Trước năm 1975, truyện võ hiệp của Kim Dung đã thu hút sự quan tâm lớn từ độc giả ở Sài Gòn. Những tác phẩm nổi tiếng như “Thiên Long Bát Bộ”, “Tam Quốc Chí”, “Vân Long Ký” được đăng trên các báo chí và tạp chí, tạo nên cơn sốt văn học võ hiệp trong cộng đồng đọc giả Việt Nam. Kim Dung đã góp phần làm nên một thế hệ đọc giả yêu thích văn học võ hiệp và tạo nền móng cho sự phát triển của thể loại này sau này.
Từ những năm cuối thập niên 1950, tờ Dân Nguyện của ông chủ bút Hà Thành Thọ bỗng khởi đăng nhiều kỳ (feuilleton) cuốn tiểu thuyết võ hiệp “Lam y nữ hiệp” của Hongkong, một tác phẩm thuộc loại “tân trào võ hiệp tiểu thuyết” (danh từ của các nhà xuất bản Hồng Kông), nghĩa là nó khác với các loại “cựu trào” trước Chiến tranh thế giới thứ hai.
Do mới và lạ, Lam Y Nữ Hiệp được đông đảo độc giả đón nhận, khen hay, báo in không kịp bán. Thấy dân Sài Gòn mê thể loại này, một tờ báo khác đã bỏ nhiều tiền để thuê độc quyền dịch giả cuốn Lam Y Nữ Hiệp, mời ông này dịch bộ Lã Mai Nương. Từ đó, truyện chưởng Hongkong bắt đầu bùng nổ trên báo chí miền Nam Việt Nam, khi cùng lúc xuất hiện hai dịch giả: Một người là Tiền Phong (thường gọi là “Sìn Phoóng”, tên Việt là Từ Khánh Phụng) ngoài 50 tuổi, người Minh Hương, người khác là Tam Khôi (người gốc Hải Nam). Có thể nói rằng Từ Khánh Phụng chính là vị sứ giả đầu tiên đưa truyện võ hiệp Kim Dung tới Sài Gòn qua bộ Bích Huyết Kiếm, còn Tam Khôi dịch bộ Anh Hùng Xạ Điêu.
Trong những ngày tháng đầu tiên của trào lưu “truyện chưởng” trên báo chí Sài Gòn, Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch Bích Huyết Kiếm in trên báo Đồng Nai, còn dịch giả Tam Khôi dịch Anh Hùng Xạ Điêu in trên báo Dân Việt. Ngoài ra còn có Vũ Tài Lục và Hải Âu Tử dịch Thần điêu đại hiệp in trên báo Mới.
Đến năm 1961, bản dịch Cô Gái Đồ Long từ tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Tiền Phong Từ Khánh Phụng in trên báo Đồng Nai đã biến những tác phẩm của Kim Dung trở thành “cơn sốt đọc” của người miền Nam, từ độc giả bình dân đến trí thức.
Tên truyện của Kim Dung được nhiều báo khai thác theo những cách khác nhau, ngoài Cô Gái Đồ Long thì với trường thiên tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ, có báo đặt tên là A Tỷ Kiều Phong, báo thì đăng Lục Mạch Thần Kiếm, có báo lại ghi là Cô Tô Mộ Dung…
Tuy Tiền Phong Từ Khánh Phụng đi đầu trong việc dịch tác phẩm của Kim Dung sang tiếng Việt, nhiều người đọc vẫn cho rằng dịch giả thành công nhất là Hàn Giang Nhạn với các bản dịch Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đỉnh Ký nhờ vào lối văn dịch sinh động, biểu cảm. Hàn Giang Nhạn cũng lập kỷ lục là người dịch sách của Kim Dung nhiều nhất với 14 tác phẩm.
Đội ngũ dịch tác phẩm của Kim Dung còn có những tên tuổi như: Dương Quân, Thương Lan, Phan Cảnh Trung, Vũ Ngọc, Điền Trung Tử, Lã Phi Khanh, Khưu Văn. Thậm chí, xuất hiện cả tác phẩm giả mạo của Kim Dung. Thời điểm ở thập niên 1960, riêng tại miền Nam có hơn 30 nhà xuất bản in tác phẩm của Kim Dung.
Trước sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả trước năm 1975, nhiều nhà văn, nhà báo vì hâm mộ tác phẩm của Kim Dung đã lấy bút danh theo tên những nhân vật của ông. Nhà thơ Nguyên Sa lấy bút danh là Hư Trúc. Nhà văn Lê Tất Điều dùng bút hiệu Kiều Phong. Nhà văn Chu Văn Bình ngoài bút danh Chu Tử còn ký tên là Kha Trấn Ác. Nhà văn Vũ Khắc Khoan được bạn bè đặt biệt danh là Hồng Thất Công. Nhà thơ, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển lấy bút danh là Mạc Đại tiên sinh.
Không dừng ở đó, việc viết phê bình về Kim Dung cũng phổ biến. Đỗ Long Vân có tác phẩm Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung (Trình Bày xuất bản, Sài Gòn 1968), Nguyễn Mộng Giác viết Nỗi băn khoăn của Kim Dung (Văn Mới xuất bản, Sài Gòn 1972), tạp chí Văn học số 34 (15/3/1965) dành một số chuyên san về kiếm hiệp với nhiều bài viết của Thế Uyên, Nguyễn Hữu Dung, Lưu Trung Khảo, Lý Chánh Trung, Nguyễn Viết Khánh, Hiếu Chân. Nhiều bài viết bình luận về tác phẩm Kim Dung xuất hiện trên các báo và tạp chí như: Bách Khoa, Tin văn, Điện tín, Đời, Chính luận.
Làng văn một thời còn dấy lên một phong trào viết truyện kiếm hiệp theo phong cách của Kim Dung, với những tác giả tiêu biểu là Bùi Giáng, Hoài Điệp Thứ Lang (tức nhà thơ Đinh Hùng), Lã Phi Khanh (tức nhà báo Vũ Bình Thư).
Các cao thủ võ lâm trong truyện chưởng Kim Dung như Lệnh Hồ Xung, Hoàng Dược Sư, Trương Vô Kỵ, Dương Quá, Đông Phương Bất Bại, Cừu Thiên Nhận, Âu Dương Phong, Vi Tiểu Bảo, Nhạc Bất Quần, Quách Tĩnh, Châu Bá Thông, Vương Trùng Dương… được giới trẻ coi như thần tượng, hoặc như những anh hùng hảo hán. Những tên nhân vật, chiêu thức võ công, ai cũng phải nằm lòng để không bi chê là… lạc hậu!
Truyện chưởng Kim Dung phổ biến tới nỗi ngay cả giới chính khách miền Nam lúc đó, khi thảo luận, tranh luận, tọa đàm nơi chính trường về đường lối kinh tế, ngoại giao, chính sách kinh tế, xã hội, an sinh… họ đều viện dẫn lý lẽ dựa trên các sự kiện, nhân vật… võ lâm trong truyện chưởng! Không chỉ “đi sâu vào thế giới Kim Dung”, nhiều người còn bỏ công sức, tiền của tổ chức các buổi “loạn đàm” về tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung và sản phẩm của họ không chỉ là các bài báo lẻ tẻ mà có khi là sách, là công trình chuyên khảo về truyện chưởng Kim Dung hẳn hoi, như Vô Kỵ giữa chúng ta của Đỗ Long Vân (NXB Trình Bày -1968); Nỗi băn khoăn của Kim Dung (Nguyễn Mộng Giác, NXB Văn Mới – 1972).
Vì sao truyện Kim Dung hấp dẫn?
Điều đầu tiên có thể nói về tiểu thuyết Kim Dung là sự uyên bác về kiến thức cùng sự sâu sắc về triết lý của ông. Trong hầu hết tác phẩm của Kim Dung đều có bối cảnh lịch sử với những con người thật bên cạnh các nhân vật hư cấu. Điều ấy khiến cho lịch sử trở nên gần gũi hơn. Những bàn luận của ông theo kiểu trà dư tửu hậu cũng mang đến cho độc giả những bất ngờ thú vị. Nó cung cấp cho người đọc không những sự hiểu biết về y học, võ công mà còn cả những thú vui tao nhã như uống rượu hay sự lãng mạn của tình yêu.
Một bất ngờ khác của Kim Dung còn là nỗ lực đề cao nữ quyền, một khái niệm rất mới trong bối cảnh tùng phục truyền thống trọng nam khinh nữ của Trung Hoa. Một Hoàng Dung ranh mãnh của anh “trâu nước” Quách Tĩnh. Một Triệu Minh dịu dàng nhưng quyết liệt của kẻ si tình Trương Vô Kỵ. Một Nhậm Doanh Doanh bất chấp của lãng tử Lệnh Hồ Xung… Dường như những nhân vật nữ của Kim Dung đã không ngại ngần gì trước hung hiểm của giang hồ, cũng như những gã trai lang bạt, võ công cái thế.
Kim Dung là người Trung Hoa, vì thế cái gọi là võ học Trung nguyên, cũng chỉ là một tinh thần Đại Hán. Mặc dù, trong tiểu thuyết của Kim Dung không thiếu những nhân vật Tây Vực, người Mông, Mãn Châu hay người Khiết Đan ở phía Bắc, hay những truyền nhân phía Nam. Trung nguyên vẫn được đề cao như minh chủ võ lâm.
Một chi tiết khác rất đáng lưu ý, nhân vật Vi Tiểu Bảo về cuối truyện Lộc Đỉnh Ký, đã chọn Senkaku (tên gọi theo Nhật Bản) hay đảo Điếu Ngư (tên gọi theo Trung Quốc) để vui hưởng trần gian với 7 cô vợ xinh đẹp của mình. Phải chăng, đây cũng là cách khẳng định chủ quyền?
Trong số các nhân vật của Kim Dung, không phải Lệnh Hồ Xung, Quách Tĩnh, Đoàn Dự, Trương Vô Kỵ, Tiêu Phong… những tay võ công siêu quần bạt chúng, khí tiết anh hùng, mà chính Vi Tiểu Bảo mới là nhân vật bất ngờ nhất, quái đản nhất. Kẻ lưu manh, thời cơ ấy tiêu biểu cho tính thời đại nhất, phản kiếm hiệp nhất, phản anh hùng nhất. Bên cạnh đó, một thành tựu khác phải kể đến là nhân vật Nhạc Bất Quần, đại diện cho mẫu người “ngụy quân tử” đầy rẫy trong xã hội đương đại. Một hình ảnh sống động nhất mô tả các chính khách ngày nay.
Sự thâm sâu của Kim Dung có lẽ có cội nguồn từ truyền thống gia đình. “Dòng họ Kim Dung có một nhà để sách gọi là “Tra thị tàng thư” nổi tiếng khắp vùng Chiết Tây, chứa rất nhiều sách cổ…”. Sau này, ông cũng có thời gian làm việc ở Thư viện Trung ương. Kim Dung là người đọc nhiều sách từ nhỏ và đã viết từ rất sớm. Năm 15 tuổi, ông đã viết “Dành cho người thi vào sơ trung” và được một nhà xuất bản chính qui phát hành.
Sau năm 1975, cũng như các văn hóa phẩm khác của Miền Nam, tiểu thuyết của Kim Dung cũng bị thiêu hủy và đưa vào hàng sách cấm.
Chúng ta đã tìm hiểu về sự phổ biến của truyện võ hiệp Kim Dung trên báo chí Sài Gòn trước năm 1975. Hy vọng bạn tìm thấy thông tin hữu ích từ nội dung này. Cảm ơn bạn đã đọc và quan tâm đến bài viết.