Nhạc sĩ Lê Dinh, tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng, đã để lại dấu ấn với các sáng tác mang nét đẳng cấp và tinh túy, vượt thời gian.
Nhạc sĩ Lê Dinh là một trong những tên tuổi nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng trước 1975, với sức sáng tác bền bỉ và đa dạng. Những ca khúc nổi tiếng nhất của ông chủ yếu là thuộc dòng nhạc vàng, như Biển Dâu, Ga Chiều, Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao… Một dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp của nhạc sĩ Lê Dinh là những tác phẩm viết chung với Minh Kỳ, Anh Bằng, hoặc viết chung 3 người trong nhóm Lê Minh Bằng.
Nhạc sĩ Lê Dinh tên thật là Lê Văn Dinh, sinh năm ngày 8/9/1934 tại làng Vĩnh Hựu, Gò Công. Thuở nhỏ ông học trường Gò Công; sau đó lên Mỹ Tho học trường Collège Le Myre de Vilers rồi học trường Cao Đẳng Vô Tuyến Điện (Ecole Supérieure de Radio Electricité) tại Saigon.
Trong thời gian theo học trường Cao Đẳng Vô Tuyến Điện, ông được học hàm thụ âm nhạc tại trường École Universelle de Paris, Pháp.
Năm 1954, Lê Dinh tốt nghiệp trường Cao Đẳng Vô Tuyến Điện, vì chưa tìm được việc làm ngay nên ông đi dạy Pháp văn và âm nhạc tại các trường tư thục ở Gò Công và Chợ Lớn.
Cũng nhờ dạy học ở Gò Công, ông gặp một cô giáo tên là Kim Quyên đang dạy ở đây. Sau một năm quen nhau thì họ nên duyên vợ chồng và sống hạnh phúc cho đến nay.
Năm 1956, Lê Dinh vào làm việc tại Đài Phát Thanh Saigon cho đến tháng tư năm 1975, với chức vụ Chủ Sự Phòng Sản Xuất (Production Section), sau đó Phòng Điều Hợp (On Air Section) của Đài. Ông chủ yếu phụ trách về mặt kỹ thuật tại đài, đúng với chuyên môn đã được đào tạo ở trường.
Nhạc sĩ Lê Dinh bắt đầu sáng tác nhạc từ lúc còn đi học, với ca khúc đầu tiên được thu thanh trên đài phát thanh đài Pháp Á là bài Quê Mẹ với tiếng hát Linh Sơn.
Khoảng năm 1956, ông có ca khúc đầu tiên được xuất bản là Làng Anh Làng Em, tiếp sau đó là những bài hát nổi tiếng là Ngày Ấy Quen Nhau, Ngang Trái, Xác Pháo Nhà Ai, Cánh Thiệp Hồng, Tấm Ảnh Ngày Xưa, Thương Đời Hoa, Ga Chiều, Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao, Nỗi Buồn Châu Pha…
Vợ của nhạc sĩ Lê Dinh đã từng nói rằng ông có thói quen sáng tác lúc đêm khuya, khi mọi người trong nhà đều yên giấc ngủ, và lúc sáng sớm vừa thức dậy. Khi sáng tác, bên cạnh thường có tách cà phê sữa nóng.
Thời gian làm việc ở Đài Phát Thanh Saigon, nhạc sĩ Lê Dinh có quen biết với nhạc sĩ Minh Kỳ, sau này chơi thân và cùng nhau sáng tác những ca khúc nổi tiếng được ký tên Lê Dinh – Minh Kỳ là Tiếng Hát Mường Luông, Đường Chiều Sơn Cước, Đường Về Khuya, Cánh Thiệp Đầu Xuân, Hạnh Phúc Đầu Xuân…
Sau đó không lâu, nhạc sĩ Lê Dinh lại quen thân với nhạc sĩ Anh Bằng và cùng nhau sáng tác những ca khúc ký tên Lê Dinh – Anh Bằng: Nếu Ai Có Hỏi, Giấc Ngủ Cô Đơn, Chỉ Hai Đứa Mình Thôi Nhé, Nếu Hai Đứa Mình, Đôi Bóng, Bóng Đêm…
Sau khi đã hợp tác thành công với nhạc sĩ Minh Kỳ và Anh Bằng, nhạc sĩ Lê Dinh có ý định kết hợp 3 nhạc sĩ lại để trở thành nhóm sáng tác Lê Minh Bằng, trở thành nhóm sáng tác nổi tiếng đã trở thành một huyền thoại. Sự hợp tác này đã mang đến sản phẩm đầu tiên là ca khúc Đêm Nguyện Cầu được ký tên Lê Minh Bằng và ra mắt công chúng năm 1966.
Ngoài bút danh Lê Minh Bằng, 3 nhạc sĩ còn sử dụng rất nhiều bút danh khác nhau là Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Cầm, Trúc Ly, Dạ Ly Vũ, Vũ Chương, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Giang Minh Sơn, Nhật Nguyệt Hồ,… để sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng: Chuyện Tình Lan Và Điệp, Mưa Trên Phố Huế, Đà Lạt Hoàng Hôn, Cô Hàng Xóm, Linh Hồn Tượng Đá, Tình Đời, Người Thợ Săn Và Đàn Chim Nhỏ…
Nhạc sĩ Lê Dinh nói rằng trong suốt 9 năm hợp tác của nhóm Lê Minh Bằng (1966-1975), cả 3 nhạc sĩ đều rất vui vẻ hoà thuận, không xảy ra tranh cãi nào lớn. Nhạc sĩ Lê Dinh người Nam, nhạc sĩ Minh Kỳ người hoàng tộc ở miền Trung, còn nhạc sĩ Anh Bằng thì quê ở ngoài Bắc sát biên giới Việt Trung. Bắc Trung Nam hợp thành một nhóm rất ăn ý.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Lê Dinh kẹt lại trong nước, ngưng viết nhạc, nhưng vẫn nghĩ ra nhiều ý tưởng sáng tác ở trong đầu mà không ghi ra giấy. Đến năm 1978, cả gia đình Lê Dinh sang đến một đảo thuộc Đài Loan bằng con tàu nhỏ đánh cá. Hai tháng sau họ đến Hongkong, và sau đó chọn định cư ở Canada.
Sau khi định cư tại Montreal, Canada, nhạc sĩ Lê Dinh sáng tác những ca khúc chủ yếu là có nội dung nhớ về quê hương như là Thương Về Gò Công, Sao Anh Không Nhớ Gò Công, Chữ Tình, Huế Buồn,…
Cũng trong thời gian đó, ông bắt đầu làm việc cho hãng tàu chở hàng hóa đi khắp thế giới có tên là Federal Navigation (viết tắt là FEDNAV) của Canada ở thành phố Montréal trong 20 năm. Cũng chính con tàu hàng của hãng này đã cứu giúp con thuyền đánh cá 40 người mà gia đình ông lênh đênh trên biển 1 năm trước đó.
Sau khi nghỉ việc ở hãng tàu, nhạc sĩ Lê Dinh thành lập Đài Phát Tiếng Nói Việt Nam tại Montreal và trở thành chủ nhiệm kiêm chủ bút Nguyệt San Nghệ Thuật. Sau đó ông về hưu vì đã lớn tuổi.
Nhạc sĩ Lê Dinh đã qua đời vào ngày 9/11 năm 2020, hưởng thọ 86 tuổi.
Đối với một người nhạc sĩ, nếu sáng tác được vài bài hát (hoặc thậm chí là chỉ có 1 bài duy nhất) và được khán giả yêu thích, được sống cùng với năm tháng thì đã là một niềm vinh hạnh, tên tuổi người nhạc sĩ sẽ được nhắc đến mãi về sau này. Nhưng nhạc sĩ Lê Dinh làm được những điều vượt xa như vậy. Chỉ tính riêng những bài ông sáng tác một mình thì đã có hàng chục ca khúc được bất tử. Từ giữa thập niên 1960, ông còn hợp tác trong nhóm Lê Minh Bằng để sáng tác thêm hàng trăm ca khúc khác, và hầu hết đều nổi tiếng.
Sau đây, mời các bạn nghe lại những bài hát được yêu thích nhất của nhạc sĩ Lê Dinh. Nếu không tính những bài hát được sáng tác từ giữa thập niên 1960 trở về trước (khi chưa có nhóm Lê Minh Bằng), thì ông nổi tiếng nhất với những ca khúc:
Thương Đời Hoa
Bài nhạc tango buồn được nhạc sĩ Lê Dinh sáng tác dành cho một nữ sinh Gia Long bị “đánh ghen”. Cô gái này tên là Lan, chứ không phải là vũ nữ Cẩm Nhung như nhiều người lầm tưởng.
Click để nghe Thanh Thúy hát Thương Đời Hoa
Tấm Ảnh Ngày Xưa
Một ca khúc có giai điệu uyển chuyển, lời ca đong đầy kỷ niệm về một tình yêu đầu đã từng được gởi trao qua tấm ảnh chân dung người thiếu nữ. Dù có nhiều ca sĩ hát ca khúc này, nhưng có lẽ giọng hát liêu trai và thoang thoảng khói sương của Thanh Thúy là thích hợp nhất:
Click để nghe Thanh Thúy hát Tấm Ảnh Ngày Xưa
Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao
Trong phần đề tựa khi phát hành bài hát, nhạc sĩ ghi: “Cho L.T.P, cảm thông nỗi đau buồn qua thi phẩm Tin Vui Đám Cưới nhà Ai”.
Thôi hết rồi người đã xa tôi
Quên hết lời thề ngày xa xôi…
Ngàn đời qua trăng sao luôn hiện diện và chiếu rọi trên cao, nên những lời hứa trên đời luôn lấy trăng sao ra làm chứng nhân, đặc biệt là với các đôi lứa yêu nhau. Nhưng khi người đã rời xa, dấu yêu xưa chuyện tình cũ xin trả lại hết đến trăng sao.
Click để nghe Hoàng Oanh hát Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao
Ga Chiều
Bài hát được nhạc sĩ sáng tác năm 1962, với lời đề tựa: “Mến trao các bạn học sinh trên đường về hè…”
Trong nhạc vàng, các chủ đề quen thuộc nhất là tình yêu đôi lứa, sân ga, con tàu, học sinh và mùa phượng. Tất cả những điều này đều có trong ca khúc Ga Chiều, nổi tiếng với giọng hát Thanh Thúy trước 1975:
Click để nghe Thanh Thúy hát Ga Chiều
Xác Pháo Nhà Ai
Trong lời đề tựa của bài hát, nhạc sĩ Lê Dinh trích 4 câu thơ của LTP:
Em chúc cho anh tròn hạnh phúc
Bên người vợ trẻ cưới hôm nay.
Còn em, một cánh chim cô độc
Xin trọn đời theo dõi bóng mây
Click để nghe Thanh Thúy hát Xác Pháo Nhà Ai
Chiều Lên Bản Thượng – Thương Về Xứ Thượng
Nhạc sĩ Lê Dinh có đến 5 bài hát nổi tiếng nhắc về vùng đất và con người xứ Thượng, đó là Nỗi Buồn Châu Pha (viết chung trong nhóm Lê Minh Bằng), Tiếng Hát Mường Luông (viết chung với Minh Kỳ), Người Em Xứ Thượng, Thương Về Xứ Thượng và Chiều Lên Bản Thượng:
Click để nghe Thanh Thúy hát Tiếng hát Mường Luông
Click để nghe Nhật Trường – Thanh Tuyền hát Chiều Lên Bản Thượng
Click để nghe Băng Châu hát Thương Về Xứ Thượng
Ngang Trái
Một bài hát tình buồn ngang trái được nữ ca sĩ Dạ Hương hát trước năm 1975.
Click để nghe Dạ Dương hát Ngang Trái
Những bài hát viết chung với nhạc sĩ Minh Kỳ
Khoảng đầu thập niên 1960, nhạc sĩ Lê Dinh làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn. Tại đây ông đã gặp gỡ và thân thiết với nhạc sĩ Minh Kỳ, một cảnh sát kiêm nhạc sĩ, nổi tiếng nhất với ca khúc Xuân Đã Về được sáng tác từ thập niên 1950. Họ đã cùng nhau sáng tác nhiều ca khúc nhạc Xuân, trong đó nổi tiếng nhất là 3 bài Cánh Thiệp Đầu Xuân – Gác Nhỏ Đêm Xuân – Hạnh Phúc Đầu Xuân. Mời các bạn nghe lại:
Click để nghe Thanh Thúy hát Cánh Thiệp Đầu Xuân
Click để nghe Thanh Thúy hát Hạnh Phúc Đầu Xuân
Click để nghe Giao Linh hát Gác Nhỏ Đêm Xuân
Ngoài ra, Lê Dinh và Minh Kỳ còn hợp soạn ca khúc Đường Về Khuya:
Click để nghe Phương Dung hát Đường Về Khuya
Những bài hát viết chung với nhạc sĩ Anh Bằng
Một ngày đầu thập niên 1960, khi nhạc sĩ Lê Dinh ở công sở là đài phát thanh, có một nhạc sĩ dáng vẻ hiền lành, nói giọng Bắc đến găp ông và đưa một số bài hát nhờ lăng xê trên đài phát thanh. Người nhạc sĩ đó chính là Anh Bằng. Sau đó 2 người trở nên thân thiết và cùng hợp soạn ra nhiều bài hát, mà nổi tiếng nhất là chùm ca khúc về tình yêu, nhưng mang tính “chiêu hồi”, đó là Giấc Ngủ Cô Đơn, Đôi Bóng và Bóng Đêm:
Click để nghe Thanh Thúy hát Giấc Ngủ Cô Đơn
Click để nghe Hoàng Oanh hát Đôi Bóng
Click để nghe Thanh Lan hát Bóng Đêm
Ngoài ra Lê Dinh và Anh Bằng còn sáng tác 3 bài hát về tình yêu đôi lứa rất tình cảm là Nếu Ai Có Hỏi, Nếu Hai Đứa Mình và Chỉ Hai Đứa Mình Thôi Nhé:
Click để nghe Hoàng Oanh hát Nếu Ai Có Hỏi
Click để nghe Hoàng Oanh hát Nếu Hai Đứa Mình
Click để nghe Hoàng Oanh hát Chỉ Hai Đứa Mình Thôi Nhé
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này, hy vọng thông tin về sáng tác của nhạc sĩ Lê Dinh sẽ giúp bạn hiểu thêm về tài năng và đẳng cấp âm nhạc vượt thời gian của ông.