Ngọc.

Danh ca Hữu Phước (1932-1997)

Tên thật của Hữu Phước (cha ruột nữ danh ca Hương Lan) là Henry Trần Quang. Quê của ông ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Lần theo những tài liệu viết về nghệ sĩ Hữu Phước, ông bắt đầu khởi nghiệp cầm ca từ thập niên 1950 khi tham gia ca hát tại quán Họa Mi của danh ca Năm Cần Thơ trong khu Đại Thế Giới ở Chợ Lớn. Khi bước vào nghề, ông được nhạc sĩ Trần Hữu Lương (tức Mười Lương, chồng của cô Năm Cần Thơ) dạy ca và đặt cho nghệ danh Hữu Phước.


Click để nghe nghệ sĩ Hữu Phước ca tân cổ Tàu Đêm Năm Cũ với con gái là danh ca Hương Lan

Thừa hưởng giọng gá có âm sắc ngọt ngào, nghệ sĩ Hữu Phước sớm nổi tiếng khi được các hãng dĩa cổ nhạc và đài phát thanh ở Sài Gòn thời bất giờ mời thu thanh, được người ái mộ xuýt xoa, tán thưởng, Ông may mắn được các nghệ sĩ bậc thầy như Năm Châu, Phùng Há… tận tâm dìu dắt. Họ là thế hệ đi trước, lại vừa là đồng nghiệp, luôn hết mực yêu thương, hướng dẫn từng cử chỉ, điệu bộ diễn xuất cho đàn em khi đứng trên sân khấu. Nhờ vậy mà nghệ sĩ Hữu Phước đã có những vai diễn để đời trên sân khấu: Cậu Tư Kiên (vở Con Gái Chị Hằng của Hà Triều – Hoa Phượng), Lý Anh Huy (vở Tỉnh Mộng do Thu An và Phong Anh hợp soạn), Duy Bạt (vở Gió Ngược Chiều, được soạn giả Năm Châu viết phỏng theo một tác phẩm của đại văn hào Victor Hugo)… đặc biệt, vai bác sĩ Vũ (vở Đôi Mắt Người Xưa của soạn giả Nguyễn Phương) đã giúp nghệ sĩ Hữu Phước đoạt huy chương vàng Diễn viên xuất sắc Giải thưởng Thanh Tâm năm 1966.


Click để nghe giọng ca Hữu Phước

Trong nghệ thuật ca vọng cổ, nếu như nghệ sĩ Út Trà Ôn có biệt tài sắp nhịp được cho là hay vào bậc nhất, thì nghệ sĩ Hữu Phước cũng không kém phần tinh tê. Tài sắp nhịp của ông khá độc đáo. Ông ca chẻ nhịp chớ không chẻ văn, ca theo phong cách chân phương, dựa vào làn hơi, chất giọng tự nhiên của mình nhiều hơn là kỹ thuật. Với chất giọng thổ pha kim, khi thể hiện bài ca vọng cổ, ông nhấn nhá rất tình cảm. Đặc biệt, ông xử lý xuất sắc ở những chữ có “dấu huyền”. Chính làn hơi thiên bẩm và lối ca điêu luyện, nghệ sĩ Hữu Phước đã tạo ra trường phái ca vọng cổ rất riêng biệt mà cho đến nay vẫn được mọi người yêu thích. Thế hệ công chúng trẻ sau này chỉ có thể tìm nghe giọng ca của ông trong các dĩa hát. Còn đối với công chúng và những nghệ sĩ thuộc thế hệ trước, danh ca Hữu Phước vẫn hiện diện trong sự ngưỡng mộ, kính nể của họ. Học giả Vương Hồng Sển đã từng nói rằng: “Mấy mươi năm trước chưa ai ca vọng cổ hay hơn Hữu Phước, e rằng mấy mươi năm sau cũng chẳng có ai”.

Sầu nữ Út Bạch Lan (1935-2016)

Tên thật của bà là Đặng Thị Hai, quê quán ở xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Thuở nhỏ, vì khó nuôi, bà được một gia đình người quen nhận làm con đỡ đầu. Gia đình này đông con, nên gọi bà là bé Út. Khoảng 9-10 tuổi, cha mẹ xa nhau, bé Út theo mẹ xuống chợ Bình Tây (Chợ Lớn) mưu sinh. Cùng cư ngụ trong chợ Bình Tây lúc này có thêm 2 mẹ con của danh cầm Văn Vĩ. Do cùng hoàn cảnh, hai bà mẹ kết nghĩa chị em, bé Út và Văn Vĩ thương nhau như anh em ruột thịt. Vốn biết ca vọng cổ, còn Văn Vĩ là tay đờn guitar phím lõm điêu luyện, bé Út rủ anh Văn Vĩ đi hát rong kiếm tiền phụ mẹ. Thấy hai anh em có năng khiếu cổ nhạc, một ông già tốt bụng nhà gần chợ Bàu Sen (Quận 5) cho mượn chỗ dạy đờn ca. Tiếng lành đồn xa, danh ca Năm Cần Thơ tìm đến, dắt hai anh em về Đài Phát Thanh Pháp Á thu âm bài vọng cổ Trọng Thủy – Mỵ Châu và được ký luôn hợp đồng làm việc cho nhà đài. Danh ca Thành Công (thành viên Ban cổ nhạc của đài) đặt nghệ danh cho bé Út là Bạch Lan, nhưng bà xin phép lót thêm chữ “Út” thành Út Bạch Lan.

Song song với công việc thu thanh, năm 1952, bà bắt đầu theo chân đoàn hát cải lương. Đầu tiên là gánh Kim Khánh của ông bầu Cang; sau đó là gánh Tơ Huệ, rồi về cộng tác với hánh Kim Thanh do các nggệ sĩ Út Trà Ôn, Thanh Tao, Kim Chưởng và Thúy Nga làm bầu. Một thời gian sau, bà chuyển qua gánh Thanh Minh của bà bầu Thơ. Cuối thập niên 1950, bà về gánh Kim Chưởng làm đào chánh trong các vở Thuyền Ra Cửa Biển, Nửa Bản Tình Ca… Đây là giai đoạn mà báo giới kịch trường tôn tặng bà nhiều danh hiệu như Nữ hoàng vọng cổ, Đệ nhất đào thương, Nữ hoàng sầu mộng, Sầu nữ Út Bạch Lan, Vương nữ sương chiều… Bà thích nhất mỹ danh “Sầu nữ” vì cuộc đời bà chuyện buồn nhiều hơn vui.


Click để nghe giọng ca Út Bạch Lan trước 1975

Thành công của nghệ sĩ Út Bạch Lan trong nghệ thuật chính là nhờ giọng ca bi ai, não ruột. Nghệ thuật ca vọng cổ của bà vô cùng độc đáo. Bà ca như nói, rất nhẹ nhàng, không lạm dụng kỹ năng luyến láy, lạng bẻ cầu kỳ. Đặc biệt, kỹ thuật nhấn dấu “sắc lửng” của bà rất hay. Giọng ca của sầu nữ Út Bạch Lan cho tới nay vẫn là một chuẩn mực, thể hiện đẳng cấp cao của nghệ thuật ca vọng cổ chính thống.

Mấy mươi năm qua, những bài ca, những nhân vật do các nghệ sĩ Hữu Phước, Thanh Hương, Út Bạch Lan thể hiện vẫn được giới mộ điệu cao niên (nhất là người trong nghề) nhắc nhớ.

Cho dù không còn tại thế, nhưng ngày nào giai điệu của bài ca vọng cổ còn ngân vang thì ngày đó mọi người vẫn còn nhớ và tri ân ba nghệ sĩ tài hoa Hữu Phước, Thanh Hương và Út Bạch Lan – những giọng ca huyền thoại có đóng góp đág kể cho sân khấu cải lương.

Chúc mừng bạn đã tìm hiểu thêm về những nghệ sĩ tài năng của sân khấu cải lương miền Nam những năm đầu của thế kỷ 20. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này và hy vọng bạn có thêm thông tin hữu ích từ nó.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận