Những chiếc xe có giới đầu tiên có mặt ở Việt Nam là từ cuối những năm đầu của thế kỷ 20. Năm 1903, ở Sài Gòn người ta đã thấy vài chiếc xe chở thư chạy bằng than. Đến năm 1908 cũng tại Sài Gòn đã có khoảng 30 xe ô tô, kiểu dáng còn thô sơ, muốn chạy phải đốt cho máy nóng trước.
Xe hơi sở hữu cá nhân được các nhà giàu có ở Nam kỳ mua đầu tiên là vào năm 1907, với chiếc xe đầu tiên thuộc về một người Pháp, tới chiếc số 2 là của một người được gọi là Thầy Năm Tú. Không có nhiều thông tin về những chiếc tiếp theo nhưng tới chiếc số 7 và số 8 là của ông Nguyễn Minh Tho ở Gò Công. Kế đến số 10, số 11 và 12 là của ông Lê Phát Tân. Ông Tân là em ruột ông Lê Phát Đạt biệt danh “Huyện Sĩ” – ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại.
Kể từ năm 1907, Sài Gòn có xe hơi trước tiên. Miền Trung có xe hơi năm 1913 và người sắm xe trước nhất là ông Nguyễn Văn Đương ở Thanh Hóa. Cũng vào năm 1913 xe hơi xuất hiện ở miền Bắc, mà người sắm đầu tiên là ông Bạch Thái Bưởi ở Hà Nội.
Theo sách “Hoạt động công chính ở Đông Dương”, năm 1913 toàn Đông Dương có 350 xe ô tô loại nhỏ. Trong bốn năm từ 1915 đến 1918, số tiền mua ô tô nhập cảng vào Việt Nam xê dịch từ 1-2 triệu francs. Đến 1920, con số này lên đến 33 triệu francs.
Đến năm 1926, tổng số xe cơ giới chạy trên toàn Việt Nam là 9.504 chiếc. Các hãng xe cũng phát triển song song. Ở phía Bắc có 96 hãng xe ô tô gồm 231 chiếc, ở miền Trung có 82 hãng xe với 178 chiếc và ở miền Nam phát triển nhanh hơn với 513 hãng xe và 1.075 xe.
Từ khi có xe cơ giới, việc vận chuyện hành khách liên tỉnh của được thuận tiện hơn, người ta gọi là xe khách, hoặc xe đò (vì ngày xưa chưa có nhiều cầu nên xe khách phải lên đò để qua sông, kinh rạch). Tuyến xe đò đầu tiên được đem vào khai thác là tuyến Sài Gòn – Trảng Bàng, Sài Gòn – Tây Ninh. Khi các hãng xe đò ra nhiều, từ Sài Gòn, Chợ Lớn chạy khắp các tỉnh, lúc này có nhiều xe đời mới hơn với các thương hiệu như: Peugeot, Clément Bayard… thường mỗi xe chỉ được khoảng 10 – 11 người với tốc độ khoảng 30km/h. Đến năm 1929 số ô tô nhập vào Nam kỳ đã lên đến 11.000 chiếc, trong đó có 9.000 chiếc xe du lịch.
Vào thời điểm từ 1935, xe ô tô dùng chở khách, chở hàng rộ lên ở khắp Nam kỳ. Các nhà tư sản bỏ vốn đầu tư mua xe chạy khắp các ngả, từ thành thị đến thôn quê. Ngoài Sài Gòn, Chợ Lớn là trung tâm hoạt động của các hãng xe đò, xe tải đi về các tỉnh miền Đông, miền Tây, ra miền Trung.
Còn ở Hà Nội, lần đầu tiên có xe khách là vào năm 1919, với 4 chiếc xe hiệu GM của Mỹ được đưa vào hoạt động. Nơi đón trả khách lúc đó là bến cột đồng hồ ngay gần cầu Long Biên. Tài xế xe là người Việt Nam đi lính thợ cho quân đội Pháp trong thế chiến I có bằng lái xe do chính phủ Pháp cấp.
Hình bên trên là bến xe buýt/xe đò đầu tiên của Hà Nội, ảnh chụp năm 1926. Đây là Quảng trường cột đồng hồ trên Bến Clémenceau (nay là đường Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải). Bến xe nằm phía trước cột đông hồ. Bìa trái là Phố Hàng Muối, giữa hình là Rue Maréchal Pétain (nay là phố Nguyễn Hữu Huân).
Một số hình ảnh khác của bến xe này:
Thời gian sau đó số lượng xe tăng nhanh, bến cột đồng hồ trở nên chật trội nên hội đồng thành phố quyết định chuyển bến ra chỗ chuyên bán Nứa (cách cột đồng hồ không xa về phía bắc) vì vậy mới có tên bến Nứa. Ba hãng xăng là Shell, Socony và Texaco (của Mỹ) mở điểm bán xăng và Texaco đã giành được quyền tài trợ xây nhà bán vé khang trang, trên nóc nhà bán vé có cột hình vuông 4 mặt có tên Texaco.
Theo tạp chí “Tự nhiên” xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1926 phát hành tại Hà Nội thì năm 1925, trung bình một ngày có 4 xe tải, 166 xe ô tô con và 79 lượt xe buýt qua lại cầu Long Biên.
Từ bến Nứa, hằng ngày có xe đi Hưng Yên, Sơn Tây, tuyến ngắn chạy đến Chèm. Khách chủ yếu là người buôn bán và các chức dịch nông thôn đi Hà Nội sắm hàng hóa. Đi Sơn Tây có 4 hãng lớn gồm: Tư Đường, Chí Thành, Mỹ Lâm và Larriveé (chủ Pháp). Tuyến đi Hưng Yên thì thống soái là hãng Con Thỏ. Chủ là Lê Hữu Luân, ông này xuất thân là thợ mộc rong, nhà xe Bảo Ký thấy nhanh nhẹn cho làm nhân viên đứng đón khách ở bến rồi Luân tố cáo ngầm một phụ xe không chăm khách nên được cất nhắc lên làm phụ xe và sau đó đi học lái. Nhờ tiêu pha tằn tiện, ông Luân mua được chiếc xe cũ tự chạy và dần dần bứt lên làm chủ hãng với 29 chiếc.
Phía Nam Hà Nội có bến Kim Liên, vốn trước đó là chợ của làng Kim Liên. Bến mở vào những năm cuối thập niên 1920, ban đầu nằm gần Cửa Nam cản trở giao thông nội đô nên hội đồng thành phố quyết định chuyển xuống Kim Liên. Bến này có xe tuyến dài đi Nam Định, Thái Bình, tuyến ngắn đi Phủ Lý, Thường Tín, Văn Điển và Ngọc Hồi. Phía tây có bến Kim Mã, trước đó vốn là hồ ao sau thành phố mở mang đã cho lấp hồ, bến hình thành cũng vào cuối thập niên 1920, chuyên chở khách đi Sơn Tây, Hòa Bình, tuyến ngắn đi Hà Đông và Ba La.
Thời điểm này, bắt đầu có xe chạy Bắc – Nam. Bên dưới là hình ảnh xe đò Hà Nội – Sài Gòn, hình chụp ở Nha Trang vào thập niên 1920:
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết! Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin, đừng ngần ngại để lại câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn!