Người Hoa tại Sài Gòn – Chợ Lớn có nhiều đặc trưng văn hóa như phong tục, truyền thống đậm đà, kiến trúc cổ điển, ẩm thực đa dạng và nghệ thuật truyền thống phong phú.
Trong suốt lịch sử di cư của người Trung Hoa trên thế giới, bang hội đầu tiên xuất hiện vào cuối thế kỷ 18, trên cơ sở nhu cầu và quyền lợi thiết thân của chính họ. Dần dần, hệ thống bang được pháp luật ở nước sở tại công nhận và trở thành tổ chức hành chính, chi phối và điều khiển mọi quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của người Hoa ở miền Nam Việt Nam nói chung và khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn nói riêng. Cho dù ở từng thời điểm khác nhau số lượng bang của người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn có sự thay đổi ít nhiều, nhưng chủ yếu gồm 5 bang: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Hẹ. Mỗi bang có trụ sở là hội quán.
Một số hình khác của Quảng Triệu hội quán:
Sự ra đời của các hội quán người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã khẳng định sự có mặt hết sức đông đảo của họ ở vùng đất này. Các hội quán của người Hoa có lịch sử tồn tại khá lâu đời và thời gian thành lập khác nhau. Hầu hết các hội quán đều được xây dựng vào thế kỷ 18, 19. Lúc đầu, hội quán có ba chức năng chính:
– Trụ sở hành chính của bang.
– Trụ sở của hội đồng hương.
– Trụ sở của hội liên lạc công thương gia trong bang.
Ngoài ra, đôi khi hội quán còn có thêm chức năng là trụ sở Liên hiệp công thương nghiệp (tức Công sở).
Một số hình ảnh khác của Tuệ Thành hội quán:
Hội quán người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn có khi được gọi là chùa (hội quán Tuệ Thành còn gọi là “chùa Bà Thiên Hậu” hay “chùa Bà Chợ Lớn”; hội quán Ôn Lăng còn gọi là “chùa Quan Âm”; hội quán Quỳnh Phủ còn gọi là “chùa Bà Hải Nam”), có khi được gọi là “đình” (hội quán Minh Hương còn gọi là “đình Minh Hương Gia Thạnh”), một số hội quán còn được gọi là “miếu” (hội quán Nghĩa An còn gọi là “miếu Quan Đế”, hội quán Nhị Phủ còn gọi là “miếu Nhị Phủ”,…).
Hội quán người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn có chức năng như một “ngôi nhà chung”, góp phần làm nên sức mạnh của người Hoa trong quá trình “tha phương cầu thực”. Hội quán là trụ sở để bàn bạc việc hội đồng, là cơ quan để trau giồi lễ nghĩa, giữ công bằng, phân phải trái và dập tắt những mối tranh đoan. Hội quán cũng là nơi cho những người đồng hương mới di cư đến hoặc đi buôn gặp nạn tạm trú chờ tìm chỗ ở ổn định hay chờ tàu về Trung Hoa.
Quá trình hình thành và phát triển các hội quán của người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn luôn gắn liền với công cuộc mưu sinh, lập nghiệp của người Hoa. Quy mô xây dựng và phạm vi hoạt động của các hội quán đều theo một con đường chung là từ nhỏ đến lớn, từ hẹp tới rộng, tương ứng với quá trình tích lũy thương nghiệp của thương nhân người Hoa.
Một số hình khác của Hà Chương hội quán:
Trong quá trình hội nhập vào đời sống xã hội của quốc gia Việt Nam, chính tinh thần tương thân, tương trợ, gắn kết cộng đồng của các hội quán là động lực chủ yếu giúp cho người Hoa bảo tồn bản sắc văn hóa của mình; đồng thời làm cho hội quán tiếp tục tồn tại bền vững với tư cách là một thiết chế văn hóa có cấu trúc đặc thủ của cộng đồng người Hoa. Người Hoa đã trở thành một bộ phận của cư dân các dân tộc ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn. Thành công đó chính là sự tổng hợp của nhiều yếu tố: sự khéo léo, trí thông minh, óc tổ chức, đức tính kiên trì, nhẫn nại.., nhưng trước hết và quan trọng hơn cả là tinh thần đoàn kết gắn bó, đùm bọc nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Hội quán người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn – một biểu trưng của tính cộng đồng. Thông qua những hoạt động của mình, các bang, hội quán người Hoa đã thể hiện tính cộng đồng trên nhiều phương diện.
Trong hoạt động kinh doanh, sản xuất, người Hoa thể hiện tính cộng đồng hết sức rõ nét:
Thứ nhất, họ luôn đặt sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân, cá thể trong sự phát triển chung của tập thể cộng đồng, tức là lấy lợi ích cộng đồng làm chính, hoạt động kinh tế trước hết vì lợi ích cộng đồng.
Thứ hai, họ luôn gắn kết chức năng kinh tế và chức năng xã hội trong hoạt động doanh nghiệp, tức là thành công trong hoạt động kinh tế nhằm hướng tới đóng góp xây dựng cộng đồng xã hội ngày càng vững mạnh.
Thứ ba, họ luôn coi trọng đầu tư mở rộng uy tín, xã hội, trước hết là trong cộng đồng hẹp của mình.
Thứ tư, họ đề cao hoạt động doanh nghiệp, coi nó là một phương tiện chính để cải thiện cuộc sống cá nhân và nâng cao địa vị cộng đồng trong cư dân bản địa.
Để giữ uy tín của cộng đồng (mà ở đây là uy tín của các bang, hội quán), phát huy vai trò xã hội, chính trị và khẳng định vị trí kinh tế của mình, người Hoa đặc biệt chú ý giữ gìn “chữ tín”. Họ không chỉ sợ mất bạn hàng, mà còn sợ “mất mặt” với cộng đồng, ảnh hưởng đến bang, hội quán của mình.
Một số hình ảnh khác của Nghĩa An hội quán:
Sự gắn kết cộng đồng người Hoa trong bang, hội quán còn được biểu hiện qua phong cách kinh doanh của người Hoa “buôn có bạn, bán có phường”. Đó là sự xuất hiện của những phường nghề truyền thống, phố chuyên doanh trên khắp vùng Sài Gòn – Chợ Lớn.
Trong thực tế, có không ít người Hoa làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Có thể nói bí quyết thành công của họ không những chỉ nhờ sự kiên trì, khéo léo trong làm ăn kinh tế mà phần lớn còn nhờ sự trợ giúp của các tổ chức đồng hương bang, hội quán. Khi gặp thất bại, người Hoa ít rơi vào tình thể cùng đường tuyệt vọng mà luôn tin tưởng cộng đồng sẽ giúp họ vượt qua khó khăn. Sự thành công trong kinh doanh của người Hoa luôn có sự hỗ trợ của cộng đồng.
Khi có sự cạnh tranh giữa các nhóm kinh doanh người Hoa, các bang trưởng hội quán có trách nhiệm tìm cách dàn xếp ổn thỏa mọi bất đồng để không ai bị thiệt thòi. Thông qua các hình thức tín ngưỡng, các hội quán người Hoa là nơi để tạo dựng và cố kết cộng đồng. Từ khi các bang, hội của người Hoa bị giải thể, hội quán chủ yếu chỉ là nơi quy tụ, bảo trì cơ sở tín ngưỡng, thực hiện các lễ bái và các hoạt động công ích xã hội.
Với tất cả tấm lòng thành kính của mình, người Hoa tin rằng từ thân phận “hải ngoại cô nhi” họ vươn lên tự khẳng định được mình chính là nhờ nhiều yếu tố, trong đó có sự nâng đỡ của cả một tập thể thần linh thuộc nhiều giáo phái khác nhau. Hội quán là nơi các vị thần trú ngụ và được thờ cúng, là nơi mọi người biểu lộ lòng tốt với nhau”. Trong các hội quán người Hoa ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, các vị thần, Phật được thờ nhiều nhất là Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân (Quan Công), Ông Bổn. Bên cạnh đó, trong hội quán người Hoa còn thờ một số linh vật biểu trưng như: Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ, Hổ, Rồng, Lân, Cá chép, ngựa Xích thố… Với quan niệm “thực dụng” là “hữu cầu tất ứng”, trong các hội quán của mình, người Hoa thờ bất kỳ vị thần, Phật nào (bất kể nhân thần hay nhiên thần, thần người Hoa hay người Việt) miễn là họ mang lại cho người Hoa sự tin tưởng là sẽ phò trợ tốt trong cuộc sống. Ví dụ, trong hội quán Nghĩa Nhuận có thờ thần Thành Hoàng và các anh hùng liệt sĩ người Việt; hội quán Lệ Châu có thờ Tổ nghề kim hoàn là người Việt…
Một dấu ấn khác về văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của các hội quán người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn là việc thể hiện ý nghĩa các vị thần được thờ đã có sự chuyển hóa để hòa nhập với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đất mới: Thiên Hậu Thánh Mẫu ban đầu mang ý nghĩa phủ hộ cho người đi biển bình an thì nay được tôn thờ trong các hội quán với ý nghĩa ban sức khỏe, con cái, tài lộc…; Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) vốn được người Hoa để cao về sự trung nghĩa, dũng cảm, nhưng trong tín ngưỡng hội quán người Hoa Sài Gòn – Chợ Lớn ông lại nổi bật với ý nghĩa thần độ mạng cho nam giới và cầu xin tài lộc.
Như vậy, có thể thấy trong hệ thống tín ngưỡng thờ các vị thần, Phật của hội quán đã chuyển hóa thành truyền thống văn hóa và ý thức xã hội. Sự sùng bái thần linh từ tín ngưỡng chuyển hóa thành phong tục và dần dần trong tâm thức của người Hoa các vị thần thánh ấy chỉ còn là biểu trưng về sức mạnh cộng đồng.
– Trong các hoạt động văn hóa – xã hội, hội quán là nơi thể hiện tính cộng đồng mạnh mẽ. Đó là việc các bang, hội quán người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn đứng ra quyên góp, thiết lập nên những cơ sở sinh hoạt văn hóa, công trình phúc lợi xã hội, xây dựng các trường học, bệnh viện, các nghĩa trang… để phục vụ những nhu cầu thiết yếu của người dân trong cộng đồng.
Về giáo dục, ngôi trường đầu tiên của nhóm Hoa Quảng Đông mang tên Tuệ Thành Học Hiệu được thành lập vào năm 1910. Sau đó, mỗi bang thuộc các nhóm phương ngữ và địa phương Trung Hoa như Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến đều có lập trường học riêng. Cho đến đầu năm 1975, người Hoa đã lập 228 trường trung học ở Nam bộ, trong đó, riêng Sài Gòn – Chợ Lớn có tới 120 trường. Các bang, hội quán này đứng ra quyên góp tài chính trong cộng đồng mình, đặc biệt là những “mạnh thường quân” góp vào việc xây trường, cấp học bổng cho con em người Hoa. Chính những hoạt động giáo dục đó đã giúp nền văn hóa dân tộc của người Hoa ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn tồn tại qua bao nhiêu năm tháng.
Về y tế, mỗi bang, hội quán của người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn đều xây dựng bệnh viện để phục vụ cộng đồng người Hoa. Có 6 bệnh viện của người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã được xây dựng. Ngoại trừ bệnh viện Chung Cheng (Trung Chính) (1949) là bệnh viện ra đời từ sự đóng góp của người Hoa mà không phân biệt bang, hội, thì 5 cơ sở còn lại thuộc 5 bang ngôn ngữ: Bệnh viện số 1, thường gọi Dưỡng đường miễn phí của nhóm Hoa Quảng Đông (xây năm 1907, nay là bệnh viện Nguyễn Tri Phương), về sau được nâng cấp trở thành một bệnh viện tư tần tiến nhất tại Sài Gòn – Chợ Lớn; Bệnh viện số 2, thường gọi là Nhà thương Phúc Kiến (1909); Bệnh viện số 3, thường gọi là Bệnh viện Lục Ấp (1916) của nhóm Hoa Triều Châu; Bệnh viện số 4, còn có tên là Nhà thương Sùng Chính của nhóm Hoa thuộc bang Hẹ (xây năm 1920, nay là Bjênh viện Chấn thương Chỉnh hình); Bệnh viện số 5 của nhóm Hoa Hải Nam (1946).
Về vấn đề hiếu hỷ, hậu sự, mọi việc hiếu hỷ được xem như đại sự nên mọi người đều có trách nhiệm giúp đỡ nhau. Với tinh thần “nghĩa tử, nghĩa tận”, mỗi bang, hội quán đều mua đất lập nghĩa trang riêng để xây dựng một “ngôi nhà chung” sau khi chết cho những người đồng hương xa xứ. Ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, bang Phúc Kiến có ba nghĩa trang: Phú Thọ Hòa (1883), Phú Nhuận (1919) và Tần Sơn Nhì (1942); bang Quảng Đông có hai nghĩa trang: Bình Thới và Phú Nhuận; bang Triều Châu có hai khu đất nghĩa trang tại Tần Sơn Nhất và Phú Thọ Hòa; bang Hẹ có một nghĩa trang tại Tân Sơn Nhứt).
Mọi thành viên trong cộng đồng sau khi mất đều được an táng tại các nghĩa trang thuộc bang, hội quán của mình mà không phải tốn tiền mua huyệt mộ. Đặc biệt, đối với những thành viên là người nghèo hay người neo đơn không ai thân thích thì khi họ qua đời, hội quán sẽ đứng ra lo liệu tất cả, từ giúp áo quan, tổ chức tang lễ cho đến khâu cuối cùng là an táng; thậm chí, hội quán còn lo việc cải táng, đưa hài cốt về “quê cha, đất tổ” (Trung Hoa)…
Ngoài ra, các hội quán người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn còn đứng ra bảo trợ cho việc duy trì hoạt động của các đội lân, sư, rồng, kèn đồng, ca cổ, thể dục thể thao… cho cộng đồng mình. Như vậy có thể nói, thông qua các hoạt động của bang, hội quán, tính cộng đồng của người Hoa được thể hiện hết sức phong phú và đã góp phần đáng kể trong việc bảo tồn bền vững nền văn hóa truyền thống của người Hoa ở Việt Nam.
Cộng đồng người Hoa ở các bang, hội quán Sài Gòn – Chợ Lớn sinh sống trong một môi trường tương đối khép kín, gần như tách biệt với xã hội hiện hữu. Do đó, trước đây chính quyền thời Nguyễn cũng như chính quyền thời Pháp thuộc và chính quyền VNCH thường coi người Hoa là một kiểu dân đặc biệt, đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế vai trò, vị trí kinh tế và xã hội của người Hoa trong đời sống chính trị của nước sở tại. Chính sự đối xử này càng khiến người Hoa nuôi dưỡng ý thức cội nguồn sâu sắc, thôi thúc họ liên kết chặt chẽ với nhau trong các nhóm cộng đồng thuộc các bang, hội quán.
Tuy nhiên, do phải thích nghi với môi trường mới, dần dần các cộng đồng người Hoa cũng phải tự phá vỡ thế khép kín của mình bởi vì giao lưu, hội nhập văn hóa là một xu thế tất yếu, là điều kiện tiên quyết để người Hoa tồn tại và phát triển ở Việt Nam. Văn hóa người Hoa đã trở thành một bộ phận đặc sắc của văn hóa Việt Nam và chính các hội quán của người Hoa từng là nơi lưu giữ những nét đặc sắc ấy.
Người Hoa là một thành phần trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, vì vậy, văn hóa người Hoa góp phần làm nên sự đa dạng và phong phú của văn hóa dân tộc.
Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, các hội quán người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn là nơi thể hiện một nét văn hóa Hoa. Tính cộng đồng đã góp phần đáng kể trong việc tạo nên ưu thế kinh tế cũng như bản sắc văn hóa đặc trưng của người Hoa. Các hội quán người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn trở thành nơi giao thoa văn hóa Hoa – Việt, qua đó thúc đẩy hai cộng đồng xích lại gần nhau hơn trên các lĩnh vực khác. Ngoài ra, các hội quán người Hoa còn là trung tâm quy tụ các hoạt động xã hội, hướng tới hỗ trợ cộng đồng cùng chung sống, không phân biệt là Hoa hay Việt. Có thể nói, các hội quán người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã ghi lại những dấu ấn chứng minh cho xu thế hội nhập của người Hoa, góp phần làm sáng tỏ tiến trình phát triển của vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn nói riêng, vùng đất Nam bộ nói chung.
Chúng ta cùng khám phá văn hóa độc đáo của người Hoa tại Sài Gòn – Chợ Lớn! Hy vọng bạn đã có thêm kiến thức và trải nghiệm mới từ bài viết này. Cảm ơn bạn đã đọc!