Từ năm Nguyễn Hoàng được lệnh vào Nam (1558), tiếng nói người đàng Trong bấy giờ là tiếng nói của cư dân miền Bắc và cư dân của vùng đất Thanh – Nghệ – Tĩnh – Quảng. Tiếng Việt ở thời kỳ này của xứ đàng Trong vẫn là tiếng Việt của một ngôn ngữ dân tộc thống nhất đã được hình thành khá lâu từ trước.
Dù cộng đồng người Việt có Nam tiến, hay dừng chân lại ở đất Thuận Hóa, hoặc ở lại quê hương đàng Ngoài, thì tiếng Việt sau hơn bốn thế kỷ vẫn có sự thay đổi theo quy luật khách quan của không gian và thời gian. Sự khác biệt địa lý và hoàn cảnh xã hội dẫn đến sự thay đổi là tất yếu. Nhưng, sự vận động biến chuyển theo thời gian cũng là quy luật. Như vậy, không chỉ có phương ngữ miền Nam được hình thành trong quá trình di dân mới có sự biến đổi, mà ngay cả tiếng Việt của người Bắc, hay Bắc Trung kỳ, qua thời gian cũng có sự thay đổi. Bài viết này đề cập tới sự hình thành và phát triển của tiếng Sài Gòn như một bộ phận cốt lõi của phương ngữ người phía Nam.
Xuất phát điểm của sự hình thành phương ngữ người miền Nam là tiếng Việt toàn dân – tiếng Việt của người Bắc và Bắc – Trung. Ngoài sự tác động của thời gian, tiếng Việt của thời kỳ này đã được đặt vào một mội trường mới, có sự giao thoa nhất định với ngôn ngữ của các tộc người đã được định cư trước, như ngôn ngữ của người Chăm, Khmer…
Ngoài ra, còn có cộng đồng người Hoa từ Đài Loan đến vào khoảng từ những năm cuối thế kỷ XVII. Thành phần cư dân đa dạng sống với nhau, cũng tác động đến ngôn ngữ của nhóm người Việt này. Dân Sài Gòn – Gia Định ngày ấy quả là một cộng đồng người từ nhiều phương tập hợp về: “Người tụ ở cả đủ tử phương”, “Phố xá liên tiếp sát mái nhau, người Tàu và người ta ở chung lộn dài ba dặm…”
Quốc ngữ được sử dụng, càng làm cho phương ngữ thành phố có sự thay đổi. Sách vở, báo chí bằng chữ Quốc ngữ được xuất bản ở thành phố vào cuối thế kỷ này càng có tác dụng kích thích mạnh sự chọn lọc ngôn ngữ. Trong giai đoạn này, phong cách ngôn ngữ gọt giữa, dù ở mức khởi đầu, cũng được dùng trong các lĩnh vực báo chí, khoa học, khảo cứu, văn chương. Hàng loạt công trình nghiên cứu của hai Chủ bút đầu tiên người Việt tờ Gia Định Báo, tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, do Pháp sáng lập năm 1865, nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) và Paulus Huỳnh Tịnh Của (1834 -1897) với “Đại Nam quốc âm tự vị” (1867) là những công trình khoa học đánh dấu sự định hình chữ Quốc ngữ; đồng thời, có ý nghĩa đưa tiếng Sài Gòn tiếp cận vào dòng ngôn ngữ chung.
Đầu thế kỷ XX, sinh hoạt ngôn ngữ người Sài Gòn chịu ảnh hưởng mạnh bởi tốc độ phát triển đô thị thành phố. Sài Gòn lúc bấy giờ không chỉ có người Pháp, người Hoa mà còn có người nước ngoài khác: người Ấn, người Mã Lai, người Nhật… Sài Gòn còn là nơi quy tụ dân từ các nơi đến lập nghiệp, quan trọng nhất là dòng người Việt từ miền Bắc, miền Trung vào, người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam đến. Cách nói: “Phớt tĩnh Ăng Lê”, “nhà ga”, “nước phông tên”, “bùng binh”, “mù xoa”, “cà vạt”, “đồ gin”, “mốt”, “me, nu, gôn”… (nói trong bóng đá), “lẩu”, “bạc xỉu”, “bò bía”, “xập xí xập ngầu”, “tài xỉu”, “mậu lúi” đã phản ánh tình trạng giao thoa này.
Đến đầu và nửa sau thế kỷ XX, văn chương Nam Kỳ đã có một bước phát triển rực rỡ với nhiều tên tuổi lớn: Nguyễn Trọng Quản, người Bà Rịa (có tiểu thuyết Thầy Lazarô Phiền 1887), Hồ Biểu Chánh, người Gò Công (có những sáng tác từ 1912 – 1950), Lê Hoằng Mưu, người Bến Tre (có những sáng tác từ 1915 – 1931), Phú Đức, người Gia Định (có sáng tác Châu về hiệp phố năm 1926 – 1928), Việt Đông (có những sáng tác từ 1931 – 1938), Nguyễn Chánh Sắt, người Châu Đốc (có những tác phẩm từ 1925), Trần Quang Nghiệp (có những tác phẩm năm 1931, 1932), Sơn Vương, người Gò Công, (có những tác phẩm năm 1930, 1931)…
Thời kỳ này, vai trò ngôn ngữ thông tin, báo chí có ảnh hưởng tới sinh hoạt ngôn ngữ thành phố: “Sự thu hút của báo chí đối với những người có học thức từ các miền trong cả nước tụ về, làm cho ngôn ngữ của người địa phương có dịp tiếp thu những tinh hoa của các phương ngữ khác, nhờ đó mà tiếng Sài Gòn có sự phong phú thêm.”! Tuy ngôn ngữ báo chí ở thời kỳ này phát triển mạnh, nhưng ngôn ngữ viết trên sách vở, báo chí vẫn mang nặng hình thức ngôn ngữ nói, chưa được gọt giữa cẩn thận.
Những năm sau 1954, 1975 địa bàn Sài Gòn lại là nơi quy tụ dân cư từ các miền của đất nước. Sự có mặt của lớp người này đã góp phần làm cho tiếng Sài Gòn lại có điều kiện giao thoa với các phương ngữ, tiếng Việt từ các miền.
Qua mấy trăm năm phát triển, tiếng Sài Gòn từ một ngôn ngữ chung đã dần hình thành một phương ngữ riêng tiêu biểu cho tiếng nói của người dân Đồng bằng phía Nam; đồng thời, qua sự tiếp xúc với nhiều phương ngữ và cả với sự tiếp xúc các tiếng nước ngoài, tiếng Sài Gòn vừa mang những đặc điểm riêng vốn có của nó, vừa mang một số tính chất chung của một ngôn ngữ. Đặc tính tích cực này phát triển đã làm cho tiếng Sài Gòn không còn tính chất thuần túy của một phương ngữ, mà dần hình thành những đặc trưng của một bán phương ngữ như nhiều nhà nghiên cứu đã ghi nhận.