Tại sao chợ Bến Thành đã bị thiêu rụi hai lần vào năm 1945 và 1950?

0
26

Cho tới nay, chợ Bến Thành đã có lịch sử hơn 100 năm, kể từ khi được khánh thành vào năm 1914. Ít người biết rằng, trong 110 năm qua, đã có 2 lần chợ Bến Thành gần như là bị thiêu rụi, sau đó được chính quyền sửa chữa lại.

Đường Viénot, nay là đường Phan Bội Châu, sát chợ Bến Thành, ngày 19/3/1950, ngày chợ Bến Thành bị thiêu rụi

Vì sao ngôi chợ lớn nhất Sài Gòn này lại bị đốt cháy?

Lý do là cả 2 lần đó đều liên quan tới các cuộc nổi dậy của Việt Minh.

Chợ Bến Thành sau cơn biến loạn năm 1950

Lần đầu là vào Cách mạng tháng 8 năm 1945, thời điểm chấm dứt thế chiến thứ 2, tình hình ở Đông Dương vô cùng hỗn loạn sau những thất bại liên tiếp của Pháp, sau đó là Nhật ở Đông Dương, các chính thể liên tục thay nhau nắm quyền ở Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn.

Chợ Bến Thành chỉ còn trơ khung năm 1945

Trong tình hình đó, cách mạng tháng 8 nổ ra trên khắp cả nước, và tại Sài Gòn, nhiều cơ sở công quyền đã bị đốt cháy rụi, trong đó có chợ Bến Thành, như trong hình ảnh bên trên, và trong đoạn video bên dưới.


Video cảnh Sài Gòn tan hoang, quay tháng 11 năm 1945

Sang năm 1946, khi Pháp quay trở lại Đông Dương (trước đó Pháp đầu hàng Nhật, nhưng rồi Nhật đầu hàng phe đồng minh), họ đã cho sửa lại chợ Bến Thành và nhiều công trình bị hư hại khác.

Tuy nhiên, chỉ 4 năm sau đó, 1 lần nữa chợ Bến Thành lại bị thiêu rụi, với hoàn cảnh lịch sử như sau:

Năm 1949, Pháp ký Hiệp nghị Elysee với Bảo Đại để thành lập Quốc Gia Việt Nam, thuộc liên hiệp Pháp. Lúc đó Mỹ là quốc gia tích cực nhất ủng hộ cho sự thành lập này nhằm ngăn chặn sự lớn mạnh của Việt Minh. Điều này dễ hiểu vì đối trọng lớn nhất của Mỹ lúc đó chính là Liên Xô.

Cũng từ sau đó, Mỹ bắt đầu can thiệp mạnh mẽ vào tình hình ở Đông Dương, không còn giữ thái độ “trung lập” như trước đó.

Cuối năm 1949, Mỹ chính thức chống lại lực lượng Việt Minh bằng một loạt bước đi liên tiếp:

Tháng 10–1949, Mỹ cử phái đoàn đầu tiên gồm các đại biểu Quốc hội và cán bộ ngoại giao đến Đông Nam Á, rồi đến Sài Gòn nghiên cứu tình hình.

Ngày 28-11-1949, Washington chính thức mời đại diện của Chính phủ Quốc gia Việt Nam sang thăm Mỹ. Quốc trưởng Bảo Đại cử Bửu Lộc, Chánh văn phòng của Chính phủ Bảo Đại, sang Mỹ.

Sau khi Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đưa ra ý kiến viện trợ quân sự cho chính quyền Quốc gia Việt Nam thông qua Pháp (ngày 27-2-1950) được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân ủng hộ, Mỹ đã để lộ ý đồ muốn ủng hộ Quốc gia Việt Nam bằng cách viện trợ quân sự thẳng cho chính quyền này không thông qua Pháp.

Cũng từ những bước đi đó của Mỹ, dẫn tới một cuộc biểu tình lớn ở Sài Gòn do Việt Minh phát động, diễn ra vào ngày 19/3/1950, sự kiện mà sau này được sách giáo khoa Việt Nam chép là (nguyên văn): “cuộc đụng độ đầu tiên giữa nhân dân ta và đế quốc Mỹ, và cũng là lần đầu tiên đế quốc Mỹ bị thất bại nhục nhã ngay khi bắt đầu thực hiện âm mưu can thiệp trực tiếp nhằm kéo dài và mở rộng cuộc chiến tranh trên toàn Đông Dương”.

Đó cũng là lần thứ 2 trong vòng 5 năm, chợ Bến Thành (chợ Sài Gòn) bị lực lượng biểu tình đốt cháy trụi.

Sự kiện đó được khơi mào bằng một sự kiện là Mỹ đã phô trương uy lực bằng cách đưa 2 tàu khu trục có tải trọng 2.400 tới cảng Sài Gòn, đó là chiến hạm Stickell và Richard B. Anderson. Tờ The Illustrated London News số ra ngày 01/04/1950 đã tường thuật như sau:

“…cuộc tuần hành được coi là một phần trong chiến dịch “hành động trực tiếp” do Việt Minh tổ chức nhằm chống lại viện trợ quân sự của Mỹ cho chính quyền Bảo Đại do Pháp bảo trợ. Vào sáng sớm ngày đó, vài ngàn học sinh và công nhân mang theo những lá cờ Việt Minh định kéo đến bến tàu Saigon – nơi hai chiếc tàu khu trục đang neo đậu.

Khi bị cảnh sát ngăn chặn, họ đã quay trở lại trung tâm thành phố, giao tranh bùng nổ và đoàn người đã chiếm quảng trường trước chợ Bến Thành, đặt chướng ngại vật xung quanh để chiếm đóng bên trong. Cuộc bạo loạn cuối cùng đã bị giải tán khi lực lượng trị an của Pháp nổ súng chỉ thiên và dùng hơi cay”

Trở lại với Sài Gòn thời điểm những năm cuối năm 1945, sau khi thế chiến thứ 2 kết thúc và Cách mạng tháng 8 nổ ra, sau đây là 1 số diễn biến, hoàn cảnh lịch sử và hình ảnh Sài Gòn thời điểm đó.

Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng quân Đồng Minh. Hơn 1 tháng sau đó, quân đội Đồng Minh (Anh, Pháp) tiến vào Sài Gòn để giải giáp quân Nhật. Tình hình chính trị ở Nam kỳ lúc đó rất phức tạp vì sự có mặt cùng lúc của nhiều lực lượng, bè phái khác nhau. Ngoài ra Sài Gòn lúc đó còn có sự hiện diện của quân đội các nước Anh, Mỹ, Pháp, Nhật.

Những ngày cuối tháng 9 năm 1945, tình hình an ninh ở Sài Gòn vô cùng hỗn loạn do hàng loạt các cuộc đụng độ giữa Việt – Pháp xảy ra, ngay giữa những người dân thường với nhau, khởi đầu bằng cuộc tổng bãi công ngày 17/9, sau đó là các vụ bắt bớ lẫn nhau giữa Pháp và Việt. Các nỗ lực thiết lập trật tự của các lực lượng an ninh Anh, Pháp và cả Nhật đều thất bại.

Xe chở người Việt bị quân Pháp bắt giam, trong những ngày hỗn loạn ở Sài Gòn tháng 10 năm 1945

Cuộc đình công nhanh chóng dẫn đến những bạo động vô cùng khốc liệt ở khắp Sài Gòn, nhiều công trình, tòa nhà bị phá hủy, thành phố trở thành chiến trường.

Ngày 26/9/1945, chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu ra lệnh tổng bãi công; sơ tán người Việt khỏi Sài Gòn; cấm bán lương thực, thực phẩm cho Pháp; đặt Sài Gòn trong tình trạng cô lập. Ông Giàu đe dọa sẽ tổng tấn công Sài Gòn nếu Pháp không bỏ vũ khí, rút lui và công nhận độc lập của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các đơn vị Việt Nam dựng các chướng ngại trên đường vào Sài Gòn, ngăn chặn mọi người ra vào trừ người Anh và Mỹ. Họ bắn bất cứ quân nhân Pháp nào xuất hiện. Những rối loạn tại Sài Gòn lan rộng ra toàn miền Nam.

Ngày 3/10/1945, 10.000 quân Pháp (1 trung đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn cơ giới, 1 đội thủy quân) do tướng Leclerc chỉ huy đã đổ bộ xuống Sài Gòn. Ngày 9/10/1945, Pháp và Anh ký thỏa hiệp tại London xác định Anh hoàn toàn ủng hộ Pháp trong việc cai trị toàn Đông Dương dưới vĩ tuyến 16.

Đêm ngày 10/10/1945, bộ đội Việt Nam tấn công sân bay Tân Sơn Nhứt. Lực lượng Việt Nam giao chiến với quân Anh, Pháp tại tất cả các cửa ngõ vào Sài Gòn.

Một lính gác người Nhật trước công sở ở Sài Gòn

Người Anh yêu cầu Nhật hỗ trợ, lúc đó Nhật đã đầu hàng quân Đồng Minh nhưng lực lượng Nhật vẫn còn lại ở Sài Gòn rất đông đảo để làm nhiệm vụ giữ gìn trị an trong thời gian chuyển giao. Nhật đồng ý tham chiến.


Lực lượng Anh, Pháp, Nhật đã phá vỡ cuộc phong tỏa Sài Gòn của Việt Nam sau hai tuần chiến đấu liên tục. Ngày 16/10/1945, do liên minh Anh – Pháp – Nhật quá mạnh, phía Việt Nam ngừng bao vây Sài Gòn và rút quân về vùng nông thôn để chuẩn bị “trường kỳ kháng chiến”.

Người lính Gurkhas lđến từ Nepal thuộc biên chế Quân đội Anh bên lá cờ của Việt Minh

Những hình ảnh sau đây chụp lại Sài Gòn chụp vào tháng 10 năm 1945, trong và sau những ngày khốc liệt, rối ren đó:

Tác giả bộ ảnh này là nhiếp ảnh gia người Mỹ John Florea lúc đó đang làm việc cho tạp chí LIFE. Ông có mặt ở Thái Bình Dương trong cuộc chiến của Mỹ chống quân Nhật trong thế chiến 2.

Sau khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, ông có mặt ở Sài Gòn, rồi sau đó về lại Hollywood để chụp ảnh những người nổi tiếng, trước khi rời LIFE năm 1949.

 

 

 


Dưới đây là những hình ảnh các tòa nhà, biệt thự ở Sài Gòn bị đốt rụi thời điểm năm 1945. Hình ảnh cắt từ video do thư viện Image Defense lưu trữ:

Góc đường Massiges – Norodom, nay là Mạc Đỉnh Chi – Lê Duẩn

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết, hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho quá trình tìm hiểu của bạn về sài gòn xưa.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận