Những tác phẩm nhạc xuân tuyệt vời của thời kỳ trước năm 1975

0
37

Những tác phẩm nhạc xuân của thời kỳ trước năm 1975 gợi nhớ trong lòng người yêu nhạc. Đây là những sáng tác rất ý nghĩa với chất lượng âm nhạc cao và lời ca sâu lắng, thể hiện tinh thần và cảm xúc của người Việt trong mỗi mùa xuân đẹp nhất.

Như một thói quen của nhiều người và nhiều gia đình, mỗi dịp Tết đến không thể thiếu những bài nhạc xuân trước 1975 hoặc nhạc xuân hải ngoại.

Nhạc xuân cũng giống như bánh chưng, bánh tét, hoa mai hoa đào… trong mỗi gia đình dịp đầu năm, ngày tết nhất định phải có rộn ràng những bài nhạc xuân thì niềm vui mới trọn vẹn. Xin giới thiệu đến các bạn tất cả những bài nhạc xuân quen thuộc nhất với mỗi gia đình người Việt trong hơn nửa thế kỷ qua, nghe lại những bản thu âm từ trước 1975 và câu chuyện đằng sau mỗi bài hát.

  • Xuân Này Con Không Về

Đây là bài nhạc xuân nổi tiếng của nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân mà hầu như ai cũng biết đến. Giai điệu và lời bài hát tha thiết đi, là nỗi lòng của hàng triệu người con tha hương từ xưa cho đến nay. Có 1 giai thoại thường được nghe kể lại, rằng ngày xưa, lính nghe nghe bài hát này là chỉ muốn bỏ ngay súng đề trở về bên bếp lửa với mẹ hiền.

Mời bạn nghe bài hát này qua tiếng hát Duy Khánh thu âm trước 1975:


Click để nghe

  • Cánh Thiệp Đầu Xuân

Là bài nhạc xuân nổi tiếng của 2 nhạc sĩ Minh Kỳ và Hoài Linh với lời nhạc là những lời chúc đầu năm đến mọi nhà. Chỉ vì bài hát có câu “để người anh lính chiến quay về gia đình” mà bài hát này đã bị lùm xùm vụ bị cấm rồi không cấm hồi 2 năm trước ở trong nước. Cánh Thiệp Đầu Xuân đã người yêu nhạc yêu thích trong hơn nửa thế kỷ qua, đặc biệt với giọng hát Thanh Thúy trước 1975:


Click để nghe

  • Hẹn Một Mùa Xuân

Hẹn Một Mùa Xuân của nhạc sĩ Đinh Việt Lang (tác giả của bài ca tiền chiến Lạnh Lùng). Bài hát thường bị nhầm tên thành Tôi Sẽ Về. Chỉ với câu đầu của bài hát: Tôi sẽ về khi mùa xuân đơm hoa trước ngõ… bài hát đã làm nao lòng biết bao thế hệ yêu nhạc mỗi độ mùa xuân về.


Click để nghe

  • Mùa Xuân Đầu Tiên

Bài nhạc xuân quen thuộc của tác giả Tuấn Khanh, được yêu thích với giọng ca Hương Lan hát ở hải ngoại. Trước 1975, người trình bày thành công nhất bài hát này có thể là Dạ Hương. Bài hát nói lên nỗi mong chờ nhau của những người sống trong thời chinh chiến. Mùa xuân về cũng là lúc mừng sum họp trong nỗi hân hoan: Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy anh trở về thăm em…


Click để nghe

  • Phiên Gác Đêm Xuân

Phiên Gác Đêm Xuân có thể xem là 1 trong những bài nhạc xuân đầu tiên của miền Nam, được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết năm 1956. Ra đời trong bối cảnh chiến tranh nên chắc chắn “Phiên Gác Đêm Xuân” có vương màu khói lửa. Nhưng nếu nghe kỹ, người yêu nhạc dễ nhận ra tâm sự của người lính thời chiến cũng không khác gì mấy so với tâm trạng của những đứa con xa nhà thời bình vào mỗi dịp xuân về.


Click để nghe

  • Nhớ Một Chiều Xuân

Ca khúc này được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sáng tác vào khoảng sau năm 1957, khi ông đã kết thúc khóa du học Chỉ huy Tham mưu sơ cấp tại tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ và trở về Việt Nam. Dẫu vậy, những ký ức về mối tình dang dở với nàng thiếu nữ nơi hải đảo xa xôi kia vẫn khiến ông không thôi nhung nhớ. Đó cũng là lý do ra đời của ca khúc Nhớ Một Chiều Xuân đầy xuyến xao và ngọt ngào.

Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ
Người nơi xa xăm phương trời ấy
Người còn buồn còn thương còn nhớ
Nắng phai rồi em ơi!


Click để nghe Lệ Thanh hát trong dĩa nhựa

  • Mùa Xuân Của Mẹ

Đây có thể xem là bài nhạc xuân hay nhất viết về người mẹ do nhóm nhạc sĩ Trần Trịnh và Nhật Ngân sáng tác. Câu cuối của bài hát là lời nhắn nhủ mà khi nghe tới, ai cũng thấy rưng rưng trong lòng: Dẫu gì rồi con cũng về, chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi…


Click để nghe

  • Rước Xuân Về Nhà

Đây lại là 1 bài hát hay về mùa xuân và người mẹ của nhạc sĩ Nhật Ngân. Có thể thấy trong các bài nhạc xuân của Nhật Ngân luôn có bóng dáng người mẹ hiền: Xuân Này Con Không Về, Cám Ơn, Mùa Xuân Của Mẹ, và Rước Xuân Về Nhà:

Này mẹ có nghe xôn xao lá đâm chồi
Này mẹ có nghe chim đua hót trên đồi
Này mẹ thấy chăng ngoài sân kia đàn bướm đang nhởn nhơ đùa vui.


Click để nghe

  • Cám Ơn

Cùng với bài Xuân Này Con Không Về thì Cám Ơn cũng là 1 bài nhạc xuân khác của Nhật Ngân nổi tiếng qua giiọng ca Duy Khánh, chan chứa cảm xúc, tâm tình của người lính khi mùa xuân về.


Click để nghe

  • Tâm Sự Ngày Xuân

Bài hát này thường nhầm thành tên Tâm Sự Nàng Xuân. Đây là 1 sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Hoài An viết về mùa xuân thời chinh chiến.


Click để nghe

  • Câu Chuyện Đầu Năm

Câu Chuyện Đầu Năm là sáng tác của nhạc sĩ Hoài An và là 1 trong những bài nhạc xuân phổ biến nhất, viết về cảnh đi lễ ngày xuân – tập tục truyền thống lâu đời của người dân Việt.


Click để nghe

  • Đan Áo Mùa Xuân

Bài nhạc xuân rất tình cảm của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, nói lên nỗi khao khát hòa bình trong những mùa xuân chinh chiến:

Anh sẽ về khi không còn tiếng súng
Trời xanh cao tiếng hát, chim trổ nhạc đón mừng…


Click để nghe

  • Lời Đầu Năm Cho Con

Bài hát của nhạc sĩ Nguyên Thảo, rất nổi tiếng qua giọng hát Duy Khánh cả trước lẫn sau năm 1975. Bài này hay bị nhầm thành tên Thư Xuân Ba Viết Cho Con.


Click để nghe

  • Mùa Xuân Đó Có Em

Bài nhạc xuân bất hủ của nhạc sĩ Anh Việt Thu và được nhiều thế hệ yêu thích, là bài hát không thể thiếu trong các list nhạc xuân.


Click để nghe

  • Ngày Xuân Thăm Nhau

Bài nhạc xuân tình yêu lính của nhạc sĩ Hoài An, nói lên nỗi nhớ nhung mong chờ của người con gái hậu phương, đến thăm người lính chốn đóng quân.


Click để nghe

  • Thư Xuân Trên Rừng Cao

Đây là bài nhạc xuân viết về người lính của nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân, là tâm trạng của hàng triệu quân nhân nơi trận tiền khi mùa xuân về.


Click để nghe

  • Ly Rượu Mừng

Được xem là bài nhạc xuân hay nhất trong lịch sử tân nhạc, được nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết trong khoảng thời gian năm 1952. Sau năm 1975, bài hát bị cấm trong nước 1 thời gian rất dài, trước khi được thả cho hát lại năm 2017.


Click để nghe

  • Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa

Là bài nhạc xuân nổi tiếng của nhạc sĩ Châu Kỳ. Dù ở mùa xuân nào, dù xuân xưa hay xuân nay, thì đón mùa xuân mới vẫn làm người ta gợi nhớ về những mùa xuân đã qua.


Click để nghe

  • Tôi Chưa Có Mùa Xuân

Bên cạnh Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa thì Tôi Chưa Có Mùa Xuân là 1 trong 2 ca khúc xuân nổi tiếng của nhạc sĩ Châu Kỳ mà những ai yêu nhạc vàng đều đã từng nghe qua nhiều lần:

Đợi hai ba năm nữa,
quê mình thôi khói lửa, m
ời xuân đến với tôi,
giờ này còn nổi trôi, r
iêng tôi xin từ chối
mà xuân chán gì nơi…


Click để nghe Chế Linh hát trước 1975

  • Nếu Xuân Này Vắng Anh

Nếu Xuân Này Vắng Anh là ca khúc nhạc vàng mùa xuân nổi tiếng của nhạc sĩ Bảo Thu sáng tác vào đầu năm 1968. Người trình bày ca khúc này đầu tiên là ca sĩ Trúc Ly, thu âm trong dĩa hát Việt Nam:

Xuân đã về Anh có hay
Hoa bướm vui mùa sum vầy
Nơi Phương trời Anh có nhớ
Một người luôn nhắc tên Anh
Và mơ duyên lứa đôi.


Click để nghe

Đây là một trong những ca khúc xuân thành công nhất lịch sử nhạc vàng với lượng tiêu thụ dĩa nhạc và tờ nhạc rất lớn. Tuy nhiên trong một lần trò chuyện, nhạc sĩ bảo Thu nói rằng đây lại là ca khúc được nhạc sĩ viết rất gấp, và có phần “viết ẩu”, và lúc sáng tác xong, ông đã không nghĩ là bài hát này lại có được thành công lớn đến như vậy, vẫn được yêu thích dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua.

  • Gác Nhỏ Đêm Xuân

Gác Nhỏ Đêm Xuân là một sáng tác chung của 2 nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ, là một trong những bài nhạc xuân tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng, ca từ chan chứa những kỷ niệm về mùa xuân và tình bằng hữu trong thời ly loạn.


Click để nghe Giao Linh hát trước 1975

Nhìn đôi bướm tung tăng trên cành lá
Tôi vui đón chờ, chờ tin Xuân thái hòa nở trên khắp nơi như muôn hoa.
Bâng khuâng nhớ lại một mùa thương đã đi qua

  • Hạnh Phúc Đầu Xuân

Trước khi cùng với nhạc sĩ Anh Bằng thành lập nhóm sáng tác Lê Minh Bằng, 2 nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ đã cùng nhau hợp soạn rất nhiều ca khúc nổi tiếng, trong đó có các bài nhạc vàng mùa xuân. Bên cạnh Gác Nhỏ Đêm Xuân còn có Hạnh Phúc Đầu Xuân.


Click để nghe Thanh Thúy hát

  • Đám Cưới Đầu Xuân

Ca khúc Đám Cưới Đầu Xuân là một trong những ca khúc nhạc xuân nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng, cũng là ca khúc tiêu biểu trong hàng trăm ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Nội dung ca khúc này là một mối tình được kết chuỗi từ ngày tháng vô tư tuổi nhỏ, hai người quen nhau từ thuở ấu thời thuở còn chưa biết gì, vô tư chơi trò đám cưới trẻ con với nhau khi xuân vừa tới, và ước mong có được một Đám Cưới Đầu Xuân thật sự khi đã trưởng thành.


Click để nghe tác giả Nhật Trường hát Đám Cưới Đầu Xuân trước 1975

Ngày xưa ngày xưa đôi ta chung nón đôi ta chung đường.
Lên sáu lên năm đôi ta cùng sách đôi ta cùng trường.
Đường qua nhà em nghiêng nghiêng sân nắng, nghiêng nghiêng mây hồng.
Chiều nao đuổi bướm, bướm bay vô vườn
mà nước mắt rưng rưng…

  • Đồn Vắng Chiều Xuân

Ngoài Đám Cưới Đầu Xuân, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh còn đóng góp cho nhạc vàng những ca khúc xuân bất hủ khác mà giá trị cúa nó vượt lên trên một ca khúc nhạc phổ thông đại chúng thông thường, đó là Mùa Xuân Lá Khô, Phút Giao Mùa, và Đồn Vắng Chiều Xuân:

Đồn anh đóng ven rừng mai
Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa
Chờ em một cánh thư xuân, nhớ thương gom đầy
Cho chiến sĩ vui miền xa xôi… (Đồn Vắng Chiều Xuân)


Click để nghe Chế Linh hát Đồn Vắng Chiều Xuân trước 1975

  • Phút Giao Mùa

Ca khúc Phút Giao Mùa được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết vào mùa xuân năm 1968, khi ông đã có 3 người con. Có lẽ đời lính phải công tác dài ngày, xa gia đình, xa vợ con đã làm cho ông có niềm cảm hứng viết ca khúc này, và ký tên bài hát bằng tên của 2 người con của ông: Anh Chương – Thanh Trân.


Click để nghe Nhật Trường hát Phút Giao Mùa trước 1975

  • Mùa Xuân Lá Khô

Mùa Xuân Lá Khô là một trong những ca khúc nhạc xuân nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, nổi tiếng qua giọng hát của Chế Linh, và của chính tác giả trình bày trước năm 1975. Ngoài ra sau năm 1975 thì ca khúc này đã gắn liền với tên tuổi của Tuấn Vũ:

Tôi trở lại vùng hành quân vùng xa xôi đá sỏi biết buồn
Ba tháng hậu phương yên bình tuy vết thương chưa lành hẳn
Tôi lại đi giữa lạnh sang Đông…


Click để nghe Chế Linh hát trước 1975


Click để nghe Nhật Trường hát trước 1975

  • Mùa Xuân Trên Cao

Mùa Xuân Trên Cao là một ca khúc mùa Xuân nổi tiếng của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, nói về tâm sự của một người lính nơi xa xôi, đón xuân về trên vùng cao nguyên rừng núi. Ở nơi rừng sâu núi thẳm đó cùng với bổn phận chinh nhân, anh luôn mơ về duyên tình lứa đôi còn dang dở.

Trời bây giờ trời đã sang Xuân
Anh và mai ngủ bên bìa rừng
Trở giấc ba mươi mộng ảo
Ngày thơ vẫn đẹp vô cùng
Nếu xuân này môi em còn hồng.


Click để nghe Dạ Hương hát Mùa Xuân Trên Cao trước 1975

  • Ước Nguyện Đầu Xuân

Bên cạnh những bài nhạc đầy tâm trạng của những mùa xuân chia ly, dòng nhạc vàng cũng có nhiều bài nhạc chủ đề xuân có giai điệu rộn rã thể hiện niềm vui và yêu đời phơi phới, trong số đó có ca khúc Ước Nguyện Đầu Xuân của nhạc sĩ Hoàng Trang.


Click để nghe bản thu 1967 của Giao Linh 

  • Ta Đã Gặp Mùa Xuân

Trong một lần hiếm hoi nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác chung với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, họ đã cùng tạo ra một ca khúc nhạc xuân để đời mang tên Ta Đã Gặp Mùa Xuân.

Bài hát này được sáng tác vào khoảng năm 1974 và được ca sĩ Sơn Ca hát lần đầu trong băng nhạc Shotguns Xuân đầu năm 1975. Vì đó là những ngày tháng cuối cùng của Sài Gòn trước khi sụp đổ nên những ca khúc được ra mắt trong thời gian này chưa kịp được công chúng nhớ đến thì đã xảy ra biến loạn. Đó có lẽ cũng là lý do mà cho đến nay vẫn không có nhiều người biết đến ca khúc Ta Đã Gặp Mùa Xuân, dù cho bài hát này rất hay cả về giai điệu lẫn ca từ.


Click để nghe Sơn Ca hát Ta Đã Gặp Mùa Xuân trước 1975

Anh đã thấy mùa xuân trong lòng chị
Tôi đã gặp mùa xuân trong mắt em
Chị hân hoan say đêm dài mộng mị
Em cười vui thơm khói pháo bên thềm

  • Xuân Ca

Ca khúc Xuân Ca của Phạm Duy được nhạc sĩ nhắc đến trong hồi ký của mình như sau:

“Cũng trong dòng nhạc tâm linh, tôi soạn bài XUÂN CA, lần này không phải là hành khúc hay âu ca mà là dân ca phát triển. Trong bài này, tôi muốn nói mùa Xuân của tôi đã có ngay trong đêm tân hôn của cha mẹ tôi. Xuân như mặt trời nổ trong lòng mẹ, rồi từ đó tôi ra đời, góp chung câu gào thiết tha cho mùa xuân vĩnh cửu. Nếu tôi chết đi, xin cho tôi được tái sinh nhiều lần để tôi tiếp tục đi mãi trong mùa Xuân. Bài XUÂN CA được soạn theo ngũ cung Việt Nam”


Click để nghe Duy Quang hát trước 1975

Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về.
Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ

  • Xuân Muộn

Một ca khúc xuân thật buồn của nhạc sĩ Hoài Linh, được sáng tác vào năm 1967. Sự lộng lẫy của đất trời ngày xuân có lẽ là không những không thể xoa dịu lòng người mà còn như xoáy sâu vào nỗi sầu buồn miên viễn của người nhạc sĩ:

Chiều ba mươi Tết ta còn gì cho nhau
Lại thêm Xuân nữa gieo nhẹ vào mái đầu
Đâu đấy vu vơ vài tiếng pháo
Giữa lòng quê nghèo còn binh đao
Thấy hoa xót mai thương đào 


Click để nghe Hà Thanh hát Xuân Muộn trong dĩa nhựa trước 1975

  • Mùa Xuân Hoa Đào

Mùa Xuân Hoa Đảo của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ diễn tả tâm trạng buồn của một kẻ nghèo trắng tay khi ngắm hoa đào đón mùa xuân đến.


Click để nghe Thanh Thúy hát trước 1975

Còn tôi nghe Xuân đến nhưng cớ sao lòng man mác buồn
Tình nhân không có bạn bè mỗi nơi mỗi đứa ôi đoạn trường
Lạc chân bước vào thênh không
Hồn chợt thấy buồn mênh mông
Đem bán cả cuộc đời nghệ sĩ cung nhạc lời ca cho thế nhân.

Bài viết này chỉ nhắc đến những ca khúc nhạc xuân trữ tình. Còn đối với những bài nhạc xuân vui tươi, rộn ràng, như là Đón Xuân, Chúc Xuân, Xuân Đã Về, Anh Cho Em Mùa Xuân… xin nhắc đến trong một bài viết khác.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết này. Hy vọng những thông tin về những tác phẩm nhạc xuân thời kỳ trước năm 1975 sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về giai thoại âm nhạc của Việt Nam. Chúc bạn có những trải nghiệm âm nhạc đầy ý nghĩa và thú vị!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận