Bằng sự sáng tạo và tài năng, Hoàng Phương, Quốc Dũng, Bảo Yến cùng băng nhạc Gò Công đã tạo ra những sản phẩm âm nhạc trữ tình đặc sắc. Sự đột phá của họ không chỉ là về âm nhạc mà còn là về cách hòa mình vào lòng người yêu nhạc.
Nửa cuối thập niên 1980, khi nhạc vàng vẫn còn bị cấm đoán, khi việc nghe nhạc tình cảm vẫn còn phải e dè, thì có một băng nhạc được xem là khai thông cho dòng nhạc này trở lại trong nước một cách công khai, đó là băng Nhạc Gò Công của nhạc sĩ Hoàng Phương thực hiện, với giọng hát Bảo Yến và phần hòa âm – phối khí của nhạc sĩ Quốc Dũng. Có thể nói băng nhạc này đã đóng một vai trò lịch sử trong một thời kỳ đặc biệt của âm nhạc Việt Nam.
Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Phương, người ta thường nhớ đến ca khúc quen thuộc Hoa Sứ Nhà Nàng (tên đúng là Hoa Sứ Nhà Em) trước 1975 đã được phổ biến sâu rộng từ thành thị cho đến thôn quê. Tuy nhiên dường như đó chỉ là ca khúc trước 1975 nổi tiếng duy nhất của ông. Phải đến giữa thập niên 1980, nhạc sĩ Hoàng Phương mới thêm một lần nữa tạo được hiện tượng âm nhạc hiếm thấy với “băng nhạc Gò Công”, những ca khúc viết về quê hương Gò Công như Biển Tím, Thương Một Người Ở Xa, Ánh Mắt Quê Hương, Chuyện Tình Hoa Muống Biển, Thuyền Giấy Chiều Mưa, Chung Một Dòng Sông, Chung Vầng Trăng Đời, Chiều Hè Trên Bãi Biển… và một số bài hát của nhạc sĩ khác nữa, tiêu biểu là Chiều Hạ Vàng của Nguyễn Bá Nghiêm
Dòng nhạc của Hoàng Phương, đặc biệt là những ca khúc được gọi tên là “dòng nhạc Gò Công”, lúc nào cũng trữ tình và êm ả như là con sông quê hiền hòa, như bờ biển Gò Công dịu êm, với những mối tình thật thà, nhẹ nhàng thắm đượm tình quê. Nhạc về vùng đất Gò Công có thể không nhiều và nổi tiếng bằng nhạc viết về các địa danh khác, nhưng hình như chỉ có nhạc của Hoàng Phương mới được gọi bằng một cái tên rất riêng là “dòng nhạc Gò Công”, điều đó thật đặc biệt, khẳng định được nét độc đáo trong những ca khúc trữ tình quê hương này.
Từ sau năm 1975, nhạc sĩ Hoàng Phương gần như hoàn toàn gác lại âm nhạc để mưu sinh. Khác với nhiều nhạc sĩ khác, ông trở nên khá giả nhờ nghề sửa đồng hồ, tích cóp tiền đủ tiền để đến năm 1985 mở được hai tiệm vàng là Kim Hoàng và Toàn Tân. Ông có xe hơi, có nhiều nhà mặt tiền và cuộc sống sung túc. Mặc dù vậy, hình như trong tâm tư của ông lúc nào cũng mong ngóng được có dịp sống để lại được niềm đam mê sáng tác nhạc.
Đến khoảng năm 1986, một lần tình cờ nghe ca khúc Hoa Sứ Nhà Nàng của ông sáng tác nhiều năm về trước, nay được phát trên đài phát thanh, ông cảm thấy rất vui sướng và có lại niềm cảm hứng để sáng tác liền một mạch hàng chục bài hát.
Nhạc sĩ Hoàng Phương kể rằng ông đã cho thử đi duyệt nhưng bị nhiều cơ quan văn hoá chối, coi là lời lẽ và loại âm nhạc này mang hơi hướng “văn hoá đồi trụỵ”.
Ông bỏ hết cả công việc làm ăn đang thuận lợi để viết nhạc, tự bỏ tiền dàn dựng, biểu diễn các bài hát mới sáng tác và liên hệ với phòng Văn hóa thông tin địa phương để phát cho người dân Gò Công thưởng thức, tuy nhiên công chúng đón nhận việc này rất hời hợt. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ, nhạc sĩ Hoàng Phương hiểu ra lý do là vì ông không phải là nhạc sĩ chuyên về hòa âm, nên bài hát được biểu diễn nghiệp dư và thiếu sức sống, không thể chinh phục được khán giả.
Không nản chí, ông lặn lội lên Sài Gòn tìm gặp những người bạn cũ là nhạc sĩ Quốc Dũng, Lê Hựu Hà để nhờ hòa âm, sẵn tiện nhờ ca sĩ Bảo Yến (vợ Quốc Dũng) hát và thu thành băng cassette.
“Băng nhạc Gò Công” cuối cùng cũng hoàn chỉnh sau nhiều tháng nhạc sĩ Hoàng Phương phải vất vả bỏ hết việc buôn bán để đi đi về về giữa Sài Gòn và Gò Công trong mấy tháng. Thời điểm đó chỉ có các hãng băng nhạc mới có phòng ghi âm, vì vậy băng nhạc được thu tại nhà với những dụng cụ mà nhạc sĩ Quốc Dũng tìm được.
Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết, rất nhiều người ngạc nhiên vì âm thanh trống đàn của băng nhạc này rất hiện đại (lúc đó, trống điện tử còn rất hiếm ở Việt Nam). Nhiều năm sau đó, nhạc sĩ Quốc Dũng đã tiết lộ bí mật: Ông vô tình phát hiện cây đàn cho trẻ con Yamaha PSR-480, lúc đó lại tích hợp những âm thanh cần thiết, nên đã dùng vào ghi âm cho album này.
Mọi thứ lúc đó chỉ thu vào băng cassette gốc rồi giao cho nhạc sĩ Hoàng Phương đi sang “lậu” bên ngoài. Băng nhạc được làm xong nhưng không được phát hành chính thức vì các hãng băng đều từ chối vì cho rằng loại nhạc này mang hơi hướng của “âm nhạc đồi trụy” đã bị cấm.
Không thể xin giấy phép để phát hành chính thức, qua quen biết, nhạc sĩ Hoàng Phương đã xin rạp hát Chiến Thắng ở Gò Công phát băng nhạc này trước và sau giờ chiếu phim để thử phản ứng khán giả. Chuyện thú vị xảy ra, dân chúng không nhớ phim chiếu, mà nhớ các bản nhạc được phát, thậm chí có người còn đến trước rạp đứng nghe nhạc phát qua loa phóng thanh và hỏi nhạc gì, của ai.
Họ đã rất ngạc nhiên và thích thú khi được nghe tiếng hát ngọt ngào, truyền cảm của Bảo Yến và Nhã Phương phát ra từ chiếc loa trước rạp những giai điệu nhạc quê hương trữ tình mượt mà, phù hợp với thị hiếu của công chúng, và họ tha thiết muốn được nghe nhưng đã lâu không đươc thưởng thức.
Ca sĩ Bảo Yến từng tâm sự rằng “Băng nhạc Gò Công đó đã biến tôi từ một ca sĩ vô danh tiểu tốt thành ngôi sao nổi tiếng. Khán giả bất ngờ khi lâu lắm mới được nghe băng nhạc Bolero trữ tình hay đến thế nên thích, tên tuổi tôi nổi như cồn. Từ đó, tôi đi show tỉnh nhiều quá trời. Trước đó, tôi chỉ hát ở thành phố, thu nhập cũng có nhưng không nhiều như đi tỉnh. Nếu không có anh Quốc Dũng, tôi chỉ nổi tiếng được phần nào thôi, nhờ anh ấy mà tôi được chắp cánh nổi đình đám”.
Sự kiện băng nhạc Gò Công lan ra mọi miền, đi theo trên những chuyến xe đò tỉnh xa, đến những vùng quê nghèo miền Trung, rồi miền Bắc. Dần dà, vì thấy album này nổi tiếng quá, mà “không có gì vi phạm” nên các đài phát thanh, đài truyền hình cũng bắt đầu sử dụng theo. Địa danh Gò Công bỗng chốc được cả nước nhắc đến qua âm nhạc Hoàng Phương.
Đó là thời điểm mà người dân đang rất thèm được nghe dòng nhạc trữ tình quê hương sau nhiều năm bị kỳ thị hoặc bị cấm, nên băng nhạc được đầu tư rất bài bản này như cá gặp nước, được tìm nghe và nhanh chóng trở thành một hiện tượng. Băng nhạc Gò Công cũng góp phần đưa tên tuổi Bảo Yến trở thành ngôi sao số 1 của dòng nhạc trữ tình thập niên 1980. Giọng hát của cô thời đỉnh cao chất chứa được nhiều tâm sự, đượm buồn và đầy những hoài niệm, là món ăn tinh thần không thể thiếu với thế hệ khán giả yêu nhạc hơn 30 năm về trước.
Mời bạn nghe lại video tiếng hát Bảo Yến và những bài hát Gò Công sau đây:
Click để nghe
Cảm ơn bạn đã đọc thông tin về sự đột phá trong lịch sử âm nhạc trữ tình Việt Nam với những tên tuổi như Hoàng Phương, Quốc Dũng, Bảo Yến và băng nhạc Gò Công. Hy vọng bạn đã tìm thấy thông tin hữu ích và thú vị từ bài viết này.