Tranh cãi trên báo chí 90 năm trước về việc Lịch sử Việt Nam có chế độ phong kiến hay không?

0
11

Khi nói tới lịch sử Việt Nam, người ta thường hay nói rằng nước chúng ta đã trải qua mấy ngàn năm phong kiến. Tuy nhiên ít người hiểu rõ định nghĩa chữ “phong kiến” là gì. Thậm chí chữ này còn được sử dụng tùy tiện để nói về một sự cố cựu, bảo thủ trong một gia đình nào đó, kiểu là: Ông bà nhà ta còn “phong kiến” lắm…

Đó là sự nhầm lẫn về khái niệm chế độ quân chủ phong kiến của Trung Hoa và chế độ quân chủ tập quyền trong lịch sử Việt Nam.

Không chỉ thời nay, mà từ 100 năm trước, đã có sự tranh cãi giữa những người trí thức trên mặt báo về việc “nước Việt Nam có chế độ phong kiến hay không”, khởi đầu bằng bài báo sau đây của học giả Phan Khôi đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn ngày 29/11/1934. Xin đăng lại nguyên vẹn văn phong thời đó:

Lâu nay thấy trên các báo chí có nhiều tác giả hay dùng đến hai chữ “phong kiến”. Đại khái như trong câu nầy: “Người mình chịu áp bách dưới chế độ phong kiến mấy ngàn năm”, hay như trong câu nầy: “Ngày nay chúng ta bắt đầu thoát ly khỏi chế độ phong kiến”.

Ấy là một sự lạ! Vì theo lịch sử nước ta, từ xưa đến nay chưa hề có chế độ phong kiến, thì người mình bởi đâu chịu nó áp bách, chúng ta ngày nay việc gì phải thoát ly?

Người mình có chịu áp bách, nhưng áp bách bởi cái gì kia; chúng ta rồi phải thoát ly, nhưng thoát ly cái gì kia, chớ đâu có phải cái chế độ phong kiến?

Vậy trước hết ta nên hỏi chế độ phong kiến là cái chế độ gì; rồi xét thử phải chăng nó từng nhiều lần hay lấy một lần còn có trên lịch sử chúng ta.

Đây tôi không rồi đâu nhắc lại các tầng thứ của sự tổ chức xã hội loài người theo như xã hội học; tôi chỉ cắt nghĩa cho biết thế nào gọi là phong kiến.

Trên lịch sử Á Đông vẫn có cái chế độ ấy. Đời xưa, cuộc phong kiến còn có trên lịch sử Trung Quốc đến hàng mấy ngàn năm.

Thuở trước, các bực bá giả khi chinh phục và thống nhứt được một nước rồi, lên ngôi vua, tự xưng là thiên tử, và phong cho các con, em, cháu, mỗi người một phần đất bởi trong nước ấy chia ra, cũng làm vua, mà gọi là chư hầu: ấy tức là cái chế độ phong kiến bắt đầu có.

Những vua chư hầu ấy chia ra đẳng cấp theo năm tước: công, hầu, bá, tử, nam; đất nước lớn hay nhỏ cũng tuỳ từng đẳng cấp mà có khác.

Lại không những con, em, cháu được phong mà cho đến các kẻ bề tôi có công cũng được phong: hạng trên kêu là những chư hầu đồng tánh (cùng họ), hạng dưới kêu là những chư hầu dị tánh (khác họ).

Hết thảy các nước chư hầu đều cai trị dân mình, hưởng huê lợi (tức là thuế) đất mình; nhưng mỗi năm phải theo lệ nạp cống phú cho thiên tử; và mọi việc lớn trong nước phải bẩm mạng cùng thiên tử; khi có giặc, chư hầu phải xuất binh giúp thiên tử mà đánh dẹp.

Nước ta có câu tục ngữ “Dùi đánh đục, đục đánh săng”, nếu mượn đem mà chú thích cho cái chế độ nầy thì đúng lắm: Theo chế độ phong kiến, thiên tử đè lên trên chư hầu, chư hầu đè lên trên bình dân, ấy là sự tự nhiên.

Cho nên trong sử hay ca tụng cái cảnh thái bình hồi đời phong kiến là phải lắm: Lúc bấy giờ bình dân bị cho đến hai cái sức mạnh đè lên, không cựa quậy nổi, không vùng vẫy nổi, thành ra trong xã hội được bình yên vô sự. Nhưng hạng bình dân thì thật khổ, khổ mà không ai biết cho.

Trong sử Tàu, trước Giáng sanh [trước công nguyên] vài ba ngàn năm, trong thời kỳ đó hầu hết thiệt hành cái chế độ phong kiến.

Trải qua Đường, Ngu, Hạ, Thương, Châu, ngót hai ngàn năm phong kiến mà đời sau cho là thuở thạnh trị có một không hai. Đến nhà Tần mới phá bỏ phép ấy, rồi sau đến nhà Hán lại phục lại, nhưng cách sắp đặt có khác xưa.

Trái với cái chế độ phong kiến là chế độ quận huyện. Nhà Tần làm theo chế độ quận huyện.

Quận huyện nghĩa là chia trong nước ra làm từng quận từng huyện, rồi thiên tử đặt quan ra cai trị chớ không đặt chư hầu. Làm thế này thì bình dân có dịp trực tiếp với thiên tử chớ không bị các vua chư hầu làm ngăn cách ra như phép phong kiến. Thế cũng đáng cho là một sự tấn bộ trong cách tổ chức vậy.

Cái chế độ phong kiến là thế, và đại ý của nó là thế. Nhưng xét xem trong lịch sử nước ta, cái chế độ ấy chưa hề thấy bao giờ.

Trong sử Ngoại kỷ nói vua vua Hùng Vương chia nước ra 15 bộ, nhưng cũng nói đặt quan cai trị, chớ không nói để phong con, em, cháu hay là bề tôi có công.

Kể từ Đinh, Lê về sau, nước ta mới thành lập hẳn một nước, song cũng chưa hề đặt ra hay noi theo cái chế độ phong kiến.

Triều thì chia nước ra từng lộ, triều thì chia nước ra từng xứ, triều thì chia nước ra từng trấn, triều thì chia nước ra từng tỉnh, nhưng thảy đều đặt quan cai trị, thay quyền trung ương mà thống ngự thần dân. Nói tóm một lời, nước ta từ hồi lập quốc về sau, sự tổ chức về chính trị theo lối quận huyện chớ không theo lối phong kiến.

Trải qua các triều vua, vẫn có dùng năm tước công, hầu, bá, tử, nam mà phong cho các bề tôi đồng tánh hoặc dị tánh, lại có phong đến tước vương nữa. Nhưng những người chịu phong tước ấy có danh mà không có thiệt, chẳng hề có ai được đất phong lớn, được hưởng cả huê lợi, được cai trị dân như các vua chư hầu đời xưa dưới chế độ phong kiến.

Đại để mỗi người được phong tước thì vua tuỳ từng đẳng cấp mà ban cho ruộng đất ít nhiều, gọi là “thái địa”. Thái địa ấy tự người được phong muốn chọn nơi nào thì chọn, và được truyền tử lưu tôn như đất tư của mình. Thái địa ít thì chừng mấy mẫu, nhiều thì chừng mấy chục mẫu, nhiều lắm cũng đến choán lấy mấy làng là cùng, chớ không khi nào được đến một tỉnh hay một trấn mà có thể làm một nước nhỏ được. Vả lại người được phong chỉ có quyền về thổ địa mà không có quyền về nhân dân ở trên thổ địa ấy; bao nhiêu người dân từ trước lập nghiệp trên thái địa cũng vẫn trực tiếp chịu quyền cai trị của nhà vua.

Coi như Lê Phụng Hiểu được phong hầu, vua truyền cho ông ta chọn lấy thái địa, ông xin trèo lên một hòn núi, cầm dao phóng xuống, dao rơi đến đâu thì ông nhận đất đến đó; rồi rốt lại, ông được một khoảnh đất chừng 50 mẫu, và ông ăn lấy thuế đó, mà trong sử người ta quen gọi là “thuế chước đao”. Đó là cái chứng cớ tỏ ra rằng nước ta từ xưa nhà vua có lấy đất phong cho công thần, nhưng phong một cách khác, chớ không theo chế độ phong kiến.

Chuyện gần đây là chuyện trào Nguyễn. Các ông thân vương vẫn được dùng một huyện mà phong cho, như ông Tùng Thiện vương, tức là ông được phong về huyện Tùng Thiện ở tỉnh Sơn Tây vậy. Dầu vậy, các ông ấy chỉ có cái danh vậy thôi, không phải ông Tùng Thiện vương được ra làm chúa cai trị huyện Tùng Thiện hay là đem cả thuế má huyện ấy mỗi năm nhập vào túi mình, vì ông vẫn ở tại kinh đô Huế trong thời đó và mỗi tháng cũng cứ lãnh lương trong kho Nội vụ.

Tôi biết ở miền tôi gần nay có một ông quan được phong tước tử. Ông chọn ngay sáu mẫu đất ở làng cạnh làng ông làm thái địa, rồi đất ấy lưu truyền đến đời cháu ông ngày nay còn hưởng thọ, coi như ruộng tư, chỉ không được đem bán cho ai.

Có phong tước, có thái địa, nhưng người được phong không hưởng các quyền cai trị dân chúng ở trong thái địa của mình: điều đó làm cho phân biệt với chế độ phong kiến. Bởi đó nói rằng nước ta xưa nay không có chế độ phong kiến, cái chế độ ấy chưa hề xuất hiện trên lịch sử xứ ta.

Thế thì các nhà xã hội học An Nam (?) làm sao lại nhắm mắt nói liều rằng “người mình chịu áp bách dưới chế độ phong kiến” hay là “chúng ta ngày nay bắt đầu thoát ly chế độ phong kiến” được?

Chế độ phong kiến ở bên Tàu có, ở bên Nhựt Bổn có, ở bên Tây có; song có thể nào lấy cớ mấy xứ ấy có chế độ phong kiến mà buộc cho xứ ta từ xưa cũng phải có chế độ phong kiến?

Trừ ra hai chữ “phong kiến” có nghĩa gì khác mà kẻ viết bài nầy chưa hiểu thì thôi; bằng chỉ có một nghĩa như đã giải trên kia thì nó chẳng có dịp nào dùng mà chỉ một cách tổ chức về chánh trị trong nước nầy về thời quá vãng hết, thật chẳng có dịp nào hết.

Ở trước mặt một người thuộc quốc sử mà bảo rằng nước ta từ xưa có chế độ phong kiến, người mình từng bị áp bách bởi nó, ngày nay mới bắt đầu thoát ly, thì phải cho phép người ấy trợn mắt rùng vai, lấy làm lạ một chút, mới là phải đạo công bình.

Nếu nói rằng chữ “phong kiến” nầy dùng theo nghĩa rộng: vua ở trên chia quyền cho các ông tổng đốc các tỉnh và cũng chia lợi cho nhau luôn, như thế cũng không khác gì cái chế độ đặt chư hầu bên Tàu thuở xưa, ‒ nếu nói vậy thì dùng chữ gì cũng được cả, ai còn cãi với ai làm gì cho phiền? Tôi tưởng, tốt hơn là, ta nghiên cứu xã hội học[3] ta theo nó, mà ta cũng phải để mắt tới quốc sử của ta. Không có lẽ nào câu chuyện xứ ta vốn không có mà bịa ra nói có, rồi cứ theo đó mà đi tìm cái kết luận ở trong mây mù khói ngút, không ai có thể kiểm soát lại được!

Như vậy, chiếu theo bài của Phan Khôi thì chế độ phong kiến vốn chỉ tồn tại ở Trung Hoa từ thời cổ đại, Tam Vương Ngũ Đế, rồi Xuân Thu, Chiến Quốc, tức các đời Đường (Đường Nghiêu, không phải thời nhà Đường của Lý Thế Dân), Ngu, Hạ, Thương, Chu thì mới gọi là phong kiến. Sau tới Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa về một mối thì thành chế độ quân chủ tập quyền, không còn là phong kiến nữa.

Chế độ phong kiến là hệ thống phi tập trung của chính quyền, giống như liên minh các lãnh thổ, mỗi lãnh thổ được cai trị bởi chư hầu (triều cống cho nhà vua). Đến thời Nhà Tần thì theo chế độ quận huyện, chia đất ra làm từng quận huyện do quan cai trị. Định nghĩa này cũng được các sử gia khác nói tới trước đó, như Trần Trọng Kim viết trong Việt Nam Sử Lược xuất bản từ năm 1920 như sau: “Nhà Tần thống nhất được thiên hạ, mới bỏ lệ phong kiến, lập ra quận huyện”.

Tuy nhiên, bài báo bên trên của Phan Khôi vấp phải sự phản đối của một số người, trong đó có bài của Nguyễn Văn Thới đăng trên báo Công Luận ngày 4/12/1934 (5 ngày sau bài của Phan Khôi), nói rằng nếu như chế độ phong kiến là có chư hầu, thì Việt Nam thời đó cũng là một chư hầu của các triều đại bên Tàu. Lập luận này của Nguyễn Văn Thới không chặt chẽ, vì theo Phan Khôi, các nước chư hầu phải nằm trong lãnh thổ của nước “thiên tử”, phải điều động quân đội theo lệnh của “thiên tử” khi có chiến sự, trong khi Việt Nam thời quân chủ có sự tự chủ và độc lập, không được vua bên Trung Quốc ban phát đất, cũng chưa bao giờ điều động binh lính theo lệnh của vua bên Tàu lần nào.

Sau đó không lâu, một học giả khác tham gia diễn đàn về “phong kiên” là ông Phan Văn Hùm (người thuộc Đệ tứ cộng sản, tác giả cuốn Vào Tù Khám Lớn, từng được đặt tên đường ở Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Thị Nghĩa), vợ của Pham Văn Hùm là cháu ngoại của Sương Nguyệt Anh). Ông đăng tới 10 kỳ trên báo Công Luận chủ đề “Phong kiến là gì”. Phan Văn Hùm không trực tiếp phản bác lập luận của Phan Khôi, mà chỉ đưa ra một định nghĩa khác về chế độ phong kiến để độc giả ngầm hiểu rằng Phan Khôi đã sai. Ông đã phân tích chế độ phong kiến dưới góc nhìn về quan hệ sản xuất, kinh tế, chính trị và xã hội dựa trên Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Karl Marx và Angels.

Trong nhiều kỳ báo đó, Phan Văn Hùm đưa ra nhiều lý lẽ, nhưng đại ý rằng “chư hầu” hay “thiên tử” chỉ là những khái niệm, và cần hiểu rộng ra rằng những quan lại, địa chủ trong thời quân chủ tập quyền cũng là một loại chư hầu của hoàng đế:

“Bấy giờ đất là đất của địa chủ, của chư hầu, của hoàng đế, mà đất kia lại là mạng sống của anh, nên anh phải phục tùng, phục tùng trọn đời (…) Cái chế độ phong kiến khốc hại này cần gì phải có vua, chúa, đế, hoàng phong tước cắt đất, mà nó được gọi là phong kiến…”

Cuối cùng, Phan Văn Hùm cho rằng “Phong kiến đẻ ra vua chứ không phải có vua rồi mới có phong kiến như Phan Khôi tiên sinh đã tưởng và viết trong Phụ Nữ Tân Văn”.

Một nhà Marxist học khác là Hải Triều đã viết bài mang tên “Trên lịch sử nước ta vẫn có chế độ phong kiến” (nhưng để tên tác giả là Phan Văn Hùm), đăng trên báo Công Luận ngày 3/1/1935, đưa ra những lập luận để phản bác Phan Khôi: “Ông giải thích phong kiến mà chỉ nói đến mặt chính trị mà không nói đến mặt kinh tế xã hội. Ông cho cái cai trị dân trong thái địa mới có phong kiến thì thật lầm quá. Cái điều kiện cai trị dân trong những thái địa chỉ là điều kiện phụ thuộc thôi”.

Hải Triều cũng dựa vào Chủ nghĩa duy vật lịch sử để giải thích 2 chữ “phong kiến” giống Phan Văn Hùm, đặt ra 2 vấn đề: điều kiện tồn tại chế độ phong kiến và nước ta có điều kiện đó hay không:

“Bao giờ trong xã hội có một cái quần chúng nông nô lãnh đất ruộng của một ông điền chủ về làm, rồi đem cái phần hoa lợi trong thửa ruộng mình lãnh đó để trả lại cho địa chủ, hoặc một cách khác, lãnh đất ruộng về làm rồi tự thân mình hay vợ con mình phải đến làm cho nhà chủ ruộng, hoặc cày đất của chủ ruộng lại cái đất lãnh, hoặc một cách khác nữa là lãnh đất rồi trả bằng tiền, bao giờ cái thể thức điền chế ấy còn, là còn có phong kiến”.

“Về mặt chính trị, dầu từng ông địa chủ một trực tiếp cai trị dân chúng trong thái địa của mình, hay tập quyền về nhà vua, chỉ là một nhà địa chủ lớn hơn cả, thì về mặt tính chất của chế độ phong kiến không có gì thay đổi cả”.

Như vậy, có thể nói dựa trên Chủ nghĩa duy vật biện chứng, Phan Văn Hùm và Hải Triều đã đưa ra một khái niệm khác đối với 2 chữ “phong kiến”, khác với phong kiến theo định nghĩa của Trần Trọng Kim trước đó. Sau loạt bài này, Phan Khôi không có bài nào đáp trả, có lẽ ông cũng ngầm hiểu rằng có một định nghĩa khác về phong kiến.

Thời gian sau này, người ta tái định nghĩa chữ phong kiến và được ghi trong Đại từ điển tiếng Việt xuất bản năm 2013 như sau:

Chế độ phong kiến: Hình thái xã hội kinh tế ra đời sau chế độ chiếm hữu nô lệ, trong đó giai cấp địa chủ và quý tộc chiếm hữu đất đai, bóc lột địa tô và chính quyền tập trung trong tay địa chủ, vua chúa”.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận