Tản mạn về cái “chiếu cói” trong đời sống người Việt xưa

0
12

Chiếu cói là một trong những vật dụng cần thiết trong gia đình người Việt từ xưa đến nay. Từ thập niên 1990 trở về trước, có lẽ là 100% gia đình ở Việt Nam đều có vật dụng quen thuộc này ở trong nhà. Thời gian sau đó, cùng với sự phát triển của nhiều loại chiếu, giường, nệm,… khác nhau, chiếu cói đã không còn thứ thiết yếu trong các gia đình ở thành thị nữa, nhưng nó vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống người dân thôn quê.

Nghề dệt chiếu có lẽ đã có từ hơn ngàn năm trước, khi xã hội phân chia giai tầng bằng cách nói “chiếu trên chiếu dưới”. Ngay cả vợ chồng cũng có thứ có bậc, khi ngủ thì “đồng tịch” (cùng chiếu), nhưng lúc thức thì chàng rung đùi trải chiếu thưởng trà, thiếp thì thủ phận sửa túi nâng khăn:

“Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Cho anh đọc sách cho nàng quay tơ”

Chiếc chiếu cói đã từng gắn bó vô cùng thân thiết với người Việt xưa kể từ thuở sơ sinh đến lúc lìa đời. Thuở chưa tròn năm, lần đầu tiên em bé biết lật, biết trườn và biết bò là trên tấm chiếu. Cũng trên tấm chiếu chiếc giường đó, ông bà tổ tiên đã được hưởng những niềm vui rất nguyên thủy của con người, từ đó cuộc sống được sinh sôi lưu truyền bao thế hệ.

Con người lớn lên, dù giàu sang hay nghèo hèn thì cũng đều gắn bó đời mình với tấm chiếu. Lỡ khi có ai sa cơ thất thế, lâm vào cảnh khốn cùng bị mất hết đi nhà cửa thì thứ mà họ ôm theo để ra đường sẽ là manh chiếu rách. Rồi khi người ta nhắm mắt xuôi tay, mảnh chiếu này đã từng ôm ấp bao người đi vào đất ru giấc ngủ dài.

Trên đời này, hiếm có thứ nào đã từng gắn bó chung thủy với con người đến như vậy.

Chiếu cói Việt Nam được làm từ cây cói, còn gọi là lác, loại cây thân thảo, mềm, xốp, mọc hoang nơi đầm lầy hoặc trồng trên ruộng chua phèn. Khi trưởng thành, cói cao ngang ngực người lớn.

Cói là nguyên liệu chính, nhưng phải cần thêm cây đay nữa thì cói mới thành chiếu. Cây đay thường mọc ở những vùng bãi bồi, người ta bóc lớp vỏ mềm và dai của đay để se thành sợi. Nhiều sợi đay căng dọc khung cửi để từng sợi cói đan ngang. Ngoài ra, nhờ tính chất mềm mại, dẻo dai, chịu lực tốt, đay còn được bện thành sợi bằng đầu đũa con để đan võng.

Chiếu cói được người Việt sáng tạo ra bằng cách dùng những sợi cỏ cói, phơi khô, chọn cọng cói nào có chất lượng rồi dệt và liên kết lại bằng sợi đay. Ngày xưa, tất cả mọi công đoạn đều thực hiện thủ công nên mất khá lâu để làm xong.

Để tăng thêm tính thẩm mỹ cho những chiếc chiếu, người thợ thường nhuộm màu sợi cói hoặc vẽ lên trên đó những hoa văn đặc trưng. Sau khi các làng nghề làm chiếu cổ truyền lâu đời được hình thành, cói được mang về trồng nhân rộng để phục vụ cho việc thu hoạch làm chiếu cói.

Không dừng ở việc làm chiếu, người Việt còn tận dụng làm đồ thủ công, đồ lưu niệm từ cói, như túi, ví, làn, dép, thảm,… Vô số mặt hàng bằng cói cũng được ra đời theo cách đó.

Ngày xưa, toàn bộ quá trình này đều được làm bằng tay nên giá trị của một chiếc chiếu cói không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn nằm ở sự tâm huyết, công sức của người lao động Việt Nam. Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, quá trình sản xuất chiếu cói đã có sự tham gia của máy móc giúp cho chất lượng, mẫu mã của sản phẩm đa dạng và phong phú hơn.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết! Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận