Trong những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Diễm Xưa, Biển Nhớ và Như Cánh Vạc Bay là những bài hát đặc biệt với sự xuất hiện của những người phụ nữ tinh tế, dịu dàng và lãng mạn. Chúng không chỉ là những bản nhạc đẹp mà còn là những tác phẩm nghệ thuật sâu sắc, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người yêu âm nhạc Việt Nam.
Những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chủ yếu là viết cho tình yêu, quê hương, và thân phận, trong đó chủ đề về tình yêu trong nhạc Trịnh nhận được nhiều sự quan tâm nhất, được khán giả yêu thích nhiều nhất.
Ngoài sáng tác nhạc cho người tình Dao Ánh, như trong một bài viết trước mà chúng tôi đã nhắc tới, bài viết này xin nhắc đến những ca khúc khác, nhắc tới những bóng hồng khác nữa trong nhạc Trịnh, nổi tiếng nhất trong số đó là Diễm trong ca khúc Diễm Xưa, Thanh Thúy trong Ướt Mi, Bích Khê trong Biển Nhớ, Phương Thảo trong Nhìn Những Mùa Thu Đi, Ngọc Ngà trong Lời Buồn Thánh…
Nhiều người cho rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qúa đa tình khi có quá nhiều bóng hồng như vậy. Nếu nói như vậy thì có phần oan ức, vì những nhân vật chính trong bài hát đó chỉ có một số ít là người tình (gắn bó hoặc chỉ là thoáng qua trong đời), đa số là những người quen biết thân hoặc sơ, có người ông chỉ mến mộ như là ca sĩ Thanh Thúy, hoặc thậm chí chỉ là người lạ hoàn toàn chưa từng quen biết, như trường hợp cô Ngà trong bài hát Lời Buồn Thánh.
Cũng giống như hầu hết các nhạc sĩ khác nhạc sĩ họ Trịnh có sự mẫn cảm, một tâm hồn nghệ sĩ dễ rung động trước cái đẹp, trước những câu chuyện mà với những người khác thì rất bình thường, nhưng với ông thì đủ để sáng tác thành ca khúc để đời.
Những câu chuyện này được chính tác giả kể lại lúc sinh thời, hoặc cũng có thể là góp nhặt lại từ những câu chuyện kể lại của gia đình, của bè bạn của ông, và không ít trong đó được thêu dệt lên từ những giai thoại. Vì vậy người biên soạn bài này sẽ cố gắng góp nhặt những thông tin được xem là đáng tin cậy nhất, được những người thân thiết nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xác nhận, hoặc thậm chí là do chính ông ghi trong trong những bài tùy bút lúc sinh thời.
1. Ướt Mi
Ca khúc này được xem là ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được sáng tác khi ông 19 tuổi. Dù Ướt Mi không phải là bài mà ông viết đầu tiên trong sự nghiệp, nhưng nó là bài đầu tiên đã đưa tên tuổi của ông đến với đông đảo công chúng yêu nhạc ở Sài Gòn. Đặc biệt hơn, Ướt Mi được viết cho một người ca sĩ lúc đó mới 15 tuổi, và sau này trở thành một ca sĩ huyền thoại của làng nhạc miền Nam.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này như sau:
“Thuở còn trọ học ở Sài Gòn, đêm nào tôi cũng đến phòng trà ca nhạc để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi vào lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì chưa hẳn, vì tôi mang mặc cảm nghèo và vô danh. Trong khi đó Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập.
Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền mua một ly đá chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng. Cái khát khao đó đã giúp tôi viết nên bản nhạc “Ướt Mi” đầu tiên trong đời”.
Click để nghe Thanh Thúy hát Ướt Mi trước 1975
2. Diễm Xưa
Tiếp theo sau bài hát Ướt Mi, bài Diễm Xưa là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được ông sáng tác trong thời gian đầu của sự nghiệp, những năm đầu thập niên 1960. Từ ca khúc này, từi sau đó giới trẻ miền Nam có câu cửa miệng “xưa rồi Diễm”. Vậy Diễm là ai? Đó là một người con gái Huế được tác giả kể lại sau đây:
“Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi. Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”.
Click để nghe Khánh Ly hát Diễm Xưa trong băng Sơn Ca 7
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
Lâu nay hình ảnh “tháp cổ” thường được nhiều người liên tưởng đến những đền đài miếu cổ đặc trưng của xứ Huế. Tuy nhiên theo lời diễn giải của chính tác giả thì tháp cổ ở đây là ẩn dụ về những “tòa tháp” thiên nhiên, là cổ của người thiếu nữ. Thuở đó người con gái Huế thường bận áo dài cổ thuyền (thường gọi là áo dài bà Nhu), khoe tầng cổ cao, và với những chàng trai thanh niên mới lớn thì hình tượng mưa rơi trên tầng tháp cổ đó rất đẹp và gợi lên những ấn tượng không thể nào phai trong trí nhớ.
3. Biển Nhớ
Biển Nhớ là một trong những ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được sáng tác vào khoảng năm 1962-1963, khi ông đang theo học tại Trường Sư Phạm Qui Nhơn. Những người yêu nhạc Trịnh thường nhắc đến bài hát này với 2 chữ Sơn – Khê được nhạc sĩ lồng vào trong câu hát:
Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về
Triều sương ướt đẫm cơn mê, trời cao níu bước sơn khê
Click để nghe Khánh Ly hát Biển Nhớ
Theo lời kể của những người bạn đương thời, thời điểm ca khúc này ra đời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một cô bạn gái thân thiết tên là Tôn Nữ Bích Khê. Đó là một cô gái quê Nha Trang, học cùng lớp với nhạc sĩ trong trường sư phạm. Bích Khê có vóc dáng nhỏ nhắn, làn da ngăm đen, mái tóc dài búi ngược ra sau và thường đi guốc cao gót. Nàng không sở hữu một nhan sắc mặn mà như nhiều bóng hồng khác trong cuộc đời Trịnh Công Sơn, nhưng lại vui vẻ, nhiệt tình và rất có duyên. Đặc biệt, Bích Khê có giọng hát khá hay nên nàng cũng là một gương mặt trong ban hợp xướng của trường mà Trịnh Công Sơn là người gầy dựng.
Hoạ sĩ Đinh Cường, một người bạn rất thân của Trịnh Công Sơn từ những năm tháng tuổi trẻ đến tận sau này, kể lại: Vào mùa hè năm 1962, Trịnh Công Sơn ở lại trường, không về Huế, nên Đinh Cường vào Quy Nhơn thăm bạn và gặp cả nàng Bích Khê. Đinh Cường kể:
“Biển Nhớ, hay bóng dáng của Bích Khê là một giai đoạn ngắn, vì hoàn cảnh và thời cuộc lúc đó. Sơn vào Qui Nhơn nấp dưới bóng trường Sư Phạm. Hè 1962, tôi vào thăm Sơn vì Sơn ở lại, không về Huế. Đêm nào Sơn cũng rủ Bích Khê cùng tôi ra biển ngồi đến khuya. Bích Khê từ Nha Trang ra Qui Nhơn học, cùng lớp, hay săn sóc cho Sơn, lúc ấy chỉ thấy khi nào Sơn cũng mặt chiếc áo chemise kaki vàng. Khê thường đem cà phê đến tặng Sơn. Chúng tôi đã ngồi uống cà phê với nhau dưới mái quán thấp ven biển lợp bằng lá kè. Biển Nhớ là cảm hứng từ muôn vàn đợt sóng lấp lánh trong những đêm khuya khoắt ấy, mà Sơn đã kéo cao cổ áo, chợt rùng mình, rồi có một ngày sẽ xa những dấu chân trên cát, có còn “trời cao níu bước Sơn Khê …”
Sau khi ca khúc Biển Nhớ ra mắt, những người bạn trong trường mới giật mình vì hai chữ “sơn khê” quá đặc biệt nên thường trêu đùa hai người bằng câu hát: “Ngày mai Khê đi, biển nhớ tên Khê gọi về… Không ai rõ thực hư của mối quan hệ giữa hai người bạn Sơn – Khê ấy là gì, chỉ biết rằng, sau này có người hỏi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trả lời rằng: “Bích Khê chỉ là bạn như những người bạn khác, chữ “sơn khê” chỉ là tình cờ”. Không biết là do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn tránh nhắc tới một mối quan hệ đã lùi vào dĩ vãng, chẳng đi đến đâu, hay thực sự nhạc sĩ chỉ “hồn nhiên” thả tên những cô bạn gái quanh mình vào lời hát như rất nhiều những cái tên khác từng hiện diện trong âm nhạc của ông, có thể kể đến như: Diễm, Quỳnh Hương, Hoàng Lan, Lộc, Mai, Bống,…
Nhưng có một điều chắc chắn rằng, không chỉ vì hai chữ Sơn Khê, mà vì giai điệu, ca từ của Biển Nhớ quá đỗi da diết, bay bổng mà ca khúc này đã trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng và phổ biến nhất của Trịnh Công Sơn.
Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về
gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya
Ngày mai em đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
sỏi đá trông em từng giờ, nghe buồn nhịp chân bơ vơ
4. Lời Buồn Thánh
Năm 1964, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tốt nghiệp sư phạm Qui Nhơn và được bổ nhiệm lên Lâm Đông để làm trưởng giáo một trường sơ cấp chỉ có ba lớp với học sinh hầu hết là con em người Thượng.
Nơi nhạc sĩ ở trọ lọt thỏm giữa một vùng xung quanh là dốc núi mù sương, cách không xa nhà thờ. Vào những chiều Chúa Nhật buồn, có thể nghe được tiếng chuông dồn dập từng hồi thúc dục con chiên đến giáo đường. Đó cũng là thời gian mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác rất nhiều bài hát nổi tiếng, trong đó có bài Lời Buồn Thánh.
Ở trọ cùng nhạc sĩ họ Trịnh khi đó là một bạn đồng môn, đồng nghiệp, tên là Nguyễn Thanh Ty. Ông Ty có tả lại quang cảnh và thời gian đó như sau:
“Những ngày bó gối nằm nhà, Sơn thường ngồi tư lự trước bàn viết duy nhất dành cho cả hai soạn bài dạy, nhìn ra con đường đất đỏ. Mùa này, bông lau nở trắng xóa khắp nơi, dọc theo con đường dốc chạy dài từ trong buôn ra tới quốc lộ, băng ngang trước nhà chúng tôi. Buổi chiều, những cơn gió nồm thổi nhẹ tới từng cơn, lướt qua rừng bông lau, xô chúng ngả nghiêng xuống, rồi chúng bật dậy, tạo thành những âm thanh xào xạc nhè nhẹ, đều đều, buồn buồn.
Chiều xuống dần, những vạt nắng cuối cùng chiếu xiên trên ngọn bông lau, lấp lánh sáng ngời. Gió lắng dần, không gian trở nên im ắng, tĩnh mịch. Chợt tiếng kèn đồng xa xa vẳng lại, lúc nghe, lúc mất thật hiu hắt buồn. Đó là lúc cô nữ sinh hàng xóm, cô Ngà, đúng giờ đi lễ. Chuông nhà thờ đang dồn dập từng hồi thúc giục con chiên đến giáo đường. Thật đúng như tên đặt, da cô trắng ngà, người mảnh mai với mái tóc thề chấm ngang vai, khuôn mặt phảng phất như Đức mẹ Maria. Rất dịu dàng trong dáng đi, mỗi buổi chiều cô đi lễ, đều đi ngang nhà chúng tôi. Hai tay ấp quyển Kinh Thánh trước ngực, đầu hơi cúi xuống, lặng lẽ, khoan thai bước.
…
Với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, Sơn đã thành công khi đưa tất cả những âm thanh mơ hồ của ngàn lau, của tiếng kèn đồng, tiếng chuông nhà thờ cùng dáng yểu điệu của cô Ngà hòa nhập với gió chiều nhè nhẹ để cấu thành chất liệu tuyệt vời tạo nên nhạc phẩm Lời Buồn Thánh”.
Click để nghe 2 nam danh ca Duy Trác và Sĩ Phú cùng song ca Lời Buồn Thánh trước 1975
Chiều Chúa Nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Trời mưa, trời mưa không dứt
Ô hay mình vẫn cô liêu.
Chiều Chúa Nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Nghe tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Bạn bè rời xa chăn chiếu
Bơ vơ còn đến bao giờ…
Theo lời bài hát, thì đó là những buổi chiều nằm trên căn gác đìu hiu. Tuy nhiên theo ông Ty cho biết đó chỉ là cách thi vị hóa lời nhạc, chứ nơi ở trọ không phải là một căn gác nhỏ như khán giả thường nghĩ đến khi nghe câu hát này, mà đó lại là một căn villa tương đối tiện nghi. Bên cạnh nhà trọ này có một dãy chung cư, là nơi ở của những gia đình công chức của ty Công Chánh, trong đó có gia đình cô Ngà.
Theo mô tả của ông Ty, cô Ngà đẹp, có gương mặt thánh thiện như Đức Mẹ Maria, làm mê đắm những anh giáo ở trong căn nhà trọ kia mỗi khi cô đi qua:
Chiều chúa nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Tôi xin em năm ngón tay thiên thần
Trong vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi
Tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn.
Bài hát chỉ thoáng nói về giai nhân qua câu hát “năm ngón tay thiên thần”, được lấy cảm hứng từ dáng ngọc thoát tục của cô Ngà. Đối với nhiều chàng trai, bàn tay thon dài của thiếu nữ luôn có một hấp lực ghê gớm, gợi những khát khao vô bờ. Có lẽ một phần là bởi vì khi có thể nắm được tay nàng, cũng có nghĩa là đã chiếm lĩnh được trái tim nàng.
Cũng theo mô tả của ông Ty thì cô Ngà đi lễ mỗi chiều ngang qua nhà trọ, hai tay ôm quyển Thánh Kinh trước ngực. Hình dáng quen thuộc đó đã thu hút ánh nhìn say mê dõi theo của những chàng trai từ gác lầu căn nhà trọ.
Tuy nhiên đã có những sự nhầm lẫn đến từ chính ông Ty cũng như nhạc sĩ họ Trịnh.
Khi người viết bài này liên lạc được với cô Ngà, hiện vẫn đang ở Sài Gòn, cô Ngà nói rằng cô theo đạo Phật chứ không phải Công giáo, nên ngày đó cô không đi lễ nhà thờ như những người trong căn nhà trọ Bảo Lộc năm xưa cùng lầm tưởng. Thời điểm đó, cô Ngà chỉ mới 15 tuổi, mỗi buổi chiều trong tà áo dài trắng ôm sách đi học về, chứ không phải là ôm cuốn Thánh Kinh đi lễ nhà thờ như ông Ty đã viết.
Cô Ngà cũng nói rằng trong 4 người ở nhà trọ đó, chỉ có ông Ty là từng bày tỏ tình cảm yêu mến đối với mình, còn Trịnh Công Sơn với cô Ngà chưa từng có mối quan hệ thân thiết nào, ngoài những lần hiếm hoi Trịnh Công Sơn cùng với ông Ty đến nhà cô chơi.
Click để nghe Lệ Thu hát Lời Buồn Thánh trước 1975
Cũng xin nói thêm rằng thời điểm đó, nhạc sĩ họ Trịnh vẫn thư từ qua lại với Dao Ánh, nên hình bóng cô Ngà trong bài hát Lời Buồn Thánh chỉ là sự thoáng qua rất mong manh hư ảo. Mỗi buổi chiều, nhìn thấy dáng áo trắng thiếu nữ bước ngang qua mà ông ngỡ là đang đi lễ nhà thờ, cộng với việc thấu hiểu tình cảm của người bạn ở chung là ông Ty dành cho cô gái còn rất nhỏ tuổi đó, bài hát Lời Buồn Thánh đã ra đời. Bóng dáng thiên thần của giai nhân chỉ là một điểm xuyết để cho ca từ bài hát được thăng hoa, chứ không hẳn là có những tình ý thực sự nào ở ngoài đời.
Cô Ngà còn nói thêm rằng thuở đó cô còn nhỏ tuổi rất vô tư, cũng không bao giờ có thể nghĩ rằng bài hát Lời Buồn Thánh danh tiếng kia lại có chút liên quan gì đến mình. Mãi đến năm 2018, cô mới biết về thông tin này, thông qua một người quen ở Bảo Lộc, cũng như qua bài viết kể lại của ông Nguyễn Thanh Ty, hiện nay là nhà văn sống ở Hoa Kỳ.
Click để nghe Bạch Yến hát Lời Buồn Thánh trước 1975
Bài hát Lời Buồn Thánh sau đó được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi về Sài Gòn và ngay lập tức nổi tiếng ở khắp các phòng trà qua giọng hát Bạch Yến – Khi đó cũng vừa mới trở về sau khi đi du học ở trời Âu.
5. Như Cánh Vạc Bay
Về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc Như Cánh Vạc Bay, ca sĩ Khánh Ly có kể lại là năm 1967, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đưa bài hát này cho cô và nói rằng ông đã sáng tác trong một lần ghé thăm Đà Lạt. Khi đang dạo chơi trong rừng, nhạc sĩ ngồi nghỉ chân cạnh một con suối nhỏ và vô tình thấy một cô gái chân trần đang bước qua suối, nắng vàng rực rỡ trên mái tóc và trên toàn thân cô, gió thổi tung bay tà áo và đùa trên làn tóc. Chàng nhạc sĩ đã giữ mãi hình ảnh cô gái trong lòng, để rồi sáng tác thành ca khúc Như Cánh Vạc Bay.
Hình ảnh mong manh như cánh vạc của người thiếu nữ ở nơi suối vắng rừng xa đã để lại niềm xúc cảm lớn cho người nhạc sĩ. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, có biết bao thế hệ người yêu nhạc đã “chất ngất men say” với Như Cánh Vạc Bay. Ở đó, nhạc sĩ đã rải mỗi thứ một chút những “mê hồn hương” mang tên Đẹp, Buồn và cả một chút mênh mang, vô định của đời sống.
Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh
Click để nghe Khánh Ly hát Như Cánh Vạc Bay
Kết thúc phần 1 của bài viết, phần 2 của bài viết sẽ giới thiệu những bóng hồng trong các ca khúc Nguyệt Ca, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng, Như Một Lởi Chia Tay, và ca khúc dành cho Khánh Ly: Rơi Lệ Ru Người.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung này. Hy vọng thông tin mang lại cho bạn cái nhìn rõ hơn về những tác phẩm âm nhạc đặc biệt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về những người phụ nữ đáng nhớ.